Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

DẠY VÀ HỌC VĂN SÁNG TẠO



Báo Giáo dục & Thời đại
,
Cập nhật lúc 17/09/2009, 10:24 (GMT+7)
Dạy học cần phát huy được tính sáng tạo của học sinh
(GD&TĐ) -  Với tư cách là một người đi dạy ở nhiều bậc học khác nhau, từ cao đẳng đến cao học, tôi thường đưa ra một câu hỏi mỗi khi người học làm không đúng đề: Tại sao học viên lại làm lạc đề? Về sau tôi lại đem y nguyên câu hỏi này để hỏi con, cháu mình học ở các cấp thấp hơn, từ cấp 1 đến cấp 3, để kiểm tra một ý tưởng của mình. Và kỳ lạ thay, câu trả lời của hầu hết các đối tượng được hỏi từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho đến cao đẳng, đại học và thậm chí là Cao học đều giống nhau. Câu trả lời đó là: do học trò không hiểu ý thầy.
(ảnh: Internet)
Câu trả lời này đã làm tôi giật mình. Vì nếu học trò phải làm đúng ý thầy thì còn gì là tính sáng tạo của người học nữa? Hơn nữa, nếu môn học gì cũng theo ý thầy thì còn gì là tiêu chuẩn khách quan của khoa học nữa? Và ý thầy có phải bao giờ cũng là mẫu mực để trò phải theo? Là người yêu môn Văn nên từ hồi học phổ thông, tôi vẫn biết môn này đòi hỏi phải có sự sáng tạo, bay bổng của tâm hồn, trên cơ sở tri thức “nền” phong phú cộng với kỹ năng viết căn bản của người học thì mới có thể viết hay được. Dĩ nhiên, để có được những bài Văn hay lay động được lòng người thì người viết phải có được một “phông” tri thức hay vốn sống nền tảng phong phú đa dạng thì họ mới có thể sáng tạo được. Ngay cả ở môn học mang tính “bay bổng” này thì học trò cũng không thể theo ý thầy được. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tập trung bàn về tính sáng tạo trong khi dạy và học môn này.
Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe thấy dư luận cho rằng, dạy các môn khoa học xã hội rất khó làm cho học trò say mê, nhất là môn Văn học. Có nhiều nguyên nhân như người học ngày nay lao vào học những ngành “nóng” để sau này dễ xin việc hơn và người dạy cũng ít hấp dẫn học trò hơn. Phải chăng, ở những năm 70 thế kỷ trước, học trò say mê hơn và người dạy tâm huyết hơn hơn khi dạy Văn? Tại sao học trò ngày nay chán học Văn hay ít ra là không được như trước? Cần phải mổ xẻ kỹ hơn vấn đề này để thấy được rõ hơn. Đừng vội đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan hay là tính thực dụng của người học. Vẫn còn những thầy cô tâm huyết với nghề dạy Văn và thu hút được người học. Song đáng tiếc là số đó không nhiều.
Ở những năm 70 thế kỷ trước, nhiều học trò trong số chúng tôi học Văn rất say mê, đặc biệt là những học trò có thiên hướng sáng tạo rất được các thầy cô nêu gương. Và những bài văn hay, có tính sáng tạo của học trò được các thầy cô trân trọng đọc cho cả lớp nghe. Bài Văn đó nghiễm nhiên được chuyền tay nhau, thậm chí được chép lại và trở thành thương hiệu- bài mẫu cho các lớp kế tiếp (thời đó làm gì có phôtôcoppy). Còn ngày nay, do các sách Văn “mẫu” quá nhiều được in ấn, phôtô nhan nhản nên người học chẳng cần sáng tạo và không thể sáng tạo. Ít thầy cô ngày nay chịu khó đọc để phát hiện ra những ý tưởng “lạ” của học trò để mà tuyên dương nữa.
Khá nhiều người dạy chỉ căn cứ vào các ý tưởng “mẫu” để gò học sinh viết theo đó, ai không theo ý đó thì điểm thấp. Những học trò có ý tưởng sáng tạo- vượt “cách” thì không được phát hiện, bồi dưỡng mà hơn thế còn bị “vùi dập tơi tả” vì không làm đúng ý thầy- như đã nói trên. Chính vì thế trên các diễn đàn dân trí và các bài viết về giáo dục ở các báo, rất nhiều bài viết đã phản ánh tình hình trên. Nếu người thầy trân trọng biết phát huy tính sáng tạo hình tượng cho học trò thì sẽ phát huy được sự say mê của người học. Cũng chính người học trò say mê này năm trước khi học với thầy dạy Văn này thì hứng thú nhưng đến năm sau phải học với người thầy khác “không thích” sáng tạo của học trò mà đòi hỏi phải đúng mẫu đã khiến cho học trò này chán nản.
Văn học đòi hỏi sự bay bổng của tâm hồn
Văn học là môn học về hình tượng con người, đòi hỏi phải có sự sáng tạo bay bổng của tâm hồn. Một khi người thầy bắt học trò phải “gò” vào “khuôn mẫu” của các bài Văn mẫu trong sách tham khảo thì làm sao phát huy được tính sáng tạo của người học. Ngày nay trong xu thế “loạn” các bài Văn mẫu, người học dường như lạc vào một mê cung các sách tham khảo, chẳng biết lựa chọn loại nào để “gối đầu giường” nữa. Hơn thế nữa, cách dạy gò ép theo ý thầy đã dẫn đến học trò học thuộc lòng một số bài Văn mẫu, nên khi thi chỉ cần chép lại hoặc sáng tạo, “tiết kiệm tư duy” bằng cách copy nếu đem tài liệu vào được. Kết quả những người học say mê “bớt dần” vì thầy không cần sáng tạo. Nhiều học trò từ chỗ say mê Văn học đi đến chán nản và “chuyển” nghề sang môn khác.
Cần thấy rằng, sách tham khảo là tốt đối với người biết chọn lọc những ý tưởng hay. Còn với người chỉ biết bắt chước thì lại có hại vì khi đó xã hội sẽ sản xuất ra các văn sỹ sáo rỗng, không còn sáng tạo để vượt lên người trước. Vì thế, không ít người dạy có tâm huyết khuyên học sinh cần giảm bớt tối đa ảnh hưởng của các kiểu Văn mẫu đó. Theo tôi, trong một “rừng” các kiểu sách tham khảo Văn mẫu hiện nay, người học chỉ cần nắm chắc tri thức “nền” có trong sách giáo khoa, đừng nên đọc các loại sách mẫu trên nữa thì vẫn có thể viết được những bài văn hay mang hồn của chính mình chứ không phải vay mượn của người khác. Còn đối với những người khi đọc biết chọn lọc tinh hoa của người khác để vận dụng thì cần phải lọc bỏ những gì không cần thiết để viết Văn một cách sáng tạo, chứ không phải là copy ý tưởng của người khác. Thực tế cho thấy, viết Văn không phải là công nghệ máy móc, cứ ai vào trường viết văn Nguyễn Du là sẽ trở thành Nguyễn Du, mà đó là một quá trình khổ luyện không ngừng nâng cao tri thức, vốn sống, kỹ năng viết và rất cần đến năng khiếu thiên phú “cái tôi” của mỗi người nữa.
Vì thế, để Văn học tiếp tục tạo ra sự say mê cho người học, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, người thầy nào biết nâng niu, trân trọng những ý tưởng mới lạ của người học thì sẽ kích thích học trò khám phá, sáng tạo. Còn người thầy nào không chịu tự nâng cao trình độ, bắt học trò phải làm theo bài  Văn “mẫu” của mình và sách tham khảo thì chắc chắn sẽ làm cho học trò ngày càng “dị ứng” với môn học này. Để “thấm nhuần” cho được ý tưởng này, chắc chắn đòi hỏi sự phấn đầu không ngừng của người dạy, trong đó tự học hỏi để nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy của mình là điều kiện không thể thiếu được./.
 TS Trần Hồng Lưu
(Khoa LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
,

© Báo Giáo dục và Thời đại. Cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Số giấy phép 864/GP-BTTTT, cấp ngày 24/06/2009, ISSN 1859-2945. Tổng biên tập : TS Nguyễn Danh Bình.
Tòa soạn: 29B - Ngô Quyền - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại:(04) 3.93.69.800
website: http://www.gdtd.vn; http://www.giaoducthoidai.vn; http://www.edunews.vn
Email: gdtddientu@gmail.com
® Ghi rõ nguồn "Báo Giáo dục & Thời đại" khi phát hành lại thông tin từ website.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét