Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC BẰNG XÉT TUYỂN SẼ ĐƯA NỀN ĐẠI HỌC NƯỚC TA VỀ ĐÂU.

Gần đây, báo chí đưa tin, sắp tới vào năm học 2014-2015, sẽ có hình thức xét tuyển vào đại học mà không cần phải thi 3 môn theo khối thi như cách làm truyền thống để tìm ra người tài cho đất nước. Cụ thể là Bộ giáo dục và đào tạo sẽ cho 60 trường tổ chức thi theo cách riêng trong đó có cách xét tuyển trực tiếp.
Thực ra ý tưởng chọn nhân tài bằng cách xét tuyển cũng không có gì là mới mẻ vì nhiều nước đã áp dụng từ lâu. Thậm chí, ở miền Nam trước đây, không cần xét tuyển vẫn vào đại học như các trường Tổng hợp để học Văn- Luật- Triết bằng cách ghi danh. Chỉ có các trường đào tạo sư phạm mới thi tuyển nghiêm ngặt. Ở miền Bắc những năm 60 của thế kỉ trước, không thi đại học mà chỉ xét tuyển điểm qua kì thi tốt nghiệp cấp 3 và học bạ… cũng tìm ra được nhân tài. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay của nền khoa cử nước ta, trường đại học, cao đẳng mở ra như nấm, chỉ có tỉnh Đác Nông là chưa có, thì thi đại học chỉ bằng cách xét tuyển đang được dư luận xã hội đặt ra cho vấn đề chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ta hiện nay.
Hiện tại, trên 400 trường đại học, cao đẳng đang tuyển theo cách truyền thống- thi 3 môn theo các khối, hoặc các ngành đặc thù thi riêng môn năng khiếu, một quy trình tìm kiếm người khá giỏi để vào học các trường  là khá nghiêm ngặt, vậy mà sản phẩm của các trường đại học, cao đẳng vẫn bị thất nghiệp.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ.
Trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với IV-2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, có khoảng 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.
Giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của nhiều cử nhân, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này”. 
Trao đổi với PV Dân trí, GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho biết: “Đúng là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong khi đó các doanh nghiệp đang cần rất nhiều công nhân nhưng không tuyển dụng được. Ngược lại phải tuyển lao động, công nhân, kỹ sư nước ngoài đó là một nghịch lý vì hiện nay 2 bộ phận đào tạo và tuyển dụng của chúng ta đang tách rời nhau, đào tạo một nơi, sử dụng một nẻo. Ở nhiều nước, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo. Ở nước ta, các cơ quan quản lý nhân lực của cả nước, của từng địa phương cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm, nên đào tạo không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực. Vì vậy, Nhà nước phải đứng ra chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 5 năm. Khi đó, bên đào tạo mới biết được chứ cứ hô hào đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng nhu cầu đào tạo xã hội như thế nào thì chưa ai biết”.
Vậy vì sao nhiều doanh nghiệp chê sinh viên Việt Nam, cái đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp là cái gì? GS Đường lý giải: “Chất lượng là đầu tiên, chất lượng là sống còn trong cơ chế thị trường. Hiện nay chúng ta thừa cử nhân kỹ sư do chất lượng không đáp ứng. Số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề không phù hợp như kế toán, quản trị, kinh doanh đang thừa nhiều còn ngành thiếu thì không đào tạo. Những ngành này do dạy không tốn kém, nên các trường ào ạt mở để thu lợi nhuận. Trong khi đó kinh phí cấp nhà nước cấp cho các ngành nghề như nhau. Cho nên sắp tới cần phải thay đổi về định mức kinh phí đào tạo cho từng ngành nghề, ngành kinh tế, luật khác với ngành kỹ thuật, cơ khí, ngành công nghệ ô tô…
Ở góc nhìn khác, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ với Lao Động vào sáng 23.3: "Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay".

Hiện nay, số lường trường đại học đã tăng rất nhiều, đòi hỏi phải có nguồn đầu vào dồi dào hơn, tất yếu sản phẩm sẽ nhiều hơn. Những năm qua không ít các trường đại học tuyển sinh khó khăn, dù đã hạ điểm chuẩn và tìm mọi cách để tìm nguồn cho đầu vào nhưng vẫn không đủ. Đặc biệt các trường ngoài công lập, chỉ trừ một số trường nguồn tuyển khá, còn đa số đều trong tình trạng khó tồn tại. Để tìm nguồn tuyển các trường này đã cố thử nghiệm nhiều cách nhưng vẫn không hiệu quả. Chính trong bối cảnh đó, các trường chủ yếu là ngoài công lập đề ra nhiều cách thức đề nghị Bộ chủ quản cho phép thi tuyển bằng nhiều cách thức trong đó có xét tuyển- nghĩa là phỏng vấn trực tiếp một số môn, trên cơ sở xét thêm điều kiện học bạ cấp 3 ở một vài môn nhất định. Rồi các trường lại đề xuất được thi tuyển quanh năm để tìm nguồn. Được biết sắp tới đây, Bộ chủ quản sẽ cho thi tuyển 2 lần trong một năm. Có lẽ dễ đoán định rằng việc các trường tìm mọi cách để có người học bằng mọi cách là dễ hiểu, bởi đã cố công tạo ra các trường thì phải tìm cách thu hồi vốn và có lãi. Song với xu thế chạy đua xét tuyển để có nguồn người học, sẽ kéo theo hệ lụy là tất cả các trường- để có nguồn học đều tổ chức chọn đầu vào bằng cách xét tuyển thì chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ta sẽ ra sao? Lúc đó, Bộ chủ quản sẽ lấy đâu ra người để quản chất lượng các cuộc xét tuyển? Trước đây, ở miền Nam, các trường không xét tuyển chỉ ghi danh nhưng thi cử đầu ra rất nghiêm túc nên vẫn chọn được tinh hoa. Còn hiện tại trong cuộc chạy đua để tìm người học các trường có quy chế thi cử nghiêm ngặt liệu có thu hút được người học vào không? Câu trả lời chắc không khó. Và như vậy, chất lượng của nền đại học nước ta sẽ ra sao?
Chúng ta có thể tham khảo ý kiến nhận xét dưới đây:

Theo PGS.TS. Võ Văn Thắng, trong bài “Giáo sư ĐH Harvard nhận xét về giáo dục đại học ở VN”, đăng trong Tia sáng : Tháng 11/2008, trong khuôn khổ Chương trình Bồi dưỡng lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Đoàn tham quan và học tập kinh nghiệm các trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ do Bộ GD-ĐT tổ chức đã đến thăm ĐH Harvard. Đoàn được trường tiếp đón và báo cáo một chuyên đề nghiên cứu về hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Người báo cáo là GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard.

Tóm lược nội dung bản báo cáo, vẫn có giá trị tham khảo tại thời điểm này, như sau:
  “Có 3 yếu tố đảm bảo giáo dục đại học Việt Nam chưa sụp đổ (Từ này do Giáo sư ĐH Harvard dùng).
- Một là, sự bùng nổ Internet ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong 8 năm trở lại đây. Chúng tôi nhận ra điều này khi phỏng vấn thí sinh Việt Nam đăng ký vào Đại học Harvard. Các thí sinh đã khai thác được kho tàng internet để tìm kiếm thông tin và học tập tốt. Trong nhóm được phỏng vấn, chỉ có khoảng 1% hạn chế về vấn đề này;
- Hai là, nhờ truyền thống hiếu học. Có thể nói, xã hội Việt Nam là một xã hội hiếu học và đặt giá trị của giáo dục rất thiêng liêng. Các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho việc học tập của con cái mình về vật chất lẫn tinh thần;
- Ba là, kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam được tổ chức nghiêm túc. Và do vậy, Việt Nam tuyển được người giỏi thực sự.”
Như vậy, theo đánh giá của GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard: một trong những những nguyên nhân làm cho đại học nước ta còn trụ được là kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam được tổ chức nghiêm túc.  Nếu bây giờ chúng ta bỏ luôn chốt chặn này thì nền đại học nước ta sẽ ra sao? Trong lúc số liệu về người tốt nghiệp đại học, cả số thạc sỹ đang thất nghiệp được nêu ra ở trên ngày càng đông thêm. Sắp tới nếu mở xét tuyển đại trà cho các trường đại học thì chắc chắn càng làm trầm trọng thêm vấn đề, do số lượng đầu ra tăng nhưng chất lượng không thể tăng thì ai ra trường sẽ có việc làm đây? Có lẽ đây là cơ hội cho con cái nhiều tiền nhưng học lực kém sẽ vào trường hợp pháp và ra trường sẽ có việc là đương nhiên. Câu trả lời đã có nhưng nếu như thế thì chất lượng giáo dục đại học nước ta sẽ đi về đâu? Nạn thất nghiệp liệu có được giải quyết hay sẽ  trầm trọng thêm? Câu trả lời dành cho những nhà quản lý giáo dục cho dù họ có đưa ra những cách lý giải cộng các loại điểm và nhân hệ số điểm các môn như thế nào.
Địa chỉ người viết: TS Trần Hồng Lưu, khoa Lý luận Chính trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Email: hongluu2009@gmail.com








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét