|
Nhà văn Lê Lựu |
|
|
Có lẽ năm nay nhà văn Lê Lựu sẽ đón một
cái tết buồn nhất trong cuộc đời của mình. Tôi nói điều đó với ông trong
buổi chiều cuối năm khi mang bản thảo đến cùng ông ngồi đọc lại lần
cuối trước khi in. Lê Lựu đọc một mạch, không sửa dòng nào, nhưng ông
lại khóc, nước mắt chảy ràn rụa...
Tôi không hề
có ý định viết một bài viết buồn hơn những gì tôi đã viết về nhà văn Lê
Lựu. Năm hết Tết đến, trở lại với những nhân vật ấn tượng của mình trong
năm, tôi ghé thăm Lê Lựu, ý định nghe Lê Lựu kể một vài chuyện hài hước
bông lơn vui vẻ như cái chuyện "ngửi tất" năm nào của ông để hầu bạn
đọc nhân dịp Tết. Và cũng để hỏi thăm nhà văn nổi tiếng của chúng ta vừa
sinh hạ đứa con tinh thần mới: tiểu thuyết "Thời loạn" một cách lặng lẽ
và ít chú ý hơn những lần có tác phẩm mới trước đây. Nhưng đến gặp nhà
văn Lê Lựu rồi, những câu chữ thốt viết ra, không tránh được một nỗi
buồn trĩu bút.
Nhà văn Lê Lựu vừa bị tai biến
mạch máu não lần ba. Thật buồn và tai hại biết bao khi lần tai biến này
lại xảy ra vào dịp cuối năm, khi cái tết đang đến gần. Lần tai biến này,
nhà văn Lê Lựu xem ra yếu hẳn, đi lại đã khó khăn lại càng khó khăn hơn
và hầu như phải có người dìu từng bước. Tôi cũng không hình dung nổi,
sức khỏe của Lê Lựu sau mỗi một lần gặp là mỗi lần xuống dốc trông thấy.
Kể từ khi nhà văn Lê Lựu rẽ
bước sang ngang, tạm gác nghề văn chương để đi làm Giám đốc Trung tâm
Văn hóa Doanh nhân thì gần như đều đặn năm nào tôi cũng ghé thăm ông, để
ghi lại những khoảnh khắc Lê Lựu trong bức chân dung Giám đốc văn hóa
doanh nhân. Có lẽ chỉ duy nhất trong một năm đầu tiên sau khi thành lập
Trung tâm và giữ cương vị mới, tôi thấy Lê Lựu phấn khích, hào sảng, hỉ
hả, và say sưa kể về công việc mới, dự án, dự định và bao nhiêu viễn
cảnh huy hoàng của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Khoảnh khắc đó qua đi
thật nhanh, mỗi một năm trôi qua tôi nhìn thấy tóc Lê Lựu thưa nhanh
hơn, bạc nhanh hơn, nụ cười vụt tắt nhanh hơn, vẹo vọ đi trong một nỗi
buồn chợt đến. Sức khỏe của ông ngày một xuống dốc, ọp ẹp, mệt mỏi, kiệt
sức hơn với cái gánh nặng mà ông mang vác trên vai. (Thực lòng xin lỗi
nhà văn Lê Lựu nếu ông cảm thấy buồn khi đọc những dòng này, bởi đó là
cảm giác có thực đeo đẳng trong tôi mỗi khi đến thăm ông).
Trong ba năm gần đây, nhà văn
Lê Lựu liên tục bị tai biến mạch máu não. Lần nặng, lần nhẹ, lần vào
viện muộn, lần cấp cứu kịp thời, nhưng xét cho cùng, lần nào cũng để lại
di chứng nặng nề cho sức khỏe.
Tôi nhớ, lần tai biến đầu tiên,
tôi vào thăm ông ở Viện 108, ông vẫn đeo máy xông, vẫn hai tay hai điện
thoại, liên tục chỉ đạo công việc từ xa. Cảm giác lúc đó, nhà văn Lê
Lựu coi thường bệnh tật, hoặc giả không hình dung nổi những di chứng
nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng mỗi khi bị tai biến mạch máu não.
Năm đó, sau khi ra viện, tôi
thấy nhà văn Lê Lựu chăm chỉ luyện tập thể dục, chăm chỉ dưỡng sinh theo
chỉ dẫn của bác sỹ, và mời bác sỹ vật lý trị liệu về tận nơi ở của mình
tại Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở ngõ 319 Tam Trinh để xoa bóp, bấm
huyệt. Điều đó chứng tỏ lo bệnh tật, khát khao khỏe mạnh, ham sống trong
nhà văn Lê Lựu còn mãnh liệt lắm, nhưng cái tính tham công tiếc việc đã
làm hại ông.
Ngay sau khi tai biến lần đầu,
chiều nào nhà văn Lê Lựu cũng đi tập thể dục bằng cách dạo bộ hàng giờ
đồng hồ. Cũng vì dạo bộ mà trong một lần đang đi thể dục quanh khu vực
Đền Lừ, nhà văn Lê Lựu đã gặp một cơn dông, ông bị tai biến lần hai và
đưa vào cấp cứu ở Viện 108. Từ đó, sức khỏe ông xem chừng yếu hẳn.
Sau này ra viện, mỗi lần đi tập
thể dục, nhà văn của chúng ta có một người giúp việc mang ô đi cùng để
mỗi khi trời trở gió nắng mưa còn có cái để che kịp thời. Tôi đã có bài
viết kể về Lê Lựu đi thể dục với chiếc ô trong tay nom thật ngộ nghĩnh
và buồn cười. Thế nhưng sau lần tai biến mạch máu não mới đây nhất, cuối
năm 2009, sức khỏe của nhà văn xem xa thảm cảnh. Khi tôi đến, cũng đúng
lúc Lê Lựu vừa đi thể dục về. Khó khăn lắm để lê cái chân trái bước
bình thường như chân phải, và việc đi lại phải dựa vào một người sức vóc
để dìu từng bước.
Tôi nhớ lại các giai đoạn của
nhà văn Lê Lựu mà tôi chứng kiến, từ đi bộ thoăn thoắt một mình, gặp lần
sau đi bộ đã phải có người mang ô đi bên cạnh để dìu đỡ kịp thời khi
mệt, và lần này thì hoàn toàn khó có thể tự đi lại một mình nếu không có
người nâng bước. Các giai đoạn thay đổi quá nhanh, một cảm giác xót xa
dâng tràn. Khi chúng ta già yếu, sức khỏe sẽ bỏ chúng ta mà đi rất
nhanh, đến mức chúng ta không thể hình dung được.
Nhưng nỗi đau, sự bất lực mà
nhà văn Lê Lựu đang gánh chịu không phải là bệnh tật, không phải là sự
nỗ lực bất thành của Trung tâm khi không phát triển lớn mạnh hơn những
gì mà bản thân ông gây dựng và kỳ vọng. Nỗi đau, sự bất lực của nhà văn
Lê Lựu lúc này chính là những bất hạnh trong cuộc sống riêng tư.
Nhà văn Lê Lựu không hề có ý
định giấu giếm, che đậy nỗi bất hạnh của mình. Ông đã khóc khi kể cho
tôi nghe những gì vừa diễn ra trong những ngày cuối năm này, khi mà bệnh
tật thêm một lần nữa muốn quật ngã ông. Lần tai biến mạch máu não mới
đây, ông nằm điều trị ở Viện 108 hơn 1 tháng. Cũng như hầu hết các lần
vào viện trước, con cái chỉ đến thăm nom được đôi ba lần. Vẫn biết cha
mẹ ốm là trách nhiệm của con cái chăm sóc phụng dưỡng, nhưng cuộc sống
hiện đại, công việc nhiều áp lực, nhiều bận rộn, các con của Lê Lựu đã
không thể túc trực bên bố thường xuyên được. Mọi việc từ cháo lão, giặt
giũ, chăm sóc, đổ bô đều nhờ cả vào các nhân viên ở Trung tâm. Điều đó
đã là một nỗi buồn, sự mặc cảm của ông, một nỗi ái ngại, cám cảnh xa xót
của những bệnh nhân cũng phòng khi biết được hoàn cảnh trớ trêu của nhà
văn.
Lần ốm thứ ba này, không hiểu vì sao, vợ và các con ông đã xin phép ông được bán cái nhà ở số 8 Lý Nam Đế, ngôi nhà 50m2
mà nhà văn Lê Lựu được cơ quan phân cho và cả gia đình ông đã ở từ năm
1989 đến nay. Nói là cả gia đình ở nhưng thực ra nhà văn Lê Lựu đã ra
ngoài sống một mình hơn chục năm nay, ngôi nhà chủ yếu là để lại cho vợ
và các con ở.
Nhà văn Lê Lựu tâm sự rằng ông
không bao giờ muốn bán ngôi nhà ấy cho dù bản thân ông không ở đó nhưng
ông tâm niệm dẫu sao đó cũng là một chốn đi về của ông trong những ngày
lễ tết. Đặc biệt là dịp 30 Tết, bao giờ ông cũng trở về ngôi nhà của
mình, đón giao thừa cùng vợ con và thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên.
Bán ngôi nhà đi có nghĩa là bán đi nơi chốn cuối cùng ông có thể trở về,
là mất đi hình hài của một gia đình mà ông từng có. Gia đình đấy dẫu
trọn vẹn hay không trọn vẹn, dẫu buồn lụy nhiều hơn hạnh phúc thì dẫu
sao khi mất đi, ông cũng cảm thấy không trắng tay, nhưng lại chống chếnh
hơn bao giờ hết. Lê Lựu muốn để lại ngôi nhà này cho các con, đặc biệt
là cho con trai sau này còn lập gia đình. Thế nhưng vì nhiều lý do, chủ
yếu là lý do không hợp mệnh, hợp tuổi, hợp sức khỏe, vợ và các con ông
đã mong muốn được bán căn nhà. Việc mong được bán căn nhà diễn ra đúng
vào lúc nhà văn Lê Lựu đang bị tai biến mạch máu não và đang phải điều
trị ở Viện 108.
Dẫu biết có muốn giữ lại căn
nhà cũng khó khi vợ và các con không muốn giữ nữa, nhà văn Lê Lựu đã kể
rằng, ông đã làm một phép thử tình cảm với các con của ông với hy vọng
các con ông vì tình thương yêu bố thì sẽ chọn bố mà không phải chọn bất
kỳ thứ gì khác, và vì tình máu mủ mà giữ căn nhà lại nhưng than ôi, nhà
văn Lê Lựu đã một lần nữa thất bại thảm hại khi các con ông đã đồng ý ký
vào giấy cam kết không liên can đến bố nữa để bố đồng ý cho bán căn
nhà.
Kể đến đây, nhà văn Lê Lựu lại
khóc, ông lật đật nhờ hai người dìu ông vào tủ, mở khóa tủ lấy ra tờ
giấy viết tay nguệch ngoạc ở viện cho tôi xem tận mắt. Rồi như một đứa
trẻ ông đợi tôi đọc tờ giấy mà mặc cho nước mắt chảy tràn gò má. Trong
tờ giấy là dòng chữ của nhà văn Lê Lựu: " Ngày 28/11/2009. Tôi đồng ý
bán nhà...” (vì điều kiện tế nhị chúng tôi không thể đăng hết nội dung
trong tờ giấy này).
Trong nước mắt, trong nỗi đau
khổ, nhà văn Lê Lựu nói: "Tôi chỉ định thử xem các con tôi có vì bố mà
giữ lại căn nhà không vì căn nhà tôi đã dành cho hai đứa rồi, nhưng
không ngờ chúng nó đồng ý và ký ngay vào tờ giấy từ bố đẻ. Lúc đầu tôi
cũng định cho chúng nó cả, không lấy đồng nào nhưng chính anh trai và
chị gái của vợ tôi không đồng ý, bạn bè tôi cũng không đồng ý mà khuyên
tôi giữ lấy số tiền 2 tỷ để thuốc thang chữa bệnh những lúc ốm đau. Ngay
sau đó, vợ và các con tôi lập tức đưa công chứng đến tận bệnh viện,
việc mua bán diễn ra ngay trong bệnh viện.
Cũng hôm các con ký vào giấy từ
bố do tôi viết, không hiểu sao vợ tôi cũng viết luôn đơn ly dị và yêu
cầu tôi ký đơn. Tôi nghĩ khi tình phụ tử đã không còn thì nghĩa phu thê
cũng còn gì phải giữ. Sở dĩ lâu nay tôi không ly dị là vì các con, và
tôi cũng không có ý định lập gia đình hay đi bước nữa dù vợ chồng tôi
không thể ở được với nhau".
Tôi không hình dung được căn
nguyên của mọi chuyện, không hiểu được vì lý do gì, có phải vì nhà văn
Lê Lựu đã làm điều gì đó sái lòng đến mức khiến cho vợ và các con cảm
thấy cần phải cắt đứt mọi ràng buộc với nhau để có lấy sự tự do thanh
thản hay không? Có một điều chắc chắn rằng, mọi sự tan vỡ đều không phải
lỗi từ một phía. Ly hôn ở tuổi ngoài 70, trong một sức khỏe suy sụp, sự
sống chỉ còn lay lắt, chắc hẳn vợ ông phải có những lý do riêng để
không thể mang danh chồng vợ, ở với nhau dù trên danh nghĩa một giây
phút nào.
Chỉ có điều tôi e rằng, nhà văn
Lê Lựu đang mất đi những gì rất thiêng liêng. Đau đớn hơn hết thảy là
ông nhận ra rằng ông trơ trọi lại một mình trên cõi đời này, các con đẻ
của ông đã sẵn sàng từ bỏ ông ngay cả giây phút ông cần chúng nhất. Nỗi
đau này hẳn sẽ theo ông ngay cả khi ông trở về với một thế giới khác.
Tôi cứ nghĩ nếu nhà văn Lê Lựu không có đứa con riêng với người vợ đầu,
giờ đây ông sẽ đau đớn đến nhường nào. Cũng may chị Lương đã làm cho ông
ấm lòng hơn trong tận cùng nỗi đau. Chị đã thương bố, chăm sóc bố bằng
tất cả tình cảm máu mủ ruột rà của người con hiếu thảo.
Có lẽ năm nay nhà văn Lê Lựu sẽ
đón một cái tết buồn nhất trong cuộc đời của mình. Tôi nói điều đó với
ông trong buổi chiều cuối năm khi mang bản thảo đến cùng ông ngồi đọc
lại lần cuối trước khi in. Lê Lựu đọc một mạch, không sửa dòng nào,
nhưng ông lại khóc, nước mắt chảy ràn rụa...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét