Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

traitimtron: HOA BAN HÀ NỘI

Hoa Ban nở giữa trời Hà Nội,

 Cánh mỏng manh nhè nhẹ gió đung đưa,

 Mùa xuân đến cho nhiều thêm mong ước, 

 Mỗi tâm hồn như một đóa hoa tươi..



Hoa ban là tên gọi ở miền Tây Bắc






Còn ở Huế gọi khá thô là hoa Móng Bò,


Văn nghệ sĩ gọi là hoa NỮ HOÀNG vì lá có hình trái tim phải kg các bạn?
 Tra mạng thấy kg phải/

/


Nhân đọc TRAI TIM TRON có vài lời bàn:


Hoa sữa ở ĐN bị chặt khá nhiều vì trồng quá dày, hoa này nên trồng thưa vì thơm thoang thoảng thì tốt cho sức khỏe hơn. Ở Thủ đô thì hao sủa có lúc đc coi như biểu tượng vì có nhiều đường con như Nguyễn Du, Quang Trung... có nhiều hoa này. Song nhạc sỹ Hồng Đăng sáng tác bài này cho phim, lúc đó ông cũng kg biết loài hoa này. Cũng như nhạc sỹ Thái Cơ sáng tác bài Rặng Trâm Bầu bất hủ, thì ông cúng đang ở miền Bắc, không hề biết cây này là gì, khi tôi vào miền Tây công tác hỏi dân ở đó hầu như không ai biết cây này. Tất nhiên đây là hai loài cây có thật chứ không phài như rượu Hồng Đào hay LÁ DIÊU BÔNG phải không các bạn.


Nhạc sĩ Thái Cơ: Những “Nghịch lý” sáng tạo. 

THÁI CƠ

2:00, 12/01/2009
Phạm Khải



Mỗi lần nghĩ về sự được - mất của con người trên thế gian này, không hiểu sao tôi lại hay nghĩ tới trường hợp của nhạc sĩ Thái Cơ, tác giả những ca khúc nổi tiếng "Rặng trâm bầu", "Qua bến đò Quan", "Khi thành phố lên đèn"... từng được phát với tần suất lớn trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều chục năm qua.
"Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương", với tôi, Thái Cơ là một nhạc sĩ tài hoa nhưng cũng nhiều bất hạnh. Âm nhạc của ông luôn hướng con người tới một cuộc sống khoáng đạt, với những ước vọng lớn lao, trong khi nghịch lý thay, những năm cuối đời, ông lại bị số phận "cầm tù" trong một cõi riêng u mê đầy kịch tính...
Thời còn công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội, dường như tuần nào tôi cũng có dịp mạn đàm với nhạc sĩ Thái Cơ. Bấy giờ, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ (kiêm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội), ông thường có mặt ở đây để giải quyết một số vụ việc.
Thú thật, phải mất một thời gian khá dài tôi mới biết ông chính là cha đẻ của "Rặng trâm bầu", "Qua bến đò Quan"... Đã đành, thính giả thường chỉ nhớ lời bài hát chứ ít nhớ tên tác giả, song cũng còn tại Thái Cơ vốn dĩ là người... kiệm lời. Ông có thể hồ hởi hỏi thăm tình hình vợ con tôi, và đãng trí hỏi thăm nhiều lần, với cùng một câu hỏi, một nội dung, song với chuyện riêng của mình, trong đó có chuyện sáng tác, ông không tự bộc bạch bao giờ.
Vả chăng, nhiều lúc tôi cứ ngờ ngợ cái ông "pa pa" được tiếng lành hiền, "tốt bụng" (hiểu theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng) này, với những bài hát nồng nàn, mê đắm cứ bay lượn suốt trong lòng người mấy chục năm qua, liệu có gì "gần gũi" nhau đây? Ngoài đời, nhạc sĩ Thái Cơ không phải người có dáng điệu hoạt bát, nói năng trôi chảy.
Thậm chí, ông khá vụng về, lập bập trong đi đứng, nói năng. Và cách thể hiện tình cảm thì rất thật thà, hồn nhiên. Tôi nhớ, bấy giờ có một cuộc "vận động" các ủy viên Ban chấp hành Hội ký đơn đòi phế truất đồng chí Chủ tịch Hội, và trong lá đơn này có cả chữ ký của nhạc sĩ Thái Cơ.
Đồng chí Chủ tịch Hội biết chuyện, rất giận. Song riêng trường hợp Thái Cơ thì ông lại nhẹ nhàng "bỏ qua" vì theo ông thổ lộ, Thái Cơ là người "không có tâm địa gì", chẳng qua vì "nhẹ dạ cả tin" nên dễ bị "kích động" đó thôi. Thân gần với nhạc sĩ Thái Cơ, tôi thấy nhận xét ấy quả là "thấu tình đạt lý".
Nhạc sĩ Thái Cơ tên thật là Đầu Vũ Như, sinh năm 1934 tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Là người ngay từ nhỏ đã say mê các làn điệu dân ca, các điệu hò, điệu lý, sa mạc, bồng mạc, và từng tham gia hoạt động văn nghệ từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, song phải tới năm 1958, khi chuyển về làm công tác tuyên huấn ở Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, Thái Cơ mới có sáng tác đầu tiên và ngay lập tức, ca khúc này ("Tiếng còi thi đua") đoạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải nhất Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.
Đến năm 1972, khi ca khúc "Rặng trâm bầu", rồi tiếp đó, ca khúc "Qua bến đò Quan", ca khúc "Khi thành phố lên đèn" nối nhau ra đời, thì tên tuổi Thái Cơ và nhạc phẩm của ông thật sự truyền lan rộng khắp.
Giới âm nhạc Việt Nam từng lưu truyền những câu chuyện vừa vui, vừa lạ về các nhạc sĩ: Khi sáng tác ca khúc "Hoa sữa", nhạc sĩ Hồng Đăng chưa hề biết loài hoa này có hình dạng như thế nào.
Cũng vậy, khi sáng tác ca khúc "Giữa mùa hái sa nhân", ông còn nhận được một lá thư gửi đến từ một nông trường, với lời góp ý: "Thưa ông nhạc sĩ, chúng tôi chỉ nhặt sa nhân chứ không bao giờ hái, vì cứ đến mùa thì sa nhân rụng xuống".
Với nhạc sĩ Thái Cơ cũng xảy hiện tượng tương tự: Khi tác giả sáng tác "Rặng trâm bầu", ông chưa hề nhìn thấy tận mắt một rặng trâm bầu nào, và khi sáng tác "Qua bến đò Quan" ông cũng chưa một lần đặt chân tới bến đò Quan. Vậy mà đó lại là những tác phẩm rất thành công. Có lẽ đây là nghịch lý trong sáng tạo chăng?
Về xuất xứ của ca khúc "Rặng trâm bầu", tác giả có lần kể với tôi: "Đã từ lâu, hình ảnh cây trâm bầu của miền Nam yêu dấu từng in đậm trong tâm trí tôi, đặc biệt là khi tôi được biết Bác Hồ từng xúc động khi Người nghe những chiến sĩ miền Nam kể lại những tháng ngày chịu đựng gian khổ cùng đồng đội sống trong những căn hầm sâu kín, dưới bóng những cây trâm bầu để chờ lệnh giết giặc, trả thù cho đồng bào, đồng chí đã hy sinh. Đó chính là nguồn cảm xúc mạnh mẽ thôi thúc tôi sáng tác bài hát".
Chính vì nghe kể mà xúc cảm sáng tạo, nên trong nhạc phẩm "Rặng trâm bầu" đã xảy ra một số nhầm lẫn nho nhỏ. Chẳng là, năm 1993, nhân chuyến đi công tác miền Nam, nhà báo Lê Xuân Sơn (hiện là Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong) vì là người rất yêu thích bài hát này nên khi xuống làm việc ở đồng bằng sông Cửu Long đã sục sạo tìm hỏi và mang về bằng được cho tác giả "Rặng trâm bầu" một nhánh trâm bầu.
Thì ra lá trâm bầu không "xanh thắm" (uống nước nước dòng sông cây xanh thắm một màu - lời bài hát) như ông nhạc sĩ tưởng. Và trâm bầu cũng không "bát ngát xa trông những rặng trâm bầu" như trong bài hát tác giả đã nhìn ra thế ấy. Tuy nhiên, những điều ấy hầu như không hề gây "cản trở" nào, dù là rất nhỏ trong việc công chúng yêu mến và tiếp nhận bài hát này. Sinh thời, tác giả ca khúc "Rặng trâm bầu" đã nhận được hàng nghìn lá thư bày tỏ tình cảm của người nghe khắp mọi miền đất nước
Như ở phần đầu bài đã nói, nhạc sĩ Thái Cơ mắc một cái tật là… cực kỳ đãng trí. Ở Hội Văn nghệ Hà Nội hiện vẫn lưu truyền một chuyện như sau: Lần ấy, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội. Với cương vị Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Thái Cơ phải đến 61 Lê Thái Tổ để theo dõi xem quá trình các thí sinh tập dượt ra sao.
Hết giờ, ông ra cổng lấy xe và loáng quáng thế nào lại lấy nhầm chiếc xe Dream II của một nữ thí sinh có đăng ký tham gia cuộc thi nói trên (chiếc xe của cô này cũ hơn chiếc xe cùng loại của ông). Sự việc chỉ được nhạc sĩ "phát hiện" ra khi ông mang xe đi rửa và nhận thấy nó có tới hai chiếc gương chiếu hậu (trong khi xe của ông chỉ có một).
Thì ra chiếc chìa khóa xe này mở được khóa cổ xe kia - sự trùng hợp kỳ lạ muôn một mới xảy ra. Tất nhiên, mọi sự sau đó được giải quyết êm xuôi và có người đã bình luận là: May mà người lấy nhầm chiếc xe là một nhạc sĩ, chứ phải kẻ gian chiếc xe của cô gái kia cứ gọi là... đi đứt.
Cũng liên quan đến chuyện đãng trí này, nhưng sự cố sau đây thì quả là đã dẫn nhạc sĩ Thái Cơ đến… đại họa.
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, hiện là Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, một trong 5 thành viên cùng nhạc sĩ Thái Cơ tham gia chuyến tham quan Trung Quốc vào dịp cuối năm 1995, đầu năm 1996, cho biết: Lần ấy, đoàn văn nghệ sĩ ta đi thăm một khu chợ nổi tiếng ở trung tâm thành phố Quảng Châu.
Do luống cuống trong sử dụng băng chuyền của cầu thang máy (một chân ông bước lên, một chân vẫn đặt nguyên tại chỗ), nhạc sĩ Thái Cơ đã bị lực cuốn của thang máy giật ngã bổ ngửa, đập gáy xuống băng chuyền.
Nhạc sĩ Thái Cơ vốn dĩ là người rất ít nói. Bởi vậy mà gia đình ông không hề biết tới sự không may nói trên. Phải đến một ngày, khi ông có triệu chứng bất thường phải vào Bệnh viện Hữu Nghị để chẩn bệnh thì họ mới được bác sĩ ở đây cho biết: Do bị chấn động mạnh ở đầu nên trong não ông có lớp máu đọng như lớp sương mù bao phủ, khiến nhạc sĩ quay ra ngủ nhiều và ngày càng chìm dần vào quên lãng.


Việc ra đi của nhạc sĩ Thái Cơ cũng có gì như "tiên báo". Tôi còn nhớ chiều hôm ấy (31/3/2004), VTV3 tường thuật trực tiếp trận đấu vòng loại World Cup 2006 giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và đội tuyển Libăng.
Trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai hiệp đấu, nhà Đài đã bất ngờ cho khán giả được thưởng thức ca khúc "Rặng trâm bầu" của nhạc sĩ Thái Cơ qua giọng hát truyền cảm của cặp song ca Anh Thơ - Việt Hoàn. "Rặng trâm bầu" từng được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại nhiều lần và thường là vào khoảng thời gian có phần… khuya muộn, khi tâm lý con người hay trở về với những hoài niệm.
Bởi vậy, việc bài hát được cất lên giữa "thanh thiên bạch nhật", lại là trong khoảng "đệm" của một trận đấu nảy lửa thế kia đã khiến tôi không khỏi có phần ngạc nhiên. Bất giác liên hệ tới tình cảnh bệnh tật bi đát của nhạc sĩ Thái Cơ, linh tính mách bảo có điều chẳng lành đã hoặc sắp xảy ra với người nhạc sĩ đáng kính ấy.
Quả nhiên, sáng hôm sau, vừa chân ướt chân ráo tới cơ quan, tôi sững người khi nhận được tin từ một anh bạn cùng công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội trước đây: Nhạc sĩ Thái Cơ đã mất! Cũng giống trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước đó ba năm, nhạc sĩ Thái Cơ đã "nhằm" đúng ngày "cá tháng tư" (ngày nói dối) để vĩnh biệt thế gian. 
Trước đây, trong một bài báo viết về nhạc sĩ Thái Cơ in trên An ninh thế giới Cuối tuần (năm 2001), tôi đã có mấy dòng kết: "Chia tay vợ chồng nhạc sĩ Thái Cơ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi.
Thành phố đã lên đèn và quang cảnh vẫn thơ mộng lung linh như trong ca từ của ông ngày nào, song có lẽ tất cả những điều ấy không thuộc về ông nữa. Vẫn biết, số phận của tác giả và tác phẩm không phải lúc nào cũng đồng nhất, nhưng...". Giờ đây, khi viết những dòng này, không hiểu sao trong tôi dường như vẫn vẹn nguyên cảm giác "bùi ngùi" như vậy...

1 nhận xét:

  1. Những kỷ niệm này thật buồn. Ôi TCS. Ôi Thái Cơ, những NS tôi yêu quý.

    Trả lờiXóa