Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

SAO KHỔ THẾ....HAI LÚA ƠI

Ảnh lũ lụt ở đông bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam

Thứ Tư, 19/11/2008 - 11:24 AM
 Bài đăng báo Dân Trí

TS TRẦN HỒNG LƯU - ĐẠI HỌC KINH TẾ ĐÀ NẴNG


Có lẽ câu ca dân gian đó là sự cầu mong, cũng là lời than về sự bấp bênh của cuộc sống tiềm ẩn đầy ruỉ ro, phụ thuộc vào thiên nhiên của người dân cày “một nắng hai sương” trải dài trên giải đất hình chữ S này.

Với một nền văn minh lúa nước, từ bao đời nay, thật ra thuật ngữ Hai Lúa - gắn liền với người nông dân tần tảo lao động từ Nam chí Bắc. Cho đến tận hôm nay, những ngày cuối cùng của năm 2008, thế kỷ XXI, dù trải qua bao đổi thay thăng trầm của lịch sử, song hình ảnh về người nông dân, nét mặt đăm chiêu đầy lo lắng, băn khoăn khi trái gío, trở trời, vẫn không thể phai mờ trong tâm trí tôi. Và đến hôm nay, dù cuộc sống của họ đã có nhiều đổi thay, song cuộc đời của họ vẫn đầy bất trắc, khó lường. Nghĩa là cuộc sống của họ vẫn cơ bản là nghèo khổ và quá phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và những yếu tố bên ngoài khác. 

Trong tiềm thức của nhiều người, thì vẫn là hình ảnh người nông dân lầm lũi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, với đầy đủ mọi bất trắc, “tai bay vạ gió” ở đâu đưa đến. Sao khổ thế Hai Lúa ơi! Có thể kể ra những cái khổ điển hình trong số đó để thông cảm và tìm cách giúp họ vượt qua.

 Chẳng hạn: - Lũ lụt, hạn hán là căn bệnh thường niên mà bất cứ người nông dân nào ở nước ta cũng phải nếm trải. Dẫn đến mùa màng thất bát. Nhìn những cánh đồng lúa ngậm đòng, mơn mởn hôm trước hôm nay đã ngập chìm trong nước cùng với bao hoa màu khác bị thuỷ thần cuốn trôi, ai mà chẳng cám cảnh cho cuộc sống của người nông dân. 

Trong lũ lụt, đàn cá của người nông dân là ..vô phương cứu chữa. Có năm trời “thương” thì mưa thuận gió hoà, năm nào trời “ghét” thì nắng đến cháy mía, cà phê, mưa đến thúi đất, ngập đến cả nhà, nguy hại đến tính mạng chính họ. 

 Lại đến chuyện gia súc, gia cầm. Hiện nay, con trâu, con bò không còn là “đầu cơ nghiệp” đối với nông dân nữa. Song đối với không ít người nông dân, trâu bò vẫn là sức kéo cơ bản, sau một thời gian rầm rộ về sự nghiệp “cơ khí hóa” tưởng như “trâu sắt” đã nuốt chửng trâu nhà. Ngoài ra, trâu bò còn là nguồn cung cấp sữa, thịt..cho xã hội. Bỗng dưng chưa hết nạn bò điên, trâu điên từ phương Tây đưa đến, thì lại xuất hiện nạn lở sừng long móng. Chưa hết mới đây thôi, đợt lạnh kéo dài ít thấy ở phía Bắc đã làm cho hàng vạn trâu bò chết hàng loạt. Nỗi khổ chồng chất lên nỗi khổ. Người nông dân chưa hết nối lo âu này đã lại phải tiếp đến nối âu lo mới. Đàn trâu bò chưa kịp hồi phục sau các đại nạn trên thì “bão” mêlanin lại tràn đến từ Trung Quốc, tiếp tục làm điêu đứng cư dân nuôi bò sữa cả nước, đến dở khóc, dở cười.

 Tiếp theo là căn bệnh H5N1 tấn công, tàn phá đàn gia cầm, vịt, gà, ngan, ngỗng, chim chóc.. Và người nông dân lại lần nữa lao đao. Hết trâu bò lăn đùng ra chết vì dịch bệnh, lại đến lợn, gà, vịt phải chôn đi hàng loạt. Bao nhiêu tiền của, vốn liếng của nông dân chôn vùi theo.Cuộc sống của người nông dân thật chua xót. Đến khi mưa thuận gió hoà, tưởng như cuộc sống của người nông dân sẽ khá lên. Nhưng, chính lúc này lại tiềm ẩn các nguy cơ “thời bình” với bao hiểm hoạ khó lường khác. 

Đó là: 

- Ngay cả khi được mùa, người nông dân vẫn phải chịu “lỗ”. Gía phân bón tăng lên nhưng giá lúa gạo lại thấp không đủ bù đắp chi phí cho sản xuất. Mía đường và các loại cây làm nguyên liệu cho ngành giấy được mùa , nhưng khi cần tiêu thụ lại không thấy “công nghiệp” dùng đến, hoặc nếu có thì gìm giá thu mua. Người nông dân cúng chẳng sung sướng gì khi được mùa kiểu đó. Rồi cá da trơn đến vụ thu hoạch chẳng thấy các doanh nghiệp đến thu mua, đành chấp nhận bỏ vốn nuôi cho cá “già” đi và lỗ.

 - Chưa hết, các chất độc nhiễm từ nước thải công nghiệp, điển hình từ Vedan, Miwon, và các khu công nghiệp làm ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và thu nhập của nông dân gắn với sống nước. Tệ hơn là nạn buôn bán phân bón giả, giống giả của lũ bất lương lại bồi thêm cho thiệt hại của nông dân. Những cánh đồng lúa xanh tươi nhưng không ra hạt, làm mất thời gian, công sức chăm sóc của nông dân nhưng không cho kết quả nào. Người nông dân chỉ biết ngậm ngùi mà thôi.

- Nhiều khi được mùa, người nông dân cũng chẳng vui hơn, khi mà điệp khúc “đầu ra” gặp khó khăn cứ lặp lại. Vào mùa vải, mùa mía, mùa lúa, mùa cá.. là giá cả rớt thê thảm. Hàng hoá sản xuất ra không biết tiêu thụ ở đâu. Và khi nghe nói tiêu, dừa, cà phê hay một giống hoa quả nào có giá, thì nông dân lại theo phong trào chặt, phá các loại cây không được giá để trồng mới cây có giá. Và khi loại cây đó quá nhiều lại quay lại.. chặt phá tiếp để trồng cây có giá. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại mãi và người nông dân chỉ biết như cây đèn cù và kêu ..trời. 

Xem ra bài toán đơn giản: trồng cây gì, nuôi con gì từ đời nảo, đời nào vẫn chưa đến hồi kết. 

Xem thế, chúng ta thấy, cuộc sống của người nông dân lúc nào cũng vất vả và đầy bất trắc. Không có một thứ bảo hiểm nào cho cuộc sống của họ. Cây trồng, vật nuôi của họ, khi gặp thiên tai và bất thường chưa có một cơ quan nào bảo hiểm cho họ. Nhìn chung đời sống của Hai Lúa nước ta chưa thể khá được nếu tiếp tục phụ thuộc vào vô số những yếu tố trên. Và kết cục là trên 60 triệu nông dân nước ta vẫn tiếp tục cuộc sống bất định. 

Chẳng lẽ tương lai của nông dân tiếp tục như vậy chăng? Để tháo gỡ bớt khó khăn cho nông dân, gần đây, chính phủ đã có chính sách trợ giá cho súc vật, gia cầm và các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH TW Đảng, khoá X, họp vào tháng 7 mới đây, Đảng ta đã chú ý đến vấn đề này qua chính sách tam nông: nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Và gần đây nhất, trong kỳ họp Quốc hội, ngày 14/11/2008, để giảm bớt khó khăn cho nông dân, Thủ tướng chính phủ đã khẳng định, đang chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện chính sách ưu đãi cho nông dân như cho vay vốn sản xuất, nếu khó khăn cho hoãn nợ, tiếp tục cho vay, hạ lãi suất. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định: “Đối với nông dân, cách giúp tốt nhất là giải quyết vốn để đồng bào ta tiếp tục sản xuất, cũng như cho chậm nợ, giãn nợ. Còn trường hợp do thiên tai, dịch bệnh thì khoanh nợ và xoá nợ theo quy định”. 

Những khẳng định trên đây của Đảng và Nhà nước là tín hiệu đáng mừng cho nông dân. Chứng tỏ sự quan tâm ngày càng sát sao, cụ thể hơn của Đảng, Nhà nước ta đối với đời sống của trên 60 triệu nông dân nước ta. Song người nông dân cũng không nên ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước mà chính họ phải tích cực tìm cách thích nghi với thời cuộc. Bằng cách, ngoài việc phấn cho năng suất cao , họ còn phải tạo ra chất lượng sản phẩm cao để đủ sức cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài.

 Những tấm gương sáng về những người nông dân cải tiến công cụ và chất lượng sản phẩm đã chứng tỏ sự năng động của nông dân. Song chừng đó chưa đủ, nếu như thiếu đi sự giúp đỡ của các nhà khoa học và các chính sách đúng của các cơ quan, ban, ngành trong việc định hướng cho sản xuất của nông dân, nhằm giảm thiểu tối đa những khó khăn và rủi ro cho nông dân. 

Đó chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn Việt Nam trong đó lấy tri thức khoa học làm đòn bẩy, để tiến đến năm 2015, nước ta cơ bản là nứơc công nghiệp. 

TS. Trần Hồng Lưu(Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng)

 LTS Dân trí - Đất nước nước ta không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu không quan tâm đúng mức đến khu vực nông thôn rộng lớn với hơn 60 triệu nông dân. Đây cũng là khu vực đời sống của nhân dân còn thấp kém, phương thức canh tác còn manh mún, lạc hậu, chưa tạo ra được một nền sản xuất hàng hóa có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá đúng những vấn đề đặt ra đối với nông dân, nông thôn và nông nghiệp trong giai đoạn mới. Nghị quyết TƯ 7 về “Tam nông” nêu rõ những quan điểm cũng như chủ trương và biện pháp nhằm phát triển toàn diện nông thôn để cùng cả nước thực hiện lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghi quyết TƯ 7, các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương, trong đó có các cơ quan khoa học, hãy làm hết sức mình, tập trung trí tuệ và nguồn lực cho phát triển nông thôn và giúp  nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng những biện pháp thiết thực và sát với tình hình thực tế của mỗi vùng sinh thái. Trước mắt, cần giúp nông dân tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản; khẩn trương giúp đỡ về vốn, giống má và kỹ thuật cho những vùng vừa bị ngập lụp để nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét