|
Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Quốc Khánh |
|
|
Sáng 19/8, tại Đại hội Toán học quốc tế
(ICM) lần thứ 26 tổ chức tại Hyderabad (Ấn Độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu của
Việt Nam đã chính thức được vinh danh và đứng lên bục cao nhất để nhận
giải thưởng Fields, một giải thưởng danh giá như giải Nobel về Toán học.
Khoảnh
khắc trí tuệ Việt Nam được vinh danh ở đỉnh cao khoa học loài người
chắc chắn sẽ là niềm vui không chỉ của riêng Ngô Bảo Châu và gia đình
anh, mà còn là niềm tự hào của hàng chục triệu người Việt Nam hiện đang
sinh sống trên khắp thế giới bởi anh đã thực hiện được hoài bão của bao
thế hệ những người làm toán, yêu toán của Việt Nam đã và đang mơ một
ngày nào đó Toán học Việt Nam sẽ được xếp ngang với Toán học thế giới.
Đã từng thi trượt vào lớp chuyên Toán
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, cái
thời đất nước còn bao cấp và tuổi thơ của anh cũng như tất cả những đứa
trẻ cùng trang lứa, bữa ăn thường xuyên phải độn thêm khoai, sắn. Là
con trai duy nhất của hai nhà khoa học, cha anh là Giáo sư, Tiến sĩ Ngô
Huy Cẩn, còn mẹ anh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, nhưng Bảo
Châu không hề được cưng chiều mà vẫn phải làm các công việc gia đình
giúp cha mẹ, thậm chí còn giúp mẹ làm thêm để tăng thu nhập.
Thời học phổ thông, anh được
cha mẹ cho học ở Trường thực nghiệm Giảng Võ và đây chính là môi trường
giúp anh hình thành cách tư duy phản biện, độc lập, sáng tạo. Tuy chăm
chỉ học tập nhưng Châu không phải là mẫu của những người chỉ biết học và
học, anh dành rất nhiều thời gian để chơi thể thao, đi bộ hoặc học thêm
những môn mà anh yêu thích như chơi đàn violon, đọc truyện, chơi cờ
tướng...
|
GS Ngô Bảo Châu cùng GS.TSKH Trần Văn Nhung,
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đến thăm và dự bữa cơm thân mật tại nhà GS.TSKH
Nguyễn Duy Tiến ngày 5/8. Ảnh: HT |
Luôn đứng đầu lớp về môn Toán,
nhưng đã có lần, khi thi vào lớp chuyên Toán của Trường Trưng Vương, anh
đã trượt vỏ chuối. Năm sau thi lại, Châu đã đỗ và nằm trong top ten
những bạn đạt số điểm cao nhất. Giành giải nhất học sinh giỏi Toán quốc
gia ở năm cuối THCS, Ngô Bảo Châu vào học khối chuyên Toán Trường Đại
học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1988, anh tham dự kỳ
thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành Huy chương vàng với điểm số tuyệt đối 42/42.
Sang Pháp du học từ năm 18 tuổi, Ngô Bảo Châu có cơ hội làm quen với Toán học thế giới khi theo học tại Đại học Paris 6. Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris. Năm 2003, khi mới 31 tuổi, Châu hoàn thành luận án Habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại Đại học Paris 11. Và năm 32 tuổi, anh trở thành Giáo sư của Đại học này.
Năm 1994, anh và Giáo sư Gerard
Laumon, người thầy của anh cùng nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm
của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những người đạt thành tựu xuất sắc
nhất trong năm nhờ giải quyết một trường hợp đặc biệt của "Chương trình
Langlands". Châu là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.
Sau khi nhận giải thưởng Clay, Ngô Bảo Châu được Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp tại Princeton (Mỹ) mời sang làm Giáo sư. Năm 2005, anh được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành Giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam
(33 tuổi). Sau khi chứng minh được "Bổ đề cơ bản" - một giả thuyết then
chốt của Chương trình Langlands, Châu được trao giải thưởng Oberwolfach
của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của
anh đã được tạp chí Time Mỹ bình chọn là "một trong 10 phát minh khoa
học tiêu biểu năm 2009".
Đầu tháng 7 vừa rồi, Ngô Bảo
Châu đã có dịp trở lại Việt Nam với hai mục đích: thăm gia đình và làm
việc, thế nhưng, với lịch làm việc dày đặc, thời gian anh dành cho gia
đình rất ít bởi anh còn phải tập trung hoàn thiện bản báo cáo toàn thể
tại Đại hội Toán học thế giới. Ngày 21/7, Ngô Bảo Châu đã được Giáo sư
Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư
Nhà nước tiếp và mời dự bữa cơm thân mật.
Trong buổi gặp gỡ này, Ngô Bảo
Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển của Toán học
nước nhà trên một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động
giảng dạy trực tiếp mà lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có
điều kiện về nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, sẽ tạo
điều kiện tốt nhất cho Giáo sư Ngô Bảo Châu và những nhà khoa học Việt
Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, sức lực và thời gian để phát triển
Toán học và khoa học Việt Nam.
Thừa hưởng từ một nền giáo dục khoa học
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Huy Cẩn -
cha của Ngô Bảo Châu kể rằng, thuở nhỏ, Châu cũng nghịch ngợm lắm. Một
lần bị thầy giáo bắt viết kiểm điểm vì lỗi hiếu động nhảy lên bàn, cậu
sợ quá tan học không dám về nhà mà... bỏ đi lang thang đến tận tối mịt
được một chú Công an dẫn về.
Tuy là con trai duy nhất của vợ
chồng nhà khoa học nhưng Châu không hề được cưng chiều. Anh biết làm
tất cả mọi việc giúp mẹ từ rửa bát, lau nhà đến nấu cơm, giặt giũ... và
cũng luôn bị phạt nếu mắc lỗi. Cha mẹ anh là nhà khoa học nhưng không vì
thế mà ép con học để thành tài, thậm chí mẹ anh luôn phải giục anh đi
ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe khi thấy cậu con trai mình suốt ngày miệt
mài với sách vở.
Năm 1994, Ngô Bảo Châu kết hôn
với một người bạn gái từ thời phổ thông, vợ chồng anh sinh được ba cô
con gái và hiện ba cô con gái này cũng không thích xem tivi giống cha,
thời gian chủ yếu anh muốn các con dành cho việc học và giải trí.
Là một Giáo sư Toán học, cứ
nghĩ rằng con người Châu sẽ khô khan như những con số, nhưng anh biết tự
cân bằng cuộc sống của mình khi ngoài giờ nghiên cứu, anh dành khá lớn
thời gian để chơi thể thao, đọc truyện, chơi đàn, làm thơ. Phong cách
này của anh đã được truyền lại cho các con và sống tại những đất nước
phát triển như Pháp và Mỹ thì phong cách ấy đã cho hiệu quả rất thiết
thực.
Thừa hưởng quan điểm sống từ
cha mẹ - những giáo sư, tiến sĩ chân chính dành cả cuộc đời để theo đuổi
các công trình khoa học, Ngô Bảo Châu không muốn mọi người gọi anh kèm
theo các cụm từ mỹ miều "xuất chúng" hay "hàng đầu thế giới". Anh cũng
không coi những công trình nghiên cứu của mình là "bom tấn" hay là những
điều to tát rất dễ khiến một số người "ngủ quên" trên niềm vui chiến
thắng.
Quan điểm của anh là sống, cống
hiến cho khoa học với trách nhiệm của một nhà khoa học. Anh chưa bao
giờ coi tiền bạc và tiếng tăm là mục đích sống của mình. Chính cuộc sống
giản dị và phong cách đạm bạc của cha mẹ đã xây dựng nên quan điểm sống
sau này của Châu và cho cả ba cô con gái của anh. Châu chỉ muốn có một
cuộc sống giản dị và được làm công việc yêu thích.
Anh đã từng tâm sự với mẹ, nếu
kiếm được nhiều tiền, anh sẽ làm từ thiện để giúp đỡ những mảnh đời bất
hạnh. Anh chưa bao giờ được bố mẹ tán tụng là "thần đồng" hay những khái
niệm tương tự, dù có lúc anh đáng được biểu dương như thế. Chính bà
Trần Lưu Vân Hiền cũng chưa bao giờ đánh giá con trai mình thuộc diện
"thần đồng" khi anh còn đang theo học trong nước, những thành tựu sau
này mà Ngô Bảo Châu đạt được đã khiến bà vô cùng vui mừng nhưng cũng
không khỏi ngỡ ngàng.
Fields là giải thưởng Toán học
danh giá nhất thế giới, thường được ví như "Nobel Toán học". Giải thưởng
này do Hội nghị Toán học quốc tế trao bốn năm một lần cho các nhà toán
học trẻ (dưới 40 tuổi) và có thành tựu đặc biệt. Thực ra, tên tuổi của
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được thế giới biết đến từ năm 2004, khi anh được
nhận giải thưởng nghiên cứu hàng năm của Viện Toán học Clay (Mỹ). Mỗi
năm chỉ có 1-2 người được trao giải thưởng này và Châu là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng này.
Dù nghiên cứu và giảng dạy Toán
ở các trường đại học hàng đầu thế giới nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn
dành thời gian đáng kể để tham gia giảng dạy và đào tạo Toán học tại
Việt Nam.
Anh tham gia công tác hướng dẫn nghiên cứu và giảng dạy chuyên đề cho
sinh viên ở Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Sư phạm (Đại học Quốc
gia Hà Nội) - ngôi trường trước đây từng đào tạo anh.
Trong 70 năm vừa qua
(1936-2006), cả thế giới có tất cả 48 nhà Toán học được trao Giải thưởng
Fields và mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đoạt giải
thưởng này gồm: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Italia, Thụy
Điển, Đức, New Zealand và Australia. Trong số đó có 3 người châu Á đều là người Nhật Bản và có 2 người gốc Hong Kong (Trung Quốc).
38 tuổi và được vinh danh trên
bục cao nhất của Đại hội Toán học thế giới, Ngô Bảo Châu xứng đáng là
niềm tự hào của hàng chục triệu người Việt Nam và chúng ta có quyền hy
vọng vào một tương lai Toán học của nước nhà nói riêng và nền khoa học
Việt Nam nói chung, sẽ sánh vai với các nền khoa học phát triển trên thế
giới trong một thời gian không xa |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét