



Đã bao giờ đi học vì bản thân chưa?


Tôi sẽ kể hay phân tích cho bạn vô số những lý do mà con người ta chưa bao giờ đi học vì bản thân!
Học vì gia đình
Vâng! Gia đình của chúng ta, hay nói một
cách cụ thể hơn chính là cha mẹ của chúng ta. Những người luôn mong
muốn chúng ta học giỏi, học thật tốt, học để bằng bạn bằng bè. Học để
bạn không còn phải so sánh với “con nhà người ta”. Cha mẹ bạn hay cha
mẹ tôi đều mong muốn cho ta học thật tốt, có một tấm bằng tốt để mà xin
một công việc, một vị trí ổn định trong cuộc đời này để không phải suốt
ngày vất vả như họ. Họ mong muốn việc học của sẽ mang tới cho họ danh
dự với hàng xóm hay với dòng họ. Vô hình chung, họ đã đánh mất đi cái
đam mê hoặc định hướng bạn sang một phía nào đó mà bạn không hề mong
muốn.
Tôi thấy
rất nhiều bạn, dù thật sự không thích bác sĩ nhưng vì lý do cha mẹ làm
bác sĩ nên bắt con học bác sĩ theo nghiệp gia đình, mong được có cơ hội
nhiều tiền, nhiều của đủ đầy trong cuộc sống. Nhưng họ không biết, một
con người muốn phát triển thì phải làm những gì họ muốn, mưu cầu những
thứ họ đạt được và sống cuộc đời của chính họ. Cho dù thế nào, giữa cái
xã hội này, một cái xã hội mà người ta luôn coi việc sở hữu những vị trí
tốt, những việc làm cao quý sẽ mang tiếng thơm cả đời, sẽ mang về cho
mình sự hạnh phúc. Và điều đó, khiến cho mỗi bạn sinh viên hằng ngày vẫn
phải vác cái bản mặt lên giảng đường để học và phải học những kiến thức
mình không hề thích đề làm vừa lòng cha mẹ, vừa lòng để được trợ cấp
chi phí duy trì cuộc sống cho tới tận 23 tuổi. Để không bị đuổi ra khỏi
ngôi nhà mình quá sớm, để không phải chống chọi với cuộc đời này. Nhưng
rồi cái gì cũng có giá của nó, bạn muốn được trợ cấp thì bạn phải học
theo những gì đã sắp đặt thôi. Còn nếu không thì hãy tự đi ra ngoài,
kiếm tiền và học hành theo ý của mình, bạn sẽ khó khăn ở lúc ban đầu
nhưng rồi sẽ hạnh phúc về sau.
Học vì bạn bè
Bạn bè là những đứa mà học cùng ta, chơi
cùng với ta, cũng như mọi việc bạn bè làm sẽ có một phần nào đó ảnh
hưởng tới cuộc sống của ta. Đã bao giờ bạn thấy ganh tỵ khi đứa bạn của
bạn cao điểm hơn bạn hay vì nó vừa giành một giải thưởng nào đó không?
Hay chỉ đơn giản, bạn ghét bị so sánh thành tích học tập với một đứa bạn
nào đó rất thân. Và cũng có thể, bạn phải vào thi đậu đại học vì bạn
phải ganh đua với bạn bè, phải cố gắng làm sao để mình đậu ngôi trường
cũng tầm tầm đứa bạn mình đậu.
Vô hình chung, cuộc đời của bạn
trở thành một cuộc đua mà bạn đang đua với những người bạn cần, bạn yêu
thương. Bạn đừng nghĩ rằng, việc học giỏi hơn, làm công việc tốt hơn thì
sẽ chiến thắng được bạn bè mình. Việc chiến thắng những người khác
không hề quan trọng mà bản thân bạn có dám chiến thắng bạn của ngày hôm
qua hay không. Có thể bây giờ, tương lai về sau mãi mãi chúng ta không
thể nào so sánh được với đám bạn của mình, bởi vì mỗi con người có một
hướng phát triển khác nhau và một công việc khác nhau. Đừng bao giờ đem
sự thành công về tiền bạc để nói lên vị trí của bạn. Đôi khi nó chỉ làm
cho bạn sung sướng nhưng không hề mang lại cho bạn sự quý trọng.
Học vì bằng cấp
Đa số chúng ta đi học thì đều mong muốn
sở hữu một tấm bằng. Một tấm bằng để chứng tỏ rằng mình đã được đào tạo,
mình đã bước ra từ một ngôi trường nào đó. Nhưng thật sự tấm bằng không
hề nói lên điều gì cả. Nó chỉ thật sự có giá trị khi con người bạn có
giá trị thật sự. Ở Việt Nam, nơi mà tấm bằng được xem là vật thần thánh
để ổn định cả một đời, nơi mà cha mẹ chúng ta muốn ta có một tấm bằng,
các nhà tuyển dụng cần ở chúng ta một tấm bằng và kể cả những người ta
không hề quen biết họ cũng sẵn sàng xem xét thử ta có sở hữu một tấm
bằng nào không.
Việc sở hữu cho mình những tấm bằng thì
đó là quy luật của xã hội rồi. Nhưng cố gắng học để có một tấm bằng thì
thật sự là điều vô giá trị. Bạn học để có một tấm bằng và rồi mãi dùng
tấm bằng đó để thăng tiến thì bạn sẽ mãi xoay quanh cái vòng luẩn quẩn
của bằng cấp với thành tích. Bạn học vì tấm bằng thì bạn sẽ nhận được
bằng và đôi khi kiến thức của bạn bằng không. Hoặc bạn không cần học
đâu, bạn chịu khó bỏ tiền ra đi, sẽ có người mang tới cho bạn một tấm
bằng mà bạn mong muốn. Ngoài chợ đen bán đầy kìa. Nếu bạn còn nghĩ rằng,
việc học của bạn được khẳng định bằng tấm bằng thì mong bạn hãy suy
nghĩ lại. Nó chỉ là tấm vé thông hành để bước vào một cuộc chơi mà thôi.
Học vì xã hội
Khi có người hỏi tôi và bảo tôi phải trả lời thật lòng “Mục đích của việc đi học đại học là gì?” Tôi
sẵn sàng trả lời rằng: “Mục đích của việc đi học đại học là vì xã hội
này bắt tôi phải vào đại học, vì ai cũng phải vào đại học, nếu tôi
không vào thì tôi sẽ bị lạc loài và có thể bị loại bỏ khỏi xã hội này.
Tôi không có một con đường nào khác nếu tôi không đi con đường này, tôi
bắt buộc bản thân mình phải làm vậy.”
Đúng rồi, ở cái xã hội này, nếu bạn
không đi học thì bạn sẽ khó lòng mà phát triển được, khi mà ai cũng nghĩ
rằng việc học đại học sẽ mang lại cho ta công việc làm tốt, mức lương
hàng triệu đồng. Nhưng họ không hề biết rằng, đại học đâu có thể mang
lại được những thứ đó, chỉ có bản thân ta mới mang lại thứ đó
thôi. Đại học cho ta cái cần câu, còn việc câu được con cá ở bản thân
ta mà thôi. Xã hội đã tạo thành một luồng xu hướng rằng đại học là con
đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Nhưng tôi không hề nghĩ vậy, những
việc ta làm, ta biết mới là con đường dẫn tới thành công.
Có những người không hề học đại
học nhưng những việc họ làm mang lại những khoản thu nhập khủng, những
địa vị tốt trong xã hội mặc dù có thể tuổi của họ rất trẻ và rồi họ được
ca ngợi là những người bỏ học thành công. Tất nhiên
những con người đó là thiểu số nhưng những gì thiểu số làm đều đã thay đổi cả thế giới này.
Nhưng bạn nghĩ xem, bạn đi học đại
học và kết thúc lúc 23 tuổi, bạn mới bắt đầu thật sự đi làm, đi tìm
kiếm công việc, bạn nghĩ điều đó là con đường mang tới cho bạn thành
công. Sau khi ra trường bạn nhận ra những gì bạn ảo tưởng trước khi bạn
vào đại học thật là khác biệt. Bạn lo lắng, bạn lạc hướng về con đường
bạn đang đi và bạn không thể nào biết bạn cần gì? Bạn muốn gì? Và rồi
bạn phải gắn bó với một công việc mà bạn không hề muốn đến suốt cuộc
đời. Bạn đi học vì xã hội này bắt bạn phải như thế và bạn chấp nhận bị
xã hội tạo sức ép vào bản thân mình và rồi bạn mãi mãi không thể nào
sống cuộc đời của chính mình. Bạn là sản phẩm, là đứa con của xã hội
này.
Nếu bạn không biết mình đang đi đâu thì
rồi bạn sẽ đến cái nơi mà bạn không hề muốn đến và bạn phải làm cái việc
mà bạn không hề muốn làm.
Hãy học vì bản thân
Đừng học vì gia đình
Đừng học vì bạn bè
Đừng học vì bằng cấp
Đừng học vì xã hội
Hãy học vì bản thân bạn, vì cuộc đời của
bạn. Bạn phải học vì trách nhiệm với chính con người bạn. Hãy tìm
kiếmnhững điều mình thích thú. Học những thứ mà mình muốn học, học để
tìm được sự tự do của bản thân. Học để thấy rằng mình thay đổi mỗi ngày
chứ không phải là con người của ngày hôm qua. Hãy suy nghĩ rằng, tôi làm
chủ cuộc đời của tôi, tôi sẽ không chịu sức ép của một ai đó hay một
nhóm người nào đó. Những việc tôi làm sẽ định nghĩa cuộc đời tôi. Thử
một lần sống đam mê, học để trở thành một con người có giá trị thử xem,
rồi bạn sẽ thấy rằng, bạn được rất nhiều thứ còn giá trị hơn là tiền bạc
hay quyền lực nhiều.
Học vì bản thân đi! Học những thứ mà bạn
có thể áp dụng nó cho cuộc đời của bạn. Đọc một cuốn sách, thiết kế một
trang web, buôn bán một cái gì đó, trồng một cái cây, tập một nhạc cụ,
viết một cuốn sách, hãy làm những điều mà bạn thật sự thích. Đừng bao
giờ hối hận về những gì mình đã làm vì dù có hối hận thì nó cũng đã xảy
ra. Hãy tìm điều gì đó khác biệt từ bên trong con người bạn.
Hoặc nếu bạn không còn đi học thì bạn
hãy làm một công việc gì đó để kiếm tiền, rồi dùng tiền đó để nuôi sống
đam mê của bạn. Bạn có 2 bàn tay, tay trái và tay phải và bạn có thể làm
vô số việc với nó, đừng giới hạn bản thân mình. Tay phải kiếm tiền nuôi
sống bản thân, tay trái làm công việc đam mê của mình. Có thể công việc
bạn đam mê không mang lại cho bạn nhiều tiền bạc nhưng bạn sẽ hạnh phúc
vì sống với đam mê của mình. Và rồi chính hạnh phúc đó là nền tảng của
thành công trong cuộc sống. Tôi không cần bạn tin vào những điều tôi
nói, tôi chỉ cần bạn tin vào chính bản thân bạn mà thôi.
“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn.” – Trích phim 3 chàng ngốc
Nguyễn Quang Nam (Ảnh TL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét