Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013


LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI ĐỂ ĐÂU?
Gần đây đọc qua báo chí, tôi như không thể tin vào mắt mình nữa. Liệu lương tâm con người có còn nữa không, trước các thảm cảnh người lớn hành hạ trẻ em, chồng hành hạ vợ, con cháu hành hung ông bà ...Người đọc còn chưa thể quên hai vợ chồng tay hàng phở Hà Nội bóc lột cô bé phục vụ; cố “bảo mẫu” Biên Hoà đánh đập các cháu nhỏ; tay bố dượng Quảng Nam giang tay hành hung con riêng; hay thảm cảnh trong rừng cao su cả nhà hành hạ con, em mình; cảnh cô giáo lấy băng keo dán miệng trẻ lại để không được...khóc và gần đây nhất lại lặp lại cảnh đó, hai cô bảo mẫu vừa đánh, vừa đập, vừa doạ các cháu nhỏ, dã man hơn là bắt các cháu phải ăn những thứ mà nó vừa nôn ra, (báo Dân trí vừa mới đưa tin).
          Trước những thảm cảnh đến rợn người như vậy, nhất là trong một xã hội Việt Nam đã văn minh rất nhiều so với trước đây, người ta không khỏi cám cảnh khi đặt lại câu hỏi không mới: Vậy lương tâm con người liệu có còn không? Một người bình thường hành hạ người khác, người lớn hành hạ trẻ em, kẻ mạnh ức hiếp người yếu đã là vô nhân đạo lắm rồi. Đằng này, lại là cô giáo dạy trẻ hành hạ các cháu bé thì thì tội lỗi còn đáng sợ hơn và cần phải lên án gay gắt hơn. Hơn thế, dư luận xã hội chỉ lên tiếng về mặt đạo đức, pháp luật cần phải mạnh tay hơn để xử trí nghiêm khắc các hành vi bạo hành trẻ em, làm gương cho xã hội, để người sau chớ còn “dẫm phải vết xe đổ” đau lòng đó nữa.
Sở dĩ cần phải xử lý nghiêm các cô bảo mẫu nhà trẻ vì nhiều lý do. Trước hết, đứa trẻ khi phải tách người mẹ để đi nhà trẻ, bố mẹ nó đã gửi gắm niềm tin vào ngôi trường đầu tiên của một cuộc đời con người. Nếu “lớp học”, ban đầu của nó không suôn sẻ sẽ để lại nhiều hệ lụy về sau mà không thể trả giá bằng tiền bạc hay thời gian. Do đó, không được coi nhẹ lứa tuổi “mầm-lá-nụ”này. Đừng nghĩ đơn giản là trẻ con mới lớn nó chưa biết gì. Khoa học hiện đại đã chứng minh, ngay từ khi thành hình trong bụng mẹ, “đứa trẻ-bào thai” đã biết cảm nhận. Nếu mẹ nó hay tức giận, cáu kỉnh thì đức trẻ ra đời cũng bị ảnh hưởng rất lớn về sau. Nếu thai nhi được nghe nhạc êm ái thì sau này tính cách của nó sẽ hiền hoà. Tương tự khi bố mẹ cãi vã nhau triền miên thì chẳng khác gì đứa trẻ tương lai phải “thưởng thức” tiếng “bom gào, đạn rú”. Đó là lúc đang ở trong bụng mẹ, còn khi đã chào đời thì chắc chắn nó sẽ cảm nhận cuộc đời nhanh nhạy hơn vì nó đã được “mở mắt” nhìn thế giới theo cách của nó. Vì thế, bài học đầu tiên khi đứa trẻ đến trường là cực kỳ quan trọng, và nó sẽ để lại dấu ấn khó quên trong cả cuộc đời về sau. “Dạy con từ thuở còn thơ...”. Câu tục ngữ này chắc nhiều người biết, biết thì cần phải để nó ngấm sâu vào trí óc để mà ngẫm-nghĩ-và quan trọng hơn để mà hành động- nhất là đối với các cô giáo dạy cho trẻ bài học đầu đời. Đừng nghĩ tục ngữ, ca dao... đọc ra cho vui, mà nó chính là chân lý dân gian đã được trải nghiệm qua thực tế thấm đẫm mồ hôi của bao kiếp người mà đúc kết nên, không thể xem thường được. Tâm hồn con người nhất là của đứa trẻ “như giải lụa trắng, muốn nhuộm đen thì thành đen, muốn nhuộm đỏ thì thành đỏ”. Đó là lời căn dặn của Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của giáo dục con người. Chính vì thế, bài học đầu tiên-bài học vỡ lòng có giá trị rất thiêng liêng đối với đứa trẻ, từ đó gắn theo vai trò quan trọng không thể phủ nhận của các cô giáo dạy trẻ- những người “thầy” đầu tiên của trẻ em. Chúng ta cũng chưa hề quên, Bác Hồ đã từng căn dặn:
Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.
Mặc dù đã sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh” song trong tâm trí tôi vẫn không thể phai mờ hình ảnh “ngày đầu tiên đi học” thuở nào ngày xưa. Hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền” đã được đưa vào thơ ca, nhạc hoạ để ca ngợi phẩm hạnh của các cô giáo các lớp đầu tiên. Tôi có cảm nhận, hình như “ngày xưa” các cô giáo dạy trẻ “hiền” hơn ngày nay. Điều đó suy ngược ra ngày nay, các cô hình như “không hiền” bằng các cô ngày trước. Có thể cái cảm nhận của tôi không được đúng lắm, nhưng cứ hình dung lại hình ảnh các cô bảo mẫu vừa đút, vừa nhét, vừa lườm, vừa nguýt, vừa doạ đánh và đánh thật khi trẻ ăn chậm hoặc khóc và đủ các lý do khác thì tôi lại thấy cảm nhận đó ..có lý. Đành rằng không phải tất cả các cô đều như thế. Song sao ngày nay báo chí, lại có nhiều chuyện để viết về các cô như thế thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi. Phải chăng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội nên khi bước vào nền kinh tế thị trường, tâm trạng các cô cũng thay đổi theo ư? Đành rằng, thu nhập của các cô là thấp và công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ em là rất nặng nhọc nhưng không phải vì thế mà các cô nỡ giang tay tát vào mặt các cháu khi các cháu ăn chậm hoặc sợ quá lỡ..tè ra.
Hãy hình dung, tâm thế của đứa trẻ sẽ ra sao khi nó bước vào đời với hình ảnh đầy bạo lực đó. Đứa trẻ bị đàn áp, không dám khóc, không dám cười lúc nào cũng sợ sệt sau này vào đời nó sẽ ra sao? Nhìn vào một xã hội mà đâu đâu ra đường chỉ nhìn thấy toàn những đứa trẻ “không biết cười”? Đó chắc chắn là một thảm họa cho cả xã hội. Những vết hoen ố bạo hành đầu tiên đó trong bài học “vỡ lòng” sẽ để lại hậu hoạ khó phai trong tâm trí những đứa trẻ không gặp may mắn khi đến trường. Hồng phúc lớn cho đứa trẻ nào nếu được gặp những cô giáo như “mẹ hiền” mà trước đây không hiếm. Vẫn biết là vẫn còn nhiều cô giáo hiền làm đúng chức phận của mình nhưng mong sao cho những hình ảnh hãi hùng, đáng sợ trên  không lặp lại làm hoen ố hình tượng các “cô giáo- mẹ hiền” trước đây. Mong sao trong xã hội, những cảnh tượng doạ nạt, áp bức của các cô giáo sẽ hết đi. Và đó cũng là mong muốn chung của cả xã hội và nhất là của các ông bố, bà mẹ, vì đa số các phu huynh đều phải mang con trẻ của mình đến trường để được giáo dục và hoà nhập xã hội.
 Đã mang cái nghiệp vào thân, các cô giáo hay bảo mẫu khi đã nhận trách nhiệm của mình rồi cần thực hiện đúng chức năng “kép” của mình là cô giáo- mẹ hiền. Và các cô cần hình dung, trẻ em như con mình. Nếu con mình sau này đi học lại gặp cảnh cô giáo bạo lực thì có đau lòng không? Lương tâm của những người làm công việc dạy trẻ cần được đánh thức. Đừng coi việc doạ dẫm. đánh trẻ là nghiệp vụ sư phạm “thường xảy ra”. Người nào cảm thấy mình không đủ độ “hiền” thì đừng tham dự vào trường học “đầu tiên” của trẻ em này nữa và quan trọng hơn là không để cho xã hội phải đau lòng vì các thảm họa trên. Dư luận xã hội cần lên án mạnh mẽ hơn nữa các hành vi vô nhân đạo và phản giáo dục nói trên. Hơn thế nữa, pháp luật cần mạnh tay hơn trong việc xử lý nghiêm minh các vụ việc nêu trên để làm gương cho xã hội. Quan trọng hơn những người làm quản lý giáo dục cần phải coi việc dạy cho các cô giáo các cấp đầu tiên những “bài học đạo đức làm người” để họ không được quên nhiệm vụ “dạy và dỗ” của mình. Chớ coi thường những việc đầu tiên tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với con người nói chung và đặc biệt quan trọng đối với các cô giáo đầu cấp- Những người có sứ mệnh thiêng liêng- dẫn dắt trẻ em chập chững vào đời. Những bước đi đầu tiên này có vững chãi thì đứa trẻ sẽ vào đời một cách tự tin và năng động hơn./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét