Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

BÀN THÊM VỀ THÔNG TIN VÀ TRI THỨC


BÀN THÊM VỀ THÔNG TIN VÀ TRI THỨC TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI 

*. Trần Hồng Lưu**
 Ngày nay, nhân loại đã và đang tiếp cận nền kinh tế tri thức, trong đó thông tin và tri thức được coi là những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế đó. Tương ứng với đó là các thuật ngữ xã hội thông tin, xã hội tri thức ngày càng nở rộ. Do sự gần gũi của các khái niệm này dẫn đến có sự nhầm lẫn giữa chúng khi sử dụng. Bài viết đã phân tích và luận chứng sự giống nhau và khác nhau giữa các khái niệm này; đồng thời chỉ ra giá trị của chúng cũng như cách nắm bắt thông tin và tri thức để sử dụng có hiệu quả nhất trong xã hội ta hiện nay. Bước qua thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, loài người đã đủ cơ sở để khẳng định vai trò của thông tin và tri thức. Sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ ở những thập niên cuối thế kỷ XX trên thế giới đã luận chứng hùng hồn cho dự báo C. Mác cách đây trên một thế kỷ: sẽ đến một lúc nào đó trình độ loài người đạt đến mức: “Tri thức xã hội biến thành lực lượng sản xuất trực tiếp”(1). Cũng thời điểm đó, C.Mác từng chỉ ra: “Một ngày chúng ta đang sống biến đổi bằng một thế kỷ của người nguyên thuỷ”. Nhà tương lai học nổi tiếng người Mỹ, Alvin Tofler đã viết: “Loài người sau khi trải qua nền văn minh nông nghiệp,văn minh công nghiệp và từ những năm 50 của thế kỉ XX , với sự ra đời của máy tính điện tử, loài người bước vào nền văn minh trí tuệ”(2). Về xu thế phát triển của xã hội trong những thập kỉ tới, các nhà tiên tri và các nhà khoa học đã dự đoán sang thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của nền văn minh tin học, sinh học hoạc triết học, v.v... Các dự báo có thể khác nhau về cấp độ, tên gọi nhưng vẫn thống nhất với nhau ở một điểm cơ bản: Dù là nền văn minh gì nhân loại cũng không thể thiếu được tri thức và thông tin. Ngày nay với hệ thống mạng internet đang nở rộ đến tận mọi ngóc ngách của thế giới, cộng thêm với hệ thống thông tin đại chúng hùng hậu, chưa bao giờ thông tin được sản xuất và bùng nổ nhanh chóng đến vậy, các loại thông tin đang bao trùm khắp thế giới, nếu người tiếp nhận thông tin không có khả năng tổng hợp, phân loại chọn lọc, rất có thể sẽ rơi vào thời đại “chìm ngập trong thông tin nhưng vẫn đói tri thức” như nhà tương lai học John Nạjibett đã từng cảnh báo từ năm 1996. Hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta thường nghe thấy: thông tin là sức mạnh hay tri thức là sức mạnh. Hai khái niệm này có lúc bị người ta nhầm lẫn, hiểu như một. Thực ra chúng có đồng nhất với nhau không? Bài viết nhỏ này có ý định phân tích mối liên hệ giữa chúng, góp thêm cách hiểu đúng hơn về khái niệm của chúng.



Từ đó, giúp cho người tiếp nhận thông tin gạn lọc được đâu là thông tin mang tính cấp thời, đâu là thông tin mang nội dung tri thức khoa học, để áp dụng chúng vào cuộc sống nhằm đem lại hiệu quả cao nhất- tránh chết cạn trên biển thông tin mà không phân rõ đâu là thông tin, đâu là tri thức. Theo cách hiểu phổ biến ở nước ta thì: thông tin là “những tin tức, thông báo; tri thức được sử dụng trong quá trình giao tiếp của con người, là khái niệm trung tâm của điều khiển học, diễn tả một trong những thuộc tính cơ bản của thế giới khách quan”(3). Còn tri thức là “kết quả của quá trình nhận thức của con người về thế giới hiện thực, làm tái hiện trong tư tưởng những thuộc tính, những quy luật của thế giới ấy và diễn đạt chúng dưới mọi hình thức ngôn ngữ hoặc các hình thức ký hiệu khác”(4). Thực ra, cho đến nay, vấn đề mối liên hệ giữa thông tin và tri thức vẫn là đề tài tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, khái niệm tri thức rộng hơn, bao quát hơn khái miệm thông tin. Ngược lại, có quan niệm cho rằng khái niệm thông tin bao trùm khái niệm tri thức. Ở đây, chúng tôi thử vạch ra mối liên hệ hữu cơ giữa chúng nhằm chỉ ra sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Từ hai khái niệm trên, có thể thấy rằng giữa chúng có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau đến mức trong nội hàm của khái niệm này có yếu tố của khái niệm kia và ngược lại. Tri thức tự nó không biểu hiện ra bằng cách nào khác ngoài quá trình thông tin. Nghĩa là mọi tri thức của con người về thế giới khách quan phải được diễn đạt “dưới mọi hình thức ngôn ngữ hoặc các ký hiệu khác”. Đó chính là thông tin. Tri thức đó dù có cao siêu đến đâu cũng phải được diễn tả ra bằng ngôn ngữ, bằng các hình thức ký hiệu của loài người. Hoàn toàn không thể có thứ tri thức thần bí, đóng kín kiểu như tri thức “ý niệm” của Platon. Trong lời tựa, viết cho lần xuất bản bằng tiếng Anh (1892) của tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, Ăngghen đã chỉ rõ: “Ngay cả người bất khả tri cũng phải công nhận rằng tất cả mọi hiểu biết của chúng ta đều dựa trên những thông tin mà chúng ta nhận được thông qua các giác quan”(5). Song không phải mọi hình thức ngôn ngữ và ký hiệu khác nhau đó đều biểu hiện tri thức, tuy rằng tri thức là nội dung quan trọng không thể thiếu được của thông tin. Bởi vì, trong khái niệm thông tin, ngoài yếu tố tri thức ra thông tin còn là “những tin tức, thông báo”, v.v… Thông tin còn là “khái niệm trung tâm của điều khiển học, diễn tả trong những thuộc tính cơ bản của thế giới khách quan”. Thuộc tính đó là tính trật tự của thế giới vật chất. Bản chất của thông tin chính là tính trật tự. Các tin tức, thông báo mặc dù rất gần gũi với tri thức song chúng chưa phải là tri thức vì chúng mang tính tức thời và nhanh chóng bị thời gian vượt qua. Trong lúc đó, tri thức lại khá bền vững vì nó được kiểm nghiệm bằng thực tiễn, được xây dựng bằng một hệ thống nhất quán và được truyền giảng một cách chính thống trên các giảng đường. Để tiếp nhận tin tức, thông báo không nhất thiết phải có trình độ, học vấn cao, nhưng để tiếp nhận tri thức lại đòi hỏi phải có một trình độ nhất định. Tri thức cũng biến đổi nhưng chậm hơn tin tức, thông báo. Như vậy, trong khái niệm thông tin ngoài yếu tố tri thức còn có những yếu tố “gần giống” với tri thức nhưng không phải là tri thức, đó là tin tức, thông báo. Các tin tức, thông báo thường mang tính thời sự, thiết thân, trực tiếp đối với mọi người hàng ngày. Còn tri thức, nhất là tri thức khoa học xã hội, chỉ thay đổi khi thực tiễn đã thay đổi. Các tin tức, thông báo cập nhật đến mọi người dân không phân biệt trình độ cao thấp, song tri thức chỉ đến được với những người có học vấn. Nếu quan niệm tin tức, thông báo chính là tri thức thì đó chỉ là những tri thức thông thường, chưa thành hệ thống, dù rằng chúng rất cần thiết. Tuy nhiên, như đã biết, tri thức thông thường khác hẳn với tri thức khoa học ở chỗ chúng chưa thoát khỏi những cái ngẫu nhiên và chúng chưa hoàn toàn chính xác. 





Qua phân tích trên, có thể nhận thấy, thông tin có hai cấp độ: cấp độ thời sự (các tin tức, thông báo) và cấp độ bền vững tương đối (tri thức khoa học). Vấn đề đặt ra là phải làm sao nâng cao mặt bằng dân trí để mọi người dân có thể tiếp nhận và xử lý thông tin ở cả hai cấp độ đó. Rõ ràng hai khái niệm này là không đồng nhất với nhau, tuy nhiên mối liên hệ biện chứng giữa chúng mật thiết đến mức dễ làm người ta lầm tưởng chúng là một. Nếu xét ở góc độ phổ quát, có thể xem khái niệm thông tin có ngoại diên rộng hơn khái niệm tri thức chăng? Bởi vì, nếu hiểu thông tin ở hai cấp độ trên thì cả tin tức, thông báo, “tri thức thông thường”, và “tri thức khoa học bác học” đều nằm trong nó. Hơn nữa tri thức “bác học” chỉ có thể biểu hiện ra bằng các yếu tố khác của thông tin như ngôn ngữ, chữ viết và các hình thức ký hiệu khác. Không thể có hệ thống tri thức “đóng kín” nào tự nó có thể truyền đạt được cho người khác. Theo lý thuyết thông tin, ngoài các loại hình thông tin cơ học, thông tin sinh học, thông tin xã hội được chia làm hai dạng là thông tin đại chúng và thông tin khoa học(6). Tri thức là yếu tố không thể thiếu được của thông tin, đến mức có thể coi như nội dung cốt lõi của thông tin. Một người dù kém tưởng tượng đến mấy cũng có thể hình dung một thông tin không có yếu tố khoa học thì thông tin đó chẳng có mấy giá trị. Bản chất của thông tin là tính trật tự, mà trật tự lại là thuộc tính của thế giới vật chất. Trật tự phổ biến khắp nơi: một hệ thống sản xuất, một dây chuyền công nghệ, một hệ thống kinh tế xã hội, v.v… Để có được tính trật tự đó, thông tin phải lấy các tri thức khoa học làm hạt nhân chứ không thể là tri thức tản mạn được. Do vậy, có thể khẳng định, tri thức khoa học là nội dung cốt lõi của thông tin. Hiểu một cách đơn giản nhất: thông tin chính là tri thức (ở cả hai cấp độ), được trao đổi ứng dụng vào thực tiễn một cách phổ thông. Có thể thông tin trong một trường hợp cụ thể nào đó là tri thức thông thường và có khi biểu hiện bằng một tin tức thông báo. Song thông tin đúng nghĩa của nó phải được cấu thành bằng nội dung là tri thức khoa học thì mới có giá trị đích thực. Thực chất quá trình truyền bá tri thức là phải thông qua các hình thức thông tin: đài, báo, truyền hình và ngôn ngữ. Các hình thức thông tin đó không ngoài mục đích chuyển tải tri thức đến mọi người. Cần thông tin chính là cần tri thức. Như thế, với ý nghĩa chuyển tải, có thể nói tri thức là thông tin hoặc thông tin là tri thức. Cho nên, trên thế giới, người ta thường nói: tri thức là sức mạnh hay thông tin là sức mạnh là theo ý nghĩa này. Do vai trò to lớn của chúng, có thể nói, trong thế giới đương đại: thiếu thông tin là thiếu tri thức. Hơn thế nữa, thiếu thông tin, thiếu tri thức là đồng nghĩa với nghèo đói và lạc hậu. Trong thông tin chứa đựng tri thức, mà xã hội hiện đại muốn phát triển được phải dựa vào nền tảng tri thức- nhất là tri thức khoa học, do đó thiếu thông tin, chậm thông tin tức là tụt hậu, mất cơ hội làm việc có hiệu quả. Một bài báo, một bài thuyết giảng, nếu thiếu thông tin, thiếu tri thức sẽ hết sức buồn tẻ, nhàm chán. Một người thầy dù có phuơng pháp giảng dạy tốt đến mấy, nhưng nếu phông tri thức của người đó hạn chế về nội dung tri thức truyền tải thì may lắm chỉ thu hút sự chú ý của người học ít buổi đầu, vì thông tin thiếu nội dung tri thức sẽ trở nên sáo rỗng. Ngoài ra nếu bài giảng chỉ bó hẹp trong giáo trình thì người học chỉ cần đọc là đủ, không cần đến lớp. Người học chỉ cần tiếp nhận tri thức, thông tin mới. Để có nội dung mới, người thầy cần phải tham khảo thêm nhiều tài liệu mới, hơn thế, trong khi truyền đạt, giảng viên phải làm sinh động bằng các tư liệu tin tức mới nhằm hấp dẫn thêm người học bằng việc thường xuyên cập nhật các thông tin- tri thức mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng internet đang phủ khắp toàn cầu. Thế giới đã và đang phẳng dần đến mức ai không chịu khó nhận thức, học hỏi thì sẽ là người tụt hậu. Tóm lại, thông tin cần thiết cho mọi người vì nội dung chuyển tải của nó ở cả hai cấp độ như đã nói ở trên. Người có học vấn thấp hấp thụ những thông tin, tri thức thông thường. Người học vấn cao tiếp nhận thông tin ở cả hai cấp độ, song đối với họ, quan trọng hơn là thu nhận thông tin ở cấp độ tri thức khoa học. Để đẩy nhanh việc tiếp nhận các tri thức khoa học công nghệ và ứng dụng thành thạo chúng, nhất thiết phải nâng cao mặt bằng dân trí. Làm sao cho đa số nhân dân có thể tiếp nhận thông tin ở cả hai cấp độ đó. Song ở đây lại nảy sinh vấn đề: độc quyền và dân chủ trong thông tin. Trên thế giới đã từng xuất hiên các ngân hàng thông tin dữ liệu. Chúng được bán với giá đặc biệt vì trong đó ngoài yếu tố bí mật chúng còn có hàm lượng trí tuệ cao. Từ năm 1976, các nhà khoa học Mỹ đã từng tuyên bố: đối với Mỹ, từ nay về sau, thông tin là tài nguyên quốc gia số một chứ không phải là dầu lửa, sắt thép. Rõ ràng trong xã hội bùng nổ thông tin, các tổ chức độc quyền thông tin sẽ có cơ hội kiếm lợi lớn. Ở nước ta, thực tế không phải người nào có học vấn cao là được tiếp nhận đầy đủ thông tin. Muốn có được thông tin (tri thức), người học phải trả học phí đắt, như Lênin đã từng nhắc nhở ngay từ đầu thế kỷ XX. Ngay từ năm 1921, Lênin đã thấy được tầm quan trọng của việc tổ chức thông tin về những thành tựu khoa học kỹ thuật của nước ngoài và việc cần thiết phải cập nhật ngay vào nước Nga. Người đã chỉ thị: cần phải tổ chức tốt việc: “Giới thiệu cho chúng ta biết kỹ thuật của châu Âu và của Mỹ một cách kịp thời… Matxcơva phải có I mẫu tất cả các máy móc quan trọng nhất trong số những máy móc mới nhất để dậy và học”(7).

Những năm gần đây, báo chí đã nói nhiều đến việc xây dựng một chính phủ điện tử. Làm được điều này thì chắc chắn quá trình thông tin sẽ trở nên nhanh nhạy và thông suốt hơn, xã hội sẽ dân chủ hơn. Theo chúng tôi, để góp phần phát triển đất nước, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng nâng cao mặt bằng dân trí. Ngay cả khi dân trí xã hội đã được nâng lên thì lại càng phải có dân chủ trong thông tin và kiểm tra thông tin hai chiều trên xuống dưới lên có thông suốt không. Một khi thông tin bị bưng bít thì hậu quả của nó đối với quá trình phát triển xã hội thật sự là khó lường. Sự kiện Vinasin vừa qua là bài học xương máu để chúng ta thấy rõ gía trị của sự truyền đạt thông tin và vai trò của việc kiểm tra, giám sát thông tin qua lại. Nếu như quá trình kiểm tra thường xuyên được thực hiện thì chắc sẽ không để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như vậy. Ngoài ra, các hệ thống thông tin đại chúng như: đài phát thanh, báo chí, truyền hình … ngoài việc mở rộng phủ sóng, cần thiết phải lồng ghép nhiều nội dung có hàm lượng tri thức ngày càng cao về chất lượng để phổ cập đến quảng đại quần chúng nhân dân khi mà mặt bằng dân trí đã được nâng cao. Có thể nói đây là vấn đề rất lớn của xã hội, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư nhiều công sức và thời gian của nhiều nhà khoa học, các nhà chính trị và những người làm công tác truyền thông đại chúng, trong việc đề ra các chính sách phát triển khoa học công nghệ vì quốc kế dân sinh, một khi thông tin- tri thức đã và đang trở thành vấn đề sống còn đối với cả loài người. Nền kinh tế tri thức đang gõ cửa từng quốc gia, dân tộc, từng ngõ ngách của cuộc sống xã hội. Trong xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá, sự chậm trễ trong việc phổ biến thông tin- tri thức đặc biệt là nâng cao dân trí là có lỗi đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với người lãnh đạo ở mọi cấp độ từ xí nghiệp, công ty… đến nguyên thủ quốc gia cần phải có năng lực xử lý năng động thông tin – tri thức hợp lý để đưa ra được ý tưởng đúng đem lại hiệu quả cao cho công việc./. 
*Xin xem thêm: Trần Hồng Lưu: “Vai trò của thông tin trong xã hội hiện đại”, Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số: 1, tr: 46-48. năm 1995. 
Hoặc: Trần Hồng Lưu, “Vai trò của tri thuc- thông tin trong xã hội hien nay”, Tạp chí Sinh hoạt lý lụận, số: 4. năm 1995 
• Địa chỉ liên hệ: ** TS. Trần Hồng Lưu, Trưởng Bộ môn Triết học, Khoa Lý luận Chính trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng,

CHÚ THÍCH:
1, C.Mác- Ph. Ăngghen, Toàn tập, t. 46, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 215. 
2, Alvin Toffler, Làn sóng thứ ba. Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 15-16. 
3, Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng (Chủ biên), Từ điển Triết học giản yếu, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987, tr. 471. 
4, Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng (Chủ biên), Từ điển Triết học giản yếu, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987, tr. 444. 
5, C.Mác- Ph. Ăngghen, Toàn tập, t. 5, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, tr. 537. 
6, Xem: Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, tháng 9-10/1994, tr. 32. 
7, V.I.Lênin, Toàn tập, t. 53, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1979, tr. 216. 
BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TC TRIẾT HỌC SỐ 12 -2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét