TS TRẦN HỒNG LƯU
khoa Lý luận Chinh trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
khoa Lý luận Chinh trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
TÓM TẮT
Trong lịch sử vấn đề thời thế luôn được các nhà hoạch định chính sách để tâm chú ý đến vì đây là vấn đề liên quan đến sự hưng vong của đất nước.Ngày nay, bước vào thời kỳ mới, để tạo đà phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi các nhà chiến lược hàng đầu của các quốc gia phải có tầm nhìn rộng và bao quát về các vấn đề chung của cả thế giới và những vấn đề đặc thù của quốc gia và khu vực. Muốn thế chúng ta cần đầu tư mạnh vào giáo dục-đào tạo và hệ thông thông tin đủ sức làm cơ sở cho kinh tế tri thức phát triển nhanh nhằm rút ngắn thời gian đưổi kịp các nước phát triển.
SUMMARY
1. Đặt vấn đề
Thời thế hay thời cơ là vấn đề được bàn đến nhiều trong lịch sử. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nó quyết định đến sự thành bại của hoạt động con người trong mỗi thời kỳ lịch sử. Có thời cơ hay thời thế kết hợp với nỗ lực chủ quan của con người thì mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi, tiết kiệm được nhiều công sức, tiền bạc thậm chí cả xương máu của nhân dân khi thực hiệc một ý tưởng vĩ đại nào đó. Khi không gặp thời cơ thì dù có bỏ ra nhiều sức lực, tiền bạc thì công việc sẽ rất khó khăn, trắc trở mà kết quả thì đạt được không như mong muốn thậm chí thất bại nặng nề. Vì thế, Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn và gọi đúng tên bài học đắt giá cho những người có trách nhiệm cáng đáng những trọng trách lớn của dân tộc, thời đại: Lạc nước hai xe, đành bỏ phí
Được thời, một tốt cũng thành công. (Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 13, tr.278).
2. Tiến trình phát triển của vấn đề thời thế:
Trước đó, Trần Quốc Tuấn đã từng đòi hỏi người làm Tướng phải biết: “xem xét, quyền biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời mà làm”, “lấy đoản chế trường”, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu. Ông viết: “Nếu giặc đến chân như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng người giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được, và là khoan thư sức dân để kế sâu bền rễ đó là thượng sách để giữ nước”(1). Trong Binh thư yếu lược, ông còn chỉ ra cặn kẽ: “Có chí mà chậm thì người sẽ tính trước ta, thấy mà không quyết định thì người sẽ phát trước ta, phát mà không nhanh thì người sẽ thắng trước ta,.Khó được ấy là thời, dễ mất ấy là cơ, nên phải làm nhanh vậy”.
Nguyễn Trãi khi xem xét thời thế đã có nhiều nhận xét khá độc đáo. Cũng như các tiền nhân, ông nhấn mạnh vấn đề nắn thời, biết thời và kịp tghời không được bỏ lỡ thời cơ.. Thời trong quan niệm của ông là hoàn cảnh khách quan thuận lợi cho phép hoạt động chủ quan của con người đạt kết quả cao mà lúc khác không thể đạt được. Nguyễn Trãi côi: “nghĩa chữ thời to tát làm sao”, “thời sao thời sao thực không nên lỡ”. Để nắm thời và chớp đúng thời, con người thông thái cần phải chuẩn bị và tạo ra lực lượng chủ quan để kịp đón thời và ứng phó chủ động- cái mà ông gọi là thế. Có thời mà không có thế thì thời cơ đến sẽ bị bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Có thời có thế sẽ làm chủ được thời cuộc và tăng thêm sức mạnh gấp bội.. Trong thư dụ hàng Vương Thông, ông viết: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời không thế thì mạnh hoá ra yếu, yên lại thành nguy. Sự biến đổi đó chỉ trong trở bàn tay”. Và “Điều đáng quý người tuấn kiệt là biết thời thế, hiểu sự biến mà thôi” (2).
Nguyễn Khuyến, cuối thế kỷ 19 cũng từng than vãn:
“Qúa nhãn quang âm quân dĩ ngộ (Thì giờ qua mắt vùn vụt người đã lầm rồi
Thiếu thời phong độ ngã do liên” Phong độ lúc thiếu niên ta còn tiếc đó).
Tương tự Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tức cảnh:
“Quang cảnh trục nhân, niên tự thỉ Bóng đuổi người, năm đi nhanh như tên
Nguy thời ưu quốc, mấn thành tỷ” Lúc nguy nan lo việc nước, tóc bạc như tơ. (3).
Hay Cao Bá Quát, trong Câu đối đề đền Thánh Gióng cũng viết:
“Phá tặc dăn hiền tam tuế vãn Phá giặc xong lúc ba tuổi còn hiềm là muộn
Đằng vân do hận cửu thiên đê” Cưỡi mây vẫn giận chín tầng trời còn thấp.(4).
Ở mỗi thời kỳ lịch sử, con người luôn là chủ thể để quyết định các thành bại của thời cuộc. Chính do tính năng động chủ quan của con người là một yếu tố quan trọng cho các thành quả đó. Cho nên, việc nắm bắt thời thế ( thời cơ), tạo ra thời cơ và chớp lấy nó đúng lúc đúng chỗ để đưa ra hành động sẽ tạo ra hiệu quả to lớn. Chính vì thế, có những lúc việc chưa thể thành công đành phải chờ thời. Chẳng thế mà Khương Tử Nha chấp nhận ngồi câu cá không lưỡi cho đến tận gia để khi gặp thời dù đầu đã bạc vẫn tạo nên sự nghiệp lớn. Khổng Minh tiên sinh dù tài cao nhưng vẫn phải náu mình ở chốn non cao, đọc sách, ngâm thơ vui vẻ cũng để chờ thời. Cũng có quan niệm coi thời có khi đồng nghĩa với Trời, khi làm theo ý Trời thì được Trời ủng hộ và mọi việc diễn ra thuận lợi, còn khi làm trái ý Trời thì con người sẽ chắc chắn gặp thất bại. Chẳng hạn Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm Hàn các anh hoa coi: “Thịnh suy, dài ngắn vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được”. Người được coi là tập đại thành của phái Pháp gia, thông hiểu khá sâu sắc và bàn nhiều đến pháp thuật thời thế, Hàn Phi Tử cũng từng viết: “Nếu không có thiên thời thì dù có 10 vua Nghiêu cũng không thể làm ra 1 bông lúa trong mùa đông. Nếu trái lòng người thì dù có 10 Mạnh Bôn và Hạ Dục cũng không thể dùng hết sức người” (5).
Song trong lịch sử vai trò con người của nhân tố chủ quan của con người cũng thể hiện rõ. Câu thơ: “Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều” là theo nghĩa này. Khi chưa gặp thời hoặc thời chưa đến thì con người nếu hành động sẽ gặp bất lợi. Chính vì thế, dù được coi là một thiên tài trong việc dự đoán thời thế của dân tộc ta, chỉ đường cho nhà Nguyễn lập nghiệp ở phương Nam bằng câu nói nổi tiếng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân, nhưng khi thời chưa tới, Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phải tự than:
Thời loạn mình được yên, biết là may mắn (Loạn thế câu toàn tri hữu hạnh
Muốn cứu nước buổi nguy nan, thẹn mình không tài Nguy thời hoàng tế quý phi tài) (6).
Lịch sử Việt Nam ta cũng đã từng chứng kiến, con người tài ba từng quyết chí đội đá, vá trời: “làm trai cho đáng nên trai..”, từng tung tẩy tạo ra nhiều võ công lừng lẫy, quyết thắng Trời tạo ra rừng vàng, biển bạc- Kim Sơn, Tiền Hải và nhiều sự kiện lẫy lừng khác nhưng cuối đời vẫn phải than là mình chưa gặp thời:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo (Nguyễn Công Trứ) (7).
Phan Bội Châu, chí sỹ của dân tộc tuy có cách nhìn nhận về việc cứu nước chưa đầy đử nhưng ông cũng có quan niệm rất độc đáo khi coi việc chủ động tạo ra thời thế, tận dụng nó để hành động hợp với lẽ trời. Ông kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh để thay đổi thời thế, cứu nước, cứu dân thể hiện trong bài Chơi xuân:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri Sinh thời thế phải xoay nên thời thế
(Phan Bội Châu: Toàn tập, (1990), Nxb. Thuận Hoá, tập1, tr. 238.)
Tiếp bước các tiền bối, Hồ Chí Minh- lãnh tụ tài ba của dân tộc, nhà văn hoá lớn của nhân loại đã có nhiều phát kiến mới và vận dụng linh hoạt lý luận về thời thế thành công vào lịch sử dân tộc ta. Ngay trong thời kỳ nhân dân Đông Dương còn chìm đắm trong vòng nô lệ, trong thế “châu chấu đá xe”, Hồ Chí Minh vẫn nhìn thấy những tiền đề cho sự bùng phát của sự nảy nở, bằng nhận định xác đáng: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương dấu một cái gì đó sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập1, tr. 28). Hơn thế, khi hoạt động trong phong trào Quốc tế cộng sản, Người đã sớm yêu cầu các nhà lý luận macxit cần phải bổ sung lý luận đó bằng thực tiễn của châu Á, bởi Mác, Ăngghen, Lênin chỉ đưa vào lý luận đó thực tiễn châu Âu và theo Hồ Chí Minh đó chưa phải là toàn thế giới.Vào năm 1941 khi phe phát xít còn chiếm ưu thế trên mặt trận quân sự cộng với tình hình trong nước còn hết sức khó khăn, phức tạp, Hồ Chí Minh vẫn đưa ra những nhận định sắc sảo và lạc quan có tính vượt thời đại, Người dự báo đến năm 1945 cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam sẽ thành công. Vào tháng 7/ 1945 khi tình hình thế giới có nhiều biến chuyển có lợi cho cách mạng nước ta, dù lúc này đang ở trên giường bệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quyết tâm sắt đá: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy TrườngSơn cũng phải kiên quyết dành cho đượcđộc lập”(8).
Vào những năm 1963-1966, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới tràn ra miền Bắc, Hồ Chí Minh đã có những tiên đoán chí lý, về việc Mỹ chỉ thua ở Việt Nam là thua bằng máy bay B.52 chính trên bầu trời Hà Nội, và thời điểm đó Người đã thức thời chỉ đạo cho bộ đội phòng không phải nghiên cứu cách đánh máy bay B.52. Cũng thời điểm đó Người đã dự báo về thời điểm kết thúc chiến tranh khá chuẩn xác.
Tiếp thu và phát triển sáng tạo những ý tưởng trên của Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều thử thách để đi đến thắng lợi. Tháng 5/1941tại Hội nghi BCHTW Đảng lần thứ 8 đã xác định vai trò của thời cơ: “ Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đêf dân tộc giải phóng, không đòi được dộc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (9). Tháng 7/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa, chỉ ra thời cơ thuận lợi sắp đến của nhân dân ta: “…thời cơ không tự nó đến, một phần do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó” (10).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kéo dài và trải qua nhiều thử thách, đến tháng 1/1975, khi Hội nghị Bộ Chính trị đang diễn ra thì Phước Long được giải phóng, Hội nghị nhận định: thời cơ đã đến cần mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp tiến tới giải phóng miền Nam.. Sau chiến dịch Tây Nguyên và Huế- Đà Nẵng thắng lợi, Đảng ta chủ trương: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng” và đã giải phóng được đất nước trước dự định một năm. Đó chính là sự vận dụng sáng tạo có hiệu quả vấn đề thời thế để giải quyết nhiệm vụ độc lập dân tộc của Đảng ta. Bước sang thời kỳ mới nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước phát triển vững chắc, đòi hỏi dân tộc ta phải có bản lĩnh mới trong việc nắm bắt thời cơ vượt qua thử thách để hoàn thành sư mệnh thoát khỏi nguy cơ nghèo đói, tiến lên phía trước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
4.Vấn đề nắm bắt thời cơ trong thời kỳ mới hiện nay để đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững theo kịp với thời đại
Trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh việc tăng cường giáo dục, đào tạo; coi việc phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và đưa ra các chính sách nâng cao dân trí để tiếp thu tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến, từng bước tiến lên hội nhập vào nền văn minh thế giới. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng cũng khẳng định: “Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hoá, hiện đại hoá”(11). Hội nghị Trung ương hai, khoá VIII của Đảng, tiếp tục khẳng định: “Cùng với giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập, dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước bằng và dựa vào khoa học, công nghệ”(12).Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục làm rõ hơn: “Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới. Khoa học và công nghệ có bước tiến nhảy vọt”, việc “phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (13). Hơn thế, Đảng ta đã khẳng định rõ, việc “nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (14).
Nhất quán với tư tưởng trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định:“Phát triển mạnh khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phát triển nền kinh tế tri thức” (15). Và: “Phát triển mạnh, kết hợp chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo để thực sự phát huy vai trò quốc sách hàng đầu, tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức” (16). Có thể nhận thấy, nếu Văn kiện Đại hội IX, mới chỉ nêunhiệm vụ: “Từng bước phát triển kinh tế tri thức”, thì đến Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định chắc chắn, muốn nhanh chóng thoát xa khỏi nghèo đói và tụt hậu, chúng ta nhất thiết phải phát triển kinh tế tri thức. Hơn thế nữa, Đảng ta còn còn chỉ rõ: cần “tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (17). Đó chính là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vấn đề nắm bắt thời cơ để phát triển công nghiệp hoá rút ngắn.
Lịch sử nhân loại từng cho thấy, nếu quốc gia nào biết phát huy nội lực nhanh nhạy kết hợp với các yếu tố thuận lợi của thời đại sẽ rút ngắn được quá trình công nghiệp hoá, chẳng hạn Braxin chỉ mất 18 năm, Inđônêxiamaast 17 năm, Hàn Quốc mất 11 năm, Trung Quốc mất 10 năm. Người ta tính rằng, thời gian để hoàn thành công nghiệp hoá ngày càng rút ngắn, nếu ở thế kỷ 18 phải mất đến 100 năm, sang đầu thế kỷ 20 chỉ cần 30 năm và ở thập kỷ 70-80 còn 20 năm, thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chỉ còn 10 năm (Theo:Almanach: Những nền văn minh thế giới (1997), Nxb.Văn hoá- thông tin, HN, tr. 1943). Xét tiến trình lịch sử, cộng với khả năng nội lực của dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiến hành công nghiệp hoá rút ngắn để thoát xa khỏi nghèo nàn, tụt hậu, để tiến lên về phía trước bằng việc tiến nhanh vào nền kinh tế tri thức.
Trong nền kinh tế tri thức và xã hội hiện đại, quyền lực là trí tuệ, tri thức là sức mạnh. Bạo lực, của cải khi tiêu dùng sẽ hết, còn tri thức phát triển lên trong tiêu dùng. Tri thức khoa học càng phổ biến, càng làm giàu thêm cho trí tuệ con người, do sự lan tỏa của nó, dẫn đến tri thức càng phát triển lên không ngừng. Quyền lực trí tuệ không phụ thuộc vào bạo lực hay của cải mà nó mềm dẻo hơn, chỉ phụ thuộc vào chủ thể con người. Do vậy quyền lực đạt bằng tri thức, trí tuệ là con đường dân chủ nhất, năng động nhất. Vai trò của tri thức khoa học ngày nay, quan trọng đến mức là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người giàu nhất trên thế giới không phải là người nắm giữ nhiều của cải nhất mà đó là người sở hữu tri thức, trí tuệ; người đó chính là Bill Gates.
Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa trong điều kiện mới với những đặc điểm rất quan trọng. Từ một nước nông nghiệp, với một cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, muốn bứt phá nhanh khỏi nguy cơ tụt hậu, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động cùng lúc của toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức để tiến nhanh hơn, chúng ta buộc phải tiến hàng công nghiệp hóa rút ngắn. Tức là tiến hành công nghiệp hóa với hai tốc độ, vừa tuần tự, vừa nhảy vọt để nắm bắt và phát triển ngay những ngành công nghệ mũi nhọn đi vào hiện đại hóa xã hội. Những đặc điểm nói trên của công nghiệp hóa, quy định và đòi hỏi sự đáp ứng kịp thời và khẩn thiết của tri thức khoa học. Chính vì vậy, tri thức khoa học trở thành một trong những động lực cơ bản nhất của công cuộc đổi mới vĩ đại này.
Nhờ thông tin và tri thức mà công nghệ mau chóng được đổi mới, sự ra đơi, tiêu vong của một lãnh vực sản xuất hay một công nghệ chỉ vài năm, thậm chí chỉ vài tháng. Những phát kiến hiện nay của công nghệ máy tính và các sản phẩm của điện thoại di động đã minh chứng hùng hồn cho ý tưởng trên.Từ những thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho nền kinh tế thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc về cơ cấu, chức năng và cả phương thức hoạt động, tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển kinh tế. Cũng khoảng thời gian này, nhiều công trình nghiên cứu của các học giả như J. Schumpeter, R. Solow. đã chỉ ra, cần phải thay đổi lý thuyết của kinh tế học tân cổ điển, rằng tri thức là một thành phần của hệ thống kinh tế. Họ coi tri thức là hình thức cơ bản nhất của vốn; sự tăng trưởng kinh tế thực chất là do sự tích lũy tri thức mang lại. Hơn thế - theo họ-tăng trưởng kinh tế không dựa vào tri thức sẽ không bền vững. Dù nền kinh tế tri thức còn nhiều mới mẻ nhưng người ta cũng đã phác thảo ra những nét cơ bản của nó như sau:
- Động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế là tri thức chứ không phải là vốn và lao động. Mặc dù vốn và lao động vẫn là yếu tố cần thiết. Cơ cấu và phương thức hoạt động kinh tế có nhiều biến đổi sâu sắc, nhanh chóng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành kinh tế có giá trị dựa nhiều vào tri thức. Đổi mới, sáng tạo và học tập là nhiệm vụ trung tâm của xã hội. Học bằng làm, học bằng sử dụng và học để học, học suốt đời. Hơn thế nữa, sáng tạo trở thành động lực trực tiếp của sự phát triển, đồng thời quyết định việc tạo ra cái mới có chất lượng cao hơn và có sức cạnh tranh. Trong nền kinh tế đó, người ta “làm việc và kinh doanh với tốc độ của tư duy” (Bill Gates).
- Sự phát triển của nó có liên quan đến toàn cầu hóa kinh tế và tác động cả tốt lẫn xấu đối với từng quốc gia và toàn thế giới nhờ mạng thông tin mang tính toàn cầu. Đó là nền sản xuất được tổ chức rất linh hoạt, uyển chuyển. Nếu trong nền kinh tế công nghiệp sản xuất hàng loạt thì trong kinh tế tri thức sản xuất linh hoạt theo hướng giảm hàm lượng nguyên liệu. Trong kinh tế tri thức, doanh nghiệp là nhân vật trung tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp còn có các mặt hàng tri thức, các bản quyền, phát minh hay bí quyết. Sự chuyển dịch lao động theo hướng giảm lao động trực tiếp, tăng số lượng lao động xử lý thông tin, dịch vụ. Lượng công nhân cổ xanh ít dần, công nhân cổ trắng tăng lên. Lao động tri thức - công nhân áo trắng đóng vai trò cơ bản trong sản xuất.
- Trong nền kinh tế này việc học hỏi, đào tạo liên tục và suốt đời để không ngừng phát triển tri thức, đi đến sáng tạo và làm chủ tri thức, thích nghi nhanh với sự thay đổi và xã hội học tập là nền tảng của kinh tế tri thức. Như vậy, trong xã hội hậu công nghiệp hay là nền kinh tế tri thức, tri thức khoa học đóng vai trò then chốt quy định sự vận động và phát triển của xã hội mới.
Cuộc cách mạng thông tin, cách mạng tri thức đã và đang thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ hơn. Cơ sở của sự truyền bá thông tin-tri thức đó chính là mạng thông tin hiện đại, có khả năng chuyển tải lượng tri thức- thông tin lớn mà không bị tắc nghẽn. Chính vì thế để tiến nhanh vào kinh tế tri thức, nước ta cần tạo ra một hệ thốngcông nghệ thông tin rộng khắp vì thông tin chính là cơ sở để truyền tải tri thức đến với mọi nơi một cách nhanh nhất. Công nghệ thông tin chính là xương sống của nền kinh tế tri thức là theo nghĩa này, do đó cần đẩy mạnh vào việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin vững mạnh, hiện đại. Muốn vậy chúng ta cần phải: phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin; hướng tới sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin và ứng dụng nó vào các mục tiêu kinh tế-xã hội; Tăng khả năng nối mạng để có thể cập nhật các nguồn tri thức khoa học và công nghệ cao trên tg; Phát triển nhanh các mạng thông tin quốc gia tạo sự dân chủ cho người dân được đối thoại với các cơ quan có thẩm quyền; Khuyến khích đầu tư vào việc phát triển công nghệ thông tin về quyền sở hữu trí tuệ cùng các hinht thức thương mại điện tử; Thông qua hiện đại hoá chủ yếu là công nghệ thông tin để góp phần để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá để chuẩn bị cơ sở kỹ thuật cho nền kinh tế tri thức.
5.Kết luận: các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ, có thể tùy nơi, tùy lúc mà nhấn mạnh một giải pháp cụ thể nào đó để phát huy hiệu quả, tạo động lực để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa rút ngắnmà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang thực hiên, nhăm thoát xa khỏi nghèo nàn và tụt hậu, xây dưng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đại việt sử ký toàn thư (1985), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập II, tr. 89.
[2]. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1 (1993), Nxb. Khoa học xã hội , tr. 292).
[3,4, 6,7]. Trích trong: Nguyễn Khắc Viện, Bàn về đạo Nho (1993), Nxb. Thế giới, tr.92, 94, 98.
[5]. Hàn Phi Tử (1990), Nxb. Văn học-Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, tr. 210.
[8]. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, (1994), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 196.
[9, 10]. Văn kiện Đảng: Toàn tập (200), Nxb. Chính trị Quốc gai, HN, tr.113, 498.
[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 85.
[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện hội nghị lần thứ hai BCHTU khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 59.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 91.
[14]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 21.
[15,16, 17]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.187, 210, 87.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét