Bác Hồ với thiếu nhi trong nước và quốc tế |
TS. Trần Hồng Lưu .
Nhân- nghĩa là một trong những phạm trù
cơ bản của đạo đức học. Đó không phải là vấn đề lý thuyết trừu tượng chung của
các học thuyết về luân lý mà thực tế ngày nay đã trở thành hành động cụ thể của
con người, hơn thế đây là hành động cụ thể của người cộng sản nhằm giải
phóng con người. Chính vì vậy, không phải ngẫu
nhiên mà Các Mác vĩ đại đã từng nhấn mạnh: “…lòng thương người của chủ nghĩa vô
thần lúc đầu chỉ là lòng thương người có tính chất triết học, trừu tượng, còn lòng thương người của chủ nghĩa
cộng sản thì lập tức có tính chất hiện thực và trựctiếp nhằm vào hành
động”(1). Sinh ra từ một dân tộc có truyền thống
“Hiếu sinh không hiếu sát”, coi việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường
bạo”, và xuất thân từ dòng dõi Nho học, Hồ Chí Minh không câu nệ vào các nguyên
lý đạo đức của Khổng, Mạnh, Người chỉ rõ:
Ngủ thì ai cũng như lương thiện.
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn.
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Sau
khi từ biệt Tổ quốc thân yêu để ra nước ngoài tìm đường cứu nước, bằng việc trải
nghiệm thực tế cụ thể đã mở rộng tầm tri thức, hiểu biết của Hồ Chí Minh lên một
tầm cao mới.Người rút ra trong các học thuyết về đạo đức, dân chủ của các tôn
giáo từ Khổng Tử, Giê Su, Phật Thích Ca đến Tôn Dật Tiên, và học thuyết của Các
Mác.. đều có những ưu điểm cần phải thâu thái và tổng hợp một cách có
chọn lọc, chứ không được vứt bỏ sạch trơn, cũng
như không nên kế thừa bê nguyên xi. Chính vì thế mà Người muốn tự nhận mình là người
học trò nhỏ của các vị ấy.Và chính với một thế
giới quan tinh lọc đó, mà trong tư tưởng đạo đức nhân nghĩa của Hồ Chí Minh nói
riêng và trong học thuyết về cách mạng của Người nói chung không rơi vào chủ
nghĩa dân tộc hẹp hòi hoặc chủ nghĩa vô chính phủ.Có thể nhận thấy, tư tưởng nhân
nghĩa của Hồ Chí Minh là sự kế thừa một cách chọn lọc những giá trị văn hoá trong
truyền thống Đông, Tây và dân tộc, cộng với nỗ lực chủ quan của Người trong quá
trình hoạt động thực tiễn để hình thành nên. Đúng như Người từngchỉ ra: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa
xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng
như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. (2).
1.
Nhân nghĩa là phẩm chất quan trọng trong
đạo đức con người.
Con người là đối tượng quan tâm của tất cả các môn
khoa học, song ở Hồ Chí Minh đây là con người cụ thể, có nội hàm được định hình
một cách rõ nét: “ Chữ người, nghĩa hẹp là anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng
là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người”(3).
Con người đó còn
được Hồ Chí Minh mô tả rõ ràng hơn là người lao động, người mất nước, người thuộc
địa, người bị bóc lột, người vô sản thuộc địa, hơn thế đó là người cùng khổ.. để
chỉ rõ con người Việt Nam
lúc bị đô hộ.Khi dân tộc ta có chủ quyền độc lập thì con người đó lại là nhân dân,
quốc dân, dân, đồng bào..có sứ mạnh cùng nhau chiến đấu giải phóng dân tộc để
thoát khỏi sự xâm chiếm của kẻ thù.Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội,con người đó lại là: người nông dân tập thể, người chủ tập thê, người lao động
chân tay, người lao động trí óc, để chỉ rõ vai trò của họ.Lòng nhân ái mênh mông
của Hồ Chí Minh, còn được thể hiện rõ khi Người coi con người không chỉ bó hẹp
trong một quốc gia, dân tộc mà mở rộng ra khắp thế giới như: người da vàng, người
da đen, người vô sản ở chính quốc và thuộc địa. Còn ở phe đối lập, người ở đây
chính là bọn thực dân độc ác, bọn ăn bám đủ cỡ. Từ quan niệm vừa cụ thể vừa khái
quát các loại người trong xã hội, Hồ Chí Minh đã đi đến một nhận định chung,
mang tính chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người:
giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”(4).
Suốt cuộc đời mình, Người không ngừng đấu tranh để xoá
bỏ áp bức, bóc lột, mang lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc, bình đẳng cho dân.Hồ
Chí Minh, thường xuyên nhắc Đảng, Nhà nước phải không ngừng chăm lo đến đời sống
của người dân ngày càng tốt hơn. Và đó, chính là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước,
vì trong quan niệm của Người: “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét,
Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng
và Chính phủ có lỗi”.(5). Ngay trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn toàn Đảng,
toàn dân ta: đầu tiên là công việc đối với con người.
2. Nhân nghĩa trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí
Minh là khoan dung đối với tất cả mọi người.
Từ quan niệm con người một cách rộng mở như vậy, Hồ
Chí Minh không chỉ có tình thương và lòng nhân ái đối với người dân cụ thể
trong nước mà tình thương đó còn lan sang cả mọi người bần cùng trên thế giới này.
Thậm chí đối với những người lính Pháp, bị “giống người bóc lột” xua sang làm
bia đỡ đạn để chém giết nhân dân ta, Người cũng phân tích rõ ràng: “ chết chóc
thì các bạn cam chịu, những huy chương thắng trận thì về phần bọn quân phiệt.. đối
với các bạn và gia đình các bạn chỉ là sự đau khổ khốn cùng”(6). Không chỉ trên
lời nói mà bằng hành động cụ thể của Người đã chứng minh cho điều đó.Trong một
lần trực tiếp ra trận, Người đã cởi áo ấm của mình trao cho một tù binh Pháp bị
rét cóng. Nhiều lần, Người đích thân đến thăm các nhà tù ở Hà Nội, khuyên nhủ và
ký nhiều lệnh ân xá cho những phạm nhân cải tạo tốt, và luôn nhắc nhở chính phủ
phải đối xử khoan hồng với họ để “cho thế giới biết ràng ta là một dân tộc văn
minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”( 7).Trong thâm tâm Người, hễ
ai là người Việt Nam, không phân biệt trẻ, già, giới tính, miền xuôi hay miền
ngược, dân tộc hay tôn giáo.. đều được
người quan tâm đến. Trong tâm khảm của Hồ Chí Minh: “ Một ngày mà Tổ quốc chưa
thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(8).
Độc lập, tự do chỉ có giá trị thiết thực khi đem lại
quyền lợi trực tiếp cho người dân. Điều đó,
được Người chỉ rõ: Nước độc lập, mà dân không có cơm ăn, áo mặc, không được học
hành thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí
Minh, khoan dung là yếu tố hết sức quan trọng nhằm cảm hoá con người, nhằm hạn
chế những mầm ác trong họ. Cần biết khoan thứ đối với những kẻ lầm đường lạc lối
nhưng biết hối cải. Do: “Mỗi con người đều có thiện ác trong lòng. Ta phải biết
làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất
dần đi”(9). Lòng khoan dung ở Hồ Chí Minh, thể hiện cụ thể ở mỗi loại người từ
người hàng binh đến người bị lầm lỗi, làm cho họ tâm phục, khẩu phục và tích cực
tìm cách sửa chữa. Nhằm kêu gọi sự đoàn kết của nhân dân trong cuộc kháng chiến
chống Pháp, trong Thư gửi đồng bào Nam bộ,
tháng 5 năm 1946, Người nêu rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng
ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này,
người thế khác, nhưng đều là dòng dõi của Tổ tiên ta.. Vậy nên ta phải khoan hồng,
đại độ”(10).
3.
Vận dụng tư tưởng nhân nghĩa của Hồ Chí Minh vào việc giáo dục nhân cách thanh
niên, sinh viên hiện nay.
Ngày nay trước sự tác động của nền
kinh tế thị trường và sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng đã làm
cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và thanh niên, sinh viên sống buông
thả không có lý tưởng. Đó là điều hết sức lo ngại, mà Đảng ta đã chỉ rõ: kinh
tế thị trường với sức mạnh tự phát ghê gớm của nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân,
lối sống thực dụng làm cho người ta chỉ chú ý đến lợi ích vật chất mà coi nhẹ
giá trị tinh thần, chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích cộng đồng,
chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà coi nhẹ lợi ích lâu dài cơ bản.Thực trạng đó
dẫn đến, những năm gần đây “tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống có chiều hướng
tăng lên, rất đáng lo ngại” và “ Một bộ phận thanh niên còn mơ hồ về lý tưởng,
chưa nhận thức được tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, chưa xác định
được trách nhiệm của thanh niên nói chung và của bản thân nói riêng”(11).
Thanh niên, sinh viên là một bộ phận quan trọng của xã
hội, hơn thế họ được coi là mùa xuân của xã hội, là tương lai của đất nước. Do vậy, việc chấn chỉnh tình trạng trên nhằm
giáo dục đạo đức (trong đó có tư tưởng nhân nghĩa Hồ Chí Minh) cho thế hệ trẻ vừa
hồng, vừa chuyên là nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta.Bởi vì,
nhân nghĩa không chỉ là giá trị truyền thống, là nội dung quan trọng trong việc
giáo dục đạo đức con người mà nó còn mang giá trị phổ quát toàn nhân loại. Chính
vì thế, Đảng ta nhận định: “Mọi hoạt động văn hoá nhằm xây dựng con người Việt
Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng
lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình,
có lối sống văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội”(12).
Thanh
niên, sinh viên là những người trẻ tuổi, có chí khí, nhiệt huyết cao nếu được định
hướng tốt họ có thể xả thân vì nghĩa lớn. Giáo dục thanh niên, sinh viên được
Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng, Người đã nhiều lần nhắc nhở:
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Người không ngừng yêu cầu thanh niên, sinh viên phải học tập nâng cao đạo đức cách
mạng, do “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo
đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến đâu cũng không lãnh đạo được nhân dân”(13).
Do
đó, phải giáo dục thanh niên, sinh viên có lòng vị tha, biết yêu thương quê hương,
đồng loại, sống có nghĩa tình, tôn trọng
và học tập nhân dân, học tập và làm việc vì dân và khi “lợi ích cá nhân mà mâu
thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá
nhân phải phục tùng lợi ích tập thể” (14). Người còn chỉ ra một cách cặn kẽ những
tác hại của chủ nghĩa cá nhân mà tuổi trẻ cần phải tránh xa, đó là thói lười biếng,
suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, giày xéo lên lợi ích của
người khác “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”.Hồ Chí Minh căn dặn: “Thanh niên
cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của
mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động,
nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị.
Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang” (15). Đó chính là biểu hiện cụ thể của các
phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư mà người cộng sản cần phải thấm nhuần để phấn đấu
noi theo. Có rèn luyện thường xuyên như vậy thì thanh niên, sinh viên mới có thể
tu tâm,dưỡng tính, tránh xa những thói xấu dễ dàng tiêm nhiễm, đầu độc vào thế
hệ trẻ.Hoạt động thực tiễn trong môi trường lành mạnh chính là môi trường tốt
nhất để thanh niên, sinh viên thể hiện bản lĩnh đạo đức của mình.
Nhiệm
vụ của thanh niên, như Người chỉ ra: Không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những
gì. Mà tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước
nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hi sinh phấn đấu chừng nào? Muốn
giáo dục lý tưởng nhân cách cho thanh niên, sinh viên, ngoài việc củng cố niềm
tin cho họ bằng những tấm gương cụ thể của thế hệ cha anh bằng phương
pháp nêu gương như Hồ Chí Minh đã từng làm, còn
phải giáo dục họ lòng yêu nước, thương người. Trung và hiếu, nhân và nghĩa phải
được biểu hiện cụ thể với nội hàm mới để họ có thể tránh được những cám dỗ của
nền kinh tế thị trường ngoài những ưu điểm mà nó còn có thể gây ra vô số những
tác động tiêu cực khác.Vấn đề nghề nghiệp, hiện nay đang được lớp trẻ rất quan
tâm, nên cần coi trọng việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho họ. Ngoài ra, bằng
nhiều hình thức khác nhau cần giáo dục thanh niên, sinh viên lòng tự hào về
truyền thống dân tộc, các phẩm chất nhân ái, vị tha bằng các gương vượt khó để
thành đạt và giúp đời.
Giáo dục thanh
niên, sinh viên là quá trình hướng dẫn họ hoạt động thực tiễn cụ thể nhằm làm
cho hoạt động tuổi trẻ đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác,
sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và quê hương, đất nước. Và đó chính
là biểu hiện cụ thể và sinh động nhất của đạo đức nhân nghĩa Hồ Chí Minh khi được
áp dụng thành công vào thực tiễn cụ thể của đất nước ta hiện nay./.
CHÚ THÍCH
CHÚ THÍCH
1.C.Mác
và Ph. Ăngghen.Toàn tập, tập 42, tr.
169, 2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2.Hồ
Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.293, 2004,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 5, tr.644.
4.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 1, tr.266.
5.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 7, tr.572.
6.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 4, tr.483.
7.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 4, tr.28.
8.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 4, tr.419.
9.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 12, tr.588.
10.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 4, tr.246-247.
11.Hữu
Thọ- Đào Duy Khánh (chủ biên), 1999: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất
lượng và hiệu quả công tác tư tưởng-văn hoá trong tình hình mới. Ban tư tưởng-văn hoá Trung ương xuất bản, Hà Nội,
tr.309.
12.Đảng
Cộng sản Việt Nam, 2001, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.114.
13.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 5 , tr.252.
14.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 9 , tr.291-292.
15.Hồ
Chí Minh, Sdd, tập 7, tr.455.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét