- Khi hoàn thành đưa vào khai thác, cầu vượt ngã ba Huế, TP. Đà Nẵng sẽ xóa điểm đen TNGT tại nút giao giữa quốc lộ 1A và đường sắt. Ngoài ra, cầu phồn thực theo triết lý người Chăm còn thể hiện khát vọng sự hòa hợp âm dương để phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai…
Còn chưa đầy 1 tháng nữa, cây cầu vượt ngã ba Huế sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp 29/3 - ngày giải phóng TP. Đà Nẵng. Đây là cây cầu vượt lớn nhất nước nằm trên quốc lộ 1A, cửa ngõ vào TP. Đà Nẵng. Nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt từ mấy chục năm nay, là điểm đen TNGT.
|
Cây cầu phồn thực được thiết kế xây dựng theo văn hóa Chăm |
Dẫn chúng tôi đi thực tế, kỹ sư trẻ Nguyễn Duy Hoàng giải thích vì sao cây cầu vượt 3 tầng này có tên gọi khác là cầu phồn thực: thiết kế cây cầu lấy ý tưởng từ văn hóa Chăm dựa trên hình tượng Linga và Yoni trong điêu khắc Chăm, tượng trưng cho sự hợp nhất của âm dương, sự sáng tạo và phát triển…
Trụ tháp hình Linga cao 65 m tượng trưng cho dương, còn hình vòng xuyến là Yoni tượng trưng cho âm. Âm dương hòa hợp sẽ phát triển bền vững.
Kỹ sư Hoàng nói đây là cầu vượt lớn nhất nước mà những người trẻ như anh được vinh dự và may mắn góp chút công sức xây dựng nên.
“Nếu so sánh với những cây cầu vượt xây dựng trên cả nước như cầu vượt Thủ Thiêm (TP.HCM) được đầu tư 1.450 tỷ đồng. Cầu vượt ngã tư Sở (Hà Nội): 1.139,6 tỷ đồng. Cầu vượt Đà Xã Tắc 766 tỷ đồng thì cầu vượt ngã ba Huế đầu tư nguồn vốn lớn nhất với hơn 1.691 tỷ đồng và đây là cầu vượt 3 tầng đầu tiên của Việt Nam” - anh Hoàng nói.
|
Kỹ sư Nguyễn Duy Hoàng tự hào giới thiệu về cây cầu sẽ "ra mặt" vào ngày 29/3 tới đây. |
|
Đây là cây cầu 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam |
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, tổng chỉ huy ngày đêm ăn ngủ tại công trường bổ sung thêm, suốt hơn 640 ngày đêm, các kỹ sư, công nhân tham gia dự án đã làm 3 ca bất kể nắng mưa để cây cầu vượt có qui mô lớn nhất Việt Nam này sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng ngày.
Theo ông Tiến, thời gian thi công cầu vượt phải mất ít nhất từ 30-48 tháng. Với qui mô và thiết kế phức tạp, nằm giữa 3 quận đông đúc dân cư là Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu và ngay điểm giao nhau giữa quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam, địa chất phức tạp. Nhưng chỉ sau thời gian 18 tháng kể từ ngày khởi công, nghĩa là chỉ bằng hơn 1 nửa thời gian cây cầu đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng…
Kỹ sư Nguyễn Duy Hoàng cho biết, toàn bộ cây cầu có tổng cộng 491 cọc khoan nhồi. Cây cầu được thiết kế chịu đựng động đất cấp 8. Với 50 nhịp, bình quân mỗi nhịp 40 m, thì tổng chiều dài của cầu vượt này khoảng hơn 2 km. Ngay trên đỉnh tháp cầu được lắp đặt các thiết bị quan trắc về gió, động đất, rung chấn và hệ thống giám sát giao thông cũng như các máy móc theo dõi “sức khỏe” của cây cầu.
|
Các hạng mục chính đã hoàn thành, phần còn lại là thảm nhựa, lắp đặt lan can, thiết bị quan sát cầu, cây xanh…sẽ được hoàn tất trong vòng chưa tới 1 tháng. |
|
Hiện đơn vị thi công đang chạy đua nước rút để sớm hoàn thành đúng vào dịp 29-3 ngày giải phóng TP. Đà Nẵng |
|
Chiếc cầu Phồn thực đang hiện diện từng ngày |
|
Mô hình dự án sau khi hoàn thiện |
Số liệu thống kê của Ban an toàn giao thông TP. Đà Nẵng, từ mấy chục năm qua, số vụ tai nạn tại điểm giao nhau ngã 3 Huế chiếm 50% số vụ TNGT trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Tính bình quân mỗi ngày có hơn 30 lượt tàu, 4.000 lượt ô tô, 8.000 lượt xe máy lưu thông qua nút giao thông ngã ba Huế. Khi chưa có cầu vượt, người tham gia giao thông khi đi từ Hòa Khánh xuống trung tâm thành phố khoảng cách 15km nhưng mất 20-30 phút chưa kể thời điểm kẹt xe. Nhưng khi cầu đưa vào khai thác sử dụng thì thời gian lưu thông được rút ngắn xuống còn khoảng 10 phút và sẽ xóa điểm đen tai nạn tại đây..
Kỹ sư Hoàng cho biết thêm, dưới gầm cầu, đơn vị thi công sẽ xây dựng một công viên cây xanh và đường đi bộ cùng một hệ thống cầu vượt đường sắt dành cho người đi bộ. Chắc chắn đến ngày 29/3, trước mắt người dân TP. Đà Nẵng cũng như du khách đến thành phố này cây cầu phồn thực sẽ hiện diện với vẻ đẹp như mơ ước và sẽ là công trình điểm nhấn của thành phố xinh đẹp này.
Vũ Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét