Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Điều cha không thể dạy con.
Trước ngày đi công tác ở nước ngoài nửa năm, ông Vạn còn một nỗi băn khoăn, một điều ông không dám nói với vợ con nhưng ở sân bay, ông khẽ tâm sự với cô Thư ký của cơ quan, một người thân tín của ông “Cô ở lại làm tốt công việc của mình, đặc biệt, cô chú ý đến cháu Nga dùm tôi nhé, nó ….” Ông định nói theo câu ngạn ngữ “…nó có lớn nhưng không có khôn” thì chợt dừng lại.
Con ông không dại, ngược lại, nó rất khôn!.


                                 
 

Thành đạt, thành tựu và… không thành công !.
Cách đây bảy tám năm, công ty Tư vấn Kiến Trúc – Địa ốc của ông Vạn lên như diều gặp gió, khi ấy cô con gái duy nhất của ông, cô Huyền Nga học vừa hết phổ thông. Nó đẹp, đẹp tự nhiên. Loại sắc đẹp hơi lạnh lùng nhưng lại tạo nên sắc màu huyền ảo, bí ẩn. Mỗi khi nó lên văn phòng, không khí cứ chộn rộn cả lên. Ở các phòng ban có tới gần chục cậu kỹ sư chưa vợ, nhiều cậu dở đùa dở thật “tán” Nga: mau lớn, chú chờ…, Tán vậy, nhưng là đàn ông, ông Vạn dư biết có đứa nói cho vui miệng, nhưng có nhiều anh dành cho con ông cái nhìn hy vọng, đầy thiện cảm là thật đủ trăm phần.
Ông Vạn ấm lòng khi nghĩ đến đường hôn nhân của con, chắc không tệ.
Bốn năm sau, con bé tốt nghiệp đại học ngoại thương.
Hơn hai năm sau, nó làm xong cái Thạc sỹ. Ông bà ấm lòng khi nghĩ về đường sự nghiệp của con, nó có nhiều dấu hiệu rất xứng đáng tiếp quản cái công ty có cơ hữu gần bốn chục người trong đó gần hết đã qua đại học và quy quản một sự nghiệp có gần nửa ngàn tỉ đồng vốn liếng này.
Khi nó về công ty làm trợ lí rồi làm Tưởng phòng Makerting cho ông, từ lính chí quan, có vẻ hài lòng và tôn phục nó, nó có bản lĩnh một Doanh gia trẻ rất rõ nét.
Nhưng.
Về đường hôn nhân của Nga  thì là cả một vấn đề.
Các anh hùng mã thượng ở Công ty lần lượt “ra đi” hết, họ có những chọn lựa khác cô con gái ông để lập gia đình.
Những anh còn lại, cũng giữ giới hạn rất “an toàn” với Nga. Họ tôn trọng, lễ phép, thành tâm nhưng những câu chuyện tay đôi thường mang màu sắc công tác, xã giao mà thôi.
Với chức phận của mình, với thế mạnh của con gái Tổng giám đốc, cô Nga có rất nhiều môi trường giao tiếp ngoài cơ quan. Nhưng, ở đâu cũng thấy tình hình rưa rứa như nhau: bàn tán vui vui thì có, hứa hẹn, dành phần kiểu văn nghệ thì có nhưng không thấy ở đâu có dấu hiệu kết tóc xe tơ. Thoáng cái, cô gái bước sang tuổi bén ba mươi.
Bà vợ ông, bắt đầu cảm thấy lơ mơ một mối lo cho con gái. Hồi hăm hai tuổi, bà với ông đã thành vợ chồng. Vốn dòng dõi có nhan sắc, mấy chị em bà không ai “vượt” quá hăm lăm là đâu vào đó hết. Riêng Dì Hạnh, em út bà có chồng không may bị thiệt phận vì tai nạn lao động khi Dì ở tuổi bốn mươi mà sau đó, có đến ba bốn chàng tình nguyện “xin chết” mà chưa được. Mới đây, Dì lấy chồng, một đức lang quân ‘ra dáng” anh hào: một tiến sỹ Việt kiều về nước công tác, kém Dì hai tuổi và chưa vợ con!.
Con gái bà bây giờ, Huyền Nga, hơn hẳn bà và chị em bà món học vấn. Ngay cái đẹp của nó cũng rất khác, nó có một vẻ hơi kiêu sa, dạng dỡ, bề thế mặc dù không son phấn, ít trang điểm. Nhưng, hầu như, hiện nay, nó vẫn thuộc diện “Phòng không”.
Tháng trước , ông Vạn đón một người bạn là Giáo sư Nguyễn Khang, một nhà giáo ngành tâm lý học đến chơi. Khi tiễn khách về ông muốn trao đổi một chút với nhà chuyên môn về con. Vị Giáo sư già chỉ cho ông thấy một loạt vấn đề khiến ông lạnh người. Những vấn đề đó diễn ra rất lâu rồi, diễn ra hàng ngày nhưng ông không để ý. Nghĩ về con, ông chỉ thấy tin yêu, an tâm và cảm mến.
Tối đến, ông nằm nghĩ lại những lời chỉ dạy của vị Giáo sư khả kính.
 
Những cái tốt bất trị.
Ông giáo sư chỉ ra một vấn đề mà ông Vạn chưa hề nghĩ tới.
Trong những cái khiến người khác xa lánh ta, khó gần ta, không hẳn là vì ta xấu, mà nhiều khi vì ta …tốt quá.
Ông giáo tâm sự, ông có một người em họ rất dễ mến ở cùng thành phố, nhưng ông rất ít thăm nom bởi lẽ, mỗi khi ông đến, gia đình người em dành cho ông sự trọng vọng thái quá. Từ miếng ăn đến xưng hô, giới thiệu, quà cáp …họ cứ có xu hướng thần thánh hóa ông, làm cho ông khó xử với những người xung quanh.
Đến lượt nêu nhận xét về cô Huyền Nga, ông “tỉa” ra ba nét, là ba nét xảy ra chỉ trong một nửa buổi tiếp xúc.
Nét thứ nhất, khi nhắc cô tạp vụ gần bốn mươi tuổi lấy bình nước lọc đặt lên chỗ quy định, cô nói không có chút tình người nào, lạnh như băng, nhắc xong còn “khuyến mãi” thêm một câu:
-  Tôi không muốn phải nhắc chị một lần nữa thế này đâu nhé!.
Cô Nga không hề biết hai hôm nay, mẹ cô Mậu, người giúp việc bị bệnh, nhà ở gần cơ quan nên cô không xin nghỉ, vẫn vừa làm vừa chạy đi chạy về chăm mẹ nên thiếu chu đáo một chút trong việc công.
Nét thứ hai, ở ngay cửa phòng cô, cô in một miếng giấy nhỏ, lịch lãm có mấy chữ:  “Không tiếp những người ồn ã, mất trật tự!” .
Nét “nhỏ” thứ ba là từ lúc vị Giáo sư này đến cơ quan, với tư thế là thượng khách của cha mẹ cô, Cô Nga chưa hề “ban tặng” cho khách một cái mỉm cười, một lời chào ấm áp. Ngày xưa, Nhà vị Giáo sư là chỗ cha mẹ cô, ông bà nội cô trú ngụ trong một đợt sơ tán tránh máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội lên Bắc Giang, sau hơn một năm chia ngọt sẻ bùi, gia đình ông Giáo sư không lấy một đồng nào tiền ăn ở cả.
Nay ông cứ đến, cứ đi, mặc cho cha mẹ cô vui vẻ, thân tình, cảm mến, riêng cô Nga, cô coi ông như một người hoàn toàn xa lạ.
Ông giáo sư lưu ý ông Vạn về chuyện này và cho rằng, nó chính là cản trở lớn cho cô tiến tới việc tìm người bạn đời cho cô.
Hai ngày sau khi hai cha con đi dự một cái lễ khánh thành một cơ sở kinh doanh của người bạn. Ông Vạn lựa lúc có không gian tốt để kể một chút về ông Giáo sư Khang. Ông muốn con gái mình biết được rằng, để ông được như ngày nay, một phần nhờ ở vị này.
Thật bất ngờ, khi ông vừa kể được vài dòng thì cô Nga ngắt lời : “ ông ấy trả hết tiền cho ba chưa!?”
Ông Vạn lạnh người!.
Điều ông sửng sốt không phải vì chuyện con gái ông không kính trọng ông Khang vì cô coi việc ông Khang đến nhà này, là chỉ để cầu cạnh cha mình, chỉ là để lợi dụng cha mình.
Điều mà ông nhột chính là cái khác: Con gái ông tinh quái quá!.
Việc hồi cuối năm ngoái ông Vạn sắp đi Mỹ có mượn của ông năm ngàn USD , khi về gặp đúng dịp Đại lý xe hơi Mercedess quen biết có đợt thanh lý xe cao cấp một loạt xe mới, mới sử dụng qua một hội nghị thượng đỉnh với giá dễ mua, thế là ông mua luôn, thành ra khoản tiền mượn của ông Vạn chưa trả được. Điều ông Vạn ngạc nhiên là  việc vay mượn, hứa hẹn, điều chỉnh giữa ông và Giáo sư Khang, chỉ mình ông biết, nhưng đã không qua mắt được cô.
Buổi tiệc diễn tiến được nửa trương trình thì xảy ra một chuyện nhỏ: Anh Vĩnh, một kỹ sư kết cấu của cơ quan đem đến chủ sự một lẵng hoa lớn và phần quà mừng của cha anh ta, cũng là khách mời của ông chủ hôm nay nhưng cha anh hơi yếu mệt, không đi được.
Khi anh Vĩnh bước xuống Taxi, khệ nệ nâng lẵng hoa khỏi xe ông Vạn nhận ra ngay. Ông nhanh nhẹn bước ra phụ giúp anh chàng trong khi cô con gái ông, vẫn đứng đó lạnh lùng bấm điện thoại.
Tan tiệc cha con ông Vạn bước ra sảnh ngoài đợi xe riêng chờ tới.
Ngay bên cạnh, Vĩnh kêu Taxi để về. Ông Vạn định bụng mời Vĩnh đi cùng xe vì về cùng một đường nhưng ông chợt tĩnh trí lại, ông chờ đợi ở con gái ông một cử chỉ gì đó như một lời mời nhưng không, nó đã không xảy ra.
Bên kia, Vĩnh vẫy một cái Taxi, quay lại vẫy chào ông rồi chiếc xe vù đi.
Một tuần sau.
Anh Viên, con một người bạn thân đã mất đến gặp ông để bàn một đại sự, đó là việc anh sắp lấy vợ.
Vì không có cha, mẹ thì ở quê ngoài bắc, sức khỏe kém nên anh Viên có ý nhờ ông Vạn đứng ra lo việc “Tổ chức” đám cưới cho mình với tư cách là đại diện nhà trai.
Anh viên là giảng viên một trường đại học ở thành phố. Anh lập gia đình muộn, sau đứa em trai của mình, năm nay anh đã vào tuổi ba lăm.
Ngày cha Viên còn sống, hai nhà ở cùng khu tập thể cơ quan bà Vạn, thân thiện nhau lắm. Khi còn sống, ông vẫn “nhận” bé Huyền Nga là con dâu ông.
Ngày Nga học Thạc sỹ ở New Diland , Viện có qua đó trong một đợt trao đổi công tác, có đến trường Nga theo học nửa tháng, có gặp nhau nhưng rồi, không có gì đọng lại ở cặp “Trai tài, gái sắc” này cả.
Trưa hôm đó, với tư cách cha chú, “Thừa ủy quyền” cha Viên, ông Vạn có một buổi nói chuyện rất thân tình với Viên trước ngày trọng đại của anh.
Câu chuyện của hai bác cháu có một thoáng nói đến tình cảm gia đình xưa, nhắc đến lời hứa hẹn của hai gia đình muốn “tác thành” cho Nga –Viên khi xưa.
Dùng một li nhỏ rượu tím chát cùng ông Vạn, Viên ngập ngừng mở lời trong lúc ông Vạn khéo léo bấm một cái máy ghi âm. Một việc ông đang ngấm ngầm làm gần đây xung quanh một đề tài mà ông đau đáu bấy nay. Nhờ công nghệ mới, ông muốn con ông hiểu được giới đàn ông nghĩ gì về nó, điều mà cha nó không thể dạy dỗ, khuyên nhủ con được.
*
*       *
Chiều nay, cô Huyền Nga đậu chiếc Vios 1.5 xinh xắn của cô ven một tòa cao ốc ở khu Phú Mỹ Hưng.
Cô không hiểu sao chiếc xe của cô chạy đến đây. Cô vừa đi vừa nghe những đoạn ghi âm cha cô trao lại với một mong muốn cô nhìn thật rõ mình, để cô có thể tạo cơ hội cho chính mình được tiếp cận với một hạnh phúc bình dị, nồng nàn , đầy nhựa sống như bất cứ người phụ nữ nào.
Khi trao cái USB cho cô, ông vạn nói, giọng khàn đục, trầm xuống:
- Con ạ, về học vấn, con học nhiều hơn ba.
Nhưng có một điều, ít trường sở nào dạy là cách nắm bắt được suy ngẫm, tâm hồn, khát vọng của phái mạnh khi họ đi tìm người mình yêu mến.
Con có rất nhiều thế mạnh nhưng điều con thiếu, cũng không phải là nhỏ.
Ba tin, là người cương nghị, thận trọng, con sẽ nghe những âm thanh này một cách nghiêm túc. Điều rút ra, có lẽ, sẽ làm cho con hạnh phúc.
Đoạn băng thu từ cuộc tán gẫu ở phòng Tổ chức nhân sự cơ quan trải qua vài phút ồn ã, vui vẻ bỗng dưng lặng xuống. Khi ấy, người ta nói về Huyền Nga.
Đoạn băng cậu Hưng, cậu Hải con chú Khải ngoài quê nói về “Chị Nga gấu dễ sợ” dài hai chục phút.
Cuối cùng, đoạn tâm sự của Viên với cha Nga khi anh sắp lấy vợ.
“...Cháu không dám giấu bác, cháu thích Nga từ hồi học phổ thông.
Dịp hội diễn văn nghệ ở huyện, cháu và Nga đã đóng vai vợ chồng và cảm giác êm đềm đó còn đến tận bây giờ.
Hồi Nga tổ chức sinh nhật ở trường đại học khi em tròn 20 tuổi, cháu đã gửi lẵng hoa đẹp nhất đến mà không đề tên, cháu muốn em tập chung học hành.
Khi sang New Diland công tác, cháu định tiến một bước, định đặt vấn đề thẳng với Nga về chuyện hôn nhân.
Nhưng, từ đây và cho đến bây giờ, cháu đã thôi ý định tìm gì đó ở mối nhân duyên tưởng tượng này.
Nga thuộc tip người sống rất nguyên tắc, nguyên tắc đến lạnh lùng. Bác không biết, anh Q., chị L, anh N là những người tốt ở chỗ bác đã rời khỏi cơ quan bác cũng chỉ vì không chịu nổi nét này của Nga.
Về tình cảm, Nga sống rất nghèo nàn. Hình như Nga chỉ coi có mình và những người đến phục dịch, chấp hành, thừa lệnh hay đến nhận ban ơn gì từ cha mẹ mình, cơ quan mình, không có dạng người thứ ba.
Từ vị trí “Trâm anh thế phiệt”, kinh tế vững vàng, mức sống rất cao Nga coi anh chị em ai cũng “dưới cơ” hết, ai cũng là giai tầng khác hết.
Từ đây, Nga có vẻ không yêu mến ai, nhìn ai cũng thấy cái kém cạnh , cái thiếu hụt của người ta, thấy người ta không ngang tầm với mình.
Hôm nọ ra Nha Trang, gặp anh Q cháu hỏi: Sao không làm chỗ bác Vạn, chỗ ấy coi sự nghiệp, tương lai hay vậy mà bỏ ra đây!?.
Anh Q đáp: Bao giờ cái Nga nó đi lấy chồng, đi làm chỗ khác thì mình về!.
Hơn hết, cái bọn cháu không chịu nổi là cái tinh quái phát khiếp của cô ấy!. Có lẽ, sự tinh quái nhường ấy đã lấn át hết những phẩm chất cần có của một cô gái nên hình ảnh Nga hầu như không có trong bất kỳ ai ở công ty này. Thú thật với bác, đàn ông sợ nhất là cái “gu” phụ nữ tài giỏi kiểu này!. Lắm lúc, bạn bè hỏi : mày thích mẫu vợ kiểu gì?, cháu trả lời : Nếu được, tao thích mẫu vợ đẹp như Huyền Nga nhưng hơi …ngu ngu hơn một xíu!
Chiếc xe của Nga bỗng khựng lên một chút rồi tắt máy. Nga giật mình nhìn đồng hồ nhiên liệu. Thì ra, chiếc xe đã đứng đó, nổ máy gần hai giờ liên, nay đã hết xăng.
Nga cũng không rời xe, cô chưa muốn rời khỏi xe, cô cứ ngồi nguyên đó, hạ kính xuống, lâu lắm cô mới có dịp hưởng chút gió trời mơn man, mát mẻ như thế này.
Cô bốc máy, gọi cho Viên, cô hỏi thăm sức khỏe, hạnh phúc của anh.
Chưa bao giờ, giọng Nga đầm ấm, chân thật, nồng nàn như thế.
Ở đầu sóng bên kia, Viên như cứ quýnh cả lên, hình như anh rất vui!.
Nguyễn Huy Cường.
Kỹ năng hành xử trong những khoảnh khắc nóng.
Thói thường, khi ra tay , những sát thủ thường bộc lộ những tâm lý bất ổn, nóng vội và tình thế . Chính vì thế, khi tiếp cận nên “đọc” được thật nhanh những tín hiệu này để nhanh chóng thoát ra khỏi tình cảnh ngặt nghèo, sau đó tính sau.




Tháng chín năm 2010  đã xảy ra vụ sát hại Bí thư quận ủy quận Phú Nhuận, Vụ việc đã được đưa ra xét xử nghiêm minh .
Xin tóm tắt lại vụ việc: Sát thủ tên Nhân, có vợ làm tại phòng Địa chính thuộc UBND quận Phú Nhuận, vừa bị kỷ luật. Anh ta tìm đến nhà thượng cấp để xin xỏ gì đó nhưng bị miễn tiếp, anh ta đã ra tay chém giết tứ tung gây tổn hại sinh mạng, sức khỏe cho nhiều người, trong đó có bà Bùi Ngô Thị Mỹ Cán bộ phòng tài nguyên-Môi trường và bà Đặng Thu Hồng Phó bí thư quận ủy Phú Nhuận, TP HCM.
Có một điều nên bàn là trong vụ án này, kỹ năng hành xử khi gặp những hoàn cảnh khó khăn đột xuất, những khoảnh khắc đặc biệt rất cần được phát huy và nhiều khi nét “nhỏ” này tránh được những tổn thất lớn.
Một bác sỹ của Pháp, làm nhiệm vụ nhiều năm tại một bệnh viện ven biển, đã cấp cứu và xử lý rất nhiều pha chết đuối rút ra được một điều: Nhiều người có thể sống tốt nếu chọn cách hành xử tức thời thông minh, bình tĩnh hơn.
Sau đó ông đã chứng minh cho thế giới thấy quan điểm của mình bằng cách vượt Đại Tây Dương trên một cái bè cực kỳ đơn sơ. Có lúc nguồn thức ăn cạn kiệt, sóng gió ào ạt, dầm lái mất hết, cơ thể rã rời mà sau vài tháng, ông vẫn dạt được vào nước Mỹ .
Nhà tình báo Nguyễn Ngọc Nhạ khi bị bắt bất kỳ, bí mật rồi cho lên xe chở ngay đi. Ông dành mọi cố gắng để viết vài chữ thông báo việc mình bị bắt rồi tìm cơ hội tung xuống đường để dư luận, đồng đội, báo chí bên ngoài biết được. Khi họ lên tiếng thì kẻ địch dù có muốn sát hại cũng phải dè chừng. Đó là một cách tự bảo vệ tốt nhất trong hoàn cảnh ấy.
Thói thường, khi ra tay , những sát thủ thường bộc lộ những tâm lý bất ổn, nóng vội và tình thế . Chính vì thế, khi tiếp cận nên “đọc” được thật nhanh những tín hiệu này để nhanh chóng thoát ra khỏi tình cảnh ngặt nghèo, sau đó tính sau.
Trở lại vụ việc bi thảm vừa qua ở Phú Nhuận. Qua tất cả các nguồn tin tin cậy lúc này, sự thể hầu như đã bộc lộ rất rõ: Sát thủ Nguyễn Trọng Nhân  lúc đầu đến để xin bà Bùi Ngô Thị Mỹ “nới tay” trong vụ án kỷ luật vợ mình và giai đoạn đầu của cuộc tiếp xúc đã xảy ra đúng như vậy.
Nếu việc “xin” này thuận thụ, cơ may cho vợ mở ra thì nhiều khả năng không xảy ra bi kịch.
Nhưng, cho phép tôi giả định:
Cách đặt vấn đề của Nhân hỡi hỗn, hơi thiếu “tôn ti trật tự” và có ý xem thường đối tượng nên bà Mỹ nổi cáu, miễn tiếp, đuổi thẳng Nhân ra khỏi nhà. Từ đây, hung thủ mạnh dạn chọn “phương án 2”
Nếu như, nhận thấy tình hình xấu, lực lượng không cân bằng, đối thủ khó chịu mà bà Mỹ chọn cách khác thì ít nhất có ba cách.
- Một là giả vờ thỏa hiệp, mời nước thân mật rồi vào toilet hay nhà trong gọi máy cho anh em đến trợ giúp.
- Hai là tìm kế hoãn binh, đề nghị tay kia về chở vợ lên để chị em nói chuyện riêng với nhau, như là một gợi ý gì đó thân thiện để sát thủ chùng tay.
- Ba là tuyên bố việc kỷ luật kia không có, chỉ là biện pháp răn dạy để vợ Nhân khá hơn trong công tác, động viên Nhân cứ về đi rồi góp ý với vợ là mọi việc sẽ tốt.
Tất nhiên, sau những biện pháp tức thời này, sẽ tìm mọi cách hóa giải những bất cập sau đó cho phù hợp.
Có một câu chuyện được mô tả trong cuốn sách nổi tiếng của một học giả Mỹ vốn là một Nhà Tâm lý học hành vi, tác giả của cuốn “Phi lý trí” .
Một tên trộm lẻn vào nhà kia, bắt trói hai chị em gia chủ lại và vơ vét của cải xong, chuẩn bị biến.
Khi hắn ra đến cửa thì cái băng ở miệng một người bị trói buột được ra và bà này lớn tiếng: “Này tên kia, tao nhớ mặt mày rồi, pháp luật sẽ trừng trị mày , mày đừng tưởng…”
Tên trộm tin ngay lời gia chủ và để trừ hậu họa, nó quay lại đập chết bà này.
Trong nửa thế kỷ cầm quyền, Chủ tịch nhà nước Cu Ba Phi đen Castro đã có những miếng võ rất hữu hiệu để tự bảo vệ mình mặc dù vị trí, tầm vóc lãnh thổ, đẳng cấp quốc gia của Cu Ba “không là gì” so với những đe dọa từ phía Mỹ.
Đó là ông nêu một luận điểm cho rằng: Hoa Kỳ phải xóa nợ cho các nước Mỹ Latinh , ông chứng minh được rằng, với các khoản lợi nhuận thu được từ vùng này, các nước này đã “hết nợ” với Mỹ từ lâu rồi. Nếu Mỹ cũ giữ mãi việc siết các khoản nợ này theo kiểu lãi mẹ để lãi con thì chính điều đó kìm hãm, trói buộc các nước này phát triển và hình thành thế lực ngầm chống Mỹ.
Sau này, chính sách ngoại giao , tài chính của Mỹ đã điều chỉnh theo hướng này và các nước được hưởng lợi rất biết ơn Phi đen Castro.
Chính điều này đã làm “chùn tay” nước Mỹ, nếu chủ tịch Cu Ba bị sát hại bởi các thế lực Mỹ, giá trị, đẳng cấp của Mỹ sẽ bị hạ thấp khi vụ án này ( nếu xảy ra ) giống như một đòn thù kinh tế hơn là chính trị.
Ba chục năm nay, mục tiêu sát hại vị chủ tịch cứng đầu này có vẻ đã bị quên hẳn cho đến ngày ông này “hạ cánh an toàn” ở tuổi thượng thọ.
Ngày nay, sau những biến đổi của công cuộc công nghiệp hóa, xã hội đang có những thay đổi khá tiêu cực.
Lớp trẻ mau tiếp thu với những trào lưu mới thiếu nhân bản. Những hành vi hiếu sát càng ngày càng nhiều. Sự ảnh hưởng từ phim ảnh, game online có tính bạo lực càng ngày càng rõ.
Thiết nghĩ, trong những kiến thức, kỹ năng sống của mỗi người lúc này, nên tự cập nhật những kỹ năng đặc biệt để thích ứng, hóa giải những loại khủng hoảng tức thời như thế này là rất cần thiết.
Dưới đây là một câu chuyện rất vui:
Nhà văn Nông Quốc Chấn khi trực ở trụ sở Hội Nhà Văn trên đường Trần Hưng Đạo Hà Nội, buổi trưa ấy ông bị bệnh, nằm tại phòng riêng.
Một tên trộm lẻn vào phòng, tính vơ vét vài thứ gì đó, đúng vào lúc ông trở mình , mở mắt và nhận biết tình thế.
Ông nhắm mắt lại, giả vờ uể oải ngủ tiếp và nói với tay kia:
Đồng chí tự pha trà uống nhé, tớ sốt quá không dậy được, thông cảm…
Xong ông giả ngủ tiếp.
Tay trộm yên tâm ngồi tạm xuống ghế, pha nước uống đợi nhà văn ngủ thật say để khoắng tiếp.
Dăm phút sau có tiếng một nam nhân viên đi qua, Nhà văn vờ gắng gượng gọi cậu kia vào, giọng thều thào nói trong khi cậu kia đứng chẹn ở cửa.
Cậu rót nước mời khách giúp anh nhé, anh mệt quá.
Tay trộm gượng gạo cười, chờ đợi.
Nhà văn thều thào hướng vào nhân viên của mình nói tiếp:
Đồng chí làm ơn trói gô đồng chí này vào giúp tôi….
Anh nhân viên nhận ra tình thế nhảy vào khống chế tên trộm đang ngồi ở thế bất lợi để phản kháng. Khi ấy, Nhà văn cũng nổi xung lên, bật dậy và hai người nhanh chóng trói nghiến tay trộm lại giao cho công an phường.
Bài học nho nhỏ này rất nhiều ý nghĩa.
                                     Nguyễn Huy Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét