February4
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài ca đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm – rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
Thành phố tình yêu và nỗi nhớ
tiểu sử nhà thơ
Hoàng
Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà nội, là con đầu lòng của nhạc sỹ Hoàng Giác.
Đang học dở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà nội, năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm nhập
ngũ, đã từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông
trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim
truyện Việt nam. Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt
Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt nam năm
2005. Hiện ông đang sống tại Hà nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt nam, và cùng vợ
lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn
là thơ tình các được bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu
thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ
trung, sôi nổi: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn
mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,… Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch
bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải nhất cuộc thi
thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc
mùa thu.
Thơ
- Thơ tuổi hai mươi (1974)
- Những câu thơ viết đợi mặt trời
(1983)
- Xúc xắc mùa thu (1992)
- Thơ với tuổi thơ (2004)
Kịch
bản phim
- Đêm hội Long Trì
- Hà Nội-mùa đông năm 46
- Áo chàm Bắc sơn
Cùng một tác giả
Một số bài thơ có nội dung liên quan
Một số bài thơ hay khác
Có một nỗi bồi hồi khi bắt gặp tiếng ve. Thành phố với những hàng me, những chiều công viên nhàn nhạt nắng, bất chợt nghe tiếng ngân dài như khản giọng, mới hay rằng mùa hạ bắt đầu sang. Tuổi học trò ngày xưa ùa về như lật gấp từng trang, từng trang nhật ký xếp đầy những xinh tươi bè bạn. Trong chuỗi ký ức dài bừng lên những ánh nhìn trong sáng. Một dải sáng diệu kỳ – ánh mắt tuổi học sinh.
Có một bàn tay chìa ra với mình: kìa tiếng ve bắt đầu trở về rồi đó, có nhớ bài thơ lúc ra trường, bạn bồi hồi bày tỏ… Ừ có một bài thơ sâu lắng tận bây giờ. Ngày ấy tụi mình khoan khoái những vần thơ, ru giấc ngủ tuổi học trò mỏng mảnh, những vần thơ có tiếng ve sầu lanh lảnh, có chiếc lá đầu tiên, có bạn, có trường. Tất cả đều là những khoảnh khắc thân thương, dẫu không biết Hoàng Nhuận Cầm là ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ: chắc ngày xưa nhà thơ cũng… học trò nhí nhố, mà sao trải vào thơ những xúc động vô ngần.
Những cảm xúc trong thơ rất thực, rất gần. Những tán me xanh, trái bàng, hoa súng, lũ học trò vui đùa liếng thoắng… trong thời khắc ra trường, còn phảng phất một tình yêu. Thơ kiệm lời, nhưng nói biết bao nhiêu, bởi con chữ như khía vào cảm xúc, khẽ khàng thôi, mà sâu rất mực, và tha thiết thân thương, câu chữ cũng hóa mềm: Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em; nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ; ôi nỗi nhớ có bao giờ nhớ thế; bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi?
Rồi tháng năm sang, mùa hạ sang, cây bàng xanh trái, nhớ khung cảnh bạn bè, trường lớp, mùa thi. Nhớ tiếng còi tàu bạn tiễn mình đi. Nhớ ánh mắt trong veo của một thời giờ không tìm thấy được. Mỗi lúc nhớ nhau, lại thầm gọi lời thơ hôm trước: “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi…”.
LAM ĐIỀN
Nhớ những ngày đầu lơ ngơ trước nhà T5 của DHKHTN. KTX tôi , 12 đứa 12 vùng quê Bắc Trung Nam, đủ cả các khoa của trường. Phòng toàn lính năm nhất, bỡ ngỡ. Và nhanh chóng trở thành tập thể 110c1 cực kỳ gắn bó.
Bài thơ cũng nhắc tôi nhớ, nỗi nhớ mơ hồ, những ký ức đã ko còn chính xác về những ngày ở trường DHXDHN. Bài thơ và 1 người bạn xa lạ, để lại những mảnh vụn lý ức ko vui gì với tôi. Nhưng tất cả, đều là những tháng ngày đẹp nhất trong đời.
Giữa dòng đời quanh quẩn, đau đầu vì những tính toán mệt mỏi, tôi tìm về tôi của 1 thời trong trẻo ấy. Để còn thấy 1 chút xao lòng dù nhẹ nhất, và để thấy mình còn xao động với bài thơ của 1 thời hoa phượng cháy bỏng những ước mơ tươi sáng.
Cảm ơn, cảm ơn tất cả những người bạn của tôi, thầy cô của tôi, đã cho tôi những tháng ngày ko quên ấy.
Sài Gòn…Ngày……tháng……năm………
Ngồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, lục lại những tấm hình thời áo trắng. Tự dưng nó làm tôi nhớ đến những vần thơ……..”Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ…..”
Uhm, xa, xa thật rồi đấy. Quay đi quẩn lại cũng đã được 3 năm, 3 năm kể từ khi chia tay tà áo dài trắng với bao kỷ niệm……….Tôi nhớ, nhớ, nhớ lắm cái ngày xưa………
Bài thơ như hòa vào cùng tôi trong nỗi nhớ đong đầy
Bạn bè của tôi ơi, tuổi thơ của tôi ơi, A1 thân yêu của chúng tôi……..Sẽ mãi mãi lưu giữ những ỷ niệm, lưu giữ những hoài thương về một thời xa vắng…….