VĂN HỌC CHO AI?
TS TRẦN HỒNG LƯU.
Bài đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đầu tháng 9/2013
Bài đăng trên Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đầu tháng 9/2013
Nhân
đọc bài “Văn học cho thiếu nhi hay văn học về thiếu nhi” của tác giả Hoài Nam
trên báo An ninh thế giới giữa tháng
7 năm 2013, số 66, trang 12, chúng tôi xin có vài ý kiến trao đổi thêm với tác
giả, ngõ hầu tìm ra cách hiểu đúng hơn khi dùng các thuật ngữ này.
Tuy không theo đuổi nghề Văn, song trước
đây tôi cũng có học Văn, do thời cuộc biến đổi và những đam mê tuổi trẻ dẫn đến
tôi theo đuổi nghề khác. Dù không theo nghiệp Văn, song có thể nói, những sự kiện
lớn về Văn học nước nhà vẫn được tôi để tâm theo dõi. Qua đó tôi cũng được biết
đến sơ bộ tên tuổi của tác giả Hoài Nam như một người “tuổi trẻ tài cao”, là
người dẫn chương trình văn học trên VTV khá từ tốn và mực thước, không quá thừa
lời hoặc thiếu lời. Đặc biệt trong các chuyên mục của An ninh thế giới liên
quan đến phê bình- tiểu luận thường có bài của Hoài Nam . Những bài viết của tác giả thường
đem lại cho người đọc một cái nhìn khá thiện cảm ở cái phông hiểu biết văn học
của mình khá rộng, khá phong phú, đa dạng. Hơn thế, lối viết giản dị, dí dỏm và
có phần pha lẫn hài hước khá sinh động cũng góp phần làm cho bài “luận” của tác
giả bớt khô khan hơn khi phải đọc những bài viết mang tính “phê bình” như tâm
thế thường gặp khi đọc những bài viết trong chuyên mục này. Dù rất quý mến tác
giả mà mình yêu thích, song để góp phần
hoàn thiện hơn cho tác giả, từ góc nhìn của của người đọc chúng tôi cũng mạnh dạn
góp thêm một vài ý kiến nhỏ thông qua đọc bài báo trên.

Trước
hết, chúng tôi cũng đồng ý với tác giả là không nên đưa ra cụm từ văn học
cho thiếu nhi. Vì từ cho dễ bị khuôn
hẹp đối tượng ở đây chỉ là thiếu nhi, chứ không còn ai khác, Còn vấn đề văn học
đó cho hay vì thiếu nhi thì cần phải được hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo hơn,
chúng ta sẽ bàn sau.
Bài thường thức mở đầu cho dân tập tễnh
biết về Văn học là câu nói nổi tiếng của M. Gorki: Văn học là nhân học, điều
này ai cũng biết. Nói gọn lại: Văn là người. Văn học bàn đến chuyện trên trời,
dưới đất, con này, cây kia, cuối cùng cũng để nói đến con người. Như vậy, đã
rõ, ở đây có thể nói lại rõ ràng là văn học phục vụ con người và trên hết là vì
con người. Đây là con người nói chung, không phụ thuộc vào lứa tưổi, giới tính,
chủng tộc, dân tộc, quốc gia nào hết. Điều đó cho thấy, không ít những tác phẩm
chẳng đề là dành cho ai, lứa tuổi nào mà vẫn thu hút không ít các lứa tuổi
cùng
theo dõi, từ đứa trẻ con lẫn người lớn tuổi, từ người biết chữ lẫn người không
biết chữ vẫn say mê tìm đọc hoặc tìm (nghe kể). Thậm chí tác phẩm đó không chỉ
hấp dẫn thế hệ này mà cả nhiều thế hệ khác, bất chấp tính lịch đại của nó. Ngay
cả trong môi trường thông tin đậm đặc được cả hệ thống thông tin đại chúng hùng
hậu hiện nay được trợ giúp bởi internet người ta vẫn tìm đến nó để đọc, để
nghe, để được cùng trải nghiệm với người đọc, người nghe, người xem và người
bình khác để thấy được cái hay, cái mới của nó mà một mình thưởng thức chưa chắc
đã thấy được các tầng nghĩa sâu xa của nó. Điều đó cho thấy, nếu người thưởng
thức văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, nếu có một phông tri thức tương
đối, thì họ vẫn có thể biết phân tích, lọc bỏ, phân biệt đâu là văn học đích thực,
đâu là giả hiệu, để tránh chết khát văn học trên một biển thông tin tưởng là
văn học nhưng chưa chắc phải là văn học.


Có thể có cuốn người này thích, người
kia không thích, song theo chúng tôi những cuốn sách dưới đây dễ làm cho người
ta theo dõi mà không hề giảm bớt say mê không kể lứa tuổi như: Tôn Ngộ Không, Tam quốc diễn nghĩa, Con đường
đau khổ, Chiến tranh và hòa bình… Tuy nhiên cũng có những cuốn sách không hề
dễ đọc và kén tuổi thì không hề hợp với mọi người, thậm chí nếu thiếu nhi tiếp
cận quá sớm với những cuốn này có thể dẫn đến nguy hại cho tâm hồn trẻ thơ như
là: Buồn nôn, Người xa la hay Trăm năm
cô đơn.. mà tác giả Hoài Nam
kể tới trong bài viết trên. Chúng tôi không đồng ý với tác giả ở điểm này, bởi
những tác phẩm khó đọc này, đòi hỏi trình độ rất cao nhất là dòng văn học hiện
sinh, làm sao thiếu nhi đủ sức, đủ
trình độ để đọc được nếu không có một phông
văn hóa tối thiểu? Ngay cả người lớn, nếu không có ít hiểu biết về triết học
thì đọc những cuốn này cũng …chối vì không hiểu gì. Chính tôi bắt gặp trường hợp
khi cuốn Trăm năm cô đơn được xuất bản,
tôi tìm thấy nhiều cuốn được vất chỏng chơ hoặc bán rẻ ở các hiệu sách cũ vỉa
hè ở Đà Nẵng (dù sách hầu như còn mới nguyên) nhưng chẳng ai động đến. Điều đó
cho thấy, cuốn sách này tuy rất hay, của tác giả được giải Nô ben, song không hề
dễ đọc và không dễ đi vào tâm trí người đọc nói chung chứ không chỉ là thiếu
nhi. Qua đó cũng không vì thế mà cho rằng dân trí người Đà Nẵng thấp. Đành rằng,
khá nhiều thiếu nhi rất ham đọc, song nếu họ cố gắng hiểu những tác phẩm thuộc
dòng văn học hiện sinh hay cuốn Thao thức
của một tác giả Xô viết thì thật là bi kịch cho tuổi trẻ vì không hiểu gì hoặc
thần kinh có vấn đề đáng lo. Vì thế, chúng tôi nghĩ tác giả hơi quá lời khi cho
rằng: nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam
khi còn ở tuổi thiếu nhi đã say mê với Tam
quốc diễn nghĩa, Thủy hử…thậm chí cả ..
Buồn nôn, Người xa lạ hay Trăm năm
cô đơn họ cũng không từ”. Vế trên có thể được nhiều người đồng ý nhưng vế
dưới thì cần xem lại. Cần nhớ rằng người lớn có thể quay lại thời thiếu nhi (vì
họ đã trải qua), nhưng thiếu nhi không thể vượt trước để thành người lớn.


Thứ hai, luận điểm Văn học là nhân học,
cho thấy, một tác phẩm hay khi được tác giả thể hiện thường không/hoặc không để
ý đến đối tượng cụ thể của mình là ai, mà thể hiện được cảm hứng của nhà văn
khi nắm bắt được đề tài thích hợp với hứng khởi của mình. Khi đó, tác giả có thể
viết một mạch theo “chỉ dẫn” của say mê mà không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện
gì. Chính vì vậy mà những tác phẩm văn học lớn
không chỉ nằm lòng đối với cả tuổi
trẻ và cả tuổi già, in vào tâm khảm họ suốt cả cuộc đời. Tôi cho rằng đối với trẻ em, nhất là khi đã biết đọc, lần đầu tiên được
tiếp xúc với văn học, với tác phẩm nào, có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển
tâm hồn về sau của người đó, đến sự yêu gét đối với môn văn sau này. Riêng
tôi, khi mới vào lớp 3, lớp 4, không hiểu từ đâu tôi được tiếp xúc lẻ tẻ với một
vài tập Tam quốc diễn nghĩa,
sau đó là biết đến Phan Tứ qua tác phẩm Mẫn và Tôi. Vẻn vẹn chỉ hai tác phẩm
(không đủ tập như Tam quốc diễn nghĩa và Mẫn và Tôi), đã đủ sức đưa tôi đến với
sự say mê văn học. Và cho mãi đến khi học lớp 7 (hệ 10 năm của nền giáo dục nước
ta lúc đó), ước mơ lớn nhất của tôi lúc đó là làm sao đủ tiền để mua trọn bộ 8
tập Tam quốc diễn nghĩa của Nhà xuất bản Văn hóa. (Cũng xin tiết lộ rằng ước mơ
cháy bỏng đó phải mãi mấy năm sau khi vào dạy đại học mới biến thành hiện thực).
Tuy nhiên, đặt giả
thuyến, nếu ngay ban đầu mà tôi được tiếp xúc với Buồn nôn, Người xa la hay Trăm năm cô đơn.. thì có thể dẫn tâm hồn
tôi đi đến thứ văn học gì thì tôi không hình dung ra. (May cho tôi là những năm
đó các tác phẩm đó chưa thể được in và phát hành). Do đó, không phải sự tiếp
xúc đầu tiên nào cũng có ý nghĩa tích cực với tâm thế về sau mà quan trọng là sự
tiếp xúc văn học đầu tiên như thế nào với tác phẩm nào, có cơ may hay không.
Vai trò của lần tiếp cận văn học đầu tiên vì thế có ý nghĩa rất quan trọng. Chẳng
hạn lần tiếp xúc đầu tiên với văn học nước ngoài là văn học Nga đã để lại ấn tượng
tốt của tôi đối với một số tác giả, một số thuật ngữ khó phai mờ trong ký ức
tôi. Hình như, nếu tôi nhớ không nhầm thì, tác phẩm văn học xô viết đầu tiên mà
tôi tiếp xúc là Tiếng nhạc trên sân ga,
sau đó mới được tiếp cận đến Chiến tranh
và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Thao thức, Mùa hè rớt…Các thuật ngữ: hoa anh
đào, phúc bồn tử, tử đinh hương, ấm xa mô va, mugich, đêm trắng, sông Vônga…đã
in lại trong ký ức tôi từ đó và thật khó quên.



Văn học là nhân học và Văn học, hơn thế,
còn là sự nhân hóa các sự vật hiện tượng của thế giới. Song sự nhân hóa đó ra
sao, ở mức độ nào thì cuối cùng để nới đến và chỉ/vì phục vụ cho con người. Thể
hiện khi Trương Chính, sưu tầm và biên soạn Trí khôn của ta đây, không chỉ cốt nói chuyện con trâu và con cọp. Tô
Hoài khi viết Dế mèn phiêu lưu ký
không chỉ đơn thuần để nói đến chuyện phiêu lưu của chú dế.
Tôi đồng ý với tác giả là những tác phẩm viết về trẻ em, nhiều khi là do
người lớn tuổi ghi lại những ký ức của mình về quãng đời đáng nhớ đã qua và
không nhất thiết viết cho thiếu nhi nhưng có giá trị rất lớn với thiếu nhi. Chẳng
hạn cuốn Mùa hè năm Petrus của Lê Văn
Nghĩa hay Cho xin một vé đi tuổi thơ của
Nguyễn Nhật Ánh. Tuy vậy không vì thế mà đồng nhất, mọi thiếu nhi đều có thể không từ (từ của tác giả) bất cứ tác phẩm
nào như đã phân tích trên.

Theo tôi, vấn đề văn học cho ai, vì ai, nếu xem xét một cách tổng thể qua
sự phân tích sơ bộ nói trên thì thực ra đã có câu trả lời khá rõ. Văn học vì con người, không loại trừ một
đối tượng nào cả, nói chuyện cây cỏ, con vật, người ngoài hành tinh hay cả ma
quỷ, thiên đàng, địa ngục cuối cùng cũng quy về nói con người. Nói chuyện xa
hay gần cũng là cuối cùng để bàn đến con người, chủ nhân của thế giới này. Điều
này cho thấy tính phổ quát của văn học mà các môn khoa học khác tuy cũng nói về
hình tượng con người nhưng không môn nào có thể thay thế được văn học. Qua đó
cũng cho thấy được tính tương đối của sự phân chia đối tượng khi xem xét, chứ
không nên cố định, bắt đối tượng khuôn vào một hình mẫu nghiêm ngặt sẽ giảm đi tính
sinh động của nó.
Thứ ba, về thuật ngữ, văn học cho thiếu
nhi hay văn học vì thiếu nhi. Nếu
xét ở đối tượng cụ thể này, trong phạm vi cụ thể này, tôi cũng đồng ý với tác
giả Hoài Nam là nên dùng thuật ngữ văn học vì
thiếu nhi thì đối tượng, phạm vi của nó rõ hơn, rộng hơn, bao quát hơn là
văn học cho thiếu nhi. Như thế cũng
ít gây ra sự tranh cãi hơn. Cũng nên nhận thấy rằng, các trại sáng tác theo chủ
đề: cho cái này, cho cái kia hay vì cái này vì cái kia trong các lĩnh vực văn
hóa nghệ thuật theo kiểu chiến dịch hay phong trào thường ít đem lại những tác
phẩm hay. Như đã biết sáng tạo trong văn học, cũng như nghệ thuật thường từ những
cảm hứng, thậm chí từ ngẫu hứng ngẫu nhiên của chủ thể thì mới sinh động. Song
chúng ta cũng từng biết, có những nhà văn chỉ suốt đời nổi tiếng với một tác phẩm,
sau đó chờ mãi không thấy nguồn cảm hứng mới để sáng tác
nữa đành gác bút văn
trường. Chính vì thế, dù biết rằng việc sáng tác văn học theo kiểu lập trại văn
hay chiến dịch tuy chưa hiệu quả cho lắm song ít ra qua các trại các phong trào
đó cũng là gợi ý cho các nhà văn về ý tưởng và cũng có thể tìm ra một số tác phẩm
khá đáp ứng được chủ đề đặt ra. Vì thế, khi đọc các bài phỏng vấn của các nhà
văn, nhà báo lớn thuộc dạng cây đa, cây đề của làng văn hóa Việt Nam, chúng ta
vẫn bắt gặp trường hợp, chỉ khi tòa soạn hay nhà xuất bản đã đặt hàng gọi đến
thúc thì họ mới cầm bút để tập trung sáng tác là gì? Chính vì thế, vẫn nên tổ
chức các cuộc thi hay ý tưởng về những chủ đề định sẵn để các nhà văn có đất để
dụng võ, ít ra là nguồn kinh phi và thời gian để họ tập trung suy ngẫm và sáng
tác và sáng tạo nhưng cũng không nên khuôn
họ trong một phạm vi quá hẹp, dễ dẫn đến tình trạng.. gà không để được trứng
vàng.


Văn học cho ai, vì thiếu nhi hay vì
ai, hoặc giả khi nhà xuất bản nào đó khi đưa sách theo chuyên mục vì đối tượng
nào cũng rất khó, do tính tương đối nói trên khi xem xét, phân chia. Tuy nhiên,
dù khó phân chia, vẫn cần cần chú ý rằng: Đối
tượng quyết định phương pháp- đó là nguyên tắc. Khi đã xác định đối tượng
văn học vì thiếu nhi, dù ít hay nhiều cũng tác động đến cách viết, cách tiếp cận
đối tượng một cách mềm dẻo hơn đối với người viết, chứ không nên cực đoan như
Alain Robbe Grillet, ông trùm “tiểu thuyết mới” được tác giả viện dẫn: “Nhà văn
là kẻ suy đồi nếu khi viết mà hắn còn để ý tới độc giả”. Cho dù tác giả Hoài
Nam có biện luận: bỏ qua sự cực đoan vốn có của nhà tiểu thuyết vốn có cá tính
mạnh nhất trong văn học Pháp hiện đại, phán quyết này nói trúng cái cần phải
thuộc về bản chất của sáng tạo nhà văn, đó là sự đốt cháy hết mình của chủ thể
trong ngọn lửa mà chính tay anh ta nhóm lên, từ ý chí và niềm say mê của cá
nhân. Điểm này chúng tôi cũng không đồng ý với tác giả Hoài Nam , vì văn học phải xuất phát từ
cuộc sống để trở lại phục vụ cuộc sống. Trước khi anh bước vào tháp ngà để tập
trung cho sáng tạo thì anh phải lấy chất liệu đó từ cuộc sống chứ không phải ở
đâu khác. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi. Nếu không, anh sáng tác cho ai? Ai
mua tác phẩm của anh? Hay anh mãi chỉ bơi trong tháp ngà của “nghệ thuật vị nghệ
thuật”? Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Câu hỏi này chắc
cũng đã có câu trả lời, chúng tôi không xới lại.

Trên đây là
những góp ý nhỏ để mong tác giả của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn./.
Thật hay khi được đọc một bài luận về Văn học dành cho người trẻ tuổi dưới ngòi bút của triết gia, chi tiết nào cũng đề cập rất thú vị trên nền kiến thức rộng về văn học... Người được góp ý chắc sẽ rất cảm ơn Anh Hồng Lưu. Những bức hình cũng thú vị không kém những tác phẩm văn học được nhắc đến trong bài viết này.
Trả lờiXóaChúc mừng tác giả đã có một giọng văn hào hứng say mê nói về Văn học Thiếu nhi.
Giật mình khi nghe nhắc tới "Mẫn và tôi" của Phan Tứ- một trong những cuốn sách gối đầu giường của KD, chắc cũng có một vài người giống tác giả và KD, say mê sách văn học.
Trả lờiXóa