Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

HIỂU THÊM VỀ TRI THỨC

Link cố định 23/09/2012@17h38, 433 lượt xem, viết bởi:      HỘI VĂN KHOA NGUYỄN VĂN QUÝ
                                                    Chuyên mục: NGHIÊN CỨU & GIỚI THIỆU, Kinh tế tri thức



Tri thức: Knowledge (tiếng Anh) = Tri thức (Hán – Việt) = Sự hiểu biết (thuần Việt).
“Tri thức là sức mạnh, mà thiếu nó, con người không thể chiếm lĩnh được của cải của tự nhiên” (Francis Bacon) (1).
tri thức và ý thức thời nay

tri thức và ý thức thời nay

Con người, với tư cách là sinh vật bậc cao và duy nhất có ý thức (2). Mặc dù ý thức có kết cấu phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố, nhưng tri thức vẫn là yếu tố cơ bản và cốt lõi nhất. Kể từ khi khoa học ra đời, hạt nhân của tri thức nói chung là tri thức khoa học; hạt nhân của tri thức khoa học là thế giới quan và phương pháp luận khoa học; hạt nhân của thế giới quan và phương pháp luận khoa học là tri thức triết học. Điều đó cho thấy vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của tri thức nói chung và tri thức khoa học cũng như tri thức triết học nói riêng trong phát triển con người và nền văn minh nhân loại, mà càng về sau càng phát huy tác dụng sâu sắc và toàn diện hơn.
Tri thức phản ánh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những tri thức chung nhất và những tri thức cụ thể; có những tri thức về tự nhiên, tri thức về xã hội và tri thức về con người. Căn cứ vào các mục tiêu nghiên cứu và vận dụng khác nhau mà người ta có thể xem xét tri thức qua các cấp độ như: tri thức cảm tính và tri thức lý tính, tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận, tri thức thông thường hay tri thức tiền khoa học và tri thức khoa học, v.v… Còn trên bình diện chung, hầu hết các nhà nghiên cứu hiện nay đều thừa nhận tri thức tồn tại dưới hai hình thức cơ bản: ẩn và hiện.
Tri thức ẩn là những tri thức thu được từ hoạt động thực tiễn hoặc lý luận nhưng chưa được vật chất hóa (mã hóa) ra bên ngoài. Nó tồn tại bên trong chủ thể nhận thức dưới dạng niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng, v.v...
Tri thức hiện là những tri thức đã được vật chất hóa và tái hiện dưới dạng văn bản, tài liệu, ký hiệu, âm thanh, phim, ảnh, hay dạng mã hóa khác.
Tri thức ẩn thường chỉ có thể chuyển giao thông qua trao đổi trực tiếp giữa các chủ thể nhận thức, trong khi đó tri thức hiện còn có thể chuyển giao thông qua trung gian và là cơ sở quyết định trong việc phát triển giáo dục, truyền bá và tổng hợp sáng tạo. Cả tri thức ẩn lẫn tri thức hiện đều có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng và thống nhất hữu cơ trong hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của chủ thể nhận thức và hành động. Tùy trong những trường hợp cụ thể mà chúng phát huy tác dụng ở những mức độ khác nhau. Đối với mỗi cá nhân (khi xét với tư cách là nhân tố chủ quan), tri thức ẩn thường chiếm ưu thế trong các hoạt động riêng lẻ, nhất là trong hoạt động sáng tạo văn học – nghệ thuật và nghiên cứu khoa học của từng cá nhân; đối với xã hội (khi xét với tư cách là nhân tố khách quan), tri thức hiện đóng vai trò chi phối và quyết định, nhất là trong hoạt động thực tiễn (sản xuất vật chất, chính trị - xã hội, thực nghiệm khoa học).
Định nghĩa về tri thức vẫn luôn có sự tranh luận giữa các nhà triết học trên bình diện nhận thức luận. Ngay từ trước Công nguyên, ở cả phương Đông lẫn phương Tây đều quan tâm đến các khía cạnh khác nhau của tri thức. Khổng giáo cho rằng tri thức là biết những gì cần nói và làm thế nào để dẫn tới sự tiến triển và thành đạt. Đạo giáo và phái Thiền của Phật giáo thì cho rằng tri thức là vì chính tri thức và là con đường đi đến sự thông tuệ. Socrates cũng quan niệm tri thức là vì tri thức. Plato vạch ra chuẩn mực của tri thức là niềm tin, đúng đắn và hợp lý. Còn Protagoras thì cho rằng tri thức chính là logic, ngữ pháp và hùng biện (tu từ), với mục đích là làm cho người có tri thức hiểu được những gì cần nói và làm thế nào để nói ra những điều đó cho mọi người biết (3). Các quan niệm trên đây mặc dù vẫn còn chung chung và hạn chế mang tính lịch sử, song đã xác lập nên những nền tảng quan trọng và mở ra xu hướng tiếp cận đa chiều về tri thức.
Từ điển triết học giản yếu coi tri thức là kết quả quá trình nhận thức của con người về thế giới hiện thực, làm tái hiện trong tư tưởng những thuộc tính, những quy luật của thế giới ấy và diễn đạt chúng dưới hình thức ngôn ngữ hoặc các hệ thống ký hiệu khác (4). Còn từ điển Wikipedia (tiếng Anh) ghi nhận tri thức hay kiến thức là một tập hợp các sự kiện , thông tin , kỹ năng… hoặc những gì tương tự, thu được thông qua kinh nghiệm hoặc giáo dục.
Trong những năm gần đây, hầu hết các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đều sử dụng khái niệm Tri thức là sự hiểu biết của con người đối với thế giới khách quan và khả năng vận dụng chúng vào thực tiễn. Đó là kết quả của quá trình con người nhận thức và phản ánh thế giới thông qua hoạt động thực tiễn.
Với khối lượng tri thức khổng lồ và ngày càng gia tăng nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, thì không một cá nhân nào (dù uyên bác đến đâu) có thể bao quát hết, thậm chí ngay trong lĩnh vực chuyên biệt mà họ đang nghiên cứu cũng không thể cập nhật đầy đủ được, vì nó được tiến hành đồng thời bởi rất nhiều người khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, điều quan trọng và có ý nghĩa thiết thân đối với mỗi người trong quá trình tư duy và hành động là phải:
Biết cái gì (know-what): Đó là sự nhận biết chung chung về các sự vật, hiện tượng, quá trình... Những tri thức này có thể định lượng được bằng các đơn vị thông tin. Nó là nguồn gốc trực tiếp của mọi sự hiểu biết, có thể ví như (không hoàn toàn) giai đoạn “trực quan sinh động” của con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý mà Lênin đã chỉ ra.
Biết tại sao (know-why): Nhận biết về bản chất của chúng, thường để chỉ những tri thức khoa học. Đây cũng có thể ví như giai đoạn “tư duy trừu tượng” của con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý. Đây là cơ sở quan trọng của mọi tiến bộ công nghệ.
Biết làm thế nào (know-how): Hình thành những kỹ năng, bí kíp giải quyết vấn đề, một khâu xử lý có tính chất quyết định để biến tri thức “thuần túy” thành tri thức “thực hành”.
Biết ai (know-who): Nhận biết về chính chủ thể nhận thức, bao gồm: biết được ai biết gì, biết được ai biết tại sao, biết được ai biết làm thế nào. Đây chính là kiểu tri thức “biết người, biết ta”.
dữ liệu - thông tin - tri thức
dữ liệu - thông tin - tri thức
Xét về kết cấu, tri thức có hai thành phần cơ bản là dữ liệu và thông tin. Trong tác phẩm “Sự xuất hiện của các hoạt động kinh doanh dựa trên tri thức”, đồng tác giả Stan Davis và Jim Botkin, định nghĩa dữ liệu là những khối cơ bản trong nền kinh tế mới và ban đầu nó tồn tại dưới 4 hình thức cụ thể: con số, chữ viết, tiếng động và hình ảnh; còn thông tin là những dữ liệu đã được sắp xếp thành những mẫu hình có ý nghĩa (5). Hay nói cách khác, dữ liệu là những đơn vị cơ sở và rời rạc của thông tin, thông tin là kết quả sắp xếp và làm cho dữ liệu mang một ý nghĩa nhất định, còn tri thức là kết quả xử lý thông tin và biến thông tin thành nguồn lực có giá trị hơn cả bản thân nó.
Tuyên bố chung tại Hội nghị toàn cầu về khoa học cho thế kỷ XXI (Budapest, 1999) khẳng định: Tri thức là tài sản chung của nhân loại, việc bảo hộ quyền sỏ hữu trí tuệ phải đi đôi với mở rộng quyền truy cập thông tin của mọi người. Điều này cũng được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiều lần cảnh báo và nhắc nhở phải đảm bảo hài hòa giữa một đằng là quyền sở hữu trí tuệ và một đằng khác là quyền được chia sẻ thông tin.
Một nhận thức chung đã chỉ ra rằng:
“Không giống như tư bản và lao động, tri thức cố gắng trở thành một hàng hóa công cộng (hoặc như các nhà kinh tế hoạc gọi là “không có sự kình địch”). Tri thức một khi đã được phát hiện và công bố, thì việc chia sẻ nó cho nhiều người sử dụng hơn sẽ có chi phí cận biên bằng 0. Thứ hai, những người tạo ra tri thức thường khó có thể ngăn cản được những người khác sử dụng chúng. Các công cụ như bảo vệ bí mật thương mại và bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu chỉ dành cho những người tạo ra tri thức một sự bảo vệ nào đó” (6).
Bởi vì, đúng như ngụ ý đầy hình ảnh của Thomas Jefferson khi nói rằng: “Anh ta nghe ý kiến của tôi và tự nhận lấy kiến thức cho mình mà không hề làm giảm kiến thức của tôi; giống như anh ta thắp sáng ngọn nến của anh ta bằng ngọn nến của tôi và nhận ánh sáng mà không hề làm cho tôi bị tối đi” (7).
Trong cuốn Thế giới sinh thành từ tri thức, Giáo sư Nico Stehr (Đại học Alberta, Canada) nhận xét: Nguyên nhân làm cho các xã hội trước đây chậm tiến là do những tri thức mới được sản sinh ra quá chậm chạp (8). Ngày nay, chỉ tính riêng những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, thì lượng tri thức mà nhân loại tạo ra đã ngang bằng với tổng số lượng tri thức mà nhân loại tích lũy được suốt 2000 năm trước đó. Còn nếu tính cả thế kỷ XX, thì lượng tri thức khổng lồ của nhân loại đã tăng gấp 1.000 lần và vượt trội về chất so với tổng tri thức mà nhân loại đã tích lũy được suốt 19 thế kỷ trước đây gộp lại. Tốc độ này sẽ gia tăng nhanh chóng hơn, và một dự báo nhấn mạnh rằng, toàn bộ lượng tri thức mà nhân loại đang sử dụng chỉ bằng 1% tổng lượng tri thức mà nhân loại sẽ dùng vào năm 2050 (9). Rằng “tri thức cứ 7 năm lại tăng gấp 2 lần…” (10) [thậm chí gần đây có ý kiến cho rằng, cứ trong vòng 2 - 3 năm, lượng tri thức của nhân loại lại tăng gấp đôi].
Lịch sử nhân loại đã thực chứng rằng, mỗi bước đi lên của con người đang được bồi đắp gấp bội phần tri thức mới, mà khoảng cách gia tăng của khối lượng tri thức lại tỷ lệ nghịch với thời gian, tri thức càng khổng lồ bao thì thời gian làm cho nó tăng lên gấp đôi lại càng ngắn bấy nhiêu. Khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trăng mà con người có thể đến được chỉ là 384.403 km trong không gian, nhưng phải cần đến hàng vạn năm tiến hóa trong thời gian (nếu tính từ khi con người văn minh mơ ước đến mặt trăng). Đó chính là khoảng cách về mặt tri thức trong phát triển, mà để vượt qua nó, ánh sáng chỉ cần 1,28 giây (vận tốc xấp xỉ 300.000km/s), trong khi năm 1969 con người phải đi mất gần 10 tiếng đồng hồ bằng tàu Apollo 11 (vận tốc 39.897km/h). Sở dĩ có sự khác biệt trời biển giữa người nguyên thủy bị vấp ngã trong khu rừng bởi đôi chân trần trong những lần săn bắn hái lượm là vì họ hầu như chỉ có một chút kinh nghiệm giản đơn và mảnh vụn tri thức ẩn ít ỏi rời rạc, còn người đương đại có thể di chuyển nhẹ nhàng trên bầu trời bằng tàu vũ trụ để nghiên cứu khoa học là vì chúng ta đang được nâng đỡ bởi kho tàng tri thức khổng lồ suốt chiều dài lịch sử.
chân lý - tri thức - niềm tin
chân lý - tri thức - niềm tin
(1) Dẫn theo TS Trần Hồng Lưu: Vai trò của tri thức khoa học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.56
(2) Ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người một cách năng động, sáng tạo; là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
(3) Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW, Trung tâm Thông tin – Tư liệu: Nền kinh tế tri thức (nhận thức và hành động) kinh nghiệm của các nước Phát tiển và Đang phát triển, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2000, tr.9 – 10.
(4) Sđd, tr.471
(5) Nền kinh tế tri thức (nhận thức và hành động)…, tr.35
(6) Nền kinh tế tri thức… tr.124
(7) Nền kinh tế tri thức… tr.124
(8) TS Trần hồng Lưu: Vai trò của tri thức khoa học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.72
(9) Sdd, tr.70
(10) Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW – Trung tâm thông tin tư tiệu: Nền kinh tế tri thức (nhận thức và hành động) – kinh nghiệm của những nước phát triển và đang phát triển, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2000, tr.38.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét