Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Trường NCL trước nguy cơ giải thể: Người trong cuộc trải lòng

Chủ nhật, 2014-04-06 06:44:04 - Nguồn: InfoNet.vn


Nhiều trường đại học ngoài công lập chật vật, đứng trước nguy cơ phải bán vì không thể tuyển sinh, khiến trường hoạt động khó khăn, không có tiền trả lương giáo viên… Lãnh đạo trường cay đắng tâm sự.
Các trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)… những năm tuyển sinh vừa qua, dù đã xét tuyển đến đợt thứ 3 nhưng số lượng thí sinh đến nhập học chỉ vài chục sinh viên.
Tiến sỹ Đặng Thị Ánh Hồng, Hiệu phó Trường Đại học Hà Hoa Tiên cho biết: “Trường Đại học Hà Hoa Tiên được thành lập từ năm 2007, chỉ tiêu hàng năm của trường là khoảng 2.000 sinh viên, mục tiêu tới năm 2015 trường có ít nhất 8.000 sinh viên. Là trường đại học mang đặc thù đa ngành, đa hệ, đa trình độ, nhà trường đào tạo và cấp văn bằng theo hệ thống văn bằng quốc gia.
Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay năm nào tuyển sinh cũng không đủ chỉ tiêu, số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành học ở trường rất ít. Năm 2013, số lượng sinh viên đăng ký các ngành học vào trường chỉ đạt khoảng 300 học sinh, đạt gần nửa so với chỉ tiêu của trường. Còn tuyển sinh năm 2014, chưa biết sẽ ra sao."
Theo lãnh đạo trường ĐH Hà Hoa Tiên, năm 2013 trường chỉ tuyển sinh vỏn vẹn khoảng 300 sinh viên
Theo TS Ánh Hồng, một số nguyên nhân ngoài khó khăn chung hiện nay, trường cũng vì mới thành lập, chưa có thương hiệu nên cũng rất ít sinh viên biết đến. 
Ngoài ra, trường Hà Hoa Tiên lại ở tỉnh lẻ (Hà Nam), xa thủ đô nên sinh viên cũng ngại tìm về đây học tập. Bên cạnh đó, các ngành nghề “hot” hiện nay, rất nhiều các trường Đại học mở ra để cạnh tranh thu hút sinh viên, nên những trường ngoài công lập, ít thương hiệu hơn sẽ yếu thế hơn trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh…
TS Ánh Hồng còn cho biết: “Thực trạng chung hiện nay, nhiều sinh viên học xong ra trường khó kiếm việc làm, hệ thống các trường đại học ồ ạt mở ra thời gian vừa qua đã tác động ít nhiều đến trường chúng tôi”
Theo TS Ánh Hồng, hệ thống cơ sở vật chất của trường rất tốt. Nhà trường có đội ngũ giáo viên hơn 90 người gồm Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ… Số giáo viên trên đầu học sinh là 1/4. 
Ngoài ra, cơ sở vật chất Khu nhà Hiệu bộ 7 tầng với khoảng 300 chỗ là nơi làm việc của Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên của trường. Khu vực giảng đường bao gồm 2 tòa nhà 5 tầng với gần 100 phòng học, diện tích 120m2/phòng, đáp ứng cho khoảng 15.000-20.000 sinh viên, trang bị đầy đủ các thiết bị học tập hiện đại.
Còn trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) một số ngành nghề mở ra đào tạo mà không có giảng viên nào giảng dạy.  Đó là các ngành Công nghệ Thực phẩm, Bảo vệ Thực vật, Khoa học Thư viện. Lãnh đạo trường cũng thừa nhận nhiều ngành mở ngành mà không có giảng viên nào là tiến sĩ (theo quy định, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ là giảng viên).  
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Lương Thế Vinh chua xót chia sẻ: “Trong tình cảnh không tuyển sinh được, nhà trường phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 45 cán bộ, giảng viên. Hiện nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn, trường nợ trên 40 tỷ đồng, và đã cố gắng thanh toán được khoảng 30 tỷ đồng, số nợ còn lại tới 17 tỷ đồng…”
“Chính từ thực trạng trường ĐH Lương Thế Vinh không có giáo viên ở nhiều ngành nghề mở ra và không đạt quy định của Bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, sinh viên học xong khó kiếm được việc làm… Cộng thêm là trường nằm ở tỉnh lẻ, nên ngày càng ít sinh viên đăng ký vào trường.” – Ông Hùng lý giải về nguyên nhân khó khăn của trường.
Tình trạng các trường đại học ngoài công lập gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh theo dự báo sẽ còn xảy ra trong năm 2014, cho dù hiện nay các trường đưa ra nhiều phương án như hạ điểm chuẩn, trao học bổng nhưng vẫn khó có thể thu hút được thí sinh.
Trước tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, cộng với chất lượng trong giáo dục đại học ngày càng giảm sút, học sinh ngày càng ý thức lựa chọn ngành nghề, chọn trường để dự thi…; 
Bên cạnh đó, các trường đại học ngoài công lập được mở tràn lan, lại không có chiến lược phát triển ngành nghề cho phù hợp với tình hình thực tế là nguyên nhân khiến cho nhiều trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Nguyễn Hiếu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét