Đọc “Luận ngữ” từ nhỏ, tôi rất nhớ câu
“Lục thập nhi nhĩ thuận, Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (Sáu
mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả, Bảy mươi tuổi theo lòng
mong muốn mà không vượt ra ngoài giới hạn). Thế nhưng, càng thêm tuổi
thì tôi càng thấy rằng, lời nói đó của Khổng Tử bộc lộ một ước muốn
nhiều hơn là nêu ra một thực tế.
Bởi
lẽ, trong đời mình, tôi đã phải gặp một số người hình như cũng được ai
đó liệt vào lớp “cao nhân” nhưng ngay cả lúc đã cứng tuổi rồi, họ vẫn
không nguôi được bầu máu nóng tới cực đoan, vẫn luôn thích dạy hết khôn
dồn đến dại cho thiên hạ ngay cả ở những lĩnh vực mà mình chưa hề có
chút kinh nghiệm nào trong quá khứ. (Cũng chính Khổng Tử đã chẳng nói
sao: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”, tức là không giữ chức vụ nào thì
đừng bàn về việc ấy!). Kể cũng lạ!
Riêng nhà báo Hữu Thọ, với tôi
là một hình mẫu trái ngược với những người tôi vừa nói ở trên. Tiếp xúc
với ông càng nhiều, tôi càng kính trọng ở sự khiêm nhường rất mẫn tiệp
của ông đối với thế sự. ông không bao giờ muốn “lên lớp” về bất cứ việc
gì mà chỉ ôn tồn, nhỏ nhẹ trao đổi những suy tư luôn đau đáu yêu đời, lo
cho đời của một “Kẻ sĩ hay buồn”, như tôi từng có lần gọi ông như thế.
ông luôn khiến tôi nhớ tới câu “Vô ý, vô tất, vô cớ, vô ngã” trong Luận ngữ
(tức là không mắc bốn sai lầm: chỉ dựa vào ý riêng, áp đặt phán đoán,
cố chấp, tự cho mình là đúng). Chính vì vậy mỗi khi có điều gì cần tham
khảo và trao đổi ý kiến về thế sự, tôi đều tìm tới ông.
Lần này cũng vậy, tôi tìm tới
nhà ông vì tôi rất muốn được nghe ông nói về Nghị quyết Hội nghị lần thứ
4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) liên quan tới một số vấn đề
cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Cuộc trò chuyện với ông diễn ra vào
chiều ngày 8/3/2012.
- Hồng Thanh Quang: Nói
thực là đêm qua, tình cờ tôi đã đọc lại tập “Luận ngữ”. Và tôi lại đọc
được câu mà Khổng Tử từng than ở thời li loạn của mình: “Thôi hết rồi!
Ta chưa từng thấy người nào có thể tự phát hiện sai lầm và tự phê phán
bản thân”. Nhìn từ góc độ này càng thấy Hội nghị Trung ương vừa rồi đưa
ra Nghị quyết 4 rất là kịp thời: Khi mọi sự vẫn còn xử lý được, khi mọi
sự còn chưa muộn thì chúng ta đã tự nhìn thấy những “gót chân Asin” của
chính mình và thẳng thắn nói công khai, tôi xin trích dẫn theo văn bản,
“công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có
những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc
phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được
sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn
vong của chế độ”. Theo ông, tất cả những luận điểm trong Nghị quyết 4
vừa rồi sẽ tác động được đến đâu vào thực tế, khi mà, tôi lại trích dẫn
văn bản: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những
đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác
nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội,
thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham
nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Và “Đội ngũ cán bộ cấp
Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một
cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa
phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp
vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán
bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách
quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng
lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa
phương và cả nước…”. Rồi đây nữa: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác
định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi
sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện
tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không
khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm,
tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực
một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”?
- Nhà báo Hữu Thọ:
Chúng ta, tôi và Hồng Thanh Quang, cũng như mọi người đều đã tiếp cận
Nghị quyết TW lần thứ 4 khóa XI vừa rồi. Không khí chung, theo tôi là
rất phấn khởi. Sự phấn khởi này ở tôi có hai giai đoạn: giai đoạn đầu
khi chúng ta tiếp cận với diễn biến hội nghị Trung ương lần thứ 4 thì
phấn khởi ở mức chúng ta thấy BCH TW đã nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng
thực tế, về cơ bản là đúng thực trạng của tình trạng suy thoái. Thế
cũng là rất mừng rồi. Bởi vì từ trước đến nay tôi có cảm giác luôn tồn
tại khoảng cách trong nhận định của Trung ương với đảng viên và nhân dân
về thực trạng cán bộ đảng viên, đặc biệt với một số người thoái hóa
biến chất. Lần này thì khoảng cách ấy đã căn bản được lấp đầy. Và sự
phấn khởi ở đây chính là vì đã thấy được TW nhìn thẳng vào sự thật, mà
ai cũng biết rằng, khi đã nhìn rõ được thực trạng với tinh thần thẳng
thắn thì đó là dấu hiệu đầu tiên của sự vươn lên. Nhưng phải nói rằng,
lúc đó cũng còn băn khoăn là giải pháp sẽ như thế nào, bởi vì chúng ta
nhiều lần ở tình huống tương tự như thế rồi. Tôi thì có một vinh dự là
cách đây 13 năm, BCH TW cử tôi tham gia vào Tiểu ban chuẩn bị Hội nghị
TW 6 lần thứ 2 của khóa VIII và Hội nghị đó được chuẩn bị khá công phu.
Nhiều đồng chí BCT đứng đầu nhiều đoàn đi khảo sát tại các địa phương.
Riêng tôi được phân công đi cùng một đồng chí BCT đi khảo sát ở phía Nam
và tham gia hết các cuộc họp chung lại được phân công gặp riêng các
đồng chí lão thành, như đồng chí Mai Chí Thọ, đồng chí Nguyễn Thọ Chân,
đồng chí Lê Toàn Thư, các đồng chí nguyên là lãnh đạo của Đảng. Đồng
thời, các đồng chí BCT cũng yêu cầu tôi gặp một số nhà trí thức như Giáo
sư Lý Chánh Trung, Luật sư Trương Thị Hòa và đến quận 3 để gặp một số
thanh niên từng tham gia ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam
Việt Nam trước kia, chỉ để hỏi họ một câu là: Tại sao các bạn lại ủng hộ
“Việt cộng” và bây giờ các bạn đánh giá cán bộ thế nào? Và để cuối cùng
đi đến một nhận định là, có một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hóa biến
chất. Lúc bấy giờ, đánh giá được là “một bộ phận” thì cũng là quan
trọng đấy. Bởi vì thú thật với Hồng Thanh Quang, từ trước kia đến thời
điểm đó, chúng ta đánh giá là có những người tiêu cực, rồi số ít tiêu
cực, nhưng khi đánh giá “một bộ phận” đã là một bước tiến trong nhận
thức, trong cách tiếp cận thực tế. Và sở dĩ có bước tiến đấy thì với tư
cách là người trong cuộc, tôi hiểu rằng, đó cũng là nhờ tiếp cận được
với thư góp ý của đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết
một thư góp ý cho BCH TW rằng, nhiều cán bộ đảng viên hiện nay đang
thoái hóa biến chất. Chính cái thư của đồng chí Phạm Văn Đồng cùng với
sự khảo sát thực tế đã làm cho Tiểu ban chuẩn bị Hội nghị TW 6 lần thứ 2
của khóa VIII mạnh dạn xác định là có một bộ phận cán bộ đảng viên
thoái hóa biến chất để trình duyệt và được Ban chấp hành Trung ương chấp
nhận. Và 13 năm sau (2012) qua các cuộc vận động thì bộ phận ấy đã trở
thành bộ phận không nhỏ, tức là số lượng tăng lên.
- Chuyện đó là vào năm nào ạ?
- 13 năm trước, tức là năm
1999. Thực ra, Nghị quyết của Đại hội XI đã nhận định “một bộ phận không
nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, nhưng Nghị quyết TW 4 lại mới hơn,
nói mạnh mẽ rõ ràng, thực chất và sòng phẳng hơn, cho là trong bộ phận
không nhỏ trong đó có những cán bộ lãnh đạo và quản lý, và một số ở cấp
cao. Phải nói rằng, nhìn đúng thực trạng là điều rất mừng nhưng cũng
phải nói thật rằng, bọn tôi còn băn khoăn về các giải pháp. Phải đưa ra
những giải pháp nào đây? Do đó, khi Nghị quyết 4 được công bố, - Hồng
Thanh Quang nên nhớ là Nghị quyết được đăng công khai trên báo chí là
vào ngày 25 Tết âm lịch, tức là lúc đã qua Ngày ông Công ông Táo rồi và
khắp nơi đã chìm vào trong không khí Tết, nhưng tất cả các đảng viên
đều xúm vào nghiên cứu Nghị quyết. Đáng lẽ không khí lúc bấy giờ là phải
đi chơi Tết, nhưng mọi người đều nóng lòng xem để biết các giải pháp có
gì mới. Lần này lại có điều mừng, thì ra có những giải pháp mới, cụ thể
hơn, quyết liệt hơn.
- Tìm ra vấn đề và có ngay giải pháp…
- Thẳng thắn và kiên quyết, có những giải pháp mới. Có 4 nhóm giải pháp mới, chắc mọi người đều nhớ.
- Tôi xin phép được nói
ngắn gọn về nội dung 4 nhóm giải pháp mới ấy để độc giả theo dõi cuộc
trò chuyện của chúng ta có thể biết thêm. Thứ nhất, đó là nhóm giải pháp
về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp
trên. Trong đó có quy định, BCT, BBT, BCH TW sẽ tập trung kiểm điểm,
đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm
nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ
nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của
Trung ương về xây dựng Đảng. Bản thân các đồng chí BCT, BBT, UV TW sẽ
tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện
nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị
quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá
nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu
gương về đạo đức, lối sống… Nhóm giải pháp thứ hai liên quan tới công
tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. Nhóm giải pháp thứ ba là về cơ
chế, chính sách. Còn nhóm giải pháp thứ tư liên quan tới công tác giáo
dục chính trị, tư tưởng.
- Đúng thế. Nhìn khái quát cả 4
giải pháp ấy thì chúng ta đều thấy rằng, nó theo hướng dân chủ hóa,
thực hiện “dân chủ mở rộng” theo Di chúc của Bác Hồ, mà chúng ta, tôi và Hồng Thanh Quang đã có lần nói với nhau trên chuyên đề ANTG CT. Trong bài Rộng rãi để lắng nghe, quyết định theo cơ chế.
- Dạ, tôi vẫn nhớ tới bài báo đó ạ! Đó là điều mà chúng ta đã rút làm tít bài.
- Tức là đã theo không khí mở rộng dân chủ hơn và đặc biệt là có những giải pháp giám sát quyền lực…
- Tôi nhớ là cách đây
cũng phải tới mười mấy năm rồi, chính ông cũng đã viết một bài báo rất
hay nhan đề “Giám sát và chịu sự giám sát”, vào dịp Ngày Báo chí cách
mạng Việt Nam 21-6/1999. Trong đó, ông đã nói thẳng cả vấn đề cần giám
sát cơ quan được giao quyền giám sát, vì một tổ chức, một người được
giao quyền thì cũng rất dễ sinh ra lộng quyền nên cần phải có cơ chế
giám sát và phải giám sát chính cơ quan, chính người được giao quyền
giám sát để cho sự giám sát có hiệu quả.
- Tôi cũng nhớ bài báo đó, tất
nhiên là thế. Tôi còn viết bài làm giám sát thì có “dám” không và có
“sát” không theo kiểu chơi chữ.
- Tôi xin nói thêm một
chút. Tôi cũng nhớ là cách đây không lâu, khi các nhà báo hỏi Tổng thống
Nga Dmitry Medvedev rằng, tại sao nạn tham nhũng ở Nga đang lan tràn
như thế mà lại không lập ra cơ quan chuyên về đấu tranh chống tham
nhũng, thì vị nguyên thủ quốc gia vốn là luật sư này đã đáp rằng, ở Nga
đang có đủ các định chế pháp luật để đấu tranh chống tham nhũng, chỉ cần
làm tốt với những định chế đã có là có thể đấu tranh chống tham nhũng
có hiệu quả. Nếu lập ra thêm những cơ quan chuyên trách thì rất dễ rơi
vào tình thế oái oăm là chính những cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng
ấy lại có thể trở thành lực lượng bao che tham nhũng tệ hại nhất… Đấy
là chuyện của nước Nga.
- Đấy là chuyện của nước Nga…
Còn ở ta, với Nghị quyết vừa qua với 4 nhóm giải pháp thì có thể thấy
rất rõ hướng mở rộng dân chủ theo Di chúc của Bác Hồ, dân chủ rộng rãi.
Thực ra, phê bình và tự phê bình là việc không phải mới, nhưng mà lần
này chúng ta nói rõ là: Tự phê bình và phê bình phải từ trên xuống dưới.
Bác Hồ của chúng ta cũng đã nói là phải từ trên xuống dưới, từ trong ra
ngoài, nhưng hiện nay Nghị quyết nói rõ thêm là: từ trên tức là từ Ban
chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, chỉ đích danh “cái
trên” ấy là ai, trên ấy tức là trên cao nhất mà làm trước, làm gương
thì đây là một biện pháp mới. Hay ví dụ như biện pháp theo hướng giám
sát quyền lực, ví dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm, “đổi mới” việc lấy
phiếu tín nhiệm thì theo hướng “mở rộng đối tượng”. Phải “đổi mới” cách
làm, và phải mở rộng “đối tượng” được tham gia bỏ phiếu để lá phiếu thực
chất hơn…
- Vâng, từ lâu lắm rồi vẫn làm như thế và vẫn chỉ đạt được một kết quả như thế, tới một thực trạng như hiện nay!
- Đổi mới lấy phiếu tín nhiệm
để cho cái phiếu ấy thực chất hơn chứ thực ra mà nói nhiều phiếu bây giờ
không phản ánh đúng thực trạng…
- Do sức ép, thói quen, do mọi thứ…
- Nó không phản ánh đúng thực
tế là vì nó bị chi phối bởi mối quan hệ tình cảm theo kiểu “một trăm cái
lý không bằng một tý cái tình” rồi những phiếu theo lợi ích nhóm, thành
thử ra nó không trung thực. Từ “cánh hẩu” không phải từ để chỉ những
người bình dân chén chú, chén anh mà còn lên cả cấp cao bàn quốc sự. Cho
nên, việc đổi mới để hướng tới cái phiếu chân thật và mở rộng đối
tượng. Mở rộng đối tượng thì Nghị quyết Trung ương đã nói rõ rồi, không
phải chỉ có BCH TW phê bình BCT, mà bây giờ mở rộng đối tượng ra nhiều
người, tới các đồng chí nguyên là lãnh đạo…
- Cũng được phê bình!
- Theo tôi, kế hoạch để các
đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương phê bình Trung ương thì số lượng
đông lắm. Vừa rồi, chúng tôi, các cựu ủy viên TW, cũng đã được Trung
ương triệu tập, riêng từ miền Trung ra đã hơn 200 đồng chí ủy viên TW
các khóa rồi, họp ở hội trường BCH TW. Rất đông, không biết rồi nên làm
thế nào. Lần này, việc giám sát quyền lực có nhiều các nhiệm vụ, mục
tiêu, phương châm giải pháp mà TW nêu lên cũng đã nói rõ rồi, nhấn mạnh
nhiệm vụ thứ nhất là xuyên suốt, tức là nhiệm vụ chống suy thoái về tư
tưởng, chính trị, lối sống, đạo đức là trọng tâm và xuyên suốt. Nhưng
đồng thời cũng nói rằng, đây là việc khó chứ không phải dễ. Bởi vì nó
khó ở chỗ thế này. Vì cái nhìn, đánh giá bên ngoài thì dễ, nhưng đánh
giá mình là không dễ đâu. Rồi một việc tưởng đơn giản là vấn đề chất vấn
Trung ương, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc quy chế chất vấn. Đọc
Nghị quyết tới đây, tôi hơi giật mình vì tôi là đảng viên tương đối
nhiều năm, lại từng ở trong BCH TW, nhưng tôi thú thật với Hồng Thanh
Quang là, tôi cũng chưa biết quy chế chất vấn nó như thế nào.
- ?!
- Thế nên, tôi mới đi tìm hiểu trong các văn kiện của Đảng thì mới thấy, hóa ra chúng ta...
- Đã có quy định về việc ấy?
- Có hai quy chế. Một là quy
chế năm 2002 về chất vấn trong BCH TW. Và quy chế tháng 5/2008 cụ thể
hơn. Nhưng tôi cũng có thể tự bào chữa cho mình, bởi vì khi quy chế năm
2002 ra đời thì tôi không còn trong BCH TW nữa. Và khi quy chế tháng
5/2008 xuất hiện…
- Thì ông lại càng ở xa hơn?
- Thì tôi đã nghỉ hưu rồi.
Nhưng bây giờ đọc lại thì mới thấy rằng, quy chế thực ra khá cụ thể,
nhưng vấn đề là chúng ta đã thực hiện không nghiêm túc. Vì sao thực hiện
không nghiêm túc? Tôi có hỏi các bạn đồng liêu nhưng họ còn trẻ, họ ở
lại BCH TW khóa IX, khóa X, tôi bảo, thế các cậu thực hiện quy chế ấy
như thế nào? Có một đồng chí ủy viên TW trả lời, có những phiên họp BCH
TW một ngày để chất vấn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhưng ít người chất
vấn quá cho nên phải thu hẹp, tức là không làm hết một ngày. Hai anh em
mới tâm sự với nhau như thế - tôi lúc đấy thì nghỉ rồi nhưng các đồng
chí TW khóa sau, khóa IX và khóa X, cũng là chỗ thân thiết với tôi. Tôi
mới hỏi, tại sao lại như thế, thì cậu ấy có nói hai lý do rất quan
trọng. Một là, bây giờ các anh cứ nói rằng dũng cảm thì đúng là phải
dũng cảm, vì chất vấn không phải chuyện dễ đâu. Nhưng còn vấn đề thứ hai
là, thiếu hiểu biết cho nên không tự tin để nêu ra câu chất vấn, bởi
thiếu hiểu biết cho nên không thể có được câu chất vất đích đáng…
- Không có câu hỏi hay, không thể có chuyện chất vấn hay được!
- Cho nên người ta cho anh chất
vấn nhưng anh thiếu hiểu biết. Chúng tôi mới bàn với nhau, vậy thì sự
hiểu biết ấy ở đâu ra? Vấn đề quan trọng là, chúng ta chất vấn lãnh đạo
là mang câu hỏi của đảng viên và nhân dân chất vấn, chứ không phải mang
bức xúc cá nhân ra chất vấn. Vì lợi ích của Đảng thì phải mang câu hỏi
của đảng viên và của nhân dân yêu cầu được giải đáp. Trong trường hợp
đó, vấn đề quan trọng nhất là: kiến thức để có những câu chất vấn đích
đáng chính là kiến thức thực tiễn và sự hiểu biết tâm tư, nguyện vọng
của nhân dân. Có hai kiến thức quan trọng ấy mới đủ để cho có được câu
chất vấn đích đáng. Và chúng tôi cũng đã đi đến thống nhất với nhau là,
cuối cùng chất vấn là phải truy vấn, truy vấn để anh trả lời tôi…
- Về nghĩa vụ của lãnh đạo, của Chính phủ đối với nhân dân…
- Nói chung trong khi buộc phải
trả lời thì tâm lý thông thường là họ không bao giờ nói hết sự thật. Đó
là cái thứ nhất. Cái thứ hai là, họ nói theo kiểu bảo vệ đến mức tối đa
quan điểm, chủ trương của họ.
- Bảo vệ tối đa những gì hiện hữu, những gì mà họ cho là có lý, là đúng.
- Cho nên truy vấn là hỏi thêm,
hỏi nữa, để buộc anh phải nói ra đúng sự thật, buộc anh phải chỉ ra
trách nhiệm. Do đó cho nên thực hiện nghiêm túc chất vấn thì không những
đòi hỏi sự dũng cảm mà còn phải đòi hỏi sự am hiểu thực tiễn để biết
chính sách nào là đúng, chính sách nào là chưa hợp lý, hiểu dư luận quần
chúng đánh giá sự lãnh đạo của cấp trên như thế nào. Và đấy lại là một
vấn đề rất lớn, không đơn giản.
- Tôi cũng biết quan điểm
của ông là muốn chất vấn phải thực sự dũng cảm. Nhưng mà hiện nay có
một tình trạng thế này: Ngay ở trong chất vấn trên diễn dàn Quốc hội thì
một số người ít hay nhiều gì đó vẫn chỉ muốn để thể hiện bản thân mình
và không chịu có những thông tin thấu đáo để câu chất vấn của mình trở
nên thích hợp với đời sống hơn. Làm việc gì cũng thế thôi, ngay cả khi
mình đi yêu người khác, mình giúp người khác thì việc đầu tiên mà mình
phải quan tâm hơn cả là nhu cầu của đối tượng để mình làm và làm không
phải chỉ vì mình. Nhưng hiện nay có hiện tượng ấy, và hiện tượng này nếu
mà nó phổ biến ra thì rất nguy hiểm cho xã hội của mình, tức là người
ta làm việc nghĩa không phải vì việc nghĩa. Nói là yêu thơ không phải vì
thơ mà yêu cái vị trí của người ta trong thơ, người ta muốn làm một
chương trình từ thiện không phải vì người ta thực sự thương xót những
người cần lao đang muốn được giúp đỡ mà người ta muốn chứng minh rằng
người ta rất chi là tử tế… Những cái đó ở mức độ nào đó nó không phải là
xấu, nhưng nếu quá mức bình thường thì nó sẽ biến thành hiệu ứng
ngược. Đây là một mối lo của xã hội loài người nói chung chứ không phải
chỉ ở nước mình đâu, ở nhiều nước khác cũng bị một mối lo như thế. ông
nhận định thế nào về chuyện này?
- Cái đó chính là vấn đề quan
trọng là tất cả những hành vi, những giải pháp này đầu tiên phải xuất
phát từ cái tâm vì nước - vì dân - vì Đảng của từng người, tức là anh
phê bình, tự phê bình cũng phải trên tinh thần vì Đảng - vì nước - vì
dân, anh tham gia chất vấn cũng phải vì Đảng - vì nước - vì dân, chứ
không phải anh mang bức xúc cá nhân ra vì những câu chất vấn như thế
không có giá trị. Ngay cả việc anh bỏ phiếu tín nhiệm ai có khuyết điểm
nặng, không được đảng viên và quần chúng tín nhiệm bị kỷ luật, thôi chức
thì cũng phải vì Đảng - vì nước - vì dân. Vì dân, vì nước, vì Đảng là
cái gốc và đó cũng là cái cốt lõi nhất của đạo đức Hồ Chí Minh…
- Chứ không phải vì sự tự ái của anh đối với một số vấn đề!
- Bây giờ tôi xin nói với Hồng
Thanh Quang, nếu như chúng ta không cẩn thận thì chúng ta sẽ biến tất cả
những việc ấy thành ra một cái hướng không đúng. Tôi nói ví dụ như lấy
phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm thì bây giờ hằng năm đều lấy phiếu
tín nhiệm, nếu chúng ta không trung thực, mọi người không trung thực thì
người lãnh đạo không dám làm theo cái họ nghĩ là đúng, bởi vì không
dám sát phạt, bởi vì đã làm thì phải sát phạt.
- Đúng rồi.
- Làm là phải động chạm…
- Làm bất cứ việc gì quan trọng đều phải đi tới tận cùng, phải sát phạt theo nghĩa nào đấy!
- Tôi xin nói thật với Hồng
Thanh Quang rằng, được 100% phiếu là sự đánh giá không chính xác. Vì xã
hội có người tốt người xấu, trong một tổ chức cũng có người tốt, người
không tốt, thậm chí kẻ xấu. Anh sống và làm việc thế nào mà kẻ xấu cũng
bỏ phiếu cho anh thì cho phép tôi cũng nghi ngờ sự thẳng thắn, trung
thực của anh!
- Tôi từ trước tới nay
vẫn có một ý nghĩ thế này, những người tử tế thì bản lý lịch của họ
không bao giờ là hoàn hảo cả, những người thực sự tử tế thì phải trung
thực, phải va đập để làm được những việc tử tế… Còn đại đa số những
người có lý lịch hoàn hảo không hẳn đã là tử tế đâu. Bởi vì khi người ta
lo cho bản lý lịch hoàn hảo thì người ta không bao giờ làm hết lòng
với sự nghiệp đâu!
- Nó có một vấn đề như thế. Tức
là trong xã hội chúng ta đang nói với nhau ở đây, nó có nhiều động lực,
mà đặc biệt là trong cơ chế thị trường, các nhóm lợi ích móc ngoặc với
nhau quyết liệt lắm. Những kẻ nắm quyền tha hóa câu kết với người nhiều
tiền vô lương tâm là một thế lực lớn, không thể xem thường.
- Nó rất là ngẫu nhiên nhưng nó không tự nhiên nếu mà bị vụ lợi trong đấy, đúng không ạ?
- Cho nên nó là một vấn đề lớn
mà chúng ta phải làm với một trách nhiệm cá nhân rất là sâu sắc thì sẽ
thành công. Cho nên đồng chí Tổng Bí thư có nói rằng, phải kiên định,
tức là dứt khoát phải làm, vì nếu không làm thì rất là nguy hiểm. Nhưng
mà phải kiên trì, làm đi làm lại, làm cho đến thành công chứ không phải
đánh trống bỏ dùi.
- Chứ không được nản chí, không được thất vọng bởi những cái ban đầu có thể là trục trặc.
- Khi chuẩn bị kế hoạch, có một
số đồng chí trong BCT, cũng là chỗ bạn bè với nhau cả hỏi tôi, nên bắt
đầu từ đâu? Tôi nói, Nghị quyết TW đã nói rồi, bắt đầu từ việc kiểm điểm
phê bình tự phê bình của BCH TW, BCT, đầu xuôi đuôi lọt, nếu trên mà
làm tốt thì mọi việc đều tốt, thế nhưng, nếu các đồng chí làm không đạt
yêu cầu thì thực sự toàn bộ sự phê bình, tự phê bình lại cũng sẽ không
đạt yêu cầu. Tôi có đề đạt với các đồng chí rằng, ai thì cũng sốt ruột,
nhưng riêng tôi, tôi xin thưa với các đồng chí, tôi không muốn các đồng
chí làm vội vàng mà các đồng chí nên làm kỹ càng để thành công.
- Điềm tĩnh và kỹ càng!
- Làm kỹ càng để thành công.
Nếu các đồng chí thành công thì mọi việc sẽ thành công, các đồng chí yên
tâm để chỉ đạo. Bởi vì, bây giờ ta cứ nhìn một hội nghị vừa rồi ở Mỹ
Đình, tôi xin nói rằng, từ khi tham gia sinh hoạt Đảng tới giờ, tôi chưa
bao giờ thấy một hội nghị lớn như thế, như hội nghị 1.000 người ở Mỹ
Đình vừa rồi. Có thể nói rằng, toàn bộ những cốt cán nhất của hệ thống
chính trị chúng ta đều nằm trong 1.000 người ấy. Nếu 1.000 đồng chí mà
thông suốt thì mọi việc sẽ dễ chuyển. ở đó là tất cả các đồng chí Bí thư
Tỉnh ủy, rồi mỗi một tỉnh đều có một số trưởng ban quan trọng nhất về
xây dựng đảng, rồi các đồng chí bí thư các cấp… đều có mặt. Tức là 1.000
người ấy là quan trọng lắm. Nếu đồng tâm thì sức mạnh rất to lớn. Năm
1941, Bác Hồ có viết một bài thơ đăng trên báo Việt Nam độc lập: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”. Toàn Đảng đồng lòng, toàn dân đồng lòng thì lực lượng xấu sẽ bị đẩy lùi.
- Ông và tôi, hai đảng
viên ở hai thế hệ khác nhau nhưng đều chung tâm huyết như nhau, chúng ta
sẽ đồng tình với nhau rằng, thực sự Nghị quyết vừa rồi rất kịp thời,
bởi vì chúng ta vẫn chưa tận sa xuống thời điểm mà như Khổng Tử đã nói.
Chúng ta vẫn còn người dám nhìn ra sai lầm của mình và đủ dũng khí để
phê phán những cái sai của mình. Chúng ta còn lực để “mã hồi”. Nếu
chúng ta không nắm lấy cơ hội này thì nói chung, tình hình sẽ nảy sinh
nhiều điều chúng ta sẽ không lường trước được. ông có nghĩ như thế
không?
- Gần đây tôi có đọc được một
câu của Einstein mà tôi rất tâm đắc, đại ý là, thảm họa của xã hội không
phải nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng.
- Ở sự thụ động, bàng quan của số đông những người không xấu.
- Chính thế, số đông những người không xấu mà lại im lặng. Chứ kẻ xấu thì bao giờ cũng ít.
- Đúng, chúng ta phải lấy điều đó làm tiền đề (cười)!
- (Cũng cười): Kẻ xấu
tuy “không nhỏ”, không thể xem thường nhưng số đông vẫn là người tốt.
Nhưng số đông tốt mà im lặng vì “nể nang, né tránh” (như Nghị quyết
Trung ương nêu), thấy đúng không dám ủng hộ, thấy sai không dám đấu
tranh, thì sẽ là thảm họa. Đấu tranh là phải chân tình nhưng phải thẳng
thắn. Thẳng thắn và chân tình vì nước, vì dân, vì Đảng - tôi nghĩ - là
thái độ của mọi người chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 kiên
quyết và kiên trì.
- Ông lại làm tôi nhớ lại
một câu trong “Luận ngữ”, Khổng Tử có nói rằng, đã phục vụ vua, khi
vua tốt thì mình phải tận tâm phục vụ, nhưng khi vua xấu mà mình không
nói gì thì mình cũng không phải là bầy tôi trung đâu. Khi cơ chế tốt thì
chúng ta tận tâm phục vụ, nhưng khi thấy có những khiếm khuyết thì mỗi
người chúng ta phải trung thực và công khai nói ra, nhưng nói ra trên
quan điểm xây dựng… Xin cảm ơn ông! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét