Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu vào năm 2020

Báo CA Đà Nẵng - 

(Cadn.com.vn) - Sau 20 năm thành lập, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN-ĐH Vùng) đã khẳng định vị thế, tầm vóc của một ĐH Vùng trọng điểm khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nhìn lại chặng đường đã đi qua để nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới là nội dung của cuộc trò chuyện giữa PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN- với phóng viên Báo Công an Đà Nẵng (P.V) nhân dịp đầu năm mới 2015...

PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN- tại lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự do ĐH Quốc gia Yokohama trao tặng.
P.V: Thưa PGS-TS! Nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập, ưu điểm và lợi thế lớn nhất mà ĐH Vùng đã đem lại cho ĐHĐN là gì?
PGS-TS Trần Văn Nam: Theo tôi, vị thế của một ĐH Vùng cho phép ĐHĐN có được cơ chế tự chủ cao hơn, có điều điện để qui hoạch mạng lưới nội bộ, mở rộng qui mô và tăng cường hợp tác quốc tế với các ĐH hàng đầu của các nước; sự thuận lợi khi huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, để thực hiện các mục tiêu của mình về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; có thể thực hiện các chương trình đào tạo liên thông, những đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành để giải quyết các vấn đề lớn đặt ra trong thực tế.
P.V: Thành tựu ĐHĐN đạt sau 20 năm phải chăng đã minh chứng hướng đi đúng hướng của mô hình ĐH Vùng nói chung, ĐHĐN nói riêng, thưa PGS-TS?
PGS-TS Trần Văn Nam: Mô hình ĐH Vùng áp dụng cho 3 ĐH là ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và ĐHĐN. Sau 20 năm, cả 3 ĐH này đều đã có những bước phát triển vượt bậc và tạo ra động lực phát triển cho cả khu vực. Những thành tựu này là kết quả của một chiến lược đúng đắn định hướng chất lượng dựa trên chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước...
Về phần mình, sau 20 năm hình thành và phát triển, ĐHĐN đã thực sự trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung và cả nước. Theo đó, từ khoảng 1.200 cán bộ vào năm 1994, đến nay ĐHĐN có hơn 2.300 cán bộ là giảng viên, cán bộ quản lý, phục vụ (trong đó, số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ sau ĐH lên đến 85%). Quy mô đào tạo cũng gia tăng nhanh chóng, từ khoảng 25.000 SV của năm 1994, đến nay có hơn 75.000 SV.
Hiện hàng năm, ĐHĐN là địa chỉ học tập của khoảng 3.500 học viên cao học trong 32 chuyên ngành và 170 nghiên cứu sinh của 17 chuyên ngành. Trước đây, các hợp tác của ĐHĐN chủ yếu với các ĐH ở Đông Âu và Pháp thì đến nay đã có các thỏa thuận hợp tác với hơn 170 trường ĐH thuộc 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. ĐHĐN đang là đối tác liên kết với nhiều trường và viện nghiên cứu trên thế giới, cung cấp ngày càng nhiều cơ hội học tập và tri thức khoa học tiên tiến cho người dân địa phương; doanh thu chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất xấp xỉ 30 tỉ đồng/năm, trong đó nhiều công trình phục vụ cho phát triển kinh tế của Miền Trung-Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... ĐHĐN đang phát triển mạnh mẽ để trở thành một ĐH định hướng nghiên cứu và lọt vào nhóm 100 trường ĐH hàng đầu Châu Á....
P.V: Thưa PGS-TS, ông nghĩ gì về luồng ý kiến trái chiều cho rằng, sự ra đời của mô hình ĐH Vùng đã làm chậm bước phát triển của các trường ĐH thành viên, làm phình bộ máy quản lý hành chính không cần thiết v.v..?
PGS-TS Trần Văn Nam: Theo tôi, mặt hạn chế lớn nhất là sự phối hợp giữa các ĐH Vùng với các tỉnh thành thuộc khu vực đó chưa được chặt chẽ. Thể chế của chúng ta là có ĐH Vùng nhưng chưa có chính quyền, đơn vị hành chính cấp vùng tương ứng nên chưa phát huy được tối đa lợi thế của ĐH Vùng.
Các nước như Đức, Pháp, Canada..., có các chính quyền cấp vùng hoặc bang bên cạnh chính quyền cấp tỉnh, thành phố nên mối quan hệ giữa ĐH và chính quyền cân xứng hơn. Riêng về ý kiến sự ra đời của ĐH Vùng làm chậm bước phát triển các trường ĐH thành viên thì không chính xác. Các trường thành viên vẫn tự chủ hoàn toàn về đào tạo, nghiên cứu, hợp tác với các đối tác. Mỗi trường thành viên có một lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu riêng và vai trò của cơ quan ĐH Vùng chỉ là hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực khi cần thiết và tạo uy tín và thế lực để các trường hoạt động và hợp tác quốc tế, đặc biệt là các dự án.
Các trường ĐH trên thế giới đều hoạt động theo mô hình ĐH tổng hợp như vậy. Thành tựu của ĐHĐN qua 20 năm như trình bày ở trên đã minh chứng cho điều này. Bộ máy quản lý cũng phân thành 2 cấp, cấp trường và cấp ĐH Vùng. Mỗi cấp có nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau và hỗ trợ cho nhau hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Nếu tính tổng số cán bộ trong bộ máy thì ở mô hình ĐH Vùng còn tiết kiệm nhân lực hơn.
SV Đại học Đà Nẵng tham gia phong trào Ngày Chủ nhật Xanh.
P.V: Để ĐHĐN xứng tầm ĐH Vùng trọng điểm khu vực miền Trung-Tây Nguyên, định hướng phát triển của ĐHĐN trong thời gian tới là gì, thưa PGS-TS?
PGS-TS Trần Văn Nam: Là một ĐH Vùng trọng điểm quốc gia, đóng vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nhân lực khoa học-công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, về định hướng chiến lược, ĐHĐN đặt mục tiêu vào năm 2020 trở thành ĐH định hướng nghiên cứu. ĐHĐN giữ ổn định quy mô đào tạo ĐH hệ chính quy đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH, phát triển quy mô bậc sau ĐH kết hợp với mở rộng nghiên cứu khoa học, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Bước đầu phân tầng đào tạo ĐH theo hướng tinh hoa và phổ cập và phân luồng đào tạo sau ĐH theo hướng nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp; từng bước thực hiện liên thông chương trình đào tạo với các trường ĐH có uy tín trên thế giới. Để đảm bảo cho hoạt động đào tạo, trong 5 năm tới, ĐHĐN tiếp tục tuyển dụng giảng viên mới có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, một mặt để thay thế cán bộ lớn tuổi đã nghỉ hưu và mặt khác đảm bảo tỉ lệ giảng viên trên SV chính quy là 1/20 vào năm 2020; tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo sau ĐH cho cán bộ trẻ ở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.
ĐHĐN tiếp tục thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình các nhóm giảng dạy-nghiên cứu (TRT) ở tất cả các cơ sở giáo dục thành viên. Các trường cần chọn một số ngành phù hợp để phát triển để đến chậm nhất 2015 phải xây dựng được và đưa vào hoạt động các nhóm TRT. Các nhóm này sẽ được ĐHĐN đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ để làm hạt nhân phát triển công tác NCKH tại các trường. Đối với những ngành đã thành lập được nhóm TRT, ĐHĐN sẽ tạo điều kiện tổ chức đào tạo chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao.
Theo đó, NCKH sẽ là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên. Nhằm thỏa mãn các tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo yêu cầu của các hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo, ĐHĐN tiếp tục xây dựng các cơ sở mới tại Làng ĐHĐN. Tiếp tục nâng cấp các cơ sở hiện có của các Trường: ĐHBK, ĐHKT, ĐHSP, CĐ Công nghệ, Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum. Các ban chức năng cần chuẩn bị thủ tục và kinh phí xây dựng cho dự án phát triển Viện NC&ĐT Việt - Anh, Khoa Y Dược để sang nhiệm kỳ tới có sự hiện diện của Trường ĐH quốc tế Việt - Anh và Trường ĐH Y Dược trong lòng ĐH Vùng- ĐHĐN.
P.V: Nhân việc PGS-TS nhắc đến Làng ĐHĐN, xin được hỏi ông một vấn đề "trầm kha" về quá trình triển khai dự án này. Ý kiến của PGS-TS về việc lãnh đạo TPĐN thống nhất sẽ làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để đi đến việc thống nhất đề xuất Chính phủ hủy bỏ quy hoạch Làng ĐHĐN do dự án quy hoạch treo quá lâu ảnh hưởng nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của cả 2 tỉnh thành!
PGS-TS Trần Văn Nam: Theo ý kiến cá nhân tôi, dự án Làng ĐH là một ý tưởng tốt, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay chúng ta chưa đủ nguồn lực để triển khai, nhưng nếu hủy bỏ dự án thì sau này việc xây dựng một Làng ĐH mang tầm vóc quốc tế sẽ rất khó. Trong phát triển bền vững, việc qui hoạch dài hạn với tầm nhìn sau 30-50 năm cho giáo dục là vô cùng cần thiết. Chúng tôi mong muốn Đảng, Chính phủ, Chính quyền các địa phương cân nhắc cẩn trọng trước khi có những quyết định chính thức.
P.V: Xin cảm ơn PGS-TS! Nhân dịp năm mới 2015, kính chúc PGS-TS cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên ĐHĐN gặt hái thêm nhiều thành tựu mới.
P.Thủy 
(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét