Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

ĐỂ ĐÀ NẴNG NGÀY CÀNG HẤP DẪN HƠN




ĐỂ ĐÀ NẴNG NGÀY CÀNG HẤP DẪN HƠN
TS Trần Hồng Lưu




Vị trí chiến lược:
          Với vị trí được coi là “địa linh”, nằm gần như giữa nước, không phải ngẫu nhiên mà trên con đường hành tiến về phía Nam để mở rộng sự bành trướng và ảnh hưởng đến khu vực, Đà Nẵng trở thành đích ngắm của các thế lực lớn trên thế giới ở nhiều thời kỳ lịch sử. Lịch sử hiện đại của dân tộc đã chứng kiến sự xâm lược của hai tên đế quốc  “to” là Pháp và Mỹ, khi chúng chọn Đà Nẵng làm nơi mở màn để nổ súng xâm chiếm đất nước ta.
          Như chúng ta đã biết: Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển với những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt. 
Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển: Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô), sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. 
Sau khi Pháp thất thế ở Đông Dương, đế quốc Mỹ đã thấy được vị trí chiến lược quan trọng của Đà Nẵng nên sau nhiều bước chuẩn bị đã chọn nơi đây làm điểm khởi phát cho cuộc xâm lược nước ta và để mở rộng ảnh hưởng sang cả khu vực. Chính vì thế,  tháng 3/1965 các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Khu kỹ nghệ Hòa Khánh sản xuất oxygen, acetylene, bột giặt, xay xát, dệt... ở thời kỳ này công nghiệp được phát triển ở mức độ cao hơn: các khu kỹ nghệ thay thế cho công trường thủ công. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, hàng trăm nghìn dân quê phải chạy vào các trại tỵ nạn, các khu ổ chuột đô thị; tệ nạn xã hội tăng nhanh, sản xuất không phát triển ( Theo: Website UBND thành phố Đà Nẵng)
            Thành phố Đà Nẵng ở trung độ của đất nước, cách Hà Nội 759km và thành phố Hồ Chí Minh 960km, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không; phía bắc giáp Thừa Thiên-Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Thành phố nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,70C, có diện tích tự nhiên 1.256 km2, dân số năm 2008 là 822.300 người, gồm 6 quận và 2 huyện.

     

Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Thủ tuớng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm năm tỉnh và thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định nhằm  phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước. Trong đó, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hơn thế, Đà Nẵng còn được coi là Cửa ngõ phía đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. 

Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là tuyến giao thông dài 1450km đi qua bốn nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine đến cửa khẩu Myawaddy (Myanma), đi qua bảy tỉnh của Thái Lan tới Lào và cuối cùng đến Việt Nam (chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tới cảng Đà Nẵng).

            Hành lang Kinh tế Đông Tây không chỉ đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến đường đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân mà còn tạo khả năng cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các vùng nguyên liệu, thị trường dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động...nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và buôn bán qua biên giới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển du lịch.
Cảng Đà Nẵng được xác định là một trong những trọng điểm của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, cảng xuất nhập khẩu hàng hóa của cả vùng nội địa giàu tiềm năng chưa được khai thác ở  Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanma và miền Trung Việt Nam. Khi việc tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN được thực hiện thì vị trí của thành phố cảng sẽ là một lợi thế quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng giao lưu kinh tế với các nước, tạo lực để thành phố trở thành trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

        Đà Nẵng - Cửa vào của các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới

Đà Nẵng nằm ở trung tâm của “Con đường di sản thế giới” dài 1500km, trải dọc bờ biển miền Trung từ thành phố Vinh đến Đà Lạt. Từ Đà Nẵng, theo Quốc lộ 1A, du khách có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và thuận lợi bốn trong số năm di sản thế giới ở Việt Nam - một tài sản vô giá được thiên nhiên ưu đãi và do cha ông để lại trên dải đất miền Trung, gồm Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn.
Cách Đà Nẵng khoảng 100km về phía bắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cung điện, lăng tẩm và những phong cảnh hữu tình của cố đô Huế, kinh đô cuối cùng triều đại quân chủ Việt Nam. Bên cạnh di sản văn hoá vật thể, Nhã nhạc Cung đình Huế - loại nhạc được sử dụng trong các nghi lễ, yến tiệc của triều đình - được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Xa hơn nữa, khoảng 300km về phía bắc từ Đà Nẵng là vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Động Phong Nha có chiều dài 13.000m gồm 14 hang có chiều cao từ 10-40m với cảnh trí tự nhiên huyền ảo do các nhũ đá tạo thành. Trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có cả một khu rừng nguyên sinh với nhiều động thực vật quý hiếm như vượn bạc má, cá chép tím, rùa vàng và có cây chò hàng ngàn năm tuổi. Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong danh sách bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Cách Đà Nẵng hơn 30km về phía đông nam là đô thị cổ Hội An, nơi đây từ thế kỷ XVI đã là một thương cảng sầm uất, là nơi giao thoa của các nền văn hoá phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc...với hơn 1.000 di tích văn hoá lịch sử đang được lưu giữ. Từ Đà Nẵng đi về phía tây nam khoảng 70 km, du khách sẽ đến thăm thánh địa Mỹ Sơn với di tích của hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch, đá sa thạch phản ánh các phong cách kiến trúc đa dạng và nền văn hoá Champa được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13.
Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch phong phú, đa dạng, Đà Nẵng thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách cũng như các nhà đầu tư ở miền Trung Việt Nam. 
Cảng Đà Nẵng là cảng thương mại lớn thứ ba ở Việt Nam sau cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay tốt nhất của Việt Nam. Hệ thống bưu chính viễn thông: Đà Nẵng là một trong ba trung tâm bưu chính viễn thông lớn của đất nước, Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành trong cả nước có các chỉ số phát triển giáo dục cao với hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh, tạo nền tảng thuận lợi và vững chắc cho việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang tiến tới thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Thành phố có 14 trường đại học, cao đẳng và 15 trường trung học chuyên nghiệp với gần 140.000 sinh viên. Hệ thống các trường này thực hiện chuyên ngành đào tạo trên hầu hết các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và sư phạm. Tới gần nhất, Đại học Đà Nẵng sẽ phấn đấu xây dưng một ĐH Quốc tế Đà Nẵng có tổng số đầu tư 125 triệu USD, phục vụ khoảng 3500 sinh viên. Phấn đấu đến năm 2020, trường ĐH này sẽ trở thành một trường ĐH nghiên cứu; sẽ nằm trong top 200 của Châu Á vào năm 2025,


Những điểm nhấn quan trọng hay là thành phố của nhiều cái nhất độc đáo:

Đến với thành phố miền Trung này, đập vào mắt quý khách là hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, phía trên đèo là đệ nhất hùng quan của Việt Nam, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, cáp treo Bà Nà, biển Mỹ Khê, Non Nước…đây là những điểm nhấn không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất ở miền Trung Việt Nam. Có thể mô tả cụ thể như sau:
Thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố gần 70km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, quanh năm chan hòa ánh nắng như biển Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Bắc Mỹ An, Non nước... Chính vì thế biển Đà Nẵng đã được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Nằm gần Furama, khu nghỉ dưỡng hạng sang đầu tiên của Việt Nam. Các dự án lớn đã được cấp phép và được quản lý bởi các tên tuổi như Hyatt, Raffle...quản lý  các khách sạn, khu du lịch, nghỉ mát , casino... đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch Đà Nẵng. Về du lịch, thành phố đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch dọc tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc (đặc biệt từ khu nghỉ dưỡng Furama đến Ngũ Hành Sơn – khu vực có cảnh quan thiên nhiên và môi trường ven biển được đánh giá là tốt nhất tại Việt Nam). Nơi đây sẽ hình thành một tổ hợp du lịch, dịch vụ ven biển tầm cỡ châu lục và thế giới.
       - Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, xuyên qua đèo Hải Vân, nối liền tỉnh Thừa Thiên-Huế với thành phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam.
-Cầu Thuận Phước, cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam với 3 nhịp dây võng liên tục, rộng 18m dành cho 4 làn xe. Bắc qua biển ở điểm cuối sông Hàn, cầu Thuận Phước  tổng chiều dài 1.850m (hơn cầu Mỹ Thuận 300m), được đánh giá là cầu treo dài nhất Việt Nam hiện nay.
- Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam.
Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
- Đà Nẵng còn nổi tiếng bởi Khu Du lịch Bà Nà - “Đà Lạt của miền Trung”. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh vật nên thơ và nhiều khu rừng có hệ động thực vật đa dạng, phong phú.
Cáp treo Bà Nà, theo xác nhận của Hiệp hội Cáp treo thế giới, tuyến cáp treo này lập hai kỷ lục thế giới. Với tổng chiều dài 5.042,62m, đây là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m). Bên cạnh đó, với độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới là 1.291,81m (độ dốc trung bình gần 300), đây cũng là tuyến cáp treo có độ chênh lệch lớn nhất thế giới.
          - Một trong những Thành phố có nhiều cầu nhất nước: cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn và trong tương lai tiếp tục mọc lên cầu Rồng, là cây cầu nối thẳng từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng với con đường du lịch đưa khách  vào thẳng Hội An
- Bảo tàng Chăm - nơi lưu giữ cả một nền văn hoá Chăm rực rỡ, những pho tượng cổ, những linh vật thờ, những biểu trưng của một dân tộc phồn thịnh giờ chỉ còn trong quá vãng. Đây là bảo tàng duy nhất về nền văn hoá Chăm ở Đông Nam Á và  trên thế giới lưu giữ di sản văn hóa Chămpa độc đáo với hơn 400 tác phẩm điêu khắc nguyên bản được sáng tạo trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIII và giá trị của nó đã vượt ra khỏi biên giới nước Việt Nam.  
- Đến Đà Nẵng nếu không đến Ngũ Hành Sơn ghé thăm làng mỹ nghệ Non Nước thì coi như chưa thấy hết nét độc đáo nơi đây. Đó là một nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp cả nước và cả nước ngoài.         
          - Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thi bắn pháo hoa Quốc tế. Theo thời gian chất lượng của các cuộc thi được nâng dần lên và càng có nhiều nước lớn tham gia làm cho thương hiệu của thành phố cũng được nâng lên. Điều đó trở thành một trong những nét độc đáo để thu hút khách du lịch biết đến nơi đây. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010 sẽ có sự góp mặt của 04 đội tuyển quốc tế là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Bồ Đào Nha. Đây là những đội có đẳng cấp quốc tế, hứa hẹn đem lại cho cuộc thi những màn trình diễn ấn tượng.
          - Thành phố năm không hay là thành phố không có người ăn xin. Đây cũng được coi là nét riêng mà hiếm có thành phố nào trong cả nước có được. Được biết, trong những điều gây khó chịu nhất cho khách du lịch khiến cho họ mất cảm tình là nạn chèo kéo mua hàng và ăn xin. Đến với Đà Nẵng, chúng ta thấy không có những cảnh làm bẩn mắt quý khách này. Và đây cũng là nét độc đáo, tạo ra điểm nhấn quan trọng trong mắt các quan khách.
         
- Một cái nhất đáng trân trọng nhất là, cùng với sự phấn đấu không ngừng của toàn dân thành phố, kết quả đã được ghi nhận là ngày 14-1, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), dự án Sáng kiến cạnh tranh VN đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009. Đà Nẵng tiếp tục và liên tiếp trong 2 năm xếp hạng nhất, kế đến là Bình Dương, Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, trong lúc các trung tâm lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh lại tụt hạng.



Để Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn hơn:


Đà Nẵng là một trong những thành phố sạch, đẹp và an toàn nhất cả nước. Diện tích vườn hoa, thảm cỏ ở khu vực nội thị ngày càng tăng, hàng ngàn cây xanh được trồng mớiĐiều sễ nhận thấy nhất là tuy là thành phố công nghiệp nhưng khác với những thành phố lớn ở Việt Nam, bên cạnh sự sôi động, tấp nập của một đô thị đang trên đà phát triển, cuộc sống ở Đà Nẵng luôn đem lại cảm giác thanh bình, dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên. Đà Nẵng là một trong số rất ít những tỉnh/thành ở Việt Nam có sự kết hợp hài hòa giữa núi cao, rừng thẳm, biển dài, sông sâu. Sau giờ làm việc bạn có thể dễ dàng tìm được không gian để thư giãn bên bờ sông Hàn lộng gió hoặc trên những bãi biển tuyệt đẹp. Nếu quỹ thời gian rộng rãi hơn, bạn còn có dịp thưởng ngoạn và khám phá sự kỳ vĩ, bí ẩn và nên thơ của đèo Hải Vân, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ…Đặc biệt, người dân Đà Nẵng chân chất, mộc mạc, giản dị trong lời ăn tiếng nói nhưng dám nghĩ dám làm, lao động cần cù, ham học hỏi và rất mến khách luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã từng đến Đà Nẵng. Họ đang từng ngày, từng giờ nỗ lực lao động, học tập để có thể cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cho sự nghịêp xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu, đẹp và hiện đại.Đà Nẵng có khoảng không gian rộng, thoáng đãng, chan hòa nắng gió vùng nhiệt đới; những bãi tắm tuyệt đẹp với cát trắng tinh, dài và rộng, nước biển xanh ngăn ngắt hay những tuyến đường rộng thênh thang tạo thành một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn.Đà Nẵng hôm nay là một thành phố có môi trường văn hoá lành mạnh, có nếp sống văn minh đô thị, trình độ dân trí được nâng cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Có thể nói, Đà Nẵng là một nơi thú vị để sống, làm việc, đầu tư và đi du lịch ở Việt Nam Tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung.Như đã mô tả trên, Đà Nẵng là thành phố có nhiều ưu điểm, song không phải là đã hoàn hảo. Để thành phố hấp dẫn hơn và thu hút càng nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, theo chúng tôi, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm hay ít ra là cần hạn chế nếu chưa khắc phục được ngay. Một trong số đó là:
Về lối sống, tuy cư dân có mức sống và trình độ văn hoá thuộc loại khá của cả nước song đâu đó, du khách vẫn kháo nhau (tuy không phải chính thức nhưng đã là dư luận thì nên nghe để thấu hiểu và suy ngẫm rút kinh nghiệm nếu sửa chữa được càng hay) là thành phố này có khá nhiều các quán nhậu và có lẽ là một trong những nơi nhậu nhiều nhất nước. Điều đáng buồn là đệ tử của các quán này có không ít các công chức nhà nước. Cứ chiều chiều qua các quán nhậu không chỉ trong phố mà cả ven biển, âm vang  « khẩu lệnh » zdô, zdô, zdô kèm theo những gương mặt đỏ gay vì bia và rượu quá nhiều. Nhậu không phải là cái gì đáng lên án nhưng nếu chiều nào cũng nhậu, thậm chí trở thành thương hiệu của ai đó thì chúng ta cũng nên xem lại. Dù thành phố đã có những quy định một số tuyến đường ven biển không được nhậu nhưng xem ra cũng không thấy được thi hành nghiêm chỉnh. Điều đáng nói là các công chức lúc nào cũng thích nhậu, ngay cả các buổi sáng trong các quán càphê, có khá nhiều người trốn việc để ngồi đồng và buổi chiều bớt giờ để tranh thủ nhậu sớm thì văn hoá nhậu sẽ biến tướng ra sao ? chúng ta có thể dự báo được hậu cảnh của nó thế nào. Và trong các qúan nhậu, chúng ta sẽ nghe được gì trong văn hoá ăn nói của các cư dân nhậu. Những người ít hay thiếu văn hoá hay văng lung tung đã đành nhưng chao ôi, các công bộc của dân khi đã sương sương cũng văng ra những từ ngữ hạ đẳng không kém. Dân chúng và du khách sẽ nghĩ gì về họ ? Đà Nẵng có cả một chương trình nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức như bà Nông Thị Ngọc Minh (phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã nói thì những sự kiện không mấy đẹp đẽ trên liệu có là một trong những lực cản ngăn trở các cố gắng của Thành phố trong việc cải cách hành chính ? Hơn thế, tuy các thủ tục hành chính của các ban ngành tuy đã bớt nhiêu khê song vẫn chưa hết hẳn những lời phàn nàn của nhân dân ở những nơi nào hay bộ phận nào đó của bộ máy công quyền. Vì thế, không nên thoả mãn với những gì đã có, Thành phố cần tiếp tục rà soát để tiếp tục cải thiện các thủ tục ngày càng thông thoáng hơn nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Các cơ quan hành chính sự nghiệp cần có những chế tài nghiêm hơn đối với các viên chức bỏ việc khề khà ở các hàng quán trong giờ hành chính. Đối với các hàng quán mở ra tại các con đườn ven biển không theo quy định của Thành phố cần kiên quyết dẹp bỏ để tăng mỹ quan biển hơn nữa.
-         Như đã biết, Đà Nẵng tuy không có nạn ăn xin, song không vì thế để lầm tưởng là mức sống của dân cư đã là cao và ai cũng đã có việc làm và đời sống mọi người đã ổn định. Cần thấy rằng bên cạnh bộ mặt thành phố với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận vẫn còn không ít những mảng tối cần có sự nỗ lực lớn để khắc phục và vượt qua để Đà Nẵng tiếp tục « đẹp lên » trong mắt các quan khách. Đó là một bộ phận dân cư còn có mức sống quá thấp mà theo các chuẩn mới về nghèo thì số hộ nghèo mới sẽ lại tăng thêm. Công cuộc xoá nghèo ở đây vẫn còn nhiều thách thức. Số người thất nghiệp không phải là đã hết, cộng thêm số dân chưa có công ăn việc làm và thu nhập không ổn định sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho các tệ nạn xã hội có thể bùng phát. Ngoài ra số sinh viên các trường đại học, cao đẳng ra trường chưa có công việc làm ngay cũng nói lên nghịch lý lớn là trong lúc các ngành đòi hỏi nhân công có trình độ cao ngày càng lớn mà sinh viên ra trường nhiều vẫn không đáp ứng được nhu cầu đó, điều này cúng cần phải xem lại chất lượng đào tạo của các trường. Không nhất thiết cứ chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng thì dẫn đến sự lãng phí tiền bạc của toàn xã hội mà người học vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và sản xuất. Đào tạo cần gắn chặt hơn với thực tiễn sản xuất của đời sống xã hội, không nên để nạn thừa thầy thiếu thợ tiếp tục diễn ra nữa. Các cơ sở đào tạo cần sâu sát đến tận từng địa phương, xí nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tiễn và đáp ứng tốt nhất cho các đòi hỏi đó.
-         Cũng  vậy, Đà Nẵng được biết đến trong mắt mọi người như một thành phố xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường khá thông thoáng với nhiều công trình mới. Song là thành phố gắn liền với sông, biển, đây đó vẫn có những phàn nàn về một vài nơi các bãi rác tự phát vẫn xuất hiện và nước thải đen ngòm từ các cống ngầm xả thẳng ra biển, gây ra những cái nhìn phản cảm trong mắt du khách. Có thể thấy ngay trên bãi biển được xếp vào một trong 6 nơi đẹp nhất thế giới gần sát bãi tắm Mỹ Khê là một cống xả to tướng mà lúc cao điểm có thể thấy những dòng nước không thể đen hơn chảy ra từ đó. Để khắc phục, các cơ quan xử lý môi trường và nước thải cần học tập kinh nghiệm của các thành phố cảng, biển trên thế giới nhằm cải thiện vấn đề trên.
Thiết tưởng, những vấn đề trên không phải là quá khó để khắc phục. Với sự nỗ lực của thành phố hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm cải thiện tình hình trên và sẽ làm cho thành phố nơi cửa biển cuối sông này tiếp tục lan toả và đẹp dần trong mắt ai./.



TRẦN HỒNG LƯU


1 nhận xét:

  1. một số tình trạng bệnh da liễu tồn tại vĩnh viễn trên da thường trải qua những giai đoạn hoặc chu kỳ với một vài dấu hiệu. một vài tình trạng không thể chữa hết tuy nhiên có thể thuyên giảm. nhưng, bệnh viện da liễu ở Long An khuyên bạn nếu bạn bị stress, hoặc mắc một vài bệnh khác, hoặc bị lao lực thì căn bệnh có thể tái phát.nếu như da bị đau, bạn có thể sẽ được chuyên gia chỉ định sử dụng thuốc bớt đau nhức. Trong tình trạng da bị lở loét, tổn thương, hoặc căn bệnh dễ lây nhiễm, có thể chuyên gia sẽ cho thuốc mỡ để thoa cùng với băng gạc để đắp kín.

    Trả lờiXóa