Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013


VÌ SAO TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỌC NHƯ NẤM ?
                                                                        
          Diện mạo tình hình các trường cao đẳng, đại học ở nước ta hiện nay
Từ năm 1998-2009, có 307 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp (chưa tính các trường sĩ quan quân đội, công an, các trường ĐH, CĐ thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các ĐH). Tính đến hết năm 2009, cả nước có 409 trường ĐH, CĐ trong đó có 76 trường ngoài công lập. Đến nay 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ (chỉ còn Đắk Nông là tỉnh duy nhất chưa có trường ĐH, CĐ). Riêng hai năm 2010-2011 đã có khoảng 20 trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ hoặc thành lập mới và nhiều trường ĐH đang trong quá trình xem xét cho thành lập.Hơn 10 năm qua là “thời cơ vàng” của các trường ĐH-CĐ. Chỉ từ năm 1998 đến năm 2009, cả nước mở thêm 307 trường ĐH-CĐ, trong đó có nhiều trường được nâng cấp, “mông má” lại từ các trường trung cấp, CĐ. Đến nay, cả nước đã có đến 412 trường ĐH-CĐ (trong đó có 77 trường dân lập). Con số này vẫn chưa dừng lại. Số lượng trường tăng rất cao trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường phải thuê mướn mặt bằng thiếu chuẩn để giảng dạy. Đặc biệt, số lượng giảng viên thiếu nghiêm trọng. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Những số liệu trên cho thấy hiệu quả của chất lượng đào tạo như thế nào!
Việc mở trường, mở ngành ào ạt dẫn đến hệ ỷa tất yếu là thiếu nguồn tuyển sinh, dẫn đến việc nhiều trường, cả công lập, phải đóng cửa nhiều ngành học. Mùa tuyển sinh vừa qua, sau khi điểm sàn được công bố, các trường dân lập đã lo lắng vì phổ điểm của thí sinh thi vào các trường này quá thấp. Ngay lập tức, họ kiến nghị cho các trường ngoài công lập có mức điểm sàn riêng nhưng Bộ GD-ĐT không chấp nhận. Thậm chí có ý kiến còn đòi Bộ cho quyền tự chủ cả trong việc tự tổ chức thi đầu vào và tổ chức thi đại học “quanh năm” để có nguồn tuyển!!
Điểm đầu vào các trường dân lập rất thấp. Chẳng hạn, Trường đại học (ĐH) Hà Hoa Tiên, thủ khoa chỉ có 12,5 điểm nhưng vẫn đỗ vì được cộng thêm 1 điểm ưu tiên khu vực! Trường ĐH Đại Nam chỉ có 340 thí sinh có từ 10 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu là 1.400. Trường ĐH Chu Văn An cũng chỉ có 70-80 thí sinh đủ điểm nguyện vọng 1, trong khi chỉ tiêu tuyển 1.400 sinh viên. Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, có những ngành ngay cả những trường có tiếng thương hiệu nhưng tuyển vào cũng rất khó khăn là do nhu cầu xã hội đã bão hoà hoặc khó tuyển dụng. Đó là các ngành khoa học xã hội và nhân văn và các ngành thuộc về sư phạm. Đây là những ngành không thu hút người học và thu nhập thấp, khó xin việc.
Năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có báo cáo gửi Chính phủ về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, trong đó thừa nhận: “Thực tế gần 30 năm, chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục ĐH vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường, chưa giữ được chuẩn giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất…; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng…”.
          Trên đây là diện mạo của các trường đại học nước ta hiện nay đã được hầu hết các báo Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ… mổ xẻ khá kỹ trên mặt báo hàng ngày, thể hiện sự bức xúc của dư luận xã hội trước tình hình trên.
 
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Giải pháp nào cần tiến hành tiếp theo?Theo chúng tôi, nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là: không ít người nghĩ rằng, giáo dục nhất là giáo dục đỉnh cao từ cao đẳng đến đại học là nghề kinh doanh lãi nhất theo kiểu “tay không bắt giặc”, do đây là lĩnh vực kinh doanh không chịu đánh thuế của nhà nước. Vốn bỏ ra ít và đặc biệt là hiệu quả cao, ít rủi ro như các ngành kinh doanh khác. Chính vì vậy mà ở nước ta thời gian qua hằu khắp các tỉnh thành trong cả nước từ công lập đến ngoài công lập đều đua nhau mở trường mà không nghĩ đến những hệ lụy tiếp theo của nó, nhất là chất lượng của sản phẩm mà các trường tạo ra. Vì thế mà đã xảy ra chuyện nực cười là có một trường đại học ngoài công lập đầu tiên tổ chức thi tuyển mà thủ khoa của trường chỉ đạt vẻn vẹn 14 điểm, lại có trường công lập điểm môn Sử đầu vào chỉ 1 điểm là đã đậu? Không ít trường cả công lập và ngoài công lập ở nhiều ngành học không tuyển được người học. Chính vì vậy tại Kỳ họp tứ 2 Quốc hội khoá XIII rất nhiều đại biểu “băn khuăn với giáo dục đại học” và có đại biểu đã đề nghị Bộ giáo dục vầ đào tạo phải trả lời vì sao vừa qua mở nhiều trường đại học như thế, nhu cầu thực tế nước ta cần bao nhiêu trường, có nên mở tiếp các trường nữa không? Như An ninh thế giới số 1 112 ra ngày 16/11/2011 đã đưa. Điều dễ nhận thấy thứ hai là hầu như các trường, ngay cả các trường mới thành lập khi xin mở ngành mới đều tập trung vào nhóm ngành kinh tế, bởi đây là những ngành không đòi hỏi nhiều về đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo thấp nên sinh lời lớn, lại dễ có người học. Thống kê sơ bộ cho thấy hầu hết các trường đều có nhóm ngành này. Điều đáng lo ngại nhất là khuynh hướng chạy theo lợi nhuận của tuyệt đại đa số các trường ĐH-CĐ dân lập. Thời kỳ đầu khi ĐH-CĐ dân lập bùng phát, đó là một ngành nghề kinh doanh “hot” nhất, siêu lợi nhuận. Khuynh hướng đó cũng làm chệch hướng xã hội hóa giáo dục khi mà nhiều trường, kể cả trường công lập, tập trung đào tạo một số ngành có vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao như kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, tin học, các ngành xã hội học… Hầu hết đầu ra của các ngành này là những cử nhân… không có nghề!
Giải pháp nào cho thực trạng trên?
Theo các chuyên gia giáo dục  nổi danh ở Mỹ như John Stuart Mill và Alfred Marshall thì cần phải thừa nhận có một thị trường trong giáo dục đại học (ĐH), nhưng thị trường này cần phải có sự can thiệp của nhà nước chứ không thể tự điều chỉnh được. Đây cũng là quan điểm thống trị trong hầu hết thế kỷ 20. Về vai trò của và thị trường trong giáo dục ĐH, Milton Friedman (chuyên gia giáo dục nổi tiếng Mỹ khác) cho rằng, để giáo dục ĐH phát triển thì rất cần sự cân bằng giữa vai trò của Nhà nước và thị trường. Giáo dục ĐH đem lại cảc lợi ích công và lợi ích tư (cá nhân), Nhà nước nên phân biệt rõ ràng hai loại lợi ích này, và chỉ "bao cấp" cho lợi ích công chứ không nên bao cấp cho cả lợi ích tư. Việc bao cấp (một phần) học phí cho tất cả các ngành thuộc các trường công lập, kể cả nhưng ngành mang tính thị trường cao (phục vụ lợi ích tư là chính) như các ngành quản trị kinh doanh, du lịch khách sạn, công nghệ thông tin và là không công bằng, vì có sự phân biệt đối xử giữa khu vực công và khu vực tư.
Nhà nước chỉ nên bao cấp những lãnh vực nào đem lại lợi ích công, hoặc những con người nào thuộc diện cần bao cấp (VD: các diện chính sách) và không phân biệt trường công trường tư, chứ không phải bao cấp khu vực công và loại trừ khu vực tư. Không nên phân biệt trường công trường tư, vì thiên vị các trường công lập sẽ triệt tiêu cạnh tranh, làm cho các trường công lập mất động cơ để tạo ra chất lượng, tính hiệu quả, sự đa dạng và sự đổi mới.
          Những tư tưởng trên có những ưu điểm và có tính hợp lý nhất định.Áp dụng vào nước ta, theo chúng tôi, cần có sự vận dụng linh hoạt. Có thể thấy, thị trường là trường học tốt nhất để sàng lọc các sản phẩm kể cả sản phẩm giáo dục. Trước hiện trạng quá nhiều các trường đại học, cao đẳng đang tồn tại ở nước ta mà nguồn tuyển vào các ngành ở nhiều trường nhất là các trường ngoài công lập không có đã phần nào cho thấy thương hiệu chất lượng non kém của các trường đó. Qua mấy năm gần đây, nhiều trường mới thành lập, dù đã chọn những ngành hot nhất để mở nhưng vẫn không tuyển được đã chúng minh điều đó. Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan cho rằng thị trường sẽ tự điều tiết, tức là những trường nhỏ, không có thương hiệu sẽ tự “biến mất”, mà cần thấy rằng, quá trình đó cần có sự điều tiết của nhà nước. Nhà nước, nhất là Bộ GD_ĐT cần phải theo dõi quá trình đó, không nên tạo ra sản phẩm và để nó tự chết yểu. Cần rà soát lại quy mô, nhu cầu xã hội ở các nơi đã mở trường và có chính sách cụ thể. Trường nào không tuyển được người học trong 2-3 năm thì kiên quyết cho giải thể và không giao chỉ tiêu tuyển sinh nữa. Điều cần thiết nhất là không nên làm trầm trọng thêm vấn đề bằng việc cho mở thêm trường mới nếu thấy đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nguồn tuyển không khả thi. Ngoài ra, cần tránh tình trạng một số trường không mở được hệ chính quy có thể tồn tại bằng cách mở hệ tại chức vì hệ này vẫn còn nhu cầu.
          Để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, Bộ vẫn cần phải siết chặt đầu vào của các kỳ thi tuyển sinh đại học, kiên quyết không để các trường phá rào tự chủ trong mọi việc liên quan đến tuyển sinh đại học. Vẫn cần duy trì điểm sàn để tạo mặt bằng tối thiểu cho nguồn tuyển vào nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhận xét của một số chuyên gia giáo dục ở Đại học Ha vớc cho rằng gíao dục Việt Nam vẫn “trụ” được là nhờ tổ chức tuyển sinh đầu vào chặt chẽ cũng đáng để chúng ta tham khảo, suy ngẫm./.

1 nhận xét:

  1. Thật không may cho nền giáo dục Đại học ở VN vì người quản lý đã buông dây cương cho mở ra ồ ạt để bầy giờ trường thừa trò thiếu.

    Trả lờiXóa