Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

LÃO TỬ - TRIẾT GIA CHUYÊN VIẾT NGƯỢC


                                TS   Trần Hồng Lưu .*Trong hàng ngũ các nhà triết học trên thế giới- có lẽ - Lão Tử là một trong những trường hợp hiếm hoi và đặc biệt nhất. Từ cách nói, cách viết  ở trong bất kỳ lĩnh vực nào, đều được ông diễn tả dưới hình thức không giống ai. Đó là lối viết ngược , trái với lô gích thông thường của người đời.Đương thời không ít người không hiểu ông coi ông là người không bình thường, thậm chí là ngớ ngẩn, khó hiểu.Đến thông thái như Khổng Tử còn phải ví ông là con rồng đó sao?Bài viết này thử điểm qua lối viết của ông ở một số vấn đề,được dẫn ra trong tác phẩm nổi tiếng Đạo đức kinh (1) do chính ông viết, còn chúng đúng hay sai , có ý nghĩa gì hay không ,ta sẽ có dịp bàn đến ở phần sau.Trước hết, về mặt bản thể luận, Lão Tử coi đạo là nguyên lý chi phối sự vận hành của vạn vật. Đạo được xét trên ba mặt : thể, tướng và dụng. Thể của đạo là nguồn gốc tối cao sinh thành ra thế giới, là tính tự nhiên, mộc mạc, thuần phác. Ông viết : “Nhân địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”(Đạo đức kinh, chương 25).Đạo sinh ra vạn vật nhưng không coi vạn vật là của mình mà lạnh lùng coi vạn vật “như loài chó rơm”( chương 5).Đạo là bản tính tự nhiên chứa đựng tất cả : tồn tại và không tồn tại, cái siêu hình và hữu hình. Vì thế không thể kết luận đạo của Lão Tử  là duy vật hay duy tâm.Tính chất của đạo là trống rỗng và lặng yên, là: “hết sức trống rỗng cùng cực. Gĩư lặng dốc một lòng.. Trở về gốc rễ gọi là yên lặng..”(chương 16). Đạo là mẹ của vạn vật , là chủ của muôn loài. Là cái“ngổn ngang rối rít”nhưng“pha trộn vào ánh sáng”,“ hoà chung vào bụi bặm”.Đạo là cái sâu kín huyền diệu của vũ trụ, lớn vô cùng và nhỏ vô cùng, tràn lan khắp nơi không ở đâu là không có sự tồn tại của đạo.Khi nói về mặt tướng của đạo, Lão Tử  coi đạo là một khối hỗn độn, thống nhất giữa sáng và tối, nông và sâu “ nhìn không thấy, nghe không thấy, nắm không được, đón không thấy đầu mà theo không thấy cuối, ở trên không sáng tỏ, ở dưới không mờ tối”(chương 14).Đạo là cái không thể đặt tên vì nó biến hoá khôn lường, chỉ có thể tạm gọi là đạo vô danh.Đạo không phải là một sự vật hiện hữu cụ thể nhưng nó tồn tại ở trong tất cả mọi sự vật, không bao giờ mất đi vì nó là mẹ của muôn vật , là đầu của trời đất. Đạo là cái nguyên sơ tự nhiên, mộc mạc “Đạo thường vô danh như gỗ chưa đẽo, khi làm ra mới có danh”(chương 32).Lão Tử thường lấy nước để so sánh tính mềm mại, biến hoá khôn lường của đạo.Ông viết:“Trong thiên hạ không có cái gì mềm yếu hơn nước mà công phá vật rắn mạnh thì không gì hơn nó, không lấy gì thay thế được nó.”(chương 78). Nước mềm mại,không ganh đua và khiêm tốn nên nó có thể len lỏi khắp mọi nơi, nên có thể làm vua của các dòng nước, vì : “Nước lớn là dòng nước thấp, nơi thiên hạ họp về”(chương 61).Về mặt dụng của đạo, đó là năng lực sản sinh, biến đổi, sáng tạo vô tận của đạo.Đạo sinh thành nuôi dưỡng vạn vật nhưng thản nhiên như không.Lão Tử viết:“Đạo thường không làm nhưng không gì không làm”(chương 37).Đạo là thể của đức, đức là dụng của đạo.Đạo ban đầu không có tên, đức là tên mới bắt đầu có, do đức chứa không đều mà sinh ra đối chọi , so sánh hơn thua. Cho nên : “Mất đạo rồi mới có đức, mất đức rồi nhân sinh, mất nhân rồi nghĩa sinh, mất nghĩa thì lễ sinh ra vậy”(chương 38).Như vậy, nhân , lễ, nghĩa, trí, tín chỉ là hình thức bề ngoài của đạo và đức.Lão Tử chủ trương quay trở lại cái gốc của vạn vật là đạo chứ không tham ngọn mà bỏ gốc. Ông đưa ra sự so sánh rất hay : “Thiên hạ có cái khởi thuỷ, coi như là mẹ của thiên hạ, hễ giữ được mẹ thì được con, đã biết được con trở về giữ mẹ thì đến chết cũng không nguy”(chương 42).Trong lĩnh vực nhận thức luận, Lão tử quan niệm, đối tượng  nhận thức không phải là thế giới khách quan mà là đạo.Muốn  nhận thức đạo phải dựa vào thể nghiệm trực quan chứ không cần thực tiễn.

              

Chính ở đây, càng biểu hiện sự ngược đời của ông.Theo Lão Tử : “Không ra khỏi nhà mà biết đại sự của thiên hạ. Không nhìn ra cửa sổ mà biết được đạo trời. Thánh nhân càng đi xa thì biết được đạo càng ít”, nên “Thánh nhân không ra ngoài mà biết, không thấy mà gọi được tên, không làm mà nên tất cả”(chương47).Ông phủ nhận quá trình  nhận thức thông thường của con người.Dưới mắt Lão Tử , tri thức là điều có hại cần phải loại bỏ ngay vì: “Trí tuệ sinh thì có đại ngụy”(chương 18).Ông tự nhận mình là mù tịt và chủ trương dứt thánh bỏ trí, “tuyệt học vô ưu”(chương 48), để trở về với trạng thái nguyên sơ của trời đất, mọi người đều ngây thơ thật thà như đứa trẻ con. Do quan niệm như vậy, nên Lão Tử gạt bỏ giáo dục , đào tạo vì theo ông giáo dục càng nhiều càng làm cho người ta lừa đảo nhiều hơn.Vì thế , tốt hơn hết là hãy : “bỏ hẳn cái học đi thì không lo lắng gì cả, hiện ra cái nõn nà, ôm lấy cái chất phác, ít lòng tư, bớt lòng dục”(chương 20)

 

 Bằng cách nhìn biện chứng, ngay từ thời cổ đại , Lão Tử đã thấy dược sự tương tác đơn giản giữa hai mặt đối lập trong cùng một sự vật. Chẳng hạn,theo ông : “Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp nên có cái xấu, đều biết thiện là thiện nên có cái ác. Cho nên , có không cùng sinh ra nhau, khó dễ cùng làm thành nhau, dài ngắn cùng so sánh với nhau, cao thấp cùng nghiêng úp nhau, âm thanh cùng hoà trộn nhau, trước sau cùng theo nhau”(chương 2).Lão Tử còn thấy được sụ chuyển hoá của các mặt đối lập như : “Hoạ là chỗ tựa của phúc, phúc là chỗ náu của hoạ. Ai biết được đâu là cái cuối cùng của phúc hoạ”(chương 58).Tuy nhiên, đây chỉ là sự chuyển hoá vòng quanh, không thấy được sự phát triển về chất của sự vật.Trong cách nhìn thế giới  của ông cũng hết sức thú vị, năng động, khác với tầm nhìn của người bình thường.Vũ trụ tuân theo hai qui luật  cơ bản ,đó là luật quân bình và phản phục.Luật quân bình, làm cho vạn vậtđi theo một trật tự cân bằng, điều hoà một cách tự nhiên, không có gì thái quá: “Gãy thì liền, cong thì thẳng, trống thì đầy, cũ thì mới, ít thì được, nhiều thì mất”(chương 22). Hay: đạo của trời bớt chỗ dư thừa bù chỗ thiếu, chỗ cao thì ép xuống thấp, chỗ thấp thì nâng lên cao, có dư thì bớt đi, không đủ thì bù vào( chương 42).Nếu phá vỡ luật quân bình thì vạn vật sẽ rối loạn, mất cân bằng : “Nhón gót lên thì không đứng vững. Xoạc chân ra thì không bước được. Tự xem là sáng thì không sáng”(chương 40).Ngoài ra, vũ trụ còn tuân theo luật phản phục. Theo đó thì cái gì phát triển đến hết mức thì quay trở lại cái đối lập với chính bản thân nó như : “ít thì được, nhiều thì mất”hay : “Vật hễ thêm nó thì nó bớt, bớt nó thì nó thêm”(chương 22 và 42).Trở về với đạo tự nhiên, vô vi là trở về cái trường tồn, vĩnh viễn. Vì thế, theo Lão Tử : “Nặng là gốc của nhẹ, tĩnh là chủ của động”(chương 26).Hãy để cho sự vật ở trạng thái tự nhiên, làm trái với đạo pháp tự nhiên tất yếu sẽ thất bại vì : “Nếu trời không trong sẽ vỡ. Đất không yên sẽ lở. Hang không đầy sẽ cạn. Vạn vật không sống sẽ đứt”(chương 39).Từ luật quân bình và phản phục của tự nhiên, Lão Tử đã áp dụng vào xem xét các vấn đề xã hội , Ông coi việc con người  đem áp dụng luật pháp, giáo dục, hay nhân , lễ , nghĩa ..vào cai trị xã hội là trái với tự nhiên, làm trầm trọng hơn căn bệnh của xã hội .Lão Tử , chủ trương xây dựng một xã hội : “Không xa thường đức, trở lại thời trẻ nít”(chương 28), vì chỉ có trẻ mới sinh mới có được đức dày.Ông viết : “Thánh nhân coi trăm họ như trẻ nhỏ”(chương 49).Thánh nhân  “không làm cho dân sáng, mà làm cho dân ngu”(chương 65). Phùng Hữu Lan giải thích ngu ở đây được hiểu là sự giản dị ở dạng nguyên sơ. Với Lão Tử ngu không phải là khuyết điểm mà còn là một đức lớn ( 2). Thánh nhân không chỉ muốn dân ngu mà còn muốn mình ngu nhiều hơn thế. Lão Tử tự nhận: “Riêng ta là mù tịt”(chương 20).

       

Theo Lão Tử, pháp luật càng tăng thì trộm cắp càng lắm, quân đội càng mạnh thì càng mau bị tiêu diệt. Ông kịch liệt phản đối việc dùng pháp luật hay đạo đức vào cai trị xã hội , vì : “Nước nào chính sự lờ mờ thì dân thuần phục. Nước nào chính sự rành rọt thì dân lao đao”(chương 57). Và : “Đạo lớn mất mới có nhân nghĩa. Trí tuệ sinh mới có dối trá..quốc gia hỗn loạn mới có bề tôi trung”(chương18). Khác hẳn với chủ trương hữu vi của Nho gia và Pháp gia, để cai trị xã hội , Lão Tử đưa ra đường lối cai trị đất nước, dường như là không tưởng, đó là đạo vô vi: “Ta vô vi mà dân tự hoá. Ta vô tình mà dân tự chính. Ta vô sự mà dân tự giàu.Ta vô dục mà dân chất phác”(chương 57).Để xã hội được yên bình, Lão Tử chủ trương gạt bỏ đạo đức, pháp luật, giáo dục, kỹ thuật, tức những cái mà ông cho là trái với tự nhiên, do : “dân nhiều khí giới thì nhà nước càng loạn, người nhiều tài khéo vật xảo càng thêm, pháp lệnh càng tăng trộm cắp càng nhiều”(chương 57).Và cần phải : “dứt thánh bỏ trí, dân lợi gấp trăm, dứt nhân bỏ nghĩa, dân quay về lòng hiếu thảo và từ ái, dứt kỹ xảo bỏ lợi, trộm cắp không còn”(chương 19).Chiến tranh chỉ gây ra tàn phá, chết chóc, do “ở đâu có quân lính đóng thì ở đó gai góc sinh sôi. Sau trận chiến lớn ắt có năm mất mùa”(chương 30).Với triết lý vô vi, Lão Tử mơ ước đưa xã hội trở về trạng thái: “Nước nhỏ dân ít. Dù có khí cụ gấp trăm gấp chục sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có xe thuyền mà không ai ngồi. Có gươm giáo mà không bao giờ dùng. Bỏ văn tự, bắt người ta trở lạidùng lối thắt dây ghi dấu thời thượng cổ. Ai nấy đều chăm chú vào việc ăn no,mặc ấm, ở yên, vui với phong tục của mình. ở nước này có thể nghe thấy tiếng gà gáy chó sủa ở nước kia, nhân dân trong những nước ấy đến già chết mà không qua lại lẫn nhau”(chương 80).Đó là một xã hội không còn trộm cắp, đêm đêm nhà nhà không cần đóng cửa, thấy của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt, mọi người đều ngây thơ thật thà như trẻ con .Lão Tử cho rằng: “Cái hay của thánh nhân  trong việc thi hành đạo là ở chỗ không phải làm cho dân phát triển về trí khôn mà phải làm sao cho dân trở thành tự nhiên thuần phác”(chương 65).Có thể coi đây là quan niệm hoài cổ, là điều hết sức viển vông trong xã hội đương thời.Trong quan niệm về con người , Lão Tử đưa ra triết lý tri túc ( biết đủ) và tri chỉ ( biết ngừng ). Theo ông, đó là triết lý làm cho con người có thể sống hạnh phúc, không so sánh, không lo nghĩ , làm cho tâm hồn con người luôn cảm thấy cân bằng, an toàn, phẳng lặng tuyệt đối.Theo ông : “Hoạ không lớn gì bằng không biết đủ. Lỗi không lớn gì bằng muốn cho được. Cho nên đủ mà biết đủ thì thường không thấy đủ” và “Biết đủ thì không nhục, biết ngừng thì không nguy mà có thể trường cửu”(chương 44).Để đạt đến trạng thái tự nhiên như nhiên đó con người kết cục cần phải biết đạo, vì: “Biết đạo thường gọi là sáng. Không biết đạo thường, làm càn làm điều giữ. Biết đạo thì khoan dung, khoan dung thì công bình. Công bình thì chu toàn.Chu toàn thì rộng lớn. Rộng lớn là trời là đạo, cùng với đạo thì lâu dài, suốt đời không hư”(chương 16).. Cũng theo Lão Tử , càng ham chuộng nhièu thì càng phí tổn, dành giụm nhiều thì mất nhiều, người biết tự túc thì không bao giờ bị nhục,người hạn chế lòng ham muốn của mình thì không nguy, có thể trường cửu.Con người cần phải bằng lòng với cái mình có, đừng nhìn ngang , nhìn ngược để nảy sinh sự so sánh hơn thua lại sinh ra lo lắng bất an để theo đuổi người khác như thế là không hạnh phúc.Triết lý hạnh phúc của Lão Tử gây ra nhiều sự tranh cãi khác nhau. Không ít người phản đối, cho rằng ông đã làm triệt tiêu lòng ham muốn của con người , tức là bỏ hẳn động lực phấn đấu của họ.Đó là thứ triết lý ru ngủ , mị dân , ca ngợi cái gọi là nghèo mà vui, an phận thủ thường, là có lợi cho giai cấp thống trị. Tuy nhiên cũng có ý kiến tán đồng ông, cho rằng triết lý này vẫn có nhiều ý nghĩa trong xã hội hiện đại , góp phần làm giảm bớt  lòng ham muốn không cùng của con người .Về triết lý vô vi của ông nhằm gạt bỏ luân lý, pháp luật, tri thức ra khỏi xã hội cũng khó mà đứng vững. Học giả Ngô Tất Tố , khi bàn về Lão Tử , đã chỉ rõ: “Đạo đức, luân lý , tri thức cần phải có, không thể tránh khỏi và chủ nghĩa vô vi thực là một chủ nghĩa có hại cho mọi người về cả tinh thần lẫn vật chất”(3). Việc trở lại xã hội mông muội thời xưa có lẽ chỉ là mơ ước tuy đẹp nhưng hết sức ảo tưởng của ông, chẳng khác gì việc Khổng Tử muốn làm như Nghiêu, Thuấn. Hiện thực cho thấy , khi tìm ra một số bộ lạc cổ xưa còn rơi rớt lại, người đương đại chắc chẳng có chút cảm hứng gì để học hỏi ở họ.Nhìn chung, trong toàn bộ tác phẩm Đạo đức kinh, với lối viết ngược điển hình, tư tưởng của Lão Tử đã và đang gây ra nhiều tranh luận trong giới học giả thế giới.Có những người, lúc đương thời không được người đời hiểu, bị coi là lẩm cẩm, gàn dở, thậm chí là điên rồ. Thời gian qua đi những giá trị trong tư tưởng của họ dần dần được kiểm định .

 

Có lẽ, Hêraclít và Lão Tử là một trong số những người hiếm hoi đó.Đạo đức kinh là một tác phẩm viết từ thời cổ đại nhưng cho đến nay vẫn được nhiều người lưu tâm, điều đó đã tự bộc lộ giá trị vĩnh hằng của nó. Có thể, trong đó có những luận điểm không hẳn được nhiều người đồng tình. Song những vấn đề do Lão Tử đặt ra dù có vẻ như ngược đời đó lại được người đời sau suy ngẫm, đặc biệt là những quan niệm về phép biện chứng đã được ông nêu ra từ rất sớm với lối tư duy hết sức khác thường.Những vấn đề mà ông nêu ra, càng đọc kỹ, càng suy ngẫm mới thấy được phần nào sự uyên thâm của ông và dường như những vấn đề đó luôn luôn mới. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay khi đề cập đến các vấn đề thời sự, các học giả và cả các chính trị gia hàng đầu trên thế giới vẫn thường viện dẫn những lời nói của ông cách đây hàng ngàn năm.Đạo đức kinh vẫn là một trong số ít  những tác phẩm  từ thời cổ đại tiếp tục được tranh luận để phát lộ ra những tia sáng mới trong tư tưởng của ông mà lớp bụi thời gian không thể xoá nhoà.Thay cho lời kết, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét sau đây về Lão Tử : “Trong cái “ mập mờ, thấp thoáng”, mơ hồ nhưng luôn chói sáng tính chất gợi mở, vạch đường, tư tưởng của ôngđã làm người đời sau phải kinh ngạc và thán phục trước sức mạnh tư duy độc đáo của ông. Tuy triết học Lão Tử vẫn còn những thiếu sót do hạn chế bởi điều kiện xã hội đương thời, nhưng dù sao về phương diện lịch sử, chúng ta cũng phải nghiêng mình trước di sản tài hoa và sắc sảo của ông”(4)./.
 *Trần Hồng Lưu, Tiến sỹ  triết học, Đại học kinh tế Đà Nẵng,


                                Chú thích.

(1 )-Các trích dẫn trên về tác phẩm Đạo đức kinh của Lão tử , chúng tôi có đối        chiếu với các bản dịch của :     

  -Trung tâm học liệu , Bộ giáo dục quốc gia , Sài Gòn, 1959.

  - Phùng Hữu Lan-Đại cương triết học sử Trung Quốc, Nxb. Thanh niên,1999.        
 -Nguyễn Tôn Nhan- Lão tử -Đạo đức kinh, Nxb. Văn học1999.
  - Hà Thúc Minh-Nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nxb.Thành phố Hồ   Chí Minh, 2000.
(2 )- Phùng Hữu Lan-Đại cương triết học sử Trung Quốc, Nxb. Thanh niên 1999,    tr.115 .
(3)- Ngô Tất Tố- Lão Tử – Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh. 1997. tr.114.
(4)- Nguyễn Thế Nghĩa  và Doãn Chính( chủ biên)-Lịch sử triết học , tập 1, Triết học cổ đại,Nxb. Khoa học xã hội, tr.448.

1 nhận xét: