Giáo dục: Giữa tự do và cưỡng bách
Bùi Văn Nam Sơn - Tia Sáng - 19/ 06/ 2014
Xin ôn lại nhận định cơ bản của Kant: "Một trong những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục là làm sao hợp nhất việc con người vừa phải phục tùng sự cưỡng bách, vừa có năng lực sử dụng sự tự do của mình (...).
Không làm được điều này, tất cả sẽ trở nên "máy móc", và người học ra trường không biết cách dùng sự tự do. Cần phải sớm cảm nhận sự đề kháng không tránh khỏi của xã hội để thấy hết sự khó khăn của việc giữ mình được độc lập". Đề án chi tiết trong học thuyết giáo dục khai minh của Kant chủ yếu xoay quanh vấn đề cơ bản ấy.
Đáng chú ý là những ý kiến và giải pháp của ông đối với mọi loại người và mọi lứa tuổi.
VUN BỒI Ý THỨC TỰ DO TỪ LÚC ẤU THƠ
Đồng ý với Rousseau, theo Kant, nên hiểu trẻ em theo lứa tuổi, chứ không nên đánh giá quá cao hay quá thấp về trẻ em nói chung. "Đứa bé chỉ cần thông minh, lanh lợi như một... đứa bé!". "Đừng làm cho đứa bé sợ hãi", nhưng đồng thời "không việc gì phải làm hài lòng nó, nếu nó không làm hài lòng ta". Một cách đối xử sòng phẳng là bước đầu của ý thức về tự do và trách nhiệm: "Hết sức nguy hiểm nếu tập cho trẻ em thói quen xem mọi chuyện chỉ là trò chơi", mặc dù việc chơi đùa là cần thiết biết bao!
Vậy, làm sao để giúp cho trẻ em sớm tiếp thu một chuyện thoạt nghe rất là đại sự, đó là: "lý tính khai minh phổ quát vì nền... hòa bình nhân loại"?
Không gì khác hơn là giải quyết vấn đề: sử dụng tự do cá nhân và cảm nhận "sự đề kháng không tránh khỏi của xã hội" buộc ta phải tuân thủ bao nhiêu thứ luật lệ, Không ý thức điều ấy từ sớm, sẽ không thấy sự khó khăn của việc bảo vệ tự do và độc lập. Kant nêu ba quy tắc sư phạm giúp tăng tiến ý thức tự do:
1. Trẻ em được tha hồ hưởng mọi tự do từ tấm bé, miễn không gây nguy hiểm cho bản thân (ví dụ chơi với vật bén nhọn...) và không cản trở người khác cũng được tự do;
2. Trẻ em cần hiểu rằng nó chỉ có thể đạt được điều nó mong muốn nếu cũng để cho người khác đạt được sự mong muốn của họ;
3. Trẻ em dần dần nhận ra rằng việc nó phải tuân thủ một số kỷ luật là để giúp nó sớm được hưởng tự do, nghĩa là không còn phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Đặc biệt, nền giáo dục công cộng (ngoài phạm vi gia đình) tuyệt nhiên không được dành bất kỳ sự biệt đãi hay đặc quyền nào cho trẻ em con nhà giàu hay quyền thế, nếu không muốn tạo ra những người công dân tồi tệ và thối nát trong tương lai.
Làm việc và chơi đùa là biểu hiện khác của cưỡng bách và tự do. Con người là sinh vật duy nhất phải làm việc, đồng thời không bao giờ ngừng vui đùa, nghĩa là không bao giờ ngừng là trẻ em. Thay vì cưỡi con ngựa gỗ, họ cưỡi con ngựa thật "rong chơi ngoài ngõ liễu" mà thôi! Nhưng, Adam và Eva sở dĩ rời khỏi vườn địa đàng có khi chỉ vì chơi mãi cũng chán! Vì thế, sự nghỉ ngơi, vui đùa chỉ "sướng" nhất là sau khi đã làm việc.
Nhà trường, theo Kant, chính là nơi tập làm việc. Chỉ có điều, luôn hỏi và giúp trẻ em tự hỏi và trả lời: làm việc này để làm gì? Tại sao làm? Giáo dục bao giờ cũng ít nhiều mang tính cưỡng bách, nhưng không thể để biến thành công việc khổ sai, nô lệ, vô ý thức.
TRẺ NGƯỜI NHƯNG KHÔNG NON DẠ
Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, điều hệ trọng bậc nhất, theo Kant, là xây đắp và bảo vệ tinh thần phê phán và khả năng tự đề kháng, độc lập tư duy và tự do học thuật, hướng đến nền giáo dục nhân bản và khoan dung để "làm công dân thế giới".
Trước hết là ngăn ngừa lối mòn của tư duy giáo điều, biệt phái. Kant viết trong tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy trứ danh: "Thật là phi lý khi muốn nhờ lý trí mang lại sự khai minh, mà ngay từ đầu, các bạn lại bắt buộc nó phải nhất thiết đứng về một phía do các bạn quyết định". Do đó, "hãy để yên cho mỗi nhà tư tưởng đi riêng con đường của họ, hãy để cho họ thể hiện hết tài năng, để họ minh chứng các tư tưởng thâm trầm và mới mẻ (...), và như vậy, rút cục, chỉ có lý trí bao giờ cũng là người thắng cuộc".
Ông đặt câu hỏi: "phải chăng ta cần khuyến cáo các bạn trẻ tránh xa các tác phẩm ấy, ngăn cản không cho họ biết được lập trường nguy hiểm này bao lâu ta cho rằng phán đoán của họ chưa đủ vững vàng và học thuyết ta muốn nhồi nhét cho họ chưa đủ bám rễ sâu trong trí não?" Rồi ông tự trả lời: "Nếu bản thân ta tiếp tục đứng mãi trong tư duy giáo điều, thì có lẽ trước mắt chỉ có hạ sách ấy thôi.
Nhưng về lâu dài, không gì vô lý và kém hiệu quả hơn bằng việc muốn giữ mãi tinh thần của thanh niên dưới sự giám hộ càng lâu càng tốt. Vì, sớm muộn họ cũng sẽ tiếp cận các tác phẩm trên và liệu họ có giữ vững niềm tin thời trai trẻ? Những thanh niên không được trang bị gì khác ngoài những vũ khí giáo điều, không thể phát hiện được sự sai lầm tiềm tàng ngay trong những quan điểm của chính mình cũng như của đối phương, ắt sẽ nghi ngờ và bất mãn rằng trước đây những người lớn đã lợi dụng lòng ngây thơ, cả tin của họ".
Và, do chỉ quen với lối tư duy giáo điều, họ lại tiếp tục rơi vào lẩn quẩn không lối thoát ấy. Ông đề nghị: "Do đó, trong giáo dục, người ta nên đi con đường hoàn toàn ngược lại. Điều kiện tiên quyết là hãy huấn luyện thuần thục cho thanh niên tinh thần và phương pháp phê phán lý tính". Tinh thần và phương pháp phê phán lý tính không gì khác hơn là làm mất khả năng gây ảo tưởng của mọi lập luận giáo điều bất kể từ đâu tới".
"DỌN MÌNH"
Vượt bỏ ảo tưởng giáo điều là điều kiện căn bản cho sự tăng tiến về nhận thức lý thuyết. Rồi, bằng khả năng phân tích, so sánh những hành vi một cách tỉnh táo, không định kiến, con người tự vun bồi năng lực hành động đạo đức. Thêm vào đó, rèn luyện năng lực phán đoán vô vị lợi trong lĩnh vực thẩm mỹ, con người "dọn mình" để cảm thụ cái đẹp và cái cao cả trong tự nhiên và nghệ thuật. Tất cả những điều ấy mở rộng chân trời của con người, chuẩn bị cho họ làm người "công dân thế giới" với đầy đủ sự tự trị và chủ quyền.
Theo Kant, đó là viễn tượng của "lịch sử phổ quát" của nhân loại trong một nền "hòa bình vĩnh cửu" mà mục đích tối cao là phát huy hết "mọi tiềm lực của con người". Phải chăng đó là một giấc mơ? Tất nhiên, nhưng, theo Kant, đó cũng là một vấn đề đặt ra cho "nhân loại" như một nghĩa vụ.
Tóm lại, môn học "tư duy phản biện" và "khoa học luận" đang thịnh hành ngày nay, đó là chưa nói đến Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (xem việc hài hòa các mục đích trong tự do và hòa bình là sứ mệnh trung tâm của giáo dục) chịu ơn Kant rất nhiều, và không phải chỉ có thế...
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 21, 19.06.2014)
Ảnh: Sưu tầm
  • 10 người thích điều này.
  • Luu Hongluu