Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

SỰ GÀN BƯỚNG THÚ VỊ CỦA CÁC TRIẾT GIA NỔI TIẾNG


SỰ GÀN BƯỚNG THÚ VỊ CỦA CÁC TRIẾT GIA NỔI TIẾNG
          Cuộc đời của các nhà Triết học đã để lại nhiều dấu ấn thú vị, chẳng hạn để rèn luyện giọng nói của mình để hùng biện tốt, một triết gia cổ đại tuy bị ngọng nhưng vẫn ngậm sỏi để gào thi cùng sóng biển. Trong số các Triết gia để lại nhiều giai thoại thú vị, người đời khó có thể quên đó chính là Socrat và Emanuen Kantơ. Một người thời Cổ đại, một người thời Cận đại, song ở họ vẫn có những nét tương đồng trong tính cách của mình, nhất là trong quan niệm về hạnh phúc và tình yêu. Dưới đây là phác thảo vài nét về cuộc đời và quan niệm của hai triết gia thú vị này về tình yêu, hôn nhân và tính ..cứng nhắc của họ
.


Xôcrát (Sôcrate 470-399 TCN), một trong những nhà hiền triết vĩ đại của triết học Hy Lạp cổ đại.  Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề điêu khắc đá gần Athen. Từ rất sớm, ông theo cha học nghề và thuộc sử thi Hômes và các tác phẩm nổi danh của cácnhà thơ khác. Khoảng 30 tuổi, ông trở thành một nhà giáo đức độ, dạy học nhưng không lấy học phí. Cuộc đời ông giành nhiều thời gian cho hoạt động ngoài đường phố, chợ búa, sân vận đông, quán rượu..vv. Ông rất thích tranh luận với mọi người về nhiều đề tài khác nhau từ chính trị đến đạo đức, nghệ thuật.. với mục đích tìm kiếm chân lý. Nhiều khi, do đuối lý, những kẻ tranh luận đã nhục mạ ông, thậm chí đánh đập ông. Song ông vẫn chấp nhận tất cả mà không chống lại. Bởi vì, theo ông, nếu cố chấp thì chẳng khác gì, khi “con lừa húc tôi, lẽ nào tôi lại đưa nó ra toà?”.       


Tuy là người rất giỏi tranh luận với người khác về nhiều lĩnh vực nhưng trong đời thường, ông dường như “nhẫn nhục, chịu đựng” trước bà vợ chua ngoa của mình. Khi bạn bè ái ngại cho ông trước sự lấn lướt của bà vợ lắm lời, thì ông lại bình thản nói: “Tôi quen rồi, giống như nghe quen tiếng kêu cạc cạc của con vịt”. Bạn ông nói: “Vịt còn đem lại cho ông trứng và vịt con”. Xôcrat đáp: “Thì vợ tôi mang lại đàn con cho tôi”. Và ông đưa ra triết lý khá thú vị: “Lấy vợ là công việc lớn. Nếu lấy được người phụ nữ tốt, bạn sẽ là người hạnh phúc. Nếu lấy phải người phụ nữ không tốt bạn sẽ trở thành nhà triết học”, Và “Hôn nhân là một trường họclớn, nam giới mất đi học vị thạc sỹ thì phụ nữ lại được học vị đó”.


Khi Xôcrat bị các thế lực xấu, đổ tội cho ông là không kính trọng thần thánh và bắt giam vào ngục, nhưng ông không khuất phục, mà tự coi mình đang thực hiện mệnh lệnh của thần thánh. Toà án tức tối kết án ông tử hình. Trong thời gain giam giữ, bạn bè ông đã hói lộ cai ngục để ông chạy thoát, nhưng ôngkhông chịu vượt ngục mà khẳng khái nói: “Chấp hành luật pháp là yêu cầu cơ bản của công bằng, cho dù bị xử sai thì thà đi tới chỗ chết chứ quyết không chạy trốn, vì như vậy là đi ngược lại tín ngưỡng của mình”.


Một buổi tối tháng 6 năm 399 TCN, ông bị hành quyết. Với bộ quần áo nhàu nát, đi chân trần nhưng nét mặt rất bình thản. Một người bạn nói: “Tôi không chịu nổi khi thấy anh bị toà án bất công xử tử”. Xôcrat trả lời: “Lẽ nào anh lại muốn thấy một toà án công bằng xử tử tôi”.


Sau đó, ông đuổi vợ con và họ hàng thân thích ra để ông trò chuyện cùng bạn hữu. Khi cai ngục đưa bát thuốc độc vào, một người bạn đưa cho ông một chiếc áo khoác mới rất đẹp để ông mặc. Ông bình thản từ chối: “Cái này là để khoác lên lúc tôi còn sống, chứ không phải mặc vào lúc tôi đã chết”. Trước khi uống thuốc độc, ông nhờ một người bạn trả hộ ông tiền một con gà mà ông đã ăn những chưa trả. Và ông ra đi một cách thanh thản. Sau khi Xôcrat qua đời, dân thành Athen cảm thấy hối hận về hành vi của mình, họ đã xử chết Melơto, người đã vu cáo ông và lưu đầy mấy kẻ vu cáo khác. Cái chết của ông được coi là sự kiện trọng đại, cảnh tĩnh cho nhân tính và nền dân chủ, là sự kiện văn hoá trọng đại của lịch sử.






Về cuộc đời và tính cách của nhà triết học Đức, Emanuen Kantơ còn được coi là đặc sắc hơn. Khi viết về cuộc đời của ông, các sử gia thường mủm mỉm cười thú vị vì sự kỳ quặc trong tính cách của vị triết gia khả kính đạo mạo này.


Kantơ nổi tiếng là người ngăn nắp, sống có trật tự, kỷ cương và có phần cố chấp, bảo thủ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đối với ông, mọi đồ vật trong nhà, nhất thiết phải được xếp đặt ngăn nắp, đúng nơi, đúng chỗ. Chỉ cần một sự xáo trộn nhỏ từ con dao rọc giấy hay cái kéo đã đủ làm cho ông bực tức cả ngày. Ông là người ưa thích sự yên tĩnh. Người ta nói, ông đã từng khốn khổ vì tiếng gáy của chú gà trống của nhà hàng xóm làm ông “không thể tư duy triết học được”. Nhiều lần ông đã đề nghị người hàng xóm bán cho mình kẻ “tư thù” đã gây ra đau khổ cho mình, nhưng người hàng xóm khăng khăng không bán, vì ông ta không hiểu nổi nhà triết học là người như thế nào. Kết cục là “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, Kantơ phải bán nhà đi nơi khác để có thể “tư duy triết học”.


Kantơ là người mảnh dẻ, cơ thể không cân đối do ông bị lệch vai. Ông đặt ra cho mình thứ kỷ luật nghiêm ngặt để bảo vệ sức khoẻ chính mình. Nhờ thế nhà triết học sống thọ đến 80 tuổi. Đặc biệt đó là thứ kỷ luật bài bản là sống rất điều độ và đúng giờ. Cứ sau mỗi bữa sáng ông cho phép mình uống 2 ly trà loãng và hút một tẩu thuốc và không ăn tối. Theo ông, hút thuốc không phải để thưởng thức mà để “tẩy rửa, thanh lọc không khí”. Khi bị bệnh, dù toa thuốc của thầy thuốc thế nào, ông cũng chỉ uống vừa đủ 2 viên chứ không hơn, dù bệnh nặng hay nhẹ. Theo ông: “Vì người kia vốn khoẻ mạnh nhưng anh ta muốn khoẻ mạnh hơn nên anh ta đã nằm xuống do uống quá nhiều thuốc phòng bệnh”. Về lĩnh vực sức khoẻ, Kantơ cũng viết nhiều sách y học. Trong quan niệm của ông, người già hay ho về đêm do thường há mồm lúc ngủ nên không khí chui vào thanh quản gây ngứa cổ họng và sinh ra ho. Để khắc phục thì khi ngủ cần tập trung tư tưởng vào một khách thể nào đó, bằng cách bặm môi lại để không khí đi qua mũi? Ông cũng cho rằng, ánh sáng là nguyên nhân chủ yếu làm cho lũ rận rệp trong phòng ông sinh sôi, phát triển nhanh? Do đó, ông ra lệnh cấm người phục vụ tuyệt đối không được mở cửa sổ phòng ông. Và cho đến cuối đời, ông vẫn tin vào “chân lý bất di bất dịch” này là đúng đắn, là nguyên nhân làm ông sống lâu, mà không hề biết rằng, cứ mỗi lần ông đi khỏi nhà, người dọn phòng vẫn đều đặn mở toang hết các cánh cửa để làm vệ sinh phòng cho ông.


Đặc biệt về sự đúng giờ, các sử gia cho hay: thường vào các buổi chiều, Kantơ đến thăm bạn bè là nhà ông Green. Khi đến nơi, quan sát thấy chủ nhà đang nằm ngủ ngon lành trên xích đu, ông cúng lặng lé đến ngồi bên cạnh, tôn trọng giấc ngủ của bạn, ông ngồi trầm tư mặc tưởng và cũng.. ngủ lúc nào không biết. Khi ông bạn khác là giám đốc nhà băng Ruffman đến dự buổi họp mặt, thấy thế, cũng theo gương các bạn đánh luôn một giấc. Cho đến khi một người bạn khác là Motherby đi đến, đánh thức mọi người dậy và họ bắt đầu cuộc nói chuyện sôi nổi cho đến 7 giờ thì kết thúc. Về sự đúng giờ của ông và các bạn ông đã trở thành một nội dung đàm luận của người dân xứ Kuênigsbec, đến mức họ coi ông như một chiếc đồng hồ sống. Cứ thấy Kantơ đi ngang là họ lấy đông hồ ra chỉnh cho đúng, vì “Bây giờ là ba giờ rưỡi, Gíao sư Kantơ đang đi dạo”; hoặc “Chưa đến 7 giờ vì Gíao sư Kantơ chưa đi qua đây”. Thường nhật cứ ngày nào cũng vậy, cứ đúng 5 giờ kém 15, ông ra lệnh cho người hầu phải gọi ông dậy và phải có hành động cương quyết nếu như ông muốn ngủ thêm. Cứ từ 7 đến 9 giờ ông giảng bài. Ông nghiên cứu vào khoảng từ 9 đến 13 giờ. Và sau bữa trưa, ông tiếp khách hoặc đi thăm bạn bè. Sau khi đi dạo là ông bắt đầu làm việc thực sự. Và cứ đúng 22 giờ ông đi ngủ. Bất cứ thời tiết tốt hay xấu, cuộc đi dạo của ông bao giờ cũng diễn ra theo quy trình và chuẩn mực đã được vạch trước. Và cứ đúng 15 giờ 30 phút là Kantơ ra khỏi nhà, đi dọc theo con đường Bồ đề, đi đi đi lại lại đúng 8 lần rồi trở về nhà làm việc. Về sau con đường này trở nên nổi tiếng và đượcđặt tên là con đường “Triết gia”.


Trong công việc và học thuật là người rất kiên định với các chuẩn mực do mình đặt ra, tư duy quyết đoán nhanh nhạy, song đối với phụ nữ ông lại nổi tiếng về sự rụt rè, nhút nhát, do dự. Cả cuộc đời ông có ít nhất là hai cơ hội để ông có thể kết thúc sự nghiệp độc thân của mình, nhưng do tính do dự, nhút nhát đó nên cuối đời ông vẫn là người đàn ông “trong trắng” hiếm hoi. Để đến nỗi, nghe nói, khi được người ta hỏi: “Phụ nữ tóc sáng và tóc đen ai chung thuỷ hơn?”, ông đành cay đắng trả lời: “Chỉ có phụ nữ tóc..bạc may ra ..mới chung thuỷ”. Trong đời mình, ông đặc biệt có thiện cảm với 2 người phụ nữ, mà nếu “dũng cảm” ngỏ lời thì chắc chắn sẽ không bị chối từ. Cả 2 người đẹp này đều rất quý mến ông, và đều chờ đợi lời “tự thú trước bình minh” của ông, nhưng vì không dám quyết đoán để phá vỡ sự im lặng thiêng liêng đó nên cuối cùng ông vần chỉ là người biết “phê phán lý tính thuần tuý”, chứ không dám đi vào “thực tiễn” cụ thể, sinh động.





Mặc dù có những câu bình phẩm rất hay về phái đẹp như: “Cái Đẹp không có trên má hồng người phụ nữ mà chỉ có trong mắt kẻ si tinh”, nhưng trong thực tiễn thì ông chỉ nói và víêt giỏi, còn “làm” thì lại không..dám. Kết cục cả 2 người phụ nữ trong tâm tưởng của ông, sau thời gian chờ đợi khá lâu vẫn không thấy nhà triết học vĩ đại của mình “lên tiếng”, đành phải tự tìm lấy con đường khác của riêng mình. Một người chuyển sang vùng quê khácđể sống. Một người đành phải lấy một người đàn ông khác. Con người này, thậm chí không biết gì một chút mảy may về “phê phán lý tính thuần tuý và phê phán lý tính thực tiễn”* nhưng lại hơn hẳn Kantơ về tính quyết đoán khi bộc lộ cảm xúc thực tiễn của mình trước phái đẹp.


Cuối cùng ông phải tự trấn an lòng mình bằng lý luận: “những người đàn ông không vợ khi về già giữ được dung mạo trẻ trung lâu hơn người đàn ông có vợ”. Hơn thế, ông còn cho rằng, gương mặt khó đăm đăm của những người đàn ông có vợ chính là biểu hiện “ách thống khổ” của hôn nhân. Song không ít nhà tư tưởng lại cho rằng, cái “ách” đó lại là mơ tưởng của chính Kantơ mà vì không quyết đoán nên ông vẫn phải chịu làm người đàn ông “có dung mạo trẻ lâu” hơn người có vợ.


Có thể nói, dù có đôi nét độc đáo trong tính cách và trong quan niệm về tình yêu, hôn nhân, song cả Xôcrat lẫn Kantơ vẫn mãi mãi là ngôi sao sáng trong lịch sử trí tuệ nhân loại và vẫn để người đời sau hâm mộ, thán phục./.



* Trần Hồng Lưu, TS Triết học, Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, 71, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.ĐTNR: 0511 847332, ĐTDD:0914 112 884.
  
                             Tài liệu tham khảo
1, Platôn, Biện minh cho Xôcrát, Tuyển tập, tập 1. Matxcơ va, 1982.
2. Ksenôphôntơ. Những hồi tưởng về Xôcrát, Matxcơ va, 1993.
3. Đặng Nguyên Minh. Triết học thế giới nên biết, NXB. Lao động - x ã hội 1987.
* Tên 2 tác phẩm nổi tiếng của Kantơ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét