Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

MINH VƯỢNG

Khúc ngẫu hứng Minh Vượng
9:00, 15/02/2013




Vượng bên ngoài hoàn toàn không giống những vai diễn trên sân khấu. Từ khi Tổ đãi làm nghề, Vượng ra sân khấu là để mang đến cho khán giả tiếng cười. Bao nhiêu năm nay, người ta gọi chị là danh hài. Danh hài đấy ngoài đời không đơn giản.
Trong con người ấy chất chứa cả một bầu giông gió của âu sầu ảo não, cả một đêm đen tĩnh mịch u huyền, cả niềm ăm ắp chứa chan yêu thương, cả một biển lửa đam mê đầy nhiệt huyết. Tất cả mớ hỗn độn bùi nhùi của cung bậc cảm xúc dồn dập thét gào trong người đàn bà dư đầy năng lượng. Người ta nói chị là một mỏ quặng quý, mà khi càng tò mò khai thác, thì lại càng như bị nó dẫn dụ cuốn đi. Vượng có cái duyên riêng hấp dẫn đến mê người. Bùa mê.
Bùa mê như vậy sao cho đến tận giờ, hơn nửa đời người, Vượng vẫn cô đơn lẻ bóng?! Phải chăng, vẫn là “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”?! Trời không cho ai hết cái gì bao giờ, đã hào phóng ban tặng cho Vượng “bùa mê” nên đã lấy đi của Vượng “bùa yêu”. Tuy vậy, mặc cho năm tháng phôi pha, bệnh tật hoành hành, ngồi trước tôi vẫn là một Vượng đam mê, quyến rũ. Đôi mắt biết cười và nụ cười tỏa nắng, hỏi thiên hạ có được mấy người? 
Dáng vẻ to béo, quần thụng áo rộng, chị tất tả ra chỗ hẹn sau khi hết sô diễn buổi sáng. Giữa cái rét mùa đông giá lạnh thì chị lại mướt mát mồ hôi. Hai năm nay ngày nào chị cũng tất bật với Nhà hát Chèo Hà Nội làm sân khấu thiếu nhi. Lúc đóng lão phú ông, lúc diễn ba con chị dâu gian ác, lúc hóa thân thành con chó hiền từ, lúc lại nhập vai chú Cuội tinh nghịch.
Trên sân khấu, Vượng biến hóa tinh khôn, ở hàng ghế khán giả, bọn trẻ reo hò cổ vũ rầm rĩ, rền vang cả một khán phòng. Lúc ấy Vượng quên đi rằng mình đang bị mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường nặng ngày nào cũng phải tiêm 4 mũi. Chị cảm thấy sung sướng đến rã rời, hạnh phúc nhất thế gian. Sau buổi diễn tơi tả đầy mồ hôi. Tóc tai, mặt mũi lem luốc ra về, vừa ra đến cửa rạp trẻ con chẳng nghĩ chị là người lớn tuổi, chạy ra chạm tay vào người chị, thủ thỉ: “Chị diễn buồn cười quá cơ. Em yêu chị”.



Nghệ sĩ Minh Vượng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.



Những câu nói ngộ nghĩnh hồn nhiên của trẻ nhỏ như liệu pháp về tinh thần khiến chị thấy lòng mình ấm lại. Cử chỉ thương yêu, ánh mắt tròn xòe ngưỡng mộ của khán giả nhí làm Vượng tưởng như được hồi sinh sau trận ốm để rồi âm thầm nghĩ: Nếu có chết, xin cho con được chết trong vòng tay âu yếm của trẻ thơ.


Ẩn trong dáng vẻ mạnh mẽ có phần táo tợn của chị là tâm hồn nghệ sĩ sầu cảm. Vì công việc, chị đi diễn nhiều lắm, khi diễn ở trại giam tận những nơi đèo heo hút gió, lại có lúc theo đoàn từ thiện đến nơi có trẻ lang thang cơ nhỡ, Bệnh viện Tim. Bệnh viện Nhi. Bệnh nhân HIV trẻ con. Trẻ khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu…

Diễn hài mà chị phải ngửa mặt lên trời vì nhìn xuống, nước mắt cứ ứa ra. Dưới kia là những đứa trẻ lẩy bẩy, tật bệnh. Trẻ bị bệnh tim người tím tái, co quắp. Trẻ bị ung thư run rẩy, yếu ớt. Và cả những đứa bé vô tội bị căn bệnh thế kỷ. Chị pha trò đấy, ầm ào tưng tửng đấy mà lòng thắt đau nghĩ đến số phận và cái chết không báo trước của bé. Hôm nay còn được xem như thế này, ngày mai biết đâu có bé đổ bệnh rồi sẽ ra đi?

Vào những ngày cuối năm, chị vừa đi diễn từ thiện tại trại giam Phú Sơn, Thái Nguyên về đến nhà hình ảnh buồn thảm trong trại giam như một thước phim quay chậm lại âm ỉ cháy trong lòng. Bà cụ già nua, tóc bạc trắng đầu phạm tội buôn bán ma túy, các cô gái với án tù chung thân không biết bao giờ mới có ngày trở về đoàn tụ gia đình, vô số đứa bé ngơ ngác sinh ra trong trại giam. Trong căn phòng nhỏ, chị trở mình thao thức, canh cánh với nỗi niềm trăn trở chất chứa. Mấy năm nay, người trẻ phạm tội ngày càng nhiều.

Tại sao tội ác hoành hành? Khi con người ta thiếu tình thương và lòng nhân ái. Như có một động lực, với trí tưởng tượng phong phú, khả năng văn phong dồi dào và trên hết là cảm hứng sáng tạo vô tận, chị lại nhào nặn ra từng nhân vật đầy màu sắc trong kịch bản thiếu nhi, để ngày mai chị sẽ diễn cho các em. Mỗi một câu chuyện là một bài học về tình thương và lòng nhân ái. Khi con người ta biết mở lòng yêu thương thì tính thiện tăng lên, tội ác giảm xuống.

Chị là con người của hoài niệm, từng đồ vật cũ một thời gắn bó, giờ tuy không dùng đến nữa nhưng chị vẫn cẩn thận giữ chúng lại bên mình. Chị tin mỗi một đồ vật đều có linh hồn. Chiếc xe máy cũ giờ không còn đi nữa vẫn được dựng ở một góc trong nhà. Bộ quần áo từ những năm nào vẫn được xếp gọn lại trong một ngăn tủ. Cả bát đĩa, cốc chén sứt mẻ cũng được cẩn thận cất đi…

Nhìn thấy chúng là kỷ niệm xưa lại ùa về len lỏi trong ký ức. Chị sống nội tâm, dạt dào tình cảm. Người ta biết đến chị là nghệ sĩ hài nhưng chưa biết một con người khác nữa trong chị là người bác sĩ tâm lý cừ khôi. Năm 2000 chị bị đột quị, sau đó biết bao gắng gỏi và nỗ lực, với một niềm nhiệt huyết công việc lúc nào cũng rừng rực cháy chạy trong máu huyết đã đẩy lùi tật bệnh.

Chị bảo: “Thuốc kháng sinh tốt nhất cho mỗi con người chính là tinh thần và nghị lực. Chị có ba cái quên: Quên tuổi tác, quên hận thù, quên bệnh tật. Ba cái nhớ: Mình không là gì cả. Cũng có lúc mình sai lầm. Cuộc đời có nhiều người giỏi hơn mình. Cứ nhớ thế thì sống thanh thản”.

Chị cần mẫn như con tằm chăm chỉ nhả tơ. Ai ngờ đâu, ngoài đời chị lại là một người đa di năng đến thế, “chuyên viên” tư vấn tình cảm, tâm lý và y tế. Chốc chốc lại có cuộc điện thoại tìm đến chị để trút bầu tâm sự hoặc khúc mắc tình trường, khi giận dỗi gia đình hay gặp chuyện trái lòng nơi công sở, lúc lại là mệt mỏi cạnh tranh trên thương trường…
Tất cả những rắc rối, phức tạp của cuộc sống mà người ta tin tưởng, bấu víu vào chị mong tìm được một lời khuyên. Chị chăm chú nghe rồi từ tốn phân tích rạch ròi, cơn khủng hoảng tinh thần của người ở bên kia đầu dây cũng phần nhiều được giải tỏa. Đặc biệt nhất là người chuẩn bị mổ cần chị đến động viên.

Nếu lúc ấy không bận ca diễn, chị không nề hà, tất tả bươn chải đến tận nơi, làm liệu pháp tâm lý. Người bệnh sau khi nhìn thấy chị, sờ tay vào con người đầy bệnh tật mà vẫn sống khỏe, đi băng băng và nói sang sảng này, được chị tiếp sức mạnh, họ vững thêm niềm tin. Không ít ca mổ đã thành công.

Vốn tận tâm, chu đáo, chị thăm nom hỏi han người già: “Hằng ngày bác ngâm nước nóng bằng muối hay gừng?”, rồi: “Bác châm cứu có đỡ hơn không?”, hoặc: “Lúc sáng sớm sương chưa tan, bác để mặt trời lên cao rồi hãy đi dạo”. Chị là vậy đấy, đáng yêu, đáng quý biết nhường nào. Đã qua tuổi trung niên từ lâu nhưng chị sống rất trẻ. Đọc sách, nghe nhạc, xem phim của trẻ con. Chị chơi với trẻ con để biết chúng nghĩ gì, muốn gì. Chị sợ sự lạnh lùng, vô cảm của con người. Hằng ngày đi ra đường, thấy cụ già bị ngã xe, chị dừng lại đỡ dậy. Hay chiếc ô tô chở gạch làm rơi viên gạch ra đường, chị xuống xe nhặt vứt viên gạch đi, vì nghĩ chẳng may có ai lơ đễnh đi qua, nếu là hai mẹ con vấp phải viên gạch, xe đổ thì sao?...

Khác bề ngoài với vẻ mạnh mẽ là trái tim run rẩy, yếu mềm. Có những đêm diễn về một mình trên con phố Bà Triệu, chị vỡ òa trong cảm xúc để rồi ra đời những câu thơ đắng đót, nghẹn ngào:

Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/

Trăng cuối tuần mùa hạ./

Đường phố vắng không người qua./

Tán lá chìm trong đêm ngủ./

 Con chim khuya về tổ đã lâu./

 Trong mỗi căn nhà giấc ngủ nồng từ tối./

 Ta đi lũi lầm như một kẻ lang thang./

 Không mái ấm không vòng tay chờ đón”.


Hay một lần khác:

 “Chỉ còn lại một mình đi về khi tan rạp./

Chỉ còn lại một mình ra về trong trống vắng./

Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp./

Mong đừng xa cứ xa./

 Cho lòng thôi thổn thức./

Cho lòng quên rạo rực./

Cho mình quên hẳn nhau./

Ta nào khóc đâu em,/

 chắc sương rơi trên má./

Hạt sương sa lành lạnh./

Giọt rơi rơi rơi./

Trên môi mình mằn mặn./

Ta cứ đi cứ đi./

Chân đếm thầm từng nhịp
”.


Tết đang đến thật gần, lại một mùa xuân về. Đêm 30 Tết năm nay, chị vào quận Hà Đông diễn không bán vé để phục vụ bà con. Tối mồng 3 Tết, chị diễn khai xuân. Chị bảo: “Cứ tơi tả hoa lá. Chị bị tiểu đường nên không chú trọng ăn lắm đâu. Ngày Tết, có 4 cái bánh chưng đặt trên bàn thờ. Cứ mỗi ngày lại cắt một khoanh giò thắp hương cúng tổ tiên, ông bà. Ngày mai lại cắt một cái đùi gà dâng lên các ngài”. Chị thích cúc vàng. Nhà chị lúc nào cũng có một lọ hoa cúc vàng rực rỡ. Cái hay của hoa cúc là lúc héo nhưng không rụng cánh. Kiêu hãnh. Còn Tết đến, chị mê đào phai, cái màu phớt hồng nhẹ nhàng.

Chị cứ nhớ mãi một cái Tết, năm ấy mùa đông đến muộn. Buổi sáng 28 Tết mưa to gió lớn, rét căm căm, chị đang đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nép vào một mái nhà mưa rét nhìn vợ chồng con cái người ta súng sính quất hoa, lũ lượt rầm rập bánh trái giò chả,  mà mình đã mua được cái gì đâu. Nép vào hàng hiên chờ tạnh mưa, tự nhiên ra những vần thơ rất buồn:

 “Đông muộn đến rồi./

Sớm nay hạt mưa bay trên thành phố Tết./

 Bên kia đường đôi bóng bạch đàn run./

Lá sướt mướt óng màu nước mắt./

Bên này đường áo ướt mưa bay./

 Ngửa mặt đón đông muộn màng buổi sớm./

Đông đến rồi ta chỉ có bàn tay
”.


Và, thu sang:
Sáng nay lạnh trong mùa thu đến sớm./

Em đến tìm anh trong một tối thật dài./

Em đến muộn con đò vừa rời bến./

Mang anh đi ta cách một khoảng rồi./

Phù sa chảy đưa thuyền dần xa bến./

Cát bên sông vẫn bên lở bên bồi./

Trôi theo nước rồi về đâu hả cát?/

Có phải chăng em theo kiếp luân hồi./

Em theo sóng để lại buồn cho bến
”.


Dừng lời, chị bảo: “Đứng bên sông lòng hối tiếc ngậm ngùi, bao giờ em cũng muộn… chẳng lúc nào sớm cả.”

 

Ôi! cả một bầu hỗn độn, xót xa. Đau đớn. Thổn thức. Những câu thơ chan chứa, ăm ắp tình của danh hài không thôi ám ảnh
  Trần Mỹ Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét