Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

(Trích bài nói với tân sinh viên đại học)


Giáo sư Trần Phương:

(Trích bài nói với tân sinh viên đại học)


Phải nói rằng con người khác loài vật ở chỗ, trước khi làm cái gì, đều đã có ý định, có dự kiến, có kế hoạch và, tất nhiên, ở nhiều điểm khác nữa. Các nhà nhân chủng học định nghĩa con người là con thú đi bằng hai chân. Con thú nào cũng đi bằng bốn chân, riêng con người đi bằng hai chân. Nhưng có nhà khoa học người Mỹ đã định nghĩa con người là con thú biết sử dụng công cụ. Chỉ có con người mới biết sử dụng công cụ. Còn nhà triết học Descartes đã định nghĩa con người khác con vật ở tư duy. Ông có câu nói nổi tiếng: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Ông cho rằng con người tồn tại là có suy nghĩ, tức con người khác con vật ở chỗ là có tư duy. Còn dưới góc độ quản lý, thì ông Karl Marx phân biệt con người khác con vật ở chỗ, làm gì đều có kế hoạch, có dự kiến. Ông so sánh con ong làm cái tổ rất tinh tế, tài tình, nhưng nó làm việc đó theo bản năng. Còn con người làm bất cứ việc gì đều có dự kiến trước, kế hoạch trước. Tôi muốn dừng lại cái định nghĩa này về con người để nói với các em rằng trước mắt các em là một khoá đào tạo đại học.

Vậy em có dụng ý gì, kế hoạch gì với khoá đào tạo đại học đó không? Bởi vì, qua kinh nghiệm của nhiều khoá rồi, đến cuối khoá, thậm chí qua một năm, hai năm, rất nhiều em thất bại. Có nhiều nguyên nhân lắm. Tôi xin kể mấy nguyên nhân thôi.

Có em, sau khi thi vào trường, cảm thấy mình vượt qua hai kỳ thi rất vả, bây giờ là lúc nghỉ xả hơi cái đã. Nghỉ xả hơi bao lâu? Một học kỳ tưởng là ngắn, nhưng phải học 5 - 6 môn. Xả hơi một học kỳ, em nợ quá nhiều môn, cảm thấy mình đuối quá thành ra chán học.

Có em ở nông thôn lên, thấy chỗ nào cũng hay, bảo tàng nào cũng đẹp. Thế là đi xem mải miết, quên cả học tập, thành ra đến cuối học kỳ nợ nhiều môn quá.

Có em thì cứ chơi game suốt. Chơi game thì lấy thời gian đâu mà học? Có em chơi suốt cả mấy năm học, đến cuối khoá, nhà trường bảo em không được học nữa, lúc đó lại nhờ đến bố mẹ viết thư đến Hiệu trưởng xin cho con một cơ hội cuối cùng. Học đến ba năm, bốn năm còn xin cơ hội gì nữa? Thế đấy!

Rồi có em dựa vào bố mẹ mình có của. Chẳng học, chẳng có việc, cũng chẳng chết đói. Hay có em dựa vào bố mẹ mình có thần thế, học vớ vẩn, rồi bố mẹ cũng nhét vào được chỗ nào đó. Nhưng nếu không có được cái bằng thì không nhét được vào chỗ nào đâu!

Cá biệt cũng có em, đến trường đại học mải mê “tìm hiểu”, quên luôn việc học.

Những em nợ nhiều môn thì không thể nào chấp nhận được, dứt khoát phải đuổi học; học mất thì giờ của người dạy và mất chỗ ngồi của người khác; gia đình mất tiền, nhà trường mất chỗ, thày cô mất công.

Cá biệt có một số em chơi với người xấu ở bên ngoài, rồi gây gổ trong trường, nhà trường buộc phải đuổi học. Các em phải cẩn thận đấy!

Các em nên nhớ rằng, học đại học là ưu tiên số một. Những việc khác phải là thứ yếu. Nếu các em không xác định được, thì cuối cùng mất công học, học đại học mà không thành. Vậy các em phải xác định khoá học đại học này có ý nghĩa gì đối với mình. Tôi gợi ý cho các em ít nhất ba ý nghĩa:

1.Thứ nhất là vì mình. Nếu không học đại học thành công, thì các em ra đời sẽ làm gì? Tốt nghiệp 12 năm phổ thông tức là chưa có nghề. Không hoàn thành khoá học đại học này, thì các em vẫn là vô nghề nghiệp. Mà vô nghề nghiệp, thì xã hội này không ai cần. Trường này dạy các em sau bốn năm có nghề; các em phải thạo máy vi tính; các em phải thạo tiếng Anh. Ngoài ra, phải có phẩm chất đạo đức. Ở đời, nếu không có đức, thì chẳng ai dung. Có tài mà không có đức, cũng không ai dùng. Cho nên bốn năm đại học là bốn năm rèn luyện đạo đức của mình.

Nhà trường không có môn Giáo dục công dân, nhưng có môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, có quy chế nhà trường, có văn hoá học đường. Các em học cho tốt, đó là rèn luyện đạo đức đấy. Và có tất cả đức, tài thì ra đời mới trở thành người hữu dụng được. Đừng nghĩ rằng mình sẽ trở thành người ăn bám. Những em nào có bố, mẹ giàu có, bố mẹ thần thế, đừng nên nghĩ như vậy. Chí ít, thanh niên ra đời không được phép là một người ăn bám. Tối thiểu, cũng phải là một người tự lập: lâp thân, lập nghiệp, phải có nghề, có tài năng, có đức độ.

Cho nên, học đại học ít nhất phải vì mình. Em nào chưa rõ ý nghĩa vì mình thì phải chấn chỉnh lại.

Con người ta sống ở đời phải có lý tưởng, phải có ích cho đời. Các cụ xưa đã có câu nổi tiếng: “Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”, phải hiểu là đã sinh ra ở trên đời thì phải có đóng góp cho đất nước. Nếu không xác định được cái điều tối thiểu đó, không đáng sống ở trên đời.

2.Thứ hai là phải vì bố mẹ các em, vì gia đình các em. Bố mẹ kiếm tiền cho các em học đại học bốn năm là vất vả lắm. Mình chỉ có thể đền đáp bằng cách học thành tài. Có người sau khi ra trường phải giúp bố mẹ bằng tiền lương. Nghĩa vụ đó lớn lắm. Cho nên em nào học không tốt, sẽ là kẻ vô ơn, không biết thương yêu bố mẹ mình, phải tự lên án mình. Có lần tôi hỏi một vị phụ huynh, là nông dân thôi: “Mỗi năm phải chu cấp cả chục triệu cho cháu ăn học, bác nghĩ thế nào?” Ông trả lời: “Đúng là phải mất trên năm mươi triệu cho khoá học của cháu tôi đấy, ông ạ. Tôi phải bán một phần đất đi để lo cho cháu. Nhưng khi nó học thành công rồi, tôi hy vọng nó có lương, một vài năm, nó cũng đủ tiền bù lại cho tôi”. Đấy, người ta trông mong ở con người ta như thế đấy! Tôi nghĩ bố mẹ phần lớn các em ngồi đây đều hy vọng như thế. Nếu học tốt ở trường này ra, với cái bằng khá và bằng giỏi trở lên, thì người ta rải chiếu hoa mời đón. Những em giỏi ngoại ngữ thường làm ở công ty nước ngoài, bước đầu được trả 500 đôla/tháng, ba tháng sau là 700 đôla/tháng, sáu tháng sau là 1.000 đôla/tháng. Tôi có gặp một cử nhân khoá 1 ra trường nói hiện giờ em được trả lương 30 triệu đồng/tháng. Tất nhiên 30 triệu thì mất 7 năm nữa người ta mới đưa mình lên mức đó. Còn em nào học tồi thì bằng lòng mức lương 3 - 5 triệu thôi. Ngoại ngữ mình dốt, máy vi tính mình chẳng sành, chuyên môn mình tồi, thì 3 - 5 triệu là quá tốt chứ. Thế đấy. Cho nên cái bằng đại học ở trường này ra đời có rất nhiều mức lương, tuỳ theo mỗi người học như thế nào.

3. Thứ ba là vì đất nước. Đất nước chúng ta đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp với trên 1 triệu người hy sinh, qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có trên 1 triệu liệt sỹ để hôm nay chúng ta được học tập thế này. Mất bao xương máu để có hoà bình, tự do, để được học hành. Thế mà học hành không tử tế, thì là kẻ vô ơn đối với những người đã hy sinh!

Các em có nghĩ rằng mình được như ngày nay là nhờ đâu không? Nhờ bao nhiêu thế hế hệ đấy! Tôi nhớ hồi nhỏ tôi học đến tiểu học là hết chỗ học rồi. Vì hồi đó mỗi một huyện có một trường tiểu học thôi. Học hết trường tiểu học ở huyện thì phải lên Hà Nội học. Cả Bắc Bộ lúc đó chỉ có mỗi một trường trung học phổ thông là trường Chu Văn An, gọi là trường THPT của xứ bảo hộ Bắc Kỳ. Tức là ai muốn học THPT thì phải rời tỉnh, huyện mình lên Hà Nội học ở trường đó. Tôi là con một ông đồ nghèo, không có tiền lên Hà Nội học, nên đành phải ở nhà. Cho nên học tập trung với thế hệ của chúng tôi không dễ tí nào. Còn đối với các em, thì học tiểu học xong, lại học THCS ngay tại xã mình. Một xã có một trường tiểu học, một trường THCS; mỗi huyện có mấy trường THPT. Học hết THPT thì có nhiều trường đại học để đăng ký. Đó là kết quả của cả một thế hệ hy sinh để chúng ta mới có điều kiện như ngày nay.

Tố Hữu có một câu thơ hay vào năm 1944 mà tôi rất thích:

Đi, bạn ơi, đi! Sống đủ đầy
Sống trào sinh lực, bốc men say,
Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh, dù trong một phút giây.

Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời
Của ta, nào chỉ của ta thôi,
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi.

Câu thơ của Tố Hữu nhắc mọi người nhớ từ đâu sinh ra mình. Từ dân tộc này, từ thời Hùng Vương 4000 năm. Khảo cổ học cho rằng dân tộc này, đất nước này có trên 10 vạn năm. Như vậy mình mang gen di truyền của dân tộc mình.

Tố Hữu có nói rõ rằng: “Đã vay giòng máu thơm thiên cổ / Phải trả cho ta mạch giống nòi”. Thơ Tố Hữu đâu chỉ có tình cảm mà có cả tư duy. Cho nên tôi muốn nói rằng mỗi bạn trẻ phải nghĩ rằng mình từ đâu sinh ra, mình phải đền đáp gì đây? Bây giờ không phải sống chết để giành độc lập nữa, mà đưa đất nước vươn lên, làm cho đất nước giàu mạnh. Đó là mục tiêu của thanh niên. Nếu các em không có mục tiêu đó thì các em không xứng đáng là con em của dân tộc này (Hết phần thứ nhất).
Thích lại từ LKd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét