Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

QUÊ EM Ở TAM QUAN...



                                Tam Quan ơi hỡi Tam Quan.
Từ thuở còn là học sinh cấp 1, ở miền Bắc khi đất nước chưa thống nhất , trong tâm khảm những học sinh chúng tôi đã ăn sâu vào những vần thơ rất đẹp về xứ sở này.
                    Quê em ở Tam Quan.
                    Giữa miền Nam ruột thịt.
                    Quê em dù xa tít.
                     Em vẫn nhớ vẫn thương.
   Rất tiếc là tôi không còn nhớ được tên tác giả và tên bài thơ trên.Và trong sách giáo khoa mới bài thơ này hình như không còn nữa. Nhưng phải cám ơn nhà thơ đã diễn tả tâm trạng của một em học sinh xa quê ra Bắc tập kết. Thậm chí, trong tâm trí chúng tôi , những cậu bé đất Bắc, Tam Quan là vùng đất thụôc tỉnh nào, chúng tôi cũng không biết. Chỉ mường tượng một cách mông lung , đó là một vùng rất nhiều dừa nằm giữa miền Nam.Lớn lên, tốt nghiệp đại học, tôi được may mắn vào miền Trung công tác và hàng chục lần được rong ruổi bằng xe, tàu qua xứ sở ngút ngàn dừa này và biết rằng Tam Quan hình như  thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Chính dừa dã làm cho vùng đất này, nhìn qua có vẻ rất nên thơ, tươi mát. Nhưng có lẽ chính dừa đã không được ý thức người dân ở đây chăm lo bảo vệ nên nó đã làm cho khách qua đây mất dần cảm tình với vùng đất vốn dĩ tươi đẹp này. Dừa đã là nguồn sống nuôi người dân và tạo ra thứ bánh đa đặc sản ở vùng này. Song, cứ mỗi lần có dịp đi qua đây, mặc dù mắt thì mở to quan sát cảnh đẹp trời cho, nhưng tay lại phải bịt mũi thật kín vì mùi hôi khó tả của dừa không thể ví được với bất cứ loại gì. Hỏi ra mới biết, nguòn gốc của mùi vị này là do người dân chế biến cùi và nước dừa làm bánh đa sắn - dừa, sau đó những phần cặn bã của hỗn hợp đó được quay vòng , tận dụng để nuôi heo. Chuồng heo ở khu vực ga Tam Quan nhiều vô kể với qui mô lớn với nhung nhúc các Trư..Bằng mắt trần có thể nhìn thấykhu nước thải của heo đen đến mức không thể đen hơn được nữa, người ta để lộ thiên phó mặc cho trời đất xử lý. Cặn bã của heo đặc quánh đến mức nước  không thể chảy đi đâu sông ơi và để lại mùi hôi tù muôn kiếp không tan.Chẳng lẽ các nhà chức trách và người dân ở đây đã quen dần và coi đây là hương vị bất li thân của xứ dừa rồi hay sao? Họ sẽ nghĩ gì khi mỗi hành khách xuôi Nam ngược Bắc, mỗi lần có dịp qua đây phải nhăn mặt bịt mũi như đi qua một nhà vệ sinh liên hợp lộ thiên khổng lồ? Hãy cố gắng cứu lấy những gì đẹp đẽ mà dừa đã mang lại cho xứ sở mình. Đó là những gì mà du khách muốn nhắn gửi đến các nhà chức trách môi trường và người dân Bình Định khi đi qua vùng dừa này.Tam Quan ơi hỡi Tam Quan./.

TS TRẦN HỒNG LƯU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét