Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Điều gì ẩn sau sự mềm mỏng của Trung Quốc

Giới phân tích tỏ ra hoài nghi khi Bắc Kinh thực hiện một chính sách ngoại giao hòa dịu hơn kể từ nửa cuối năm 2014.
Theo Wall Street Journal, nửa cuối năm 2014 chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sự hung hăng, những lời đe dọa dần biến mất, nhường chỗ cho các đề nghị hợp tác, đầu tư đầy hứa hẹn, trị giá nhiều tỷ USD. Căng thẳng trên biển với Việt Nam lắng dịu, mối quan hệ với Nhật Bản có chiều hướng ấm lên lên.
Phó Thủ tướng Uông Dương từng khẳng định đường lối mở rộng ngoại giao của Trung Quốc không bao hàm việc cố gắng làm thay đổi trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt. Ông cũng phủ nhận những thông tin cho rằng Bắc Kinh đang thị uy sức mạnh trong khu vực. Tại một cuộc họp diễn ra ở Chicago hồi giữa tháng 12, ông nói Mỹ vẫn "lãnh đạo thế giới".
trung-uc_1421635081.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Australia. Hai nước hồi tháng 11 ký được hiệp định tự do thương mại sau 10 năm đàm phán. Ảnh: Reuters.
Những động thái này cho thấy một thái độ bề ngoài có vẻ hòa nhã hơn nhưng liệu nó sẽ kéo dài trong bao lâu, quan sát viên Andrew Browne đặt câu hỏi.
Trung Quốc không hề có ý định thỏa hiệp trong tuyên bố chủ quyền của mình. Những gì tưởng như là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh "chủ yếu chỉ là chiến thuật và nhằm khoa trương", ông David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, nhận định.
"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ lặp lại những chiến thuật thậm chí còn cứng rắn hơn đối với các nước láng giềng và Mỹ trong năm 2015", ông cho biết thêm.
Người ta có thể hiểu rõ đường hướng ngoại giao mới của Bắc Kinh mang ý nghĩa gì trong thực tế chỉ bằng việc theo dấu dòng tiền của họ, theo ông Browne. Trung Quốc tuyên bố dành nhiều khoản đầu tư lớn xây dựng cảng biển, khu công nghiệp, đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác trong khu vực, đồng thời đưa ra khái niệm "kết nối toàn diện" để miêu tả những nỗ lực này.
Liệu những lời hứa về các khoản đầu tư có trở thành hiện thực hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng mục tiêu thật sự của Bắc Kinh thì đã rõ ràng: xây dựng một châu Á được kết nối chặt chẽ với Trung Quốc nằm ở trung tâm. Ông Tập Cận Bình còn mong muốn làm chủ một khu vực tự do thương mại khổng lồ mà từ đó sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường của Trung Quốc tại nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới.
Để đạt được những điều này, Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang bắt tay vào một cuộc tấn công ngoại giao mạnh mẽ, dồn dập. Trong hai năm trở lại đây, họ thực hiện hàng chục chuyến thăm tới hơn 50 quốc gia tại 5 châu lục, tham dự khoảng 500 cuộc họp lớn nhỏ với các lãnh đạo quốc tế.
con-duong-to-lua-info-page-4-5-142002029
 
Bắc Kinh vẫn thúc đẩy chiến dịch này ngay cả trong lúc đang phải miệt mài cải cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của mình và theo đuổi một cuộc đấu tranh chống tham nhũng quy mô, mà ông Tập cho rằng là điều sống còn của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngoại trưởng Vương Nghị từng nói ông Tập và ông Lý đang "tạo ra một 'cơn lốc Trung Quốc' trên toàn thế giới". Phát ngôn này của ông Vương đã làm bật lên những gì có thể được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách ngoại giao năm 2014 của Trung Quốc: Bắc Kinh nay dứt khoát xa rời câu châm ngôn "ẩn mình chờ thời" của cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, có vẻ như những tính toán của Trung Quốc không được như mong đợi khi mà việc nước này mạnh tay đầu tư quân sự, tăng cường số lượng tàu chiến và các hạm đội trên biển đang khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an và nâng cao cảnh giác. Những ẩn ý trong "kế hoạch kết nối" có nguy cơ bị phát hiện trước cả khi được thực hiện. Thêm vào đó, nước đi của Bắc Kinh còn khiến Washington gia tăng thay vì nới lỏng mối quan tâm đối với châu Á - Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam hồi giữa năm ngoái, làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội trong khu vực và trên thế giới, đã thể hiện rất rõ tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh. Trung Quốc nay lại đưa ra những lời lẽ nhẹ nhàng hơn.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc tháng trước hối thúc rằng đã đến lúc chấm dứt "ngoại giao loa phóng thanh" giữa hai nước. Đây chính là minh chứng cho nền tảng của chính sách tấn công quyến rũ mới mà Bắc Kinh đang thực hiện, Browne nhận xét.
wang-Yang-2153-1420616451.jpg
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương hôm 18/12 phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Trung - Mỹ tổ chức tại Chicago. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét