|
Nhà thơ Chế Lan Viên. Ảnh: H.C |
|
|
Chế Lan Viên là một hiện tượng độc đáo
trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Năm 16 tuổi, quyển Điêu tàn của ông "đã
đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị" (Hoài
Thanh). Nhận xét ấy đúng đâu phải chỉ với tập thơ đầu tay, mà với cả sự
nghiệp thơ của Chế Lan Viên. Đặc biệt là với những tập Di cảo ra đời sau
khi nhà thơ đã mất.
Cuộc
đời và sự nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên gắn bó chặt chẽ với nhà văn
Vũ Thị Thường, một cây bút truyện ngắn gần gũi với mảng đề tài nông thôn
Việt Nam.
Từ khi Chế Lan Viên qua đời, nhà văn Vũ Thị Thường đã coi việc sưu tầm,
góp nhặt, tuyển chọn và xuất bản những di cảo thơ của ông là công việc
quan trọng nhất của đời mình.
Cách đây nhiều năm, trong
chương trình Điểm tựa tài năng, một chương trình rất có ý nghĩa, nhằm
tôn vinh những người mẹ, người vợ của các bậc tài danh của đất nước do
Nhà văn hoá Lao động và Báo Phụ nữ T.P HCM kết hợp tổ chức, bà Vũ Thị
Thường đã khiến bao khán giả phải trào nước mắt vì xúc động, khi nghe bà
kể lại những kỷ niệm trong đời sống thường ngày cũng như trong hoạt
động sáng tạo của cặp vợ chồng nghệ sĩ này.
Tình yêu và lòng quý trọng đối
với người chồng là một nhà thơ có tài đã giúp bà có thêm lòng quyết tâm
và nghị lực khi bắt tay vào thực hiện công việc của mình. Ba tập Di cảo
thơ ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó giúp cho nhiều thế hệ
bạn đọc có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về một nhà thơ lớn của
thời kỳ hiện đại.
Tuy vậy Chế Lan Viên còn có một
cuộc đời khác. Hay nói chính xác hơn, cuộc đời ông còn có thời kỳ gắn
bó với một người phụ nữ khác - là người vợ đầu của ông. Nhưng người ta
ít nói đến vì một lẽ đơn giản là hai người đã chia tay nhau từ lâu. Mọi
chuyện đã trở thành quá khứ.
Sau khi chia tay cả hai người
đều đã có một gia đình khác, một cuộc sống khác. Nhưng chắc chắn rằng
người phụ nữ ấy đã có thời là tất cả tình yêu của nhà thơ Chế Lan Viên.
Và điều đáng nói hơn cả ở đây là cuộc chia tay của họ có một vẻ gì đó
thật khác thường, được ghi dấu bằng một bài thơ tứ tuyệt chưa bao giờ
được công bố.
|
Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà thơ Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn. Ảnh: A.T. |
Từ nỗi đau của sự chia cắt và
ly biệt, từ cảnh ngộ của riêng mình nhà thơ đã gửi gắm tình cảm của mình
qua những câu thơ giản dị, chân thành mà trĩu nặng ưu tư. Để có thể
hiểu rõ hơn hoàn cảnh ra đời của bài thơ, xin được nói đôi lời về người
đàn bà đã từng đi qua đời nhà thơ Chế Lan Viên, vào những năm tháng trẻ
trung, sôi nổi nhất.
Bà tên là Nguyễn Thị Giáo. Bà
Giáo vốn là bạn đồng trang lứa và lại là người đồng hương Đà Nẵng với
cha tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Cụ thân sinh ra bà là
thầy giáo dạy cha và các chú tôi (Lưu Quý Thảo, Lưu Trùng Dương) ở một
trường trung học tại thành phố Đà Nẵng những năm trước Cách mạng tháng
Tám 1945.
Chế Lan Viên cũng có thời từng
là học trò của cụ. Thời con gái, bà Giáo được nhiều chàng trai ở thành
phố biển Đà Nẵng thầm yêu trộm nhớ, vì vẻ đẹp mặn mòi và nét duyên dáng
của một cô tiểu thư khuê các. Nhưng bà đã nặng lòng với người thi sĩ
mang họ Chàm từ khá sớm. Vượt qua nhiều khó khăn trở ngại từ phía gia
đình, bà nhất quyết đi theo tiếng gọi của lòng mình.
Tháng 9 năm 1943, hai người tổ
chức đám cưới. Khi đó Chế Lan Viên 23 tuổi và cô thiếu nữ Nguyễn Thị
Giáo vừa tròn 18 tuổi. Cuộc sống hạnh phúc của ông bà kéo dài được 15
năm. Kết quả của tình yêu đó là ba người con, hai trai (Phan Lai Triều,
Phan Trường Định) và một gái (Phan Thị Chấn Thanh) lần lượt ra đời.
Năm 1958, sau một chuyến đi
chữa bệnh dài ngày ở Trung Quốc của nhà thơ Chế Lan Viên, gia đình ông
gặp chuyện sóng gió. Khi thấy nguy cơ đổ vỡ của gia đình, Chế Lan Viên
rất đau khổ và không hề muốn điều đó xảy ra. Ông sẵn lòng chấp nhận tất
cả, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện để giữ được tổ ấm của mình.
Tình yêu còn đến đâu thì chưa
biết, nhưng chắc chắn ông thương các con của mình, khi đó đang còn bé
dại cả. Nhưng có thể vì lòng tự ái hay vì một lí do riêng nào đó mà bà
Giáo từ chối mọi lời đề nghị của Chế Lan Viên. Cuộc chia tay không thể
nào tránh khỏi. Mọi lời khuyên can, hòa giải đều vô ích. Bạn bè văn nghệ
sĩ và những người đồng hương đều tiếc cho hai ngưòi.
Ngày hai ông bà ra tòa chia tay
nhau có mặt cha tôi. Ông đến dự phiên toà với tư cách là đại diện cơ
quan (ngày đó ly hôn phải có đại diện cơ quan) và với tư cách là bạn lâu
năm của cả hai người. Cha tôi kể lại rằng suốt buổi hôm đó Chế Lan Viên
ngồi im lặng. Sau khi đã xong hết mọi thủ tục, trước khi ra về, ông mới
lặng lẽ đứng lên và đọc bài thơ, thay cho lời nói cuối cùng.
Đến chỗ đông người anh biệt emQuay đi thôi chớ để anh nhìn Mày em trăng mới in ngần thậtCắt đứt lòng anh trăng của em
Sự việc đó khiến mọi người vô cùng sửng sốt. Đúng là có một không hai.
Thông cảm với nỗi đau của ông,
người ta càng thêm kính trọng nhân cách và lòng nhân hậu, vị tha của một
thi sĩ tài năng. Nếu ai đã gặp bà Giáo, thì càng thấy cảm phục cái tài
và cái tình của Chế Lan Viên. Nét nổi bật nhất trên gương mặt của bà
Giáo là cặp lông mày hình vòng cung, cong như lá liễu.
Khi đã là một người đàn bà ở
tuổi 80, đôi lông mày của bà vẫn còn nguyên nét mảnh mai, son trẻ như
mảnh trăng đầu tháng. Ấn tượng mà bài thơ từ biệt của Chế Lan Viên để
lại trong lòng cha tôi thật sâu đậm. Nhiều năm sau này ông vẫn còn kể về
nó. Đặc biệt là sau những lần bà Giáo đến nhà thăm cha tôi, cùng với
những người bạn đồng hương.
Nhiều năm tháng đã đi qua trong
cuộc đời mỗi người. Nhà thơ Chế Lan Viên và bà Nguyễn Thị Giáo từ lâu
đều đã có một gia đình khác, có những niềm hạnh phúc khác. Nhưng chắc
rằng những tháng năm chung sống cùng nhà thơ Chế Lan Viên đã trở thành
một phần đời không dễ nguôi quên đối với bà Giáo.
Trong một lần trò chuyện với
anh Phan Lai Triều, con trai cả của nhà thơ và bà Giáo, tôi được biết
rằng khi nhà thơ Chế Lan Viên đang đau nặng, nằm điều trị ở bệnh viện
Chợ Rẫy, bà Giáo đã yêu cầu anh đưa bà vào thăm. Nhưng để tránh sự xúc
động quá lớn cho cả hai người, anh Triều đã khuyên mẹ không nên gặp lại
cha mình khi cả hai đều đang đau yếu (lúc đó bà Giáo mới trải qua một
cơn tai biến não).
Bà Giáo đã nghe theo lời con
trai và ra về, chỉ nhờ anh chuyển đến Chế Lan Viên một chút quà. Hiện
nay tuổi đã cao, sức yếu, bà sống với con tại TP HCM. Cách
đây hơn nửa thế kỷ nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nói về Chế Lan
Viên: "Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không
thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được".
Tất nhiên chúng ta đều hiểu
rằng nhận xét đó là để nói về thơ của ông. Nhưng chỉ qua một bài thơ tứ
tuyệt được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chúng ta thấy
lời khen ấy thật là xác đáng cả về tài năng cũng như tấm lòng của một
thi sĩ mà tầm vóc đã vươn tới một chiều kích khác
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét