Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Một cách làm sách của cụ Vương Hồng Sển

Trần Đắc Luân
Văn nghệ Công An
01:48' PM - Chủ nhật, 30/11/2014
Trong các "cây đại thụ" về văn hóa Nam Bộ, nếu kể ra, dù số đó là hàng chục hay hàng trăm, thì chắc chắn phải có 3 người: Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam...

Nếu xếp loại tác phẩm, cả 3 ông đều là các chuyên gia khảo cứu hàng đầu. Nhưng đi vào nội dung cụ thể, cụ Vương Hồng Sển khai thác đậm đặc văn hóa đô thị Sài Gòn giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, cụ Sơn Nam nghiêng nhiều về văn hóa phong tục, lịch sử. Cụ Nguyễn Hiến Lê nổi bật với các công trình biên khảo văn hóa - lịch sử Trung Quốc và mảng sách dạy làm người.
Sinh thời, giữa 3 nhà văn hóa lớn này có mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Cụ Sển coi cụ Lê như bạn đồng lứa, coi Sơn Nam như học trò lớp sau. Bản thân cụ Sơn Nam cũng kính cụ Vương như bậc thầy đức cao vọng trọng.
Vài năm gần đây, Nhà xuất bản Trẻ có chủ trương xuất bản một số di cảo tùy bút của cụ Vương Hồng Sển. Mới nhất là cuốn "Tùy bút năm Giáp Tuất - 1994".
Về khâu biên tập, anh Trần Ngọc Sinh, người được giao nhiệm vụ đã chọn cách làm rất riêng, hoàn toàn khác với cách biên tập trước nay của anh. Theo đó, ngoài những công đoạn chỉnh sửa chính tả, cắt bỏ những phần không phù hợp, loại bỏ một số bài, đoạn…, anh chủ ý giữ nguyên văn phong và lối viết trong bản thảo gốc.
Cách làm này gây bối rối với nhiều người, nhất là những người không phải cư dân Nam Bộ. Thậm chí có độc giả vì chưa hiểu mà phàn nàn, hình như người biên tập đã hơi "ẩu" trong công việc.
Về ngôn ngữ, cụ Vương Hồng Sển sử dụng nhiều tiếng cổ, nhiều lối nói ví von, thành ngữ, quán ngữ, phương ngữ không phổ thông. Những yếu tố đó trở thành rào cản ban đầu với độc giả, lắm khi ngay cả với chính độc giả trẻ Sài Gòn.
Văn cụ Sển là lối văn nói, nói sao cụ viết vậy. Do đó, có những câu rất dài dòng, rườm rà. Có những chuyện đã nói ở bài trước, bài sau lại nói lại như việc lỡ nhấp trộm ly cà phê của thầy giáo cũ, chuyện nhân viên chế bản làm hỏng tên cuốn sách "Tự vị tiếng nói miền Nam" của cụ thành "Tự vị tiếng Việt miền Nam", chuyện lý do viết để có tiền...v.v…Tất cả những đặc điểm đó trong bản thảo gốc, biên tập viên đã giữ lại với dụng ý: lưu giữ một chân dung con người văn hóa Nam Bộ Vương Hồng Sển nguyên vẹn nhất cho đời sau.
Theo anh Sinh, ngay trong cách viết dùng gạch nối giữa các chữ trong danh từ riêng hay các thực từ của cụ Sển cũng là cơ sở quý giá để giới nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt tìm hiểu, đối sánh.
Anh Sinh chia sẻ, vì không muốn gây gián cách với người đọc khi phải tra cứu chú thích quá nhiều nên anh đã không đưa vào các chú thích với những tiếng cổ, thành ngữ, quán ngữ không còn phổ biến của cụ Vương. Song giá như biên tập dành riêng phần giải đáp này ở phụ trương cuối sách thì cũng giúp ích rất nhiều cho những người còn xa lạ với văn hóa và ngôn ngữ Nam Bộ. Mà số độc giả này không hề nhỏ.
Cũng theo người biên tập, đọc sách của cụ Vương Hồng Sển, người ta nên đọc theo hệ thống để hiểu hơn tư tưởng cũng như lối đặt vấn đề của cụ. Dầu vậy, nhiều người vẫn đánh giá cuốn "Hậu Giang - Ba Thắc" của cụ có nhiều câu chuyện đặc sắc.
Dù thế nào thì khi đọc lại di cảo của cụ Vương Hồng Sển, độc giả vẫn phải tự bắc nối nhịp cầu về lại không gian văn hóa và thời gian lịch sử cụ viết ra tác phẩm. Sự đứt đoạn của bối cảnh thời đại là rào cản đáng kể, khiến việc đọc và hiểu cụ không đơn giản.

Bút tích cụ Vương Hồng Sển
Được biết, lúc sinh thời, cụ Sển có thói quen ghi chép cụ thể, tỉ mỉ như một nhà biên niên. Hàng ngày ăn gì, mua gì, làm gì, cụ đều ghi lại rõ ràng. Nhờ những cuốn nhật ký đó, người ta biết giá vàng, giá sinh hoạt, giá xe đò thời cụ sống như thế nào. Vậy nên trong cảm thức của mỗi người dân Nam Bộ, các tác phẩm di cảo của cụ giống như một bảo tàng phong phú, đậm đặc các sự kiện gắn kết xâu chuỗi của văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị ở thời đại cụ sống.
Giữ lại nguyên vẹn văn phong cụ Vương Hồng Sển, anh Trần Ngọc Sinh đã chọn một cách làm không giống ai, và cũng không giống với chính anh trước đó, bởi lòng trân trọng, thành kính với người đã mất. Và cũng bởi anh biết, những ai yêu cụ Sển đều muốn "gặp lại" cụ một cách gần nhất trên những trang di cảo được giữ gìn và bảo tồn theo cách ấy.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân

 Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận
Bà Đinh Thị Lệ Thanh (áo đỏ) - PCT UBND tỉnh Nghệ An có mặt tại các phiên họp và bà rất vui mừng khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Lệ Thanh).
Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Hồ sơ đề cử Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ.
Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận
Đoàn Việt Nam vui mừng khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Lê Thanh Phong).
Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê từ năm 2012 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng. Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Việc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới; là cơ hội quảng bá rộng rãi di sản này đến cộng đồng quốc tế.
Từ đó, đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo riêng.
Phát biểu trước toàn thể kỳ họp trong niềm hân hoan vui mừng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt nam bà Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: "Quyết định tại Kỳ họp thứ 9 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày".
Trả lời PV Đài TNVN, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ông Nguyễn Thiện bày tỏ niềm vui và tự hào đồng thời khẳng định tỉnh sẽ có chiến lược bảo tồn, phát huy và đặc biệt là truyền dạy cho các thế hệ trẻ để gìn giữ Dân ca Ví, Giặm nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện
Ông Nguyễn Thiện nói: "Đây là niềm vinh dự và tự hào chúng tôi sẽ có chiến lược và các kế hoạch với các nội dung cụ thể để phát huy thế mạnh của di sản, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tổ chức sưu tầm nghiên cứu, truyền dạy qua các sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tổ chức các liên hoan Ví Giặm các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ, chính quyền các cấp phải đầu tư kinh phí cùng với xã hội hóa để Dân ca Ví, Giặm mãi mãi trường tồn".
Theo VOV.vn

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Nấc cụt thông thường tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu và bất tiện cho người bị mắc. Trong trường hợp nấc cụt thông thường, thay vì chờ đợt cơn nấc cụt khó chịu tự qua đi, hãy áp dụng một số biện pháp sau để chữa khỏi.



Nấc cụt là triệu chứng thông thường hay xảy ra do sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành nằm giữa ngực và bụng, giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc thở.

Khi cơ hoành bị co thắt, dây âm thanh của bạn sẽ bị đóng lại rất nhanh gây ra âm thanh đặc biệt của nấc cụt.
Nấc cụt thông thường tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu và bất tiện cho người bị mắc. Có những trường hợp nấc cụt là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm như: viêm dạ dày - ruột, rối loạn tiêu hóa, ung thư phổi, suy thận tiến triển và viêm não.

Nếu bạn bị nấc cụt thường xuyên, tái diễn nhiều lần, kéo dài nhiều giờ một cách không bình thường, hãy đến cơ sở y tế để được tham vấn, chuẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp nấc cụt thông thường, thay vì chờ đợt cơn nấc cụt khó chịu tự qua đi, hãy áp dụng một số biện pháp sau để chữa:

- Uống nước liên tục, ngậm cục đá lạnh, nuốt nước bọt liên tục.
- Dùng hai ngón tay trỏ của hai bàn tay nhét chặt vào hai lỗ tai chừng nửa phút.
- Há miệng ra, bạn tìm lưỡi gà rồi dùng một muỗng cà phê nâng lưỡi gà lên vài lần.
- Nín thở trong vòng 2-3 giây. Lặp lại cho đến khi khỏi.
- Nuốt khô một muỗng cà phê đường. Nếu hiệu quả sẽ chặn đứng nấc cụt chỉ sau vài phút.
- Ngồi chồm hổm, tựa mạnh ngực trên hai đầu gối đến khi hết nấc thì thôi.
- Nếu bị nấc cụt nặng và áp dụng các biện pháp khác không khỏi, bạn hãy thử mẹo sau:

Nhai sống 1 miếng gừng rồi uống 1 thìa mật ong trước khi nuốt. Chỉ cần nuốt xong miếng gừng và mật ong đó là bạn sẽ khỏi nấc cụt.

http://soha.vn/song-khoe/nhung-meo-l...6144441275.htm
1. Ban Mê Thuột
ho-lak.jpg
Bình minh trên hồ Lắk, một trong những hồ nước nổi tiếng ở Tây Nguyên. Ảnh: Bimsu.
2. Pleiku
pleiku-1.jpg
Buổi chiều tuyệt đẹp trên hồ Đức An, một trong những điểm đến nổi tiếng ở thành phố Pleiku. Ảnh: Huấn Phan.


pleiku-2-4905-1416840797.jpg
Một góc hồ T'nưng ở Pleiku. Ảnh: Hải An.


Nhà thờ gỗ, một kiến trúc độc đáo của Kon Tum. Ảnh: Hải An.
Nhà thờ gỗ, một kiến trúc độc đáo của Kon Tum. Ảnh: Hải An.


da-lat-2.jpg
Đà Lạt luôn được du khách ưa thích nhờ những khung cảnh đẹp như tranh vẽ của mình. Ảnh:Bimsu.

da-lat-1.jpg
Nhìn từ trên cao, thành phố Đà Lạt như chốn 'bồng lai tiên cảnh'. Ảnh: Dương Kim Khang.

Hương Đồng Nội - Thảo nguyên nước Pháp
     
Oasis cafe - Châu Âu trong lòng phố
Oasis4-9681-1417063732.jpg
Không gian lãng mạn, yên bình bên trong quán. Ảnh: FB quán

Olive Cafe Lounge - khi giai điệu đánh thức tâm hồn
Olive-4002-1417063732.jpg
Những giai điệu nhẹ nhàng trong không gian quán ấm cúng là điểm mạnh của Olive. Ảnh: FB quán. 

Du Miên - Không gian đúng như tên gọi
Du-mien3-9631-1417063732.jpg
Du Miên nhẹ nhàng, ấn tượng. Ảnh: FB quán


huong11-6461-1417063732.jpg

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Cảm nhận triết lý tục ngữ, ca dao

Song Phan
Người Hà Nội
08:31' AM - Thứ sáu, 10/10/2014
Bà ngoại tôi 85 tuổi dương, cộng với 15 tuổi âm, tính cho đến nay cụ tròn một trăm tuổi. Sinh thời bà tôi không biết chữ, nhưng lại là một kho tàng ngạn ngữ ca dao như rất nhiều cụ già khác. Và bà rất ưa thanh sắc.Vì vậy khi cậu tôi lấy vợ bà cụ mủm mỉm cười, bảo: "Ra đường thấy vợ nhà người.Về nhà thấy cái nợ đời nhà ta".
Cậu tôi cũng gượng cười theo. Lại khi anh con nhà hàng xóm lấy vợ, nghe bảo vợ giàu. Giàu thì kín khó thấy, chỉ dễ thấy chị ấy gầy gò, mặt bủng, da chì, mắt lại có rất nhiều vết trắng. Bà tôi bảo: "Ở đời tham của thì thua. Của ăn thì hết, mà cái phỗng thờ vua hãy còn".
Ngày ấy tôi còn đang say mê học toán, nên chỉ thấy hay hay, và láng máng một dự cảm rằng đấy là bóng dáng của một thế giới mênh mông huyền bí. Bây giờ thì đã được… một cái năm mươi, học mót được đôi điều càng ngẫm càng thấy các giá trị không thể đo lường hết được của kho tàng vĩ đại là ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ...
Sau thời khoác áo lính tôi đam mê khoa học xã hội, vào Tổng hợp Sử, song lại được ưu tiên làm Triết. Trong tất cả các thứ không chuyên cấu thành sự hiểu biết thực tình là rất hạn hẹp của tôi, cái ít không chuyên hơn cả là lĩnh vực lịch sử tư tưởng. Rồi các sự tình nối tiếp nhau xảy ra, tôi lỗi cả phần đời lẫn phần đạo, cả tính cách, cả vốn sống, cả nghề nghiệp và tâm tưởng... tất cả những gì ở tôi nó cứ rối tung lên thành một món... "tả pí lù”. Tôi yêu cả cụ Ngô Tất Tố lẫn Lãng nhân Phùng Tất Đắc, tôi thích như nhau cả Thôi Hiệu lẫn Trần Tử Ngang, tôi mê như nhau cả Bà Huyện Thanh Quan lẫn Hồ Xuân Hương... nhưng trên tất cả tôi say mê ca dao, ngạn ngữ... Mê là mê vậy thôi, chứ nghiên cứu thì không dám... "Lưng vốn nhà cháu nó không được trường... các bác sĩ cho nhà cháu được mua lẻ chứ không dám mua sỉ”.
Cứ như thế, mỗi năm trời lại cho riêng tôi thêm một tuổi. Tôi nhớ bà ngoại, và trở lại với tục ngữ ca dao... kết quả ngày càng thêm... “Hắt xì! Sống khoẻ này! Sống lâu này! Cơm cá này! Cơm thịt này!". Rồi từ lúc nào chẳng rõ, tôi cũng hay nói như bà ngoại nói: "quá mù sang mưa", "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", hơn là nói "Đến điểm tột cùng của khoảng độ, thì sự thay đổi về lượng không còn thuần tuý là sự thay đối về lượng nữa, mà đồng thời gây ra sự thay đổi về chất”, triết học gọi thế là chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành sự thay đổi về chất gọi tắt là quy luật lượng-chất. Nói thế không biết có quá không.
Có người bảo, sức sống của một dân tộc và của một nền văn hoá được thể hiện rõ nhất là qua những cuộc chiến tranh. Người Việt Nam ta về mặt này cứ gọi là ... yên trí lớn. Nhưng có lẽ còn cần phải nói thêm về một thể hiện khác, đó là sự cọ sát với những nền văn hoá lạ. Trong văn hoá của ta có rất nhiều hình bóng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp... nhưng dẫu sao họ vẫn chỉ là khách kể cả khi khách thân gia chủ đến mức xuống bếp trông hộ nồi xôi! Khách dẫu có sang đến đâu, "nhập gia" cứ phải là"tuỳ tục". Cho nên thơ Đường trang trọng hia mũ đến mấy, về tay "Bà chúa thơ Nôm" lập tức mang dáng vẻ rất "hề gậy": "Một đèo, một đèo, lại một đèo. Khen ai khéo tác cảnh treo leo" Rõ là Ba Đội. "Đến nước Lào thì phải ăn mắm ngóe".
Triết lý trong tục ngữ, ca dao rất thông minh trong biết đủ biết dừng, đôi khi dừng rất hóm. Một trong những nguyên tắc của thẩm mỹ là biết dừng. Có thể gọi đó là một triết lý trong nghệ thuật hay là nghệ thuật... trong triết lý. Lột ra bằng hết thì còn hay hớm gì. Cho nên nói: "Người xinh cái nết cũng xinh. Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Là một lối nói thật hay, thật đủ. Cuộc đời vốn như vậy, khép mở, riêng chung… Cái “tỉnh tình tinh” là cái gì? Xin đừng biến nó thành một đề tài nghiên cứu khoa học. Nó là cái gì mà anh có thể nói chỉ riêng anh thôi, cảm nhận theo cách của anh, khác với lối cảm nhận ở người khác. Tại sao, lại bảo nó giòn, cũng thế. Không ai biến được nó thành một món nhắm rượu. Cho nên nó cứ là một ẩn số, nhờ thế mà nó làm linh mãi trên dòng đời của bao nhiêu thế hệ. Hiện thực không bị "vắt kiệt” thành một "bộ xương khô" mà giữ lại một đầm đìa đời sống. Nó vừa là tài liệu, vừa là nguyên lý, nó vừa khuyến cáo, vừa khoan dung, hàm chứa các cách nghĩ cách cảm khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Hiểu nó và vận dụng nó là tuỳ cảnh huống của mỗi thời, mỗi nơi, mỗi người. Bảo là "một giọt máu đào hơn ao nước lã” , "máu chảy đến đâu nuôi bầu đến đấy" thì đã đành, nhưng "bán anh em xa mua láng giềng gần" hay "người dưng có ngãi ta đãi người dưng, anh em không ngãi ta đừng anh em" thì cũng rất thuyết phục. Rằng "một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài"là cách lựa chọn của ai đó mà chưa ai dám bảo là dại, nhưng tha thiết ân tình đến độ “Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm sông hương mặc người" thì cũng rất thật mà lại rất lãng mạn, ối người vợ như thế "chứ còn gì ạ".
Theo một lối suy ngẫm nào đó, có thể coi những thể ngữ ca dao đọng lại cho đến bây giờ là kết quả của vô vàn những cuộc tuyển chọn, nên thường là những điều người hôm nay vẫn tâm đắc, gật gù, thấy chúng. nghiệm đúng với mình. Thế là chúng mang tính triết lý. Triết lý chẳng qua là những kinh nghiệm sống, nghiệm đúng nhiều trường hợp. Nghiệm đúng càng nhiều thì triết lý càng nâng cao. Ví dụ người Việt bảo "cha nào con ấy", thì người Pháp cũng nói "cha nào con ấy" (chỉ khác nói… bằng tiếng Pháp) bởi vì ở đâu cũng vậy, tâm hồn con trẻ là tờ giấy trắng mà dấu ấn gia đình được in lên. Ưu thế của triết lý dân gian là một triết lý có thể được phổ biến bằng nhiều cách, cách nào cũng vẫn "còn thịt”, có mùi vị của cuộc sống, quên câu này còn có thể nhớ câu kia. Cùng một nguyên lý “cha nào con ấy”, người ta còn nói “con ai mà chẳng giống cha, cháu nào mà chẳng giống bà giống ông", “giỏ nhà ai quai nhà nấy“, "trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu”... và chắc còn nhiều nữa.
Lại nữa, triết lý dân gian vì gắn với đời sống, nên bao gồm cả các vấn đề có ý nghĩa chung nhất của vũ trụ quan và nhân sinh quan, lẫn những vấn đề của những mảng sống hẹp hơn, có dân tộc này có thể không có ở dân tộc kia. Đúng ở vùng này nhưng không đúng ờ vùng khác như: “Thọ tỷ Nam sơn, phúc như Đông hải" chỉ có ở Trung Quốc, ai muốn mượn thì phải ghi chú, hoặc "Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Thuận bè, thuận bạn tát cạn biển Đông” thì chỉ có ở Việt Nam. "Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát, đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông” thì chắc hẳn không nẩy sinh ở đồng bằng Bắc Bộ... Thế mà vừa triết lý, vừa mô tả, thành ra người đọc không bị chán. Cung cách diễn đạt lại rất linh hoạt uyển chuyển, còn ghi đậm cấu trúc thẩm mỹ của cư dân, nên luôn có yếu tố lạ, mới, gây hiệu quả thẩm mỹ cho người ta và còn nhiều thế mạnh khác làm cho tuổi thọ của chúng rất dài.
Chúng ta còn có thể khảo sát tính triết lý trong tục ngữ, ca dao... theo các bình diện của đời sống: "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa" ngập bờ ao thuộc nhóm kinh nghiệm thời tiết: "Thâm đông tím bắc thì mưa. Khép mông nhọn đít là chưa có chồng” là cả thiên nhiên lẫn con người: "Lá rụng về cội”, "Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là mối liên hệ với cội nguồn trong đời sống nhân tính: "Anh em như chân tay. Vợ chồng như áo cởi ngay vứt liền", là một ứng xử của người chồng trước một cuộc cãi lộn chị dâu em chồng...
Chúng ta sẽ lần lượt đi từng ô, trong cả một vườn hoa mênh mông, cả về chủng loại hoa, lẫn độ lớn của khu vườn vô giá này.
Người Hà Nội

Tôi vẫn giữ được sự thưa thầy

Nguyễn Trần Bạt
Chủ tịch - Tổng giám đốc InvestConsult Group
 - Viết vì sự tiến bộ
09:15' PM - Thứ tư, 19/11/2014
Trong ký ức của ông Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Bạt, chỉ có những thầy cô giáo gợi cho ông những "sự cao thượng, sự cao quý đẹp đẽ của họ, đấy là tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh về trí tuệ, và sự chân thật". Nhưng trong đời mình, ông "rất sợ người khác gọi là thầy" vì ông "luôn luôn xem thầy là một cái gì đó rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm".
"Né" các thầy cô, nhưng không bao giờ cãi lại
Tôi có một lịch sử học vấn khá phức tạp. Như nhiều thanh niên khác, tôi đi qua tất cả các cấp của giáo dục phổ thông một cách bình thường, nhưng phải đi qua giáo dục đại học bằng nhiều hình thức, cả giáo dục chính thống, cả giáo dục chuyên tu và tại chức. Vì thế, tôi có rất nhiều ấn tượng về những người thầy. Từ khi còn bé cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, tôi luôn luôn là một học sinh cá biệt, nghịch ngợm, táo tợn, nhưng không phải là đứa trẻ hư. Theo các tiêu chuẩn thông thường của một nhà trường thì tôi là một học sinh cá biệt. Càng cá biệt bao nhiêu, sự va chạm với thầy càng dữ dội bấy nhiêu. Và vì thế, tôi rất nhớ các nguồn của kiến thức, của sự thức tỉnh và của các ấn tượng của tôi về nhà trường
Tôi nhớ hồi học lớp 1, lớp 2, có một cô giáo tên là Ngọc, bây giờ nếu còn sống bà cũng phải 80-90 tuổi rồi. Bà dạy chúng tôi vẽ. Một hôm bà mang một quả đu đủ đến để làm mẫu. Khi học vẽ thì người ta phải dùng bút chì để đo vẽ kích thước vật mẫu. Các bạn khác đo, còn tôi thì ngắm rồi lao cây bút chì như một mũi tên vào quả đu đủ. Hồi học cấp I, tôi có một thầy giáo rất nổi tiếng ở trường tên là Bái, ông là người nghiêm khắc vô cùng. Mỗi buổi sáng đến lớp chúng tôi phải nộp cho ông một cái thước kẻ. Ông luôn dùng cái thước kẻ chúng tôi đưa cho ông để đánh vào tay chúng tôi nếu chúng tôi nghịch ngợm. Và tôi là người bị đánh nhiều nhất trong lớp của ông. Với các thầy cô, tôi không những kính trọng mà còn yêu quý. Nếu tôi không tìm được sự yêu quý, có lẽ tôi không xây dựng được quan hệ đối với mọi người. Cho nên, tôi vừa kính trọng, vừa yêu quý các thầy, cô của tôi. Tôi chưa bao giờ cãi các thầy cô của tôi. Trốn thì có, tránh cũng có. Vì nghịch quá cho nên trông thấy các thầy, cô thì tôi "né", nhưng cãi thì không.

Có rất nhiều người trong số các thầy, cô của tôi đã mất rồi. Nhưng phải nói rằng ấn tượng chung nhất để lại cho tôi từ các thầy, cô giáo từ thời phổ thông là thế hệ của họ đẹp đẽ, cao quý và tài hoa lắm. Đấy là cái giai đoạn mà các thầy, các cô của tôi dạy tôi làm người, và vì là học sinh cá biệt nên mật độ các mối quan hệ dạy làm người đối với tôi càng lớn. Theo quan niệm của các thầy, các cô, các học sinh cá biệt cần phải được rèn luyện để có phong cách, tư cách chuẩn mực theo quan niệm của hệ thống giáo dục ở thế hệ của tôi. Và có lẽ đấy là thời điểm mà các thầy cô gợi cho tôi rất nhiều điều sau này khi trưởng thành tôi đã sử dụng và khai thác một cách thành công trong phạm vi của tôi.
"Em xin phép thầy về cưới vợ"
Tôi học đại học muộn hơn những người cùng tuổi khoảng 4 năm, bởi vì tôi đi bộ đội. Phải nói rằng, quân đội cũng là một nhà trường, đấy là một giai đoạn giáo dục nhân cách rất quan trọng. Tôi nhớ mãi vào lúc tôi mới ở tuổi 17, 18, khi tôi còn là lính, có một người làm chính trị viên trong đại đội của tôi một hôm gọi tôi ra bảo: "Bạt, nói gì mà nói lắm thế". Từ đó tôi mới sực tỉnh ra rằng nói lắm là một thói xấu.

Những khi máy bay địch bay đến bắn phá, rất nhiều chỉ huy của tôi nói với tôi rằng: "Thật ra, nhân cách cơ bản của con người thể hiện trong đời sống là lòng dũng cảm, sao trông thấy máy bay bắn mà mặt cậu lại tái nhợt đi thế". Sau đó tôi cũng không tái mặt như thế nữa, có lẽ do kinh nghiệm, có lẽ do thức tỉnh từ sự nhắc nhở như vậy về nhân cách và lòng dũng cảm. Sau này, khi làm nhiều việc khác, tôi hiểu rằng lòng dũng cảm quan trọng lắm. Cho nên, giai đoạn ở bộ đội cũng là giai đoạn tôi đi học, học lòng dũng cảm của con người trước các sự khủng hoảng của đời sống, trước các nguy khốn của đời sống.
Tôi là một người sống tự lập, rất ít khi tôi kêu cứu ai, kể cả bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không có nhiều may mắn lắm trong việc trợ giúp tôi khi tôi kêu cứu. Tôi phải tự lập từ nhỏ, vì thế cho nên tôi không kêu cứu, nhưng tôi biết sử dụng những sự trợ giúp hồn nhiên, vô tư của các thầy đối với mình. Tôi xin kể một ví dụ. Tôi cưới vợ vào những năm người Mỹ đánh bom ở Hà Nội. Trường của tôi lúc đó sơ tán ở trên Phúc Yên, Hương Canh, tôi nói với thầy giáo của tôi, một người khá nổi tiếng trong nghề, là giáo sư Lê Văn Thưởng rằng: "Em xin phép thầy về Hà Nội để cưới vợ".

Lúc bấy giờ Bộ Đại học có chủ trương sinh viên buộc phải sơ tán triệt để ra khỏi Hà Nội, thế mà tôi lại xin về Hà Nội để cưới vợ. Ông bảo tôi thế này: "Tớ không thể cho phép cậu về nhà cưới vợ được, nhưng tớ sẽ không cấm cậu về nhà lấy vợ". Lúc đấy tôi chừng 25, 26 tuổi, câu ấy với tôi khó hiểu lắm. Sau này tôi học được sự khôn ngoan ấy, tức là ông rất thông cảm với tôi chuyện cưới vợ, vì cưới vợ làm sao hoãn lại được. Nhưng ông không thể vi phạm kỷ luật của Bộ Đại học để cho một sinh viên về Hà Nội cưới vợ, vậy thì tôi phải tự động về, nếu có gì xảy ra thì tôi ráng phải chịu. Nhưng thầy dặn tôi "Phải hết sức cẩn thận cậu ạ".
Thầy trò chúng tôi là những người dày dạn trong chiến tranh, chúng tôi đi đảm bảo giao thông, chúng tôi không sợ chết, vì đạn bom ở chỗ các công trình ấy còn nhiều hơn ở Hà Nội. Ông và tôi, cả hai thầy trò đều hiểu hết: có về cũng không chết được. Ông yên tâm về việc tôi không chết được và ông để yên cho tôi về, nhưng ông không thể vi phạm luật của Bộ để cho phép tôi về. Sau này tôi ứng dụng kinh nghiệm ấy của ông cho rất nhiều việc. Tất cả sự khôn ngoan của những người thầy như vậy đi cùng với tôi trong tất cả các thành công của tôi. Đấy là sự trợ giúp quan trọng nhất và phổ biến nhất mà thầy có thể cung cấp cho trò.
"Thưa thầy", chứ không phải là "thưa Bộ trưởng"
Giai đoạn đại học là giai đoạn dễ nhớ nhất, bởi vì lúc ấy, ý thức của tôi đã phát triển tương đối đầy đủ để có thể có những ghi nhận có nội dung về quá trình giáo dục của mình. Hiện giờ, các giáo sư dạy đại học của tôi hầu hết vẫn còn sống. Tôi học khoa Cầu đường của trường Đại học Xây dựng, chủ nhiệm khoa của tôi là giáo sư Đặng Hữu, đã có thời kỳ làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư từ khi ông còn hàn vi, khi ba thế hệ trong gia đình ông còn ở trong một căn hộ khoảng hơn 20m2, chứ không phải sau này khi ông làm Bộ trưởng.
Trong những thầy giáo của tôi còn có giáo sư Đỗ Quốc Sam, sau này cũng có thời gian làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước. Tôi rất nhớ sự nho nhã của ông, sự khôn ngoan của ông khi ứng xử trong những tình huống khó, vừa với tư cách thủ trưởng, vừa với tư cách là cựu thầy giáo của tôi. Tôi giữ quan hệ với nhiều thầy giáo lắm. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư Lê Văn Thưởng từ khi tôi học ông năm 1967 cho đến bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông, không phải chỉ như một người thầy mà còn như một đồng nghiệp thân tình. Giáo sư Lê Văn Thưởng cũng ở trong căn buồng không đến 20m2. Sống trong điều kiện chật hẹp một cách khủng khiếp như vậy mà họ vẫn bám lấy khoa học.
Lúc bấy giờ giáo sư Đặng Hữu và giáo sư Lê Văn Thưởng không hề nghĩ rằng mình sẽ làm Bộ trưởng, sẽ làm Vụ trưởng hay được phong giáo sư. Vào những thời điểm ấy họ không có khái niệm về sự ưu đãi khi trở thành Bộ trưởng và họ không nghĩ là họ làm Bộ trưởng. Vậy cái gì làm cho họ trở thành Bộ trưởng? Cái gì làm cho họ gắn bó với khoa học? Có lẽ là tình yêu đối với khoa học của họ. Họ đã đi qua tất cả những giai đoạn hàn vi của con người, nếu không đủ nghị lực và phẩm hạnh thì họ không thể có tương lai, có sự nghiệp như vậy. Tôi quý trọng những người như vậy là vì tôi biết trên con đường đi đến thành công, họ phải đi qua những gì. Tất cả những quan sát ấy luôn luôn là nhiên liệu để tôi đốt cháy toàn bộ cảm hứng của tôi và tâm hồn tôi trong những lúc tôi cảm thấy khó khăn.
Bây giờ tôi không có những khó khăn cụ thể như 20-30 năm trước nữa, nhưng với tư cách là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu, tôi luôn luôn có những khó khăn khi vượt qua giới hạn của nhận thức. Những khó khăn đó nói ra không phải ai cũng hiểu, nhưng với tư cách là người nhận thức chuyên nghiệp thì chúng ta luôn phải vượt qua hàng ngày. Chúng ta thưởng thức những lẽ phải của Socrate, của Plato, của Kant... nhưng chúng ta phải biết rằng để có được những lẽ phải ấy, họ phải trèo núi hàng ngày, hàng giờ trong đời sống tinh thần. Đấy chính là lao động, là công lao, là cống hiến của họ đối với việc cung cấp các lẽ phải hàng ngày cho con người.
Tôi hết sức tự hào về các thầy của tôi, cả những thầy trở thành Bộ trưởng, cả những thầy không trở thành Bộ trưởng, những giáo sư như giáo sư Dương Ngọc Hải xắn quần đi đảm bảo giao thông, giáo sư Nguyễn Trâm ăn cơm cháy với công nhân cầu đường... Tôi chỉ có những thầy giáo gợi cho tôi những sự cao thượng, sự đẹp đẽ của họ, đấy là những tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh, về trí tuệ và sự chân thật. Đến bây giờ tôi vẫn giữ được quan hệ rất chân thật với các thầy của tôi, dù họ thành đạt đến đâu thì tôi vẫn xem họ là thầy. Tôi chưa bao giờ gọi những người đã dạy tôi, những người như giáo sư Đỗ Quốc Sam, giáo sư Đặng Hữu và nhiều giáo sư khác là "Thưa Bộ trưởng", mà tôi nói "Thưa thầy". Tôi vẫn giữ được sự "Thưa thầy" mặc dù từ khi tôi ra trường đến giờ đã hơn 30 năm.
Đạo lý thầy trò và "nguyên lý bình thông nhau"
Tôi nghĩ rằng, nếu một người không kính trọng những người thầy của mình thì những người xem anh ta là thầy sẽ không kính trọng anh ta và anh ta sẽ không thể hiểu được qui luật của quan hệ giữa những người có kiến thức, có kinh nghiệm với những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm hơn. Qui luật của truyền bá là qui luật hoàn toàn tự nhiên, nó tuân theo nguyên lý bình thông nhau, trí tuệ ở chỗ có thế năng lớn sẽ chảy xuống chỗ có thế năng thấp hơn, không có trường hợp nào trí tuệ chảy ngược lên cả, và ở chỗ nào người ta thấy trí tuệ chảy ngược lên thì ở đấy có khủng hoảng. Chúng ta phải luôn biết quan sát để tìm ra cái thời điểm khủng hoảng của đời sống xã hội khi thấy trí tuệ ở chỗ thấp có thế năng lớn hơn trí tuệ ở trên cao.
Một người thầy cũng như một người lãnh đạo cần phải xây dựng cho mình một thế năng, tức là một mức trí tuệ đủ để tạo ra dòng chảy của kiến thức và kinh nghiệm từ mình đến những người dưới quyền mình. Đấy là qui luật của sự phát triển. Nếu không có phẩm hạnh cao hơn, nếu không có trí tuệ cao hơn, không có tình yêu cao hơn thì anh không thể tạo ra dòng chảy từ mình đến những chỗ thấp hơn, không có cái gì để chảy đi và cũng không có cái gì chảy đến cả. Đấy là một thông điệp mà tôi muốn nói với thế hệ trẻ. Chúng ta buộc phải học, chúng ta phải đi tìm cái để học và đi tìm người để học. Chúng ta không may có một chỗ học mà không có quan hệ theo định luật bình thông nhau thì chúng ta buộc phải bù bằng cách đi tìm ở những chỗ mà qui luật ấy tồn tại. Nếu chúng ta không biết tự đi tìm để bù đắp sự thiếu hụt như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một người ngu dốt khi trưởng thành. Chúng ta phải chủ động bổ sung sự thiếu hụt trong quan hệ đào tạo nếu chúng ta không may buộc phải học ở chỗ mà qui luật ấy không được thoả mãn.
Thế hệ các thầy giáo của tôi là thế hệ phi kinh doanh. Trong các giáo sư dạy tôi không có giáo sư nào có kinh nghiệm kinh doanh cả. Đấy là một sự thiếu hụt của các thầy của tôi, cho nên, tôi phải đi học kinh doanh ở chỗ khác và tự học là chính. Tuy nhiên, kinh doanh không phải là tất cả các hoạt động của con người hay kiến thức kinh doanh không phải là tất cả sự thành đạt của một nhà kinh doanh. Cái mà tôi học được ở các thầy giáo của tôi sự trung thực khoa học, đấy là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra một nhà kinh doanh đứng đắn và thành công. Bởi vì, nếu không tư duy một cách trung thực và có chất lượng khoa học thì không thể kinh doanh được. Kinh doanh không phải là lừa đảo, không phải là dối trá. Kinh doanh là một khoa học. Là một người buôn bán chụp giật thì cần sự khôn ngoan, láu cá, nhưng là một nhà kinh doanh thực sự thì vô cùng cần sự trung thực khoa học. Các thầy giáo của tôi tạo cho tôi một sự trung thực khoa học. Đấy là trí tuệ quan trọng mà các thầy truyền cho tôi, mặc dù kiến thức của họ không liên quan trực tiếp đến kinh doanh.
Tôi luôn gọi người dậy tôi là thầy, nhưng tôi rất sợ những ai gọi tôi là thầy, bởi vì như vậy là người ta trao cho tôi một trách nhiệm. Tôi luôn luôn xem làm thầy là một việc rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm. Ai lặng lẽ quan sát tôi, lặng lẽ học tôi mà không gọi tôi là thầy là tôi thích nhất, vì họ không khoác cho tôi gánh nặng trách nhiệm tinh thần về cái mà họ quan sát được ở tôi...
Thu Lượng ghi
(Trang web của Trường Đại học GTVT tp. HCM)
Viết vì sự tiến bộ

Thư của một thầy giáo gửi học trò nhân ngày 20-11

Lê Thị Liên Hoan
Anh ninh thế giới cuối tháng
08:00' PM - Thứ năm, 20/11/2014
Tý thân yêu!
Thầy biết rằng giờ này em đang băn khoăn ghê gớm là sẽ làm gì vào ngày 20 - 11. Em muốn tới thăm nhà thầy nhưng không biết nói thế nào... Em muốn tặng thầy một món quà nhưng em có ít tiền... Bao nhiêu là cân nhắc ngổn ngang.
Sở dĩ thầy hiểu điều đó vì thầy cũng đã trải qua tất cả những tâm trạng ấy khi còn đi học. Suốt ngày 19 và 20, từng tốp trẻ em lùng sục ngoài phố, mò vào các cửa hàng lưu niệm, mua không biết bao nhiêu những bưu thiếp, những đồ vật xinh xắn, nho nhỏ giống hệt nhau nhưng ai cũng tưởng rằng mình đặc biệt.
Tuy vẫn tôn trọng những thứ đó, nhưng Tý ơi, thầy nói thật với em nếu mấy chục năm dạy học, thầy chất tất cả các món quà ấy trong phòng thì chắc chắn thầy đã ở trên nóc nhà từ lâu rồi, do nhà thầy rất bé.
Với tất cả lòng thành thật của mình, thầy có thể nói món quà quý nhất mà em mang lại cho thầy chính là khi em trở thành một con người tốt, sau khi học ở trường ra. Chắc Tý nghĩ câu này cũng không có gì đặc biệt, nhưng đã tới nhấn mạnh chẳng phải vậy đâu em ạ.
Tý thương yêu!
Ngay từ khi sinh ra hình như mọi thứ để em trở thành người tốt đã sẵn sàng: Đó là ở nhà thì nghe lời cha mẹ, tới trường thì nghe lời thầy cô. Lớn hơn chút nữa em biết ra đường phải nghe theo luật giao thông, ăn uống phái chấp hành luật vệ sinh, cư xử phải để ý tới thái độ của bạn bè, tuy không viết ra nhưng cũng coi như luật.
Rồi lớn lên thêm nữa, ra trường muốn thành bác sĩ em có quy định của Bộ Y tế, nếu là phóng viên em có luật báo chí, là nhà văn em có luật xuất bán, là đạo diễn em có luật điện ảnh... Thậm chí nếu không may, chả là gì hàng ngày em cũng phải tuân theo quy định gửi xe, quy định về vệ sinh dịch tễ hay phòng chống cháy nổ... và cụ thể nhất, khi đang học trong trướng của thầy, Tý thân yêu, em đang phải tuân theo nội quy vào lớp, nội quy làm bài kiểm tra, nội quy ngồi trong phòng học, nội quy mặc đồng phục của trường...
Tóm lại, Tý ơi, khi bước vào cuộc đời, em cũng bước vào hàng ngàn, hàng vạn các quy tắc mà xã hội đã soạn thảo sẵn, nhà trướng đã soạn thảo sẵn và thầy đã soạn thảo sẵn. Thầy cũng nói ngay rằng phần lớn các quy định đó rất hay, rất chính xác và rất hay thay đối, khiến suốt cả cuộc đời, em luôn luôn có dịp điều chỉnh mình.
Ngày 20 -11 là ngày của thầy cô. Sớ dĩ được gọi là thầy cô, vì những người đó đã chỉ bảo cho em một cách sống có giá trị.
Với tư cách người thầy mấy chục năm đứng trên bục giảng, thầy muốn nói với em điều này: Nếu chỉ biết, chỉ tuân thủ và chỉ sống theo tất cả các quy định thì em sẽ không bao giờ trở thành một con người đúng nghĩa!
Bởi vì các nguyên tắc, dù rất hoàn hảo, cũng chỉ cố gắng khiến em thích hợp với một số đông. Đặc biệt là nền giáo dục ở ta, luôn luôn đề cao vai trò của tập thể, của những người xung quanh và luôn nhắc nhở mọi người coi cái chung là quan trọng nhất.
Cho nên ngay từ thơ ấu, em luôn luôn được hiểu phải đặt mình dưới tập thể, em luôn luôn được khuyên khó khăn gì cũng tìm sức mạnh ở tập thể và nếu phải lựa chọn giữa suy nghĩ của em và suy nghĩ của đám đông thì em hãy bỏ qua mình.
Một triết lý giáo dục như thế không phải sai. Nó có nguyên nhân và hoàn cảnh của nó. Giáo dục, Tý ạ, đó là một khoa học, được hình thành trong sự phát triển của đời sống chúng ta. Đã bao năm nay chúng ta hiểu rằng chi có dựa vào nhau, tạo thành một khối liên kết, chúng ta mới đủ sức mạnh để chiến thắng trong nhiều lĩnh vực.
Quan niệm ấy hoàn toàn đúng, nhưng theo thầy nghĩ, vào đầu thế kỷ XXI này, có lẽ nhiều người đã hơi lạm dụng nó.
Tý ơi, em nên biết rằng dù có hằng trăm tỷ cá nhân sẽ và còn sinh ra trên trái đất, thì điều kỳ diệu nhất chính lại ở chỗ không người nào giống người nào.
Trò Tý của thầy là duy nhất, trò Tèo của thầy là duy nhất và trò Ngọc Bích, trò Ngọc Ngà của thầy nếu có, cũng là duy nhất:
Và xu hướng hôm nay là xu hướng đề cao, tôn trọng và phát huy những cái duy nhất đó. Một con người cũng có một địa chỉ email, một con người cũng có thể lập một trang website và một con người cũng có thể nói bằng máy tính cho cả thề giới cùng nghe.
Đã đến lúc, Tý thân, em nên được học hoặc tự học một môn vô cùng quan trọng là môn tôn trọng bản thân mình. Em phải biết quý những gì của riêng em, em phải biết làm những gì của riêng em, và em phái thấy đúng những cái đúng của riêng em.
Theo thầy, một xã hội phát triển là một xã hội mà mỗi cá nhân của nó cùng có nhiều sức mạnh khác nhau và tất cả các luật lệ, các quy tắc tiến bộ đều nên hướng tới mục tiêu làm cho mỗi cá nhân có cơ hội và có ý chí muốn nổi bật lên, chớ không phải ngược lại.
Được như thế, Tý thân yêu, ngay từ bây giờ, ngay từ phút này, chúng ta phải hành động bằng những chuyện nhỏ nhất. Chúng ta cần tôn trọng trẻ con, đặt chúng vào những môi trường độc lập, dạy cho chúng tự tìm ra quyết định chứ không phải chỉ chấp hành quyết định.
Chúng ta phải coi sự riêng tư của mỗi học sinh cũng thiêng liêng và đáng trân trọng như nhiều sự khác.
Đất nước Việt Nam của thầy và của Tý sẽ không bao giờ phát triển nếu những trẻ em của nó thiếu tự tin, nếu những học trò chỉ coi mình là một phần chứ không phải là một nhân tố hoàn chỉnh của xã hội, ngay từ rất sớm.
Nếu có thể nói với các em một điều gì, thì thầy chỉ muốn nhắc rằng đám đông cũng có thể cô độc và các điểm mười cho sự giống nhau cũng chính là điểm một cho sự sáng tạo. Em sẽ không khi nào trở thành một công dân xuất sắc nếu không tự tạo cho mình một phong cách độc lập, độc lập đến nỗi là duy nhất trong cuộc đời này.
Tý ơi, thầy không dạy em học, mà dạy cho em cách học, thầy không dạy em sống mà dạy cho em để sự sống không bị kìm hãm, không món quà nào tốt đẹp cho thầy bằng việc em lớn lên và trở thành một con người mạnh mẽ, có niềm kiêu hãnh về bản thân một cách đầy đủ và tự hào.
Anh ninh thế giới cuối tháng