Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Thêm một!
(Dân trí) - Bình một bài thơ liệu có “lạc đề” đối với chuyên mục Diễn đàn nhưng…với một bài thơ hay, lời bình cũng hay, lại rơi vào ngày thứ 7, thì cũng nên chấp nhận sự …ngoại lệ vì điều đó đem lại hứng thú và thư giãn cho bạn đọc!
Mặc dù đã đi xa nhưng tên tuổi nhà thơ, nhà báo kiêm nhà giáo Trần Hoà Bình còn ở lại trong lòng bạn đọc nhờ Anh đã để bài thơ “Thêm một” dưới đây:

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một - lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một - phiền toái thay

Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Thêm một chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc

Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi

Nhận thêm một thiếp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết

Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay
    
Bài thơ giản dị, hài hước mà sâu sắc đã có mặt hầu khắp các tuyển thơ tình, trong sổ tay, và trong trí nhớ của bao bạn trẻ. Giọng thơ chiêm nghiệm, gợi mở bao điều. Thì ra lâu nay ta cứ hay để ý đến những chuyện to tát mà quên mất mọi cái vĩ đại đều được tạo nên bởi những cái nhỏ nhoi. Trong “Truyện Kiều” có rất nhiều “chút”: chút lòng, chút phận, chút ước,… đã làm nên tầm vóc vĩ đại của kiệt tác.
Ở đời, nhiều khi chỉ thêm một bước chân, đã bước sang bờ “bên kia”, hay “thế giới bên kia”…Nghe các tay anh chị đe doạ nhau “Nếu mày nói thêm một tiếng nữa…thì…”. Thêm một roi, có thể cha mẹ, thầy cô đã đi quá giới hạn của răn đe

Chuyện kể rằng, có anh nhà giàu nọ tham lam bắt con lừa chở quá nặng đi dưới trời nắng to. Anh ta cởi luôn áo vắt lên lưng con lừa, và đúng lúc đó, nó ngã lăn ra. Chiếc áo, dù rất nhẹ, cũng đã khiến con lừa không thể chịu đựng thêm được nữa.

Triết học có quy luật “lượng đổi chất đổi”, tưởng đâu khô khan, xa vời mà gần gũi, sống động trong mỗi bữa ăn, hơi thở.

Không biết người Việt biết bắt tay nhau từ khi nào, chứ bây giờ người ta bắt tay nhau rất nhiều. Hai bàn tay nắm vào nhau, xiết chặt một chút, là người nhiệt tâm, chân tình; lỏng đi một chút, thành kẻ hững hờ, nhạt nhẽo. Nhưng nếu xiết chặt quá, khiến người phụ nữ phải kêu lên, bạn sẽ bị xếp vào hạng những kẻ thô lỗ.



1 ly, hay 1 phần mười điểm, nào có đáng gì. Nhưng người tốt nghiệp ĐH tổng kết 7,9 điểm, chỉ xếp loại khá, lẫn trong đám đông tầm thường, nhạt nhẽo; người kia hơn 1 ly, đã cầm tấm bằng Đỏ, ưu hạng, đã bước sang bờ của “nhân tài”, được chú ý, ca ngợi, được trải thảm đỏ, ưu ái đón mời. Các vận động viên đua xe đạp, chạy nước rút, chỉ hơn nhau một vành bánh xe, hay nửa bước chân, mà kẻ thì vô địch vinh quang, người về nhì ngậm ngùi. 

Thêm một chén rượu, thế là say khướt. Rang lạc, nấu cơm, già lửa một chút thành cháy, không ăn được, non lửa một chút, thành nhão, sống, không ngon. Đèn đỏ, xe đi quá một chút, bị công an phạt. Đi tàu, chỉ chậm một chút, nhỡ cả chuyến tàu. Làm xiếc, lái xe, lơi lỏng một chút, trả giá bằng sinh mạng. Làm quan, dễ dãi một chút, đánh mất thanh danh. 

Ăn mặc “thoáng” một chút, đủ để làm duyên. Thêm một chút nữa, hoá lẳng lơ, suồng sã. Có ai đó đã nói nếu mũi nàng Cleopatra dài thêm chút nữa, cục diện thế giới sẽ thay đổi! 

Một chút, nhiều khi quá tầm thường, nhỏ nhoi, không ai để ý. Nhưng có khi chỉ một chút thôi, mà mãi mãi là mơ ước xa vời. Có những người vợ được chồng thương yêu chiều chuộng, có thể chị ta sẽ cảm thấy điều đó là bình thường, đương nhiên. Nhưng cũng có những người phụ nữ than thở: “Tôi chỉ mong chồng tôi thương yêu tôi một chút thôi, cũng đã hạnh phúc lắm rồi”.

Một chút, sao khó thế!
                                     
Trần Quang Đại
                                          (Hà Tĩnh)

LTS Dân trí - Chỉ một bài thơ thôi đã đủ nhận ra sự nhạy cảm và tinh tế của tâm hồn tác giả. Cũng nhờ vậy nhà thơ Trần Hòa Bình đã phát hiện những “điều nhỏ nhoi” nhưng nằm ở ranh giới trong sự biến hóa để “lượng biến thành chất” đem đến điều tốt đẹp hoặc dẫn đến sự tan vỡ khó lường…

Những “điều nhỏ nhoi” như vậy thường thấy trong thiên nhiên cũng như trong tâm trạng con người, nhưng phát hiện ra chúng và biến chúng thành tứ thơ độc đáo thì điều đó lại đòi hỏi con mắt tinh tế và tài năng của người làm thơ.


Xin mời những bạn đọc yêu thơ và sành thơ bình luận thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét