Những lời khuyên bổ ích của GS. Trần Phương (Phần thứ ba)

31 tháng 8 2013 lúc 10:39
Thực ra các em chưa hiểu cái nghề đó thôi. Chứ làm nghề kế toán chỉ làm thuê cho người ta, chứ làm gì có là chủ một công ty kế toán. Các em mới học ra làm sao họ thuê các em kế toán - kiểm toán được. Tài chính, ngân hàng cũng vậy. Cho nên có những nghề chỉ suốt đời đi làm thuê thôi. Có những nghề mới ra trường cũng làm chủ được. Ví dụ như nghề điện - điện tử, làm chủ cũng được, làm thuê cũng được. Ra trường, nếu không thích làm thuê, thì tự mở cửa hàng nhỏ chuyên lắp điện và sửa đồ điện tử cho thiên hạ. Nghề xây dựng, nghề kiến trúc sư cũng vậy: có nhiều việc và công việc đều đều. Cho nên các em phải nghĩ mai đây mình thích làm thuê hay thích làm chủ. Đó là vấn đề đấy! Và còn năng khiếu nữa? Có thật nghề đó hợp với năng khiếu của mình không? Cho nên, trường có những nghề rất đắt khách, thì các em nên chọn.
Có một hiện tượng là lâu nay rất ít em chọn nghề kỹ thuật, như công nghệ thông tin, cơ - điện tử, điện - điện tử, xây dựng, kiến trúc. Đất nước ta hàng chục năm nay không có vốn tích lũy, nên nhà nước không có tiền xây dựng nhà máy. 5 - 7 năm gần đây nước ngoài đầu tư nên mới có nhà máy lắp ráp điện - điện tử, mới làm ra máy tính. Các em thấy một năm chúng ta xuất khẩu đi hàng tỷ đôla hàng điện - điện tử, nhưng có phải là của Việt Nam đâu. Người Việt Nam chỉ lắp ráp thôi. Hãng Intel mở nhà máy ở Sài Gòn mà tất cả thế giới mua chip của họ để lắp ráp. Nhưng dẫu sao bây giờ người Việt Nam còn biết nghề điện - điện tử, chứ ngày trước không có. Bây giờ em nào học về điện - điện tử, cơ - điện tử, thì ngay tại Hà Nội, hãng Canon có mấy nhà máy, sẽ mời em đến ngay. Rồi ở Bắc Ninh có hãng Hồng Hải của Đài Loan, vừa rồi cũng tuyển 20 - 30 sinh viên của trường ta và họ cử đi học thạc sỹ ở Đài Loan miễn phí. Cho nên đừng quên đăng ký vào những ngành công nghệ, những ngành đang ngày càng trở nên quan trọng. Các em cứ chọn ngành  kế toán, tài chính, ngân hàng mãi, tôi e sau này thất nghiệp hoặc làm công việc sẽ phí sức của mình đi.
Một điều khác nữa: tôi khuyên các em nên học hai bằng. Nếu các em muốn học thành tài, trường này tạo điều kiện cho các em học hai bằng. Các em học tất cả các ngành đều  phải học 72 đvht. tiếng Anh. Nếu học thêm 5 - 6 chục đvht. tiếng Anh nữa, sẽ được cấp bằng cử nhân tiếng Anh. Nhưng với điều kiện học khá, nhà trường mới cho phép.
Học hết năm thứ hai, nếu học vào loại khá, nhà trường cho học hai bằng. Các em nên nhớ rằng có hai bằng thì vị trí của mình trong xã hội được tôn lên hẳn. Đặc biệt, nếu có bằng tiếng Anh và bằng chuyên ngành, thì đi đâu, người ta cũng rải chiếu hoa mời các em; mà lương thì gấp đôi, gấp ba. Học tài chính thì nên học thêm ngân hàng, bởi vì giữa hai ngành này có một số môn giống nhau, cho nên cố gắng phấn đấu để đạt được hai bằng sau bốn hoặc bốn năm rưỡi.
Điều thứ tư tôi muốn dặn các em là chống tiêu cực. Nhà trường này từ khi mới thành lập đã quy định cấm tặng quà cho thầy cô giáo, cấm tặng quà cho Hiệu trưởng, cấm tặng quà cho cán bộ, nhân viên nhà trường và cấm mua thầy bán điểm. Các em vi phạm điều này đều bị nhà trường thi hành kỷ luật. Các em thi hộ bạn hoặc nhờ bạn thi hộ thì tối thiểu phải đuổi một học kỳ hoặc không cho học nữa. Cho nên các em đừng bao giờ phạm vào lỗi đó.
Dùng phao trong thi cử là hành vi gian lận, đáng sỉ nhục. Dùng phao là văn hóa quá tồi tệ. Các em vào trường này phải bỏ cái văn hóa đó đi. Các phòng thi đều có camera ghi hình; nếu các em vi phạm, nhà trường sẽ không bỏ qua. Báo trước các em là cấm dùng phao, cấm gian lận, cấm đút lót, cấm mua thầy bán điểm. Thầy, cô giáo nào vi phạm, nếu phát hiện, sẽ bị đuổi việc.
Điều cuối cùng: học phí của trường tính theo đơn vị học trình. Khi thi không đạt, phải học lại, học phí học lại bao gồm cả tiền phạt đấy. Ở Đài Loan người ta còn phạt khi thi lại mỗi môn là 5 đôla. Trường ta mới phạt nhẹ, có tính răn đe thôi.
Còn tài liệu học tập, các em tự mua giáo trình, nhưng không nên tiết kiệm photocopy thu nhỏ lại, sẽ làm hại đến mắt của mình sau này.
Nhà trường có nhiều phương tiện để các em tự học. Không phải giờ học ở trên lớp, thì mời các em lên thư viện. Ở đó các em tha hồ đọc sách và truy cập thông tin, không mất tiền. Có đủ phương tiện cho các em học tập, nhưng điều quan trọng là các em có dùng không. Người ta nói mỹ miều là “lấy sinh viên làm trung tâm”, nhưng thực ra, học đại học chủ yếu là phải tự học. Nếu các em không học thì chẳng ai nhét được kiến thức vào đầu các em đâu!
Hôm nay nhân ngày khai giảng, tôi nhắc các em mấy điều đó thôi và mong rằng, các em mở đầu khóa học của mình một cách thành công và quyết tâm.
Chúc các em thành công!
(Hết)TRÍCH LẠI KD