Trong ký ức của ông Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Bạt, chỉ có những thầy cô giáo gợi cho ông những "sự cao thượng, sự cao quý đẹp đẽ của họ, đấy là tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh về trí tuệ, và sự chân thật". Nhưng trong đời mình, ông "rất sợ người khác gọi là thầy" vì ông "luôn luôn xem thầy là một cái gì đó rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm".
"Né" các thầy cô, nhưng không bao giờ cãi lại
Tôi có một lịch sử học vấn khá phức tạp. Như nhiều thanh niên khác, tôi đi qua tất cả các cấp của giáo dục phổ thông một cách bình thường, nhưng phải đi qua giáo dục đại học bằng nhiều hình thức, cả giáo dục chính thống, cả giáo dục chuyên tu và tại chức. Vì thế, tôi có rất nhiều ấn tượng về những người thầy. Từ khi còn bé cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, tôi luôn luôn là một học sinh cá biệt, nghịch ngợm, táo tợn, nhưng không phải là đứa trẻ hư. Theo các tiêu chuẩn thông thường của một nhà trường thì tôi là một học sinh cá biệt. Càng cá biệt bao nhiêu, sự va chạm với thầy càng dữ dội bấy nhiêu. Và vì thế, tôi rất nhớ các nguồn của kiến thức, của sự thức tỉnh và của các ấn tượng của tôi về nhà trường
Tôi nhớ hồi học lớp 1, lớp 2, có một cô giáo tên là Ngọc, bây giờ nếu còn sống bà cũng phải 80-90 tuổi rồi. Bà dạy chúng tôi vẽ. Một hôm bà mang một quả đu đủ đến để làm mẫu. Khi học vẽ thì người ta phải dùng bút chì để đo vẽ kích thước vật mẫu. Các bạn khác đo, còn tôi thì ngắm rồi lao cây bút chì như một mũi tên vào quả đu đủ. Hồi học cấp I, tôi có một thầy giáo rất nổi tiếng ở trường tên là Bái, ông là người nghiêm khắc vô cùng. Mỗi buổi sáng đến lớp chúng tôi phải nộp cho ông một cái thước kẻ. Ông luôn dùng cái thước kẻ chúng tôi đưa cho ông để đánh vào tay chúng tôi nếu chúng tôi nghịch ngợm. Và tôi là người bị đánh nhiều nhất trong lớp của ông. Với các thầy cô, tôi không những kính trọng mà còn yêu quý. Nếu tôi không tìm được sự yêu quý, có lẽ tôi không xây dựng được quan hệ đối với mọi người. Cho nên, tôi vừa kính trọng, vừa yêu quý các thầy, cô của tôi. Tôi chưa bao giờ cãi các thầy cô của tôi. Trốn thì có, tránh cũng có. Vì nghịch quá cho nên trông thấy các thầy, cô thì tôi "né", nhưng cãi thì không.
Có rất nhiều người trong số các thầy, cô của tôi đã mất rồi. Nhưng phải nói rằng ấn tượng chung nhất để lại cho tôi từ các thầy, cô giáo từ thời phổ thông là thế hệ của họ đẹp đẽ, cao quý và tài hoa lắm. Đấy là cái giai đoạn mà các thầy, các cô của tôi dạy tôi làm người, và vì là học sinh cá biệt nên mật độ các mối quan hệ dạy làm người đối với tôi càng lớn. Theo quan niệm của các thầy, các cô, các học sinh cá biệt cần phải được rèn luyện để có phong cách, tư cách chuẩn mực theo quan niệm của hệ thống giáo dục ở thế hệ của tôi. Và có lẽ đấy là thời điểm mà các thầy cô gợi cho tôi rất nhiều điều sau này khi trưởng thành tôi đã sử dụng và khai thác một cách thành công trong phạm vi của tôi.
"Em xin phép thầy về cưới vợ"
Tôi học đại học muộn hơn những người cùng tuổi khoảng 4 năm, bởi vì tôi đi bộ đội. Phải nói rằng, quân đội cũng là một nhà trường, đấy là một giai đoạn giáo dục nhân cách rất quan trọng. Tôi nhớ mãi vào lúc tôi mới ở tuổi 17, 18, khi tôi còn là lính, có một người làm chính trị viên trong đại đội của tôi một hôm gọi tôi ra bảo: "Bạt, nói gì mà nói lắm thế". Từ đó tôi mới sực tỉnh ra rằng nói lắm là một thói xấu.
Những khi máy bay địch bay đến bắn phá, rất nhiều chỉ huy của tôi nói với tôi rằng: "Thật ra, nhân cách cơ bản của con người thể hiện trong đời sống là lòng dũng cảm, sao trông thấy máy bay bắn mà mặt cậu lại tái nhợt đi thế". Sau đó tôi cũng không tái mặt như thế nữa, có lẽ do kinh nghiệm, có lẽ do thức tỉnh từ sự nhắc nhở như vậy về nhân cách và lòng dũng cảm. Sau này, khi làm nhiều việc khác, tôi hiểu rằng lòng dũng cảm quan trọng lắm. Cho nên, giai đoạn ở bộ đội cũng là giai đoạn tôi đi học, học lòng dũng cảm của con người trước các sự khủng hoảng của đời sống, trước các nguy khốn của đời sống.
Tôi là một người sống tự lập, rất ít khi tôi kêu cứu ai, kể cả bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không có nhiều may mắn lắm trong việc trợ giúp tôi khi tôi kêu cứu. Tôi phải tự lập từ nhỏ, vì thế cho nên tôi không kêu cứu, nhưng tôi biết sử dụng những sự trợ giúp hồn nhiên, vô tư của các thầy đối với mình. Tôi xin kể một ví dụ. Tôi cưới vợ vào những năm người Mỹ đánh bom ở Hà Nội. Trường của tôi lúc đó sơ tán ở trên Phúc Yên, Hương Canh, tôi nói với thầy giáo của tôi, một người khá nổi tiếng trong nghề, là giáo sư Lê Văn Thưởng rằng: "Em xin phép thầy về Hà Nội để cưới vợ".
Lúc bấy giờ Bộ Đại học có chủ trương sinh viên buộc phải sơ tán triệt để ra khỏi Hà Nội, thế mà tôi lại xin về Hà Nội để cưới vợ. Ông bảo tôi thế này: "Tớ không thể cho phép cậu về nhà cưới vợ được, nhưng tớ sẽ không cấm cậu về nhà lấy vợ". Lúc đấy tôi chừng 25, 26 tuổi, câu ấy với tôi khó hiểu lắm. Sau này tôi học được sự khôn ngoan ấy, tức là ông rất thông cảm với tôi chuyện cưới vợ, vì cưới vợ làm sao hoãn lại được. Nhưng ông không thể vi phạm kỷ luật của Bộ Đại học để cho một sinh viên về Hà Nội cưới vợ, vậy thì tôi phải tự động về, nếu có gì xảy ra thì tôi ráng phải chịu. Nhưng thầy dặn tôi "Phải hết sức cẩn thận cậu ạ".
Thầy trò chúng tôi là những người dày dạn trong chiến tranh, chúng tôi đi đảm bảo giao thông, chúng tôi không sợ chết, vì đạn bom ở chỗ các công trình ấy còn nhiều hơn ở Hà Nội. Ông và tôi, cả hai thầy trò đều hiểu hết: có về cũng không chết được. Ông yên tâm về việc tôi không chết được và ông để yên cho tôi về, nhưng ông không thể vi phạm luật của Bộ để cho phép tôi về. Sau này tôi ứng dụng kinh nghiệm ấy của ông cho rất nhiều việc. Tất cả sự khôn ngoan của những người thầy như vậy đi cùng với tôi trong tất cả các thành công của tôi. Đấy là sự trợ giúp quan trọng nhất và phổ biến nhất mà thầy có thể cung cấp cho trò.
"Thưa thầy", chứ không phải là "thưa Bộ trưởng"
Giai đoạn đại học là giai đoạn dễ nhớ nhất, bởi vì lúc ấy, ý thức của tôi đã phát triển tương đối đầy đủ để có thể có những ghi nhận có nội dung về quá trình giáo dục của mình. Hiện giờ, các giáo sư dạy đại học của tôi hầu hết vẫn còn sống. Tôi học khoa Cầu đường của trường Đại học Xây dựng, chủ nhiệm khoa của tôi là giáo sư Đặng Hữu, đã có thời kỳ làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư từ khi ông còn hàn vi, khi ba thế hệ trong gia đình ông còn ở trong một căn hộ khoảng hơn 20m2, chứ không phải sau này khi ông làm Bộ trưởng.
Trong những thầy giáo của tôi còn có giáo sư Đỗ Quốc Sam, sau này cũng có thời gian làm thủ trưởng của tôi với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng Cơ bản Nhà nước. Tôi rất nhớ sự nho nhã của ông, sự khôn ngoan của ông khi ứng xử trong những tình huống khó, vừa với tư cách thủ trưởng, vừa với tư cách là cựu thầy giáo của tôi. Tôi giữ quan hệ với nhiều thầy giáo lắm. Tôi vẫn giữ quan hệ với giáo sư Lê Văn Thưởng từ khi tôi học ông năm 1967 cho đến bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông, không phải chỉ như một người thầy mà còn như một đồng nghiệp thân tình. Giáo sư Lê Văn Thưởng cũng ở trong căn buồng không đến 20m2. Sống trong điều kiện chật hẹp một cách khủng khiếp như vậy mà họ vẫn bám lấy khoa học.
Lúc bấy giờ giáo sư Đặng Hữu và giáo sư Lê Văn Thưởng không hề nghĩ rằng mình sẽ làm Bộ trưởng, sẽ làm Vụ trưởng hay được phong giáo sư. Vào những thời điểm ấy họ không có khái niệm về sự ưu đãi khi trở thành Bộ trưởng và họ không nghĩ là họ làm Bộ trưởng. Vậy cái gì làm cho họ trở thành Bộ trưởng? Cái gì làm cho họ gắn bó với khoa học? Có lẽ là tình yêu đối với khoa học của họ. Họ đã đi qua tất cả những giai đoạn hàn vi của con người, nếu không đủ nghị lực và phẩm hạnh thì họ không thể có tương lai, có sự nghiệp như vậy. Tôi quý trọng những người như vậy là vì tôi biết trên con đường đi đến thành công, họ phải đi qua những gì. Tất cả những quan sát ấy luôn luôn là nhiên liệu để tôi đốt cháy toàn bộ cảm hứng của tôi và tâm hồn tôi trong những lúc tôi cảm thấy khó khăn.
Bây giờ tôi không có những khó khăn cụ thể như 20-30 năm trước nữa, nhưng với tư cách là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu, tôi luôn luôn có những khó khăn khi vượt qua giới hạn của nhận thức. Những khó khăn đó nói ra không phải ai cũng hiểu, nhưng với tư cách là người nhận thức chuyên nghiệp thì chúng ta luôn phải vượt qua hàng ngày. Chúng ta thưởng thức những lẽ phải của Socrate, của Plato, của Kant... nhưng chúng ta phải biết rằng để có được những lẽ phải ấy, họ phải trèo núi hàng ngày, hàng giờ trong đời sống tinh thần. Đấy chính là lao động, là công lao, là cống hiến của họ đối với việc cung cấp các lẽ phải hàng ngày cho con người.
Tôi hết sức tự hào về các thầy của tôi, cả những thầy trở thành Bộ trưởng, cả những thầy không trở thành Bộ trưởng, những giáo sư như giáo sư Dương Ngọc Hải xắn quần đi đảm bảo giao thông, giáo sư Nguyễn Trâm ăn cơm cháy với công nhân cầu đường... Tôi chỉ có những thầy giáo gợi cho tôi những sự cao thượng, sự đẹp đẽ của họ, đấy là những tấm gương gợi cho tôi về đức hạnh, về trí tuệ và sự chân thật. Đến bây giờ tôi vẫn giữ được quan hệ rất chân thật với các thầy của tôi, dù họ thành đạt đến đâu thì tôi vẫn xem họ là thầy. Tôi chưa bao giờ gọi những người đã dạy tôi, những người như giáo sư Đỗ Quốc Sam, giáo sư Đặng Hữu và nhiều giáo sư khác là "Thưa Bộ trưởng", mà tôi nói "Thưa thầy". Tôi vẫn giữ được sự "Thưa thầy" mặc dù từ khi tôi ra trường đến giờ đã hơn 30 năm.
Đạo lý thầy trò và "nguyên lý bình thông nhau"
Tôi nghĩ rằng, nếu một người không kính trọng những người thầy của mình thì những người xem anh ta là thầy sẽ không kính trọng anh ta và anh ta sẽ không thể hiểu được qui luật của quan hệ giữa những người có kiến thức, có kinh nghiệm với những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm hơn. Qui luật của truyền bá là qui luật hoàn toàn tự nhiên, nó tuân theo nguyên lý bình thông nhau, trí tuệ ở chỗ có thế năng lớn sẽ chảy xuống chỗ có thế năng thấp hơn, không có trường hợp nào trí tuệ chảy ngược lên cả, và ở chỗ nào người ta thấy trí tuệ chảy ngược lên thì ở đấy có khủng hoảng. Chúng ta phải luôn biết quan sát để tìm ra cái thời điểm khủng hoảng của đời sống xã hội khi thấy trí tuệ ở chỗ thấp có thế năng lớn hơn trí tuệ ở trên cao.
Một người thầy cũng như một người lãnh đạo cần phải xây dựng cho mình một thế năng, tức là một mức trí tuệ đủ để tạo ra dòng chảy của kiến thức và kinh nghiệm từ mình đến những người dưới quyền mình. Đấy là qui luật của sự phát triển. Nếu không có phẩm hạnh cao hơn, nếu không có trí tuệ cao hơn, không có tình yêu cao hơn thì anh không thể tạo ra dòng chảy từ mình đến những chỗ thấp hơn, không có cái gì để chảy đi và cũng không có cái gì chảy đến cả. Đấy là một thông điệp mà tôi muốn nói với thế hệ trẻ. Chúng ta buộc phải học, chúng ta phải đi tìm cái để học và đi tìm người để học. Chúng ta không may có một chỗ học mà không có quan hệ theo định luật bình thông nhau thì chúng ta buộc phải bù bằng cách đi tìm ở những chỗ mà qui luật ấy tồn tại. Nếu chúng ta không biết tự đi tìm để bù đắp sự thiếu hụt như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một người ngu dốt khi trưởng thành. Chúng ta phải chủ động bổ sung sự thiếu hụt trong quan hệ đào tạo nếu chúng ta không may buộc phải học ở chỗ mà qui luật ấy không được thoả mãn.
Thế hệ các thầy giáo của tôi là thế hệ phi kinh doanh. Trong các giáo sư dạy tôi không có giáo sư nào có kinh nghiệm kinh doanh cả. Đấy là một sự thiếu hụt của các thầy của tôi, cho nên, tôi phải đi học kinh doanh ở chỗ khác và tự học là chính. Tuy nhiên, kinh doanh không phải là tất cả các hoạt động của con người hay kiến thức kinh doanh không phải là tất cả sự thành đạt của một nhà kinh doanh. Cái mà tôi học được ở các thầy giáo của tôi sự trung thực khoa học, đấy là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra một nhà kinh doanh đứng đắn và thành công. Bởi vì, nếu không tư duy một cách trung thực và có chất lượng khoa học thì không thể kinh doanh được. Kinh doanh không phải là lừa đảo, không phải là dối trá. Kinh doanh là một khoa học. Là một người buôn bán chụp giật thì cần sự khôn ngoan, láu cá, nhưng là một nhà kinh doanh thực sự thì vô cùng cần sự trung thực khoa học. Các thầy giáo của tôi tạo cho tôi một sự trung thực khoa học. Đấy là trí tuệ quan trọng mà các thầy truyền cho tôi, mặc dù kiến thức của họ không liên quan trực tiếp đến kinh doanh.
Tôi luôn gọi người dậy tôi là thầy, nhưng tôi rất sợ những ai gọi tôi là thầy, bởi vì như vậy là người ta trao cho tôi một trách nhiệm. Tôi luôn luôn xem làm thầy là một việc rất nghiêm trang, rất cao quý và nặng nề trách nhiệm. Ai lặng lẽ quan sát tôi, lặng lẽ học tôi mà không gọi tôi là thầy là tôi thích nhất, vì họ không khoác cho tôi gánh nặng trách nhiệm tinh thần về cái mà họ quan sát được ở tôi...
Thu Lượng ghi
(Trang web của Trường Đại học GTVT tp. HCM)