Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

XUÂN HINH

Danh hài Xuân Hinh: Kiếp hề đắng gọi
12:15, 20/01/2012


Những ngày giáp Tết, co ro trong cái lạnh, Xuân Hinh ngồi quán cafe mắt mơ màng nhìn trời mưa lây phây, giăng mắc. Thi thoảng, mấy cô hàng hoa thồ cành đào trổ bông sớm, màu hồng tươi chúm chím, rạng rỡ gọi xuân về. Phố phường nhộn nhịp. Anh thấy lòng nao nao. Xuân năm nay không giống xuân mọi năm...
Quanh quanh chỉ một cái kiếp hềCười cười cợt cợt tỉnh mê mêHề khóc cho đời, đời đâu biết
Gọi cho đời tỉnh, đời vẫn mê.
Dịp này, năm ngoái, vợ chồng và hai đứa con “bồng bế” nhau lên đón gió ở đê sông Hồng vùng Nhật Tân, Quảng Bá để ngắm đào, xem quất. Không khí của những ngày trước Tết mới tuyệt vời làm sao, cả gia đình quây quần, ríu rít như tổ chim sâu vui vẻ đón xuân. Í ới gọi cha. Í ới gọi con. Nhưng, anh bảo, đón Tết năm nay nhà anh thiếu một người. Cô con gái đầu lòng đang học lớp 11 chẳng biết tự lúc nào đã tự tìm cho mình học bổng ở Mỹ. Cách đây mấy ngày, cô bé lên đường nhập học ở tận nước Mỹ xa xôi tít mù khơi đấy. Cả trường cấp III ấy có mỗi mình cô bé là người Việt. Nhận được tin con có học bổng đi du học mà anh cảm thấy bất ngờ. Vui cho con nhưng những ngày này cũng thấy chống chếnh, buồn buồn. 
Vậy là nhà chỉ còn lại ba người. Vợ anh là người Hà Nội gốc, dịu dàng, đảm đang và ít nói. Chỉ quanh quẩn buôn bán ở nhà và chợ búa, cơm nước, vun vén cho gia đình. Xuân Hinh dù đi đâu, làm gì vẫn luôn tự hào về gia đình bé mọn của mình. Cả hai con anh đều rất tự giác và hiếu học. Ngay từ khi chúng còn rất nhỏ đã tự giác ngồi vào bàn học, không bao giờ để bố mẹ phải nhắc nửa câu. Cô con gái đầu lòng đã bay đi xa rồi, còn con trai út năm nay đang học lớp 7, anh bảo cu cậu còn học tốt hơn cả chị. Biết đâu, chỉ vài năm nữa thôi, thằng bé lại cũng giống như chị tự tìm được học bổng rồi đến một phương trời nào đó. Ở nhà lúc đó chỉ còn lại hai “ông bà trẻ” ngơ ngác nhìn nhau. Tuổi già xập xệ kéo đến. Người nghệ sĩ nào mà lại chẳng sợ thời gian. Danh hài đất Bắc cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng rồi, mỗi thời, mỗi lúc lại có cái vui riêng. Ôi chao! Ở đời mấy ai biết được chữ ngờ. Nhưng, ít ra, về gia đình mình thì Xuân Hinh hoàn toàn yên tâm tuyệt đối, có quyền tự tin và xen lẫn tự hào.
Thế thì điều gì làm cho người nghệ sĩ như anh buồn khổ, tủi sầu?
Anh bảo, bấy lâu nay anh vẫn nói, anh sợ nhất cái buồn. Cái buồn dẫn con người ta đến bi quan, đến trầm cảm, thậm chí là bế tắc, và đi gần đến sự già cỗi. Cần phải quăng hết cái buồn, cái chán, cái bực dọc ra khỏi cơ thể để còn khỏe, còn vui. Nhưng nói là nói thế thôi, chứ tính nghệ sĩ đã ăn vào máu, có muốn gột rửa cũng chẳng ăn thua gì. Khi người ta chưa buồn thì mình đã chực trào cảm xúc, lâng lâng. Khi người ta chưa vui thì mình đã hoan hỷ, bay bổng. Nghệ sĩ là thế đó. Nhạy cảm, đỏng đảnh hơn người thường. Đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ cũng vậy mà thôi.
Nhưng Xuân Hinh lại không phải là nghệ sĩ thông thường mà hơn 30 năm làm kiếp hề chèo, làm người đi mua vui cho thiên hạ. Xuân Hinh thích người ta gọi anh là “danh hài”, chứ chẳng cần nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú. Danh xưng ấy thật hão huyền. Nhân dân ư? Nói đến mà nhân dân không hay, không biết. Gói gọn lỏn hai chữ “Danh hài” thôi là đủ lắm rồi. Người diễn hài mà không làm cho khán giả cười được thì mới nhạt nhẽo, vô duyên làm sao. Nhưng cứ như anh, đi đến đâu mà cả làng, cả tổng, cả họ hàng gia tộc kéo đến vui vẻ là anh thích. Anh bảo nhiều người muốn được chạm tay vào người anh. Nghe đến tên Xuân Hinh về làng là mấy bác nông dân vẫn còn nguyên vẻ cấy cầy, đồng áng chạy nháo nhào ra mời anh bằng được chén rượu quê, điếu thuốc lào. Hỷ hả vui cười.
Xuân Hinh sinh ra từ làng quê Bắc Ninh, vùng đất quan họ nổi tiếng với liền anh, liền chị, với váy yếm mớ ba, mớ bảy. Gia đình anh chỉ duy nhất có ông bác họ làm nghệ thuật thôi, ấy vậy nhưng lớn lên được hưởng gió đồng cỏ, mùi của cây lúa nước, của dòng sông hiền hòa thơ mộng đã đeo bám gieo mầm trong anh. Chính vì vậy, giọng ca của Xuân Hinh ngọt ngào, riêng biệt và rất gần gũi. Chèo sinh ra ở vùng quê, quan họ cũng ở vùng quê. Nên hòa mình vào người dân quê, Xuân Hinh như đứng trong ngôi nhà của mình, một thế giới với nhưng âm điệu và mùi vị đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ không trộn lẫn, pha tạp vào đâu. Xuân Hinh được chọn mặt gửi vàng, được tổ đãi cho làm nghề. Mà sau chặng đường dài mấy chục năm nghệ thuật chèo đương đại thời nay không tìm ra một ai có thể thay thế Xuân Hinh.
Vậy, nhưng “trời xanh quen thói, má hồng đánh ghen”, Xuân Hinh có một nỗi oan, oan to lắm. Nhiều người lầm, chỉ tưởng Xuân Hinh là kẻ “nhí nhố” chọc cười qua quýt từ xeri đĩa hài cuối năm. Không, anh yêu tha thiết vốn quý của nghệ thuật dân tộc, nào hát xẩm, hát văn, hát quan họ, hát chèo anh đều thuộc hết các làn điệu. Anh nói, những tích cổ, những làn điệu trong kho tàng quý báu của ông cha ta như những viên ngọc sáng và làm sao để bảo tồn nghệ thuật dân tộc là việc của hậu duệ như anh phải làm. Năm 2011, Xuân Hinh đã làm được một việc hết sức ý nghĩa mà anh cực kì tâm đắc.
Một DVD Xuân Hinh 2011 với 4 tiểu phẩm Vỡ nước, Thị Mầu lên chùa, Hề gậy theo thầy, Thầy bói đi chợ, đó là những trích đoạn hề chèo để đời mà anh gửi đến UNESCO. Khi UNESCO sang Việt Nam, người ta đã mang những tiểu phẩm này chiếu và có phụ đề bằng tiếng Anh chạy trên màn hình. Và đĩa DVD này làm quà tặng cho các đại biểu trong và ngoài nước muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa người Việt qua các tích chèo cổ.
Gia đình Xuân Hinh.
Đầu năm nay, tháng 1/2012, DVD với ba tích chèo đã từng làm nên tên tuổi Xuân Hinh là Hề cu sứt, Phù thủy sợ ma, Xã trưởng mẹ đốp cũng được ra mắt khán giả. Những tháng cuối năm gác lại tất cả những chuyến đi, anh từ chối lưu diễn sang các nước Đông Âu để ở nhà làm đĩa hài Tết Xuân Hinh kén chồng. Anh bảo nhà sản xuất cứ bịa ra cái tít đấy. Và, chắc hẳn, cũng tại thiên hạ yêu Hinh nên nghe thấy tên anh vì thế đĩa hài cũng bán chạy hơn chăng?
Nhiều người đồn đoán anh giàu, có thu nhập cao ngất ngưởng khi tham gia những giá hầu đồng. Giá đồng nào mời được Xuân Hinh thì sang phải biết, có khi lên đến cả trăm triệu cho một lần cát-xê. Anh thề sống, thề chết là không tham gia những giá hầu đó. Anh chỉ đi hát văn, ca ngợi công lao của những anh hùng dân tộc, những vị thánh mẫu, người có công với đất nước. Anh say hát văn vì cảm thấy thấm, thấy mê. Khi bén duyên với nghề tổ, tự anh đã biết cái tạng của mình vốn không thể hợp với những vai đạo mạo, đóng quan lại là quan tham, quan hỏng. Đóng vua lại hóa ra gián điệp, lưu manh nên chấp nhận là “kẻ chọc cười dân dã chốn thôn quê”. Ngoài vai hài, vai hề trong các vở chèo tưng bừng trên sân khấu, anh còn chạy show đủ mọi nơi, từ lễ tân gia, đến lễ thôi nôi. Rồi hát trong dịp gặp mặt họ hàng, gia tộc. Hay hát mừng thọ bố mẹ, mừng thọ cụ ông, cụ bà. Có khi lại là mừng thọ cả làng, từ cụ 70 đến cụ ngoài 90. “Mừng thọ thập cẩm” anh cười nói. Ai có lời mời hợp lý là anh nhận lời, tính anh thích tếu táo vui vẻ. Cứ ở đâu vui là thích. Ở đâu thích là đi.
Mê đắm với nghề đâu phải vì công danh, tiền bạc. Xuân Hinh có lần than: “Đời nghệ sỹ như con gà, sáng ra khỏi chuồng bới đất lật cỏ kiếm miếng ăn thế thôi, lấy đâu ra mà giàu có”. Anh quan niệm nghệ sĩ thì cũng là một nghề thôi. Nghệ thuật là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải bán được. Phải làm ra sản phẩm chất lượng để bán. Tính anh sẵn thế rồi, làm cái gì cũng hết lòng, diễn thì hết sức.
Ngồi nhìn mưa xuân lất phất bay, anh bảo, chưa từng công bố năm sinh tháng đẻ của mình trên báo. Ai lại đi hỏi tuổi nghệ sĩ bao giờ. Nhưng anh cũng thành thật thú nhận mình đã ngoài 50, đã sang bên kia ngưỡng gió máy của cuộc đời. Nhưng, chẳng hiểu sao càng có tuổi lại càng như trẻ nhỏ.  Anh vẫn khát khao mỗi dịp Tết đến xuân về. Được đi xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm đêm 30 Tết. Được hái lộc đầu năm khi sang canh năm mới. Được thả bóng bay hồn nhiên mơ mộng. Còn nữa, dịp Tết cả nhà cùng về quê Bắc Ninh, làng quan họ cách thủ đô hơn 30 km để thăm gặp họ hàng, làng xóm, rồi hương khói mồ mả, tổ tiên. Không khí miền quê yên ả đó ít nhiều lưu luyến giữ chân danh hài đất Bắc.
Gió mùa đông bắc, lạnh thấu xương, người nghệ sĩ đa tài, đa cảm ngửa mặt nhìn giời hứng chí bảo: 4 loài hoa, tùng, cúc, trúc, mai anh đều quý. 4 mùa xuân, hạ, thu, đông anh đều yêu. Màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím anh đều thích. Người như anh tham lam lắm, nên hát quan họ, hát chèo, hát văn, hát xẩm anh đều mê mẩn. Cứ lên sân khấu là như nhập đồng. Lại như bất chợt nhận ra điều gì, danh hài khẽ khàng nói: Ao ước mình có sức khỏe dồi dào vì ngoài 45 tuổi thì như cái xe mất xích, lao xuống dốc không phanh. Ôi! người nghệ sĩ sức khỏe quan trọng làm sao. Sức khỏe thều thào yếu dợt làm sao ca hát, nhảy múa gì được. Vì vậy, anh ao ước, thèm khát sức khỏe. Có sức khỏe ăn gì cũng thấy ngon. Làm gì cũng thấy xuôi. Có sức khỏe tốt thì ắt giọng sẽ trong trẻo để rồi còn cất tiếng ca cho đời. Cho đời lời ca tiếng hát là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là lẽ sống của đời anh. Nghệ sĩ mà mất giọng thì khác gì con chim bị nhốt lồng.
Chính thế, cứ xác định ngay từ khi ra đời là đã sống chung với lũ. Có người tốt và người không tốt, những gì rác rưởi phải quẳng nhanh ra khỏi đầu. Strees mà làm chi? Nghĩ ngợi nhiều mà làm gì? Có ba điều cần phải quên: bệnh tật, thù hận và tuổi tác. “Nghĩ nhiều mau già, chóng chết” - anh nói thế. Đời người cũng có số cả. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Vậy, tội gì không vui lên để cười. Tuy nhiên, sau tiếng cười là những giọt nước mắt. Cuộc đời vẫn thường có nhiều nghịch lý.
Cho đến tận giờ, hơn 30 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống, phục vụ đông đảo tầng lớp nhân dân, Xuân Hinh vẫn chưa được phong Nghệ sĩ Nhân dân như nhiều đồng nghiệp tài danh khác. Xuân Hinh cũng không được “vác” cho mình chức phận nào ở Nhà hát chèo Hà Nội, nơi mà anh đã đầu quân từ những năm đầu của thập niên 90. Làng hài đếm trên đầu ngón tay của hai bàn tay hai miền Nam Bắc được mấy người. Xuân Hinh không so cao thấp, vì anh rất biết mình là ai và ở đâu? Anh bảo hãy gọi tôi gói gọn hai chữ: “danh hài” là đủ rồi.
Nhưng, dù không được phong tặng NSND trên giấy trắng mực đen thì Xuân Hinh từ nhiều năm qua đã là nghệ sĩ của nhân dân, của làng quê, của những gì dân dã, mộc mạc. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Trồng cây sẽ trổ hoa. Đơm hoa sẽ kết quả. Người mang tiếng cười đến cho mọi người, thì cuộc đời sẽ mỉm cười với số phận của anh

  Mỹ Trâ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét