Trí nhớ thời nay còn đắc dụng ?
Theo dantri.com.vn
- 2 năm trước
Trí nhớ là “bảo bối” của các học giả
thời xưa, còn thời nay liệu còn đắc dụng trong khi rất sẵn các bộ “đại từ điển”
và các phương tiện thông tin hiện đại để “nhân lên” sức mạnh của bộ óc như máy
tính điện tử và internet…
Thử tưởng tượng một con người tự xưng là “hiện đại” đi đâu
cũng kè kè chiếc laptop… nhưng đụng đến kiến thức gì hay ai hỏi điều gì, anh ta
lại phải tra cứu trên laptop vì đầu óc rỗng không vì chẳng quan tâm nhớ điều gì
! Thử hỏi như vậy có đáng gọi là người có học thức nữa hay không.
Thật ra vấn đề này đã được bàn đến khá nhiều, nhân tác giả
Trần Quang Đại nhắc lại, tôi cũng có thêm đôi điều khẳng định. Ngày nay, việc
bùng nổ các phương tiện thông tin hiện đại , đặc biệt là báo mạng và internet,
nhờ vậy tri thức đến với con người rất nhanh. Việc cải tiến cách truyền đạt tri
thức đến với người học để nâng cao trình độ giáo dục là điều tất yếu, song
không vì nhờ các phương tiện hiện đại như máy tính và các công cụ đa phương
tiện khác mà đi đến phủ định sạch trơn trí nhớ thì lại sa vào một cực khác của
quan điểm siêu hình. Dĩ nhiên, nếu chỉ bắt học trò nhớ hết mọi tri thức thầy
nói như kinh thánh thì cũng không được. Do thời đại bùng nổ thông tin, không
nên đòi hỏi phải nhớ mọi điều mà chỉ nên nhớ những tri thức chọn lọc, kẻo học
trò sa vào nguy cơ “chết khát tri thức trên một biển thông tin”.
Không thể so sánh việc một kỹ sư khi thực hiện một dự án nào
đó cần phải lật ra sách vở tài liệu liên quan với việc khi thi cử cho phép bất
cứ môn học nào cũng cho học trò mở tài liệu ra chép vào. Hai việc đó hoàn toàn
khác nhau. Cần nói một cách công bằng, có một số môn học, một số kiểu đề thi
vẫn có thể cho học sinh dùng tài liệu nhưng không thể vận dụng cho tất cả các
môn học khác. Nếu điều đó xảy ra tràn lan và được công bố có hệ thống thì chúng ta sẽ tưởng tượng lúc đó
người dạy sẽ vất vả bao nhiêu khi học trò chỉ đến “dự giờ” các thầy cô mà không
cần ghi chép, động não. Vì lúc đó đã có máy tính và các công cụ khác nhớ thay.
Và một tiền đồ “xán lạn” cho một nền giáo dục trong mơ sẽ xuất hiện - khi đó
tất cả học trò đi thi đều có laptop nối mạng cho từng người, học trò chỉ cần gõ
vi tính là xong. Và thật tuyệt vời, học sinh lúc đó chủ yếu đến lớp để nghe
hoặc thực hiện vài thao tác gì đó trên laptop, không cần ghi nhớ, động não vì
lúc đó đã có máy nhớ thay.
Thực tiễn cho thấy, nếu không thuộc, ít nhất là bảng cửu
chương thì không thể vào được đại học. Chẳng ai có thể nói viết bình thường nếu
không thuộc ngữ pháp tiếng Việt chứ chưa nói đến tiếng nước ngoài. Trong thời
đại hiện nay, nếu hỏi đâu cũng phải “cầu cứu” đến từ điển hay laptop để tìm câu
trả lời thì thử hỏi đó là người thế nào, có còn là người hay chỉ là một rôbốt
trá hình ?!
Cần thấy rằng, trong lịch sử nhân
loại chưa bao giờ một người thiểu năng hoặc không đi học mà có thể thành thiên
tài. Ngay cả với Einstein hay Bill Gates, dù thần đồng đến đâu, có bỏ qua hay
nhảy vọt nhận thức đến đâu thì họ vẫn phải đến trường và phải dùng đến trí nhớ
để vận dụng tri thức và sáng tạo. Không nên viện dẫn một vài hiện tượng đãng
trí bác học mà ngẫu nhiên phát minh ra cái này hay cái khác để phủ nhận trí
nhớ. Ít ra con người phải được cung cấp một tri thức nền tảng từ thời phổ thông
làm căn cứ để tiếp tục phát triển và sáng tạo. Tài năng hay sáng tạo không thể
xuất hiện trên mảnh đất trống mà cần được bồi bổ không ngừng về trí tuệ và
phương pháp tiếp cận tri thức mới.
Một người không nhớ gì thì làm sao có tri thức. Đi thi hoa
hậu mà hỏi gì cũng đứng như trời trồng thì người đó có đẹp thật không? Cần thấy
các phương tiện khoa học kỹ thuật ngày nay đã và đang giúp ích con người trong
việc khuyếch đại bộ nhớ. Song cũng cần thấy mặt trái của nó là, hiện nay nạn
phôtcoppy và hàng loạt cách “nhân bản” hiện đại đang tiếp tay cho những kẻ lười
học sẵn sàng lợi dụng các phương tiện quay cóp; cứ sau khi thi là “giấy trắng
sân trường” rải khắp nơi, nhất là trong các kỳ thi tốt nghiệp các kiểu hay thi
học kỳ ở tất cả các cấp học.
Ngày trước không có photo, kỷ luật học đường lại rất nghiêm
nên hiếm thấy cảnh quay cóp như thời nay. Thơ tình là loại thơ tuổi trẻ thường
thích, nhưng hỏi một sinh viên vào đại học nhớ được bao nhiêu bài thơ tình thì
đa số là không nhớ được bài nào vì họ nói chỉ cần gõ vào google là ra chứ cần
gì nhớ. Chán thật, chẳng lẽ khi muốn tìm một câu thơ hay một câu châm ngôn hay
để nói với bạn gái họ lại kè kè một chiếc laptop nhỉ? Hay thế hệ này vào đời
chỉ cần biết một số định luật toán lý hoá và muốn yêu nhau thì vào mạng là
xong. Ngày xưa không có máy móc nhiều, thế hệ trước nghe và nhớ được rất nhiều
thơ ca trữ tình. Ngày nay tuổi trẻ hay ỷ lại vào máy tính và mạng internet, kể
cả tìm người yêu và tỏ tình cũng “cầu cứu” đến mạng…
Cứ bình tĩnh mà suy xét, trong xã hội ngày nay, việc ghi nhớ
vẫn cực kỳ cân thiết. Song chỉ cần nhớ những điều mang tính nền tảng để từ đó
người học có thể suy luận và phát triển tiếp. Còn những thông tin khác chỉ cần
biết chỗ để tra cứu khi cần để giảm tải cho bộ nhớ. Trong một biển thông tin
thời công nghệ số, nếu con người không biết chọn lọc tri thức để nhớ thì chúng ta
sẽ chết ngợp trong đó. Cần biết rằng thông tin có hai cấp độ: thông báo và tri
thức. Dạng thông báo chỉ cần biết để khi cần có thể tra cứu, dạng tri thức thì
cần phải nhớ để có thể thấm vào óc khi cần có thể đưa ra mổ xẻ, ngẫm nghĩ tiếp.
Dó đó, không vì một lý do nào đó mà đi đến phủ nhận việc ghi nhớ của người học
là một điều không thể chấp nhận được, kể cả trong xã hội bùng nổ thông tin hiện
nay.
TS.
Trần Hồng Lưu
( Đại học Kinh tế Đà Nẵng)
( Đại học Kinh tế Đà Nẵng)
LTS Dân trí - Để không bị rơi vào tình cảnh “chết khát tri thức trên biển
thông tin mênh mông” của thời đại ngày nay thì phải đổi mới mạnh mẽ cả cách dạy
và cách học. Hơn lúc nào hết ở thời đại “bùng nổ thông tin”, cần phát huy cao
độ cách dạy và cách học theo suy luận, biết phân tích, biết tổng hợp và tích
hợp vấn đề, để “học một biết mười” như người xưa đã dạy.
Những phương tiện hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho
việc đổi mới mạnh mẽ cách dạy cũng như cách học nhưng trí tuệ con người bao giờ
cũng giữ vai trò chủ đạo, Điều đó cũng nói lên vai trò của nhận thức nói chung
và trí nhớ có chủ định của con người không máy móc nào thay thế được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét