Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

NHÀ VĂN CHU LAI

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Nhân vật

Nhà văn Chu Lai: Viết, nỗi cơ cực dịu dàng
9:30, 08/02/2013
Hồng Thanh Quang (www.hongthanhquang.vn)
Ảnh: Minh Trí.
Mang tiếng là đại tá ăn lương tướng về hưu và cũng đã ở độ tuổi sắp sửa “cổ lai hy” rồi, ở giai đoạn hiện nay, nhà văn cựu chiến binh Chu Lai vẫn tiếp tục nhịp sống đầy bận bịu của mình. Đến một kẻ vốn tham công tiếc việc như tôi mà khi gặp anh, tận mục sở thị cường độ làm việc của anh, lắm lúc lại chợt nhận ra rằng, mình vẫn là kẻ ham chơi…
Không chỉ lao động cần mẫn bên bàn viết, Chu Lai còn rất chịu khó tham gia các talkshow trên truyền hình, thậm chí anh đã kịp trở thành một gương mặt hot mà các biên tập viên ở các kênh truyền hình khác nhau phải cạnh tranh quyết liệt để có được anh trong chương trình của mình.
Trò chuyện với Chu Lai bao giờ cũng là việc thú vị, chuyện cũ chuyện mới hòa quyện với nhau để luôn luôn tìm ra những ý nghĩa mới mẻ cho cuộc sống thực ra là không có quá nhiều điều mới của chúng ta. Những cuộc trò chuyện sau đây đã được tôi thực hiện ở những thời điểm khác nhau nhưng khi được kết làm một bài viết,  chúng vẫn toát lên sự nồng nhiệt nhất quán vốn có ở nhà văn Chu Lai.
Mắc nợ chiến tranh
- Hồng Thanh Quang: Anh là một người lính đặc công trong chiến tranh, một người lính có thân phận như mọi người lính khác. Vì sao anh lại tới với văn học trong những điều kiện khắc nghiệt quá đỗi của chiến trường thời đó?
- Nhà văn Chu Lai: Không phải tôi tới với văn học mà sự cam go và nỗi cô đơn của chiến cuộc đã đem văn học đến với tôi. Nói rõ hơn, đang học Đại học Quân y, đang là người lính biểu diễn sân khấu, tôi quyết định bỏ ráo trọi để vượt Trường Sơn làm người lính cầm súng cũng một phần vì văn học, vì cái gien văn chương của ông cụ thân sinh truyền cho và cũng vì suy nghĩ muốn cầm bút thì phải lao vào giông bão để chiêm nghiệm và trải nghiệm toàn bộ các cực của cuộc sống. Chết thì thôi, còn sống trở về sẽ cầm bút nối nghiệp cha; phần khác lớn hơn là cái hào khí lịch sử khi nước nhà có biến của ông cha đã thổi tôi đi, ở lại buồn chết, bạn bè, trai tráng đi cả, mình khỏe như vâm ở lại, đến chính cô người yêu Trưng Vương 2 cũng nhìn mình khang khác.
Đó là cái lãng mạn trận mạc nhưng vào đến trận mạc rồi thì té ra cuộc chiến đấu kinh khủng hơn tôi tưởng gấp ngàn lần. Kinh khủng đến nỗi tôi đã phải đưa ra một định nghĩa chiết từ máu: “Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình”. Tức là đơn vị đặc công vùng ven của tôi cứ chừng sáu tháng, một năm lại bị xóa phiên hiệu một lần. Hết quân, cha con còn vài mống lại lếch thếch dắt díu nhau lên rừng già chờ quân bổ sung từ ngoài Bắc vào. Có thể chờ một tháng, hai tháng. Vượn hót, hoẵng kêu, im lặng mênh mang. Chả biết làm gì, thế là bày ra trò viết văn, viết những gì đã trải qua, viết không phải để viết, để được in, mà viết để lấp đầy im lặng, viết để khỏi rơi vào những khoảng tối tuyệt vọng nhất. Viết xong chả biết gửi ai, gửi đi đâu, thế là đành xé đi, hoặc mang về nhét vào thùng đại liên vứt xuống đáy sông Sài Gòn âm ẩm tiếng bìm bịp kêu để làm kỷ vật nếu rủi có ngã xuống. Nói đùa, trong những ngày tháng tơi tả đó, nếu không có cây bút và tệp giấy để hí hoáy thì chưa biết tâm hồn, trí lực của gã lính chiến như tôi sẽ trôi nổi về đâu.     
 - Trong tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” đầy lãng mạn, cái gì nhiều hơn, trải nghiệm cá nhân hay những suy tưởng vượt ra ngoài hiện thực?
 - Có lẽ là cả hai. Nếu chỉ sa vào sự trải nghiệm cá nhân thì tiểu thuyết sẽ rất nặng nề nhưng nếu chỉ thiên về những suy tưởng vượt ra ngoài hiện thực thì lại thiếu độ rung chân thực. Chiến tranh nó đòi hỏi người viết về nó như nó vốn có. Bôi đen hay tô hồng, trần trụi hay viển vông chắc chắn sẽ bị nó lắc đầu. Anh vừa nói đến hai từ lãng mạn? Đúng, nếu những năm tháng đó không có sự lãng mạn thì người lính sẽ không ngóc đầu lên được khỏi bùn và máu đồng đội. Chính cái lãng mạn mang tính khí trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương ấy đã tạo nên sức bền chịu đựng trong những cung bậc chiến tranh nhiều khi con người tưởng như không chịu đựng nổi. 
- Theo cảm nhận của anh, công việc viết văn đã mang lại cho anh những mới mẻ gì trong cuộc sống người lính?
- Mới mẻ ư? Không, cơ cực thì đúng hơn. Biết là cơ cực, biết là cực hơn mọi nghề cơ cực trên đời nhưng không vùng thoát ra được như thể đó là nghiệp chướng, là nỗi đa đoan đã trót mang nợ vào thân. Nhưng để bù lại, anh bỗng có một quyền lực vô biên. Ấy là được tự do điều hành cảm xúc, điều hành nhân vật từ người to nhất đến kẻ bé nhất, muốn cho ai chết thì chết, ai sống thì sống, muốn yêu ai, ghét ai, mặc lòng, thỏa chí tung tăng. Cứ vùi đầu vào trang bản thảo, cái cực sẽ có một vị ngọt rất lạ, lâu dần thành nghiện, thành ám ảnh. Để rồi mỗi khi ghì được người vào bàn là mọi bực dọc, cáu kỉnh, cạn cợt chợt tiêu tan, như được sàng lọc, được cứu rỗi linh hồn. Phải chăng đó cũng là cái mới mẻ, rất mới cho người lính buông cây súng cầm cây bút như tôi, nó cũng là hương vị, là khát khao trong dòng đời trong đục mà nếu không có nó, mình rất dễ bị nhấn chìm.
- Có ý kiến cho rằng, càng lùi xa khỏi thời khắc kết thúc chiến tranh, chúng ta càng có điều kiện nhìn về chiến tranh một cách thỏa đáng hơn. Anh nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Hoàn toàn chính xác. Viết về cái gì cũng cần có độ lùi để chiêm nghiệm, viết về chiến tranh càng cần có độ lùi để mình không sa vào khối sự kiện mù mịt, để không chúi mặt chỉ phản ảnh cái nhìn thấy mà không phản ảnh cái nghĩ đến. Nhiều khi cái nghĩ đến mới là bản chất của văn học. Chỉ viết cái sờ thấy, ngửi thấy, đó là cái công việc của anh thợ ảnh, thợ truyền thần hoặc của người chuyên viết ký sự biên niên, rặt một màu chiến công chiến lệ, hết. Tuy các thể loại này cũng rất cần nhưng có phải đích thị là văn học chưa thì chưa.
- Bản thân anh, sau từng ấy năm rời khỏi cuộc chiến đã từng nhồi đẫm mùi thuốc súng vào tuổi thanh xuân, đã viết được thêm những gì mà những tác phẩm đầu tay của anh, dù rất xuất sắc, vẫn chưa nói hết được?
- Cũng viết được khối thứ, cũng liều mạng  lao vào khối các mảng đề tài nhưng quả thật, viết gì thì viết, kinh tế, đời thường hay tuổi trẻ… hình ảnh người lính, hình ảnh những cánh rừng bom đạn vẫn cứ mặc nhiên xen vào một cách vô thức. Vì thực chất chiến tranh có nhiều chiều kích rất phức tạp và con người cũng có vô vàn sự rối rắm đan xen trong tâm hồn, nếu không cẩn thận anh sẽ mô tả người lính chỉ toàn dàn hàng ngang tiến lên như những chiến binh robot không có tâm hồn, không có nội tâm, không có giằng xé, trăn trở gì cả. Cũng như chỉ thấy ta là hoàn hảo, còn kẻ thù là một đám sinh vật tanh tưởi vứt đi hết. Cho nên nếu tác phẩm đầu tay Nắng đồng bằng như anh nói là rất chi lãng mạn, lãng mạn đến nỗi hai người một nam một nữ nằm chung trong hầm mật nhiều ngày với nhau, cọ xát thân thể nóng bỏng vào nhau mà vẫn không có gì xảy ra thì ở những cuốn sau nó thật hơn, trần trụi hơn, lính hơn, đời hơn, có hy vọng và tuyệt vọng, có can đảm và yếu mềm, có cao thượng và giả trá, có cái tốt nhưng cũng có đầy rẫy những cái xấu, có cả cõi tâm linh và nét tính dục… và hình như chính vì thế mà nó cũng có tác dụng truyền cảm, ấn tượng hơn, như cuốn Ăn mày dĩ vãng. Tôi biết tất cả những ai đi qua đời lính đều ít nhiều tìm thấy mình trong cuốn này. Thế là ổn. 


- Ở giai đoạn hiện nay, anh có nhận thấy ở mình những thay đổi gì trong cách nhìn về chiến tranh?
- Nói gọn một câu nhé: Sự thay đổi đó nằm ở chỗ, nếu trước kia là toàn một màu tươi xanh thấm đẫm chất anh hùng ca thì bây giờ, chất tươi xanh anh hùng đó vẫn còn nhưng bổ sung thêm vào chất bi tráng, nói rõ hơn là chất bi kịch. Mười người ra đi, quá nửa không trở về thì sao lại chỉ gọi nó là sự hoan ca? Tôi hay có một câu này để nói khi gặp đồng đội hay nói trước công chúng: “Đơn vị đặc công của chúng tôi đóng cách Sài Gòn 15 cây số nhưng phải đi hết 10 năm mới đến nơi. Như vậy mỗi năm chỉ đi được một cây số rưỡi, chỉ có điều mỗi cây số rưỡi đó phải để lại hàng chục, hàng trăm xác đồng đội. Vậy, đây là cuộc hành quân trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa thành đô”. Tất nhiên trong đó, cách nhìn về đối phương, về kẻ thù đã có biết bao lần nện vào mặt nhau cũng khác, sâu hơn, thật hơn, thể tất, nhân tình hơn. Tôi được biết qua vài người ở hải ngoại trở về có nói cuốn Khúc bi tráng cuối cùng của tôi viết về chiến dịch Buôn Ma Thuột 75, không ít các tướng lĩnh phía bên kia tìm đọc, còn những người lính cách mạng phía bên này cũng tìm thấy trong đó những ký ức sâu thẳm một thời trận mạc đau thương và cao đẹp của mình.
- Nếu nói một cách nghiêm khắc, trong văn xuôi, hình như chúng ta vẫn chưa có được tác phẩm đúng tầm với quy mô của những hy sinh và hào khí của chiến tranh? Nếu đúng như thế thì anh có thể lý giải được là vì sao không? Vì tài năng của các nhà văn hay vì vận hội của nền văn học ta chưa kịp chín đủ?
- Có lẽ cả hai, cả tài năng và vận hội. Tài năng thì rõ rồi, chưa bao giờ cái câu “Tài hèn chí mọn” nó lại thấm thía vào tận xương tủy các nhà văn viết về đề tài chiến tranh như bây giờ. Phàm đã làm nghề, ai chả khát cháy phổi mong có được những tác phẩm để đời, những tác phẩm xứng với tầm thời đại, với hai cuộc kháng chiến thần thánh nhưng có vẻ như muộn mất rồi, lực bất tòng tâm thật rồi. Thế hệ nhà văn kháng Pháp nhìn qua nhìn lại hầu như đã chả còn một ai, thế hệ kháng Mỹ cũng thưa thoáng đến giật mình mà tầm vóc những tác phẩm kiểu như hoặc gần như Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Bác sĩ Zhivago, Con đường đau khổ, Đội Cận vệ Thanh niên… vẫn chưa thấy lấp lóe ở góc trời nào. Đến ngay cả như tôi, cuối đời định ấp ủ  làm một cú sử thi ôm trọn hết hai cuộc chiến tranh với hàng trăm các số phận thăng trầm, trồi sụt nhưng rồi cuối cùng lại chỉ cho ra được có nhõn mỗi vài trăm trang sách trong Khúc bi tráng cuối cùng nhạt phèo, rỗng roãng. Thế mới biết trong cái nghiệp sáng tạo không phải cứ muốn, cứ hiệu triệu, hô hào cho rõ to, cho thật thống thiết là được. Phải chăng nước Nam mình sau chiến tranh liên tục không ổn định, hết bao cấp lại đến thị trường, hết cái động này sang cái động khác nên các nhà văn chưa lúc nào có thể trở về cõi tĩnh để chiêm nghiệm, để dồn tâm dồn sức cho tầm cỡ tác phẩm, đó là chưa kể cái chuyện cơm áo không đùa với khách thơ, chỉ lo mưu sinh, lo sống được đã mệt phờ râu trê ra rồi, mà ở đời ba cái chuyện mưu sinh sẽ tiêu hủy khát vọng sáng tạo ghê gớm lắm.
Đó cũng là một chiều khác của vận hội. Thực ra chả có ai đem vận hội đến cho mình mà vận hội của nhà văn là nằm ở ngay trong tâm thế lòng mình, nằm trong sự cô đơn và góc phòng cô tịch có tiếng muỗi bay. Tuy nhiên, nếu mảnh đất văn chương lành sạch, quang quẻ, tinh khiết, luôn hơ lửa, truyền cảm xúc cho nhau một cách thấu tình, không có đủ thứ nhá nhem, lộn xộn như đã xảy ra trong thời gian vừa qua và kể cả gần đây thì cũng có thể tạo hơi làm nảy lộc đâm chồi ra được những trang viết lớn. Và như vậy chớ vội đổ thừa rằng do không được tự do ngoáy bút. Không, các nhà văn vẫn được tự do đấy chứ, tự do trong cái có thể, có ai cấm cản đến mức thô bạo nào đâu. Hay chính cái tài, cái lực, cái thiếu một sự nung nấu bền bỉ nó cấm cản mình. Nói sâu thêm nữa, so với thiên hạ, có cảm giác văn học mình chưa có một cái nền vững chắc thì làm sao trên cái nền đó có thể xây được những tòa tháp văn chương rộng dài, khang trang.
- Tôi không nhớ là ai nói, nhưng tôi biết có một nhà văn Xôviết đã từng nói rằng, tác phẩm hay nhất về chiến tranh đôi khi lại sinh ra dưới ngòi bút của một tài năng trẻ chưa từng ngửi mùi thuốc súng. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Chắc ông ấy muốn đề cập đến hiện tượng Liev Tolstoy? Ngọn núi văn chương này sau 50 năm trận Borodino lịch sử mới cho được cuốn Chiến tranh và hòa bình vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Còn ở mình, điều ấy vẫn có thể vì thế hệ trẻ họ sẽ biết nhìn chiến tranh ở một góc độ khác sâu hơn, minh triết và mới mẻ hơn, miễn là phải có được  cái mạch đập sâu xa, thao thiết trong thế giới tâm hồn. Như cái cô nữ văn sĩ gì viết Thiếu nữ đánh cờ vây chẳng hạn. Chưa biết gì về chiến tranh mà viết về chiến tranh thế là quá giỏi, tịnh không có súng đạn ì oàng, bom rơi đạn nổ mà chỉ có thân phận tình yêu và con người bị chiến tranh xé toạc. Nhưng tôi thiết nghĩ, viết về nó, có lẽ vẫn cứ là những người trong cuộc thì sẽ hiệu quả hơn, vì chiến tranh đâu chỉ là chiêm nghiệm, là thông tuệ mà còn là những cảm xúc, chi tiết mà chỉ người trong cuộc mới có. Như thế, nếu ông Liev được sống trong những ngày cuồn cuộn giông bão ấy, cộng thêm về sự minh triết  của mình, biết đâu Chiến tranh và hòa bình sẽ đạt đỉnh cao lộng lẫy hơn nữa.
Nâng niu quá khứ
- Cho tới bây giờ vẫn đang tồn tại định kiến cho rằng, đã là nhà văn, nhà thơ là phải cầu bơ cầu bất, phải cực kỳ khốn khổ khốn nạn về mặt vật chất thì mới có thể viết nên tác phẩm hay của mình được. Thế nhưng, nhìn vào đời sống của nhà văn Chu Lai thì ta thấy cảnh ngược lại. Đó là trường hợp ngoại lệ hay phổ biến?
- Nghĩ rằng là nhà văn thì phải nghèo là một ý niệm cũ kỹ rồi. Văn sĩ không nhất thiết cứ phải là hàn sĩ. Không phải thế! Ở đất nước chuẩn, một người cầm bút chuẩn không thể nghèo. Tất nhiên, cũng ít có ai giàu bật lên từ văn chương, kể cả những người được giải Nobel hay những tác giả sách best-seller…
- Ngoại trừ một số người đặc biệt, như tác giả của “Harry Potter” chẳng hạn...
- Đó là trường hợp hi hữu. Còn nhìn chung, bằng văn chương thì ta có thể sống ổn nếu làm việc cật lực, nhưng cũng chỉ là sống ổn thôi.
- Anh sống ổn chứ?
- Bây giờ thì tôi sống ổn.
- Thực ra để sáng tạo, chúng ta hoàn toàn không cần những cái nóng lạnh về vật chất, mà chỉ cần sự nóng lạnh, cái bất ổn trong tâm hồn, tâm thức của mình thôi. Đau khổ, vật vã trong sáng tạo thì nên, chứ không nên phải đau khổ vì túng bấn sinh hoạt phí… Đó có lẽ mới là nếp sống mà chúng ta cần có…
- Ở đời, xét cho cùng, nghèo thì hèn thật, nhưng nhiều khi giàu còn hèn hơn, bởi khi anh dư dả tiền bạc, anh phải lo sinh lãi. Thật không có gì khổ bằng nếu có một ông nhà văn nào rủng rỉnh tiền nong, đầu tư vào chứng khoán để vui buồn cùng với những sự lên xuống của các cổ phiếu. Theo tôi, nếu sống như thế thì là bi kịch khủng khiếp vì sẽ bị phá nát toàn bộ các ý tưởng văn chương, sân khấu và điện ảnh…
- Bản thân anh có coi mình là một nhà văn giàu không? Anh có đánh giá anh là một nhà văn giàu không?
- Không, tôi nói rồi, tôi chỉ sống ổn thôi. Mà định nghĩa thế nào là sống ổn? Như thế này nhé: Một nhà văn, một con người sống ổn ở thời buổi hiện nay là người, buổi sáng ngủ dậy nghe tiếng bấm chuông, mở cửa ra thấy có 1 thiếp mời dự đám cưới “trị giá” 200 ngàn đồng thì cười nhẹ, chuyện nhỏ, không phải nghĩ! Còn nếu ta nhận được một thiếp mời dự đám cưới vài ba trăm nghìn mà mặt thừ ra nghĩ ngợi, rồi phải bàn với vợ xem làm cách nào đây để khỏi xâm phạm vào khoản lương hưu ít ỏi thì ta chưa phải là người sống ổn… Sống ổn tức là không phải làm nô lệ cho đồng tiền, nhưng cũng không vung vãi nó… Nhìn theo khía cạnh này, có lẽ tôi đang sống ổn…
- Anh có nghĩ rằng chúng ta đã sống tới một giai đoạn mà nếu thực sự tài năng và chăm chỉ lao động thì ta có thể tạo cho mình một đời sống ổn định?
- Đúng, bây giờ chỉ ta lao động nghiêm túc trên những trang văn chứ không cần chạy đua theo thị trường, ta vẫn có thể tạo cho mình một cuộc sống ổn. Với cá nhân tôi chẳng hạn, hệ thống các tác phẩm của tôi đều là những đề tài nghiêm túc. Thậm chí, đã có người còn phê phán rằng, ông này gần như là Bônsêvích quá, tất cả các đề tài đều là cộng sản, đều là người lính, đều là chiến tranh cách mạng; viết về hôm nay, viết về phố phường vẫn là người lính, vẫn là đề tài chính thống. Thế nhưng, tôi vẫn bán sách được, tức là vẫn sống ổn. Và sống ổn rồi thì anh có điều kiện chắt chiu hơn những trang viết, anh không phải chộp giật… Đã có thời kỳ mà chỉ cần một chiếc xe Uoát hay một chiếc xe Toyota đỗ đến đón nhà văn đi là lập tức nảy sinh ra một nền văn học giao thông vận tải, văn học vệ sinh dịch tễ, văn học thủy lợi… Thì họ mời đi thì mình phải viết chứ! Bây giờ, cái thời như thế đã qua rồi. Bây giờ mình phải tĩnh lặng, đào bới trong mình để lấy ra những trang viết. Hoá ra là, với nhà văn, cuộc đi thực tế lớn nhất và vĩ đại nhất là cuộc đi thực tế trong chính bản thân mình.
- Tôi cũng có đọc một bài viết của một nhà văn ở Hải Phòng nói về chuyến đi cùng anh viết theo đơn đặt hàng của một nông trường… Bây giờ, anh nghĩ thế nào về giai đoạn mà anh đã từng phải đi góp phần vào xây dựng những “nền văn học vệ sinh dịch tễ” như thế?
- Không phê phán. Và thậm chí, tôi còn cho rằng cái thời đó cũng rất đáng yêu, bởi dù có đi viết thuê thì mình vẫn kiếm sống bằng ngòi bút, chứ chưa phải đi đào vàng. Nói thật với Hồng Thanh Quang như thế này, ở thời kỳ bao cấp ảm đạm nhất, ông Chu Lai này cũng đã từng xin đi xuất khẩu lao động!
- Thật thế ư? Tại sao anh lại không đi?
- Tôi đã xin đi nhưng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam không cho đi…
- Quân đội luôn trân trọng và ưu ái các văn nghệ sĩ. Không cho anh đi là phải, vì nếu đi chưa chắc chúng ta đã còn lại một nhà văn Chu Lai như hiện nay… Xin hỏi thực, vì sao anh lại muốn xin đi xuất khẩu lao động?
- Nói một cách hơi véo von là như thế này, thời kỳ đó nó phá hủy tâm tưởng văn chương kinh khủng lắm. Thời kỳ đó, âm hưởng chủ đạo buổi sáng của Hà Nội ta là cái tiếng ca nhôm quết trong lòng bể không có nước, cái thời kỳ mà mỗi buổi sáng ra, nhân cách con người được lôi tuột ra ngoài đường “giãy đành đạch” bằng những viên gạch xếp hàng mua từng lạng dầu rán, từng lạng mỡ… Cái thời kỳ mà những người lính như chúng ta nhận bộ quân phục về chưa kịp đưa lên mũi xem mùi hồ thơm hay ngái đã vội lén lút mang ra chợ trời bán lấy một chút tiền bổ sung bữa ăn… Cái thời mà vợ chồng ông Chu Lai từ chiến trường ra, 5 giờ sáng mặt trời chưa lên đã vội lục đá ở tủ lạnh Saratov mang dấm dúi đi, lén lút bán cho hàng giải khát ở đầu phố Hàng Đậu, vì mang bán đá khi mặt trời lên thì cảm thấy nhục… Cái thời kỳ mà một đôi vợ chồng đang yêu nhau mặn nồng mà cô vợ chỉ cần nhỡ tay đánh vỡ một cái phích Rạng Đông 18 đồng thôi thì sáng hôm sau có thể đưa đến cái hiểm họa ly dị… Thời kỳ đó nghiệt ngã về cuộc sống như thế nên mình xin đi xuất khẩu là hợp lý. Lúc đó tôi nghĩ, nếu đi xuất khẩu lao động thì mình vừa có thể có thêm thu nhập nuôi vợ con mà vốn sống mới thì cũng có thêm, sau này về viết cũng chẳng đi đâu mà thiệt…
- Đúng là thời bao cấp chúng ta đã bị bó buộc nhiều về vật chất. Nhưng bây giờ ngồi nhớ lại thì thường có hai tâm trạng. Có người cảm thấy cay đắng vì sao lại khổ đến thế, nhưng như tôi chẳng hạn, tôi lại cảm thấy xúc động vì chúng ta đã sống qua được cái thời khổ cực vật chất như thế mà chúng ta vẫn không ngớt lòng yêu cuộc sống, không bị hư hỏng, không bị trở nên đen tối… Lắm khi chính trong nghèo đói, tình cảm của con người lại càng trở nên bền chắc hơn. Các nhà nghiên cứu mới đây đã rút ra kết luận rằng, những cặp vợ chồng lấy nhau lúc nghèo khổ sẽ bền vững hơn những ai cưới nhau khi đã rủng rỉnh tiền nong… Anh nghĩ như thế nào?
- Một câu hỏi rất thú vị. Đã có câu của các cụ rồi, con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Thời bao cấp là một nhược điểm tất yếu của một giai đoạn lịch sử. Cũng cần nói rằng, khái niệm bao cấp đó trong chiến tranh đã là một “cứu cánh”…
- Một cứu rỗi…
- Đúng, một cứu rỗi vì nếu không có cơ chế bao cấp thì các cánh đồng ở hậu phương khi không còn trai làng sẽ ra sao… Nhưng khi kết thúc chiến tranh rồi mà vẫn kéo quá dài cơ chế bao cấp đó, thì thật tai hại. Nhưng cũng giai đoạn bao cấp đó không cần ta phải “hắt nước đổ đi” vì nó cũng tạo dựng được nhân cách cho rất nhiều cái tài năng, tạo nên rất nhiều ý chí… Đã có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp của xã hội ta, của chúng ta được hình thành trong những năm bao cấp ảm đạm đó…
- Trong các tiểu thuyết của anh, nhất là trong “Phố”, anh đã dựng lại rất nhiều ký ức về thời bao cấp đó…
- Không phê phán và không căm hận. Chúng ta chấp nhận giai đoạn đó như một tất yếu, chấp nhận để vượt lên.
- Nói chung, chúng ta không bao giờ chối bỏ quá khứ của mình, của dân tộc mình, dù như thế nào đi chăng nữa…
- Và phải nâng niu…
- Và đôi khi bây giờ nó qua rồi lại cảm thấy trong lòng dịu dàng mỗi khi nhớ lại...
- Trong cuộc đời người ta hay nhớ về thời khắc khổ đau, thời khắc quằn quại. Đối với chúng ta, thời bao cấp là một hoài niệm đáng nhớ… Cũng như rất nhiều những người lính bây giờ rất nhớ về thời kỳ một bầu một súng trong rừng, thời có nhiều người phải hy sinh nhưng cũng là thời cao đẹp nhất. Thời bao cấp có những chuyện nặng nề nhưng cũng có nhiều kỷ niệm dịu ngọt…
- Năm mới Quý Tị, nếu không sợ xui, anh có thể tiết lộ những dự định văn chương của anh hay không?
- Dự định ư? Sau mười năm cầm súng, bốn mươi năm cầm bút, cũng oải rồi. Lại về già sinh lắm việc, việc phong trào, việc hội hè, việc tư vấn chỗ này chỗ khác, rồi sân khấu, rồi điện ảnh, rồi các gameshow… nên nó nuốt hết thời gian, nó chặt vụn hết cảm xúc. Chắc tới đây cũng dần dần dọn dẹp, gói ghém lại tất cả để lui về góc phòng yên tĩnh của mình mà tiếp tục chiến đấu với thế giới nhân vật khổ mà vui. Trước mắt có hai cái đề tài ruột, đề tài chiến tranh là THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ và NHÀ LAO PHÚ QUỐC nhiều cái ghê gớm lắm, lạ lắm, tài liệu, tư liệu, cảm xúc có hết rồi, nếu sức khỏe và bút lực không xập xệ chắc sẽ trở thành nội dung phải  thực hiện cuối đời trong tinh thần “đã mang cái nghiệp vào thân”. Đó cũng là bổn phận nhưng đó cũng là niềm hạnh phúc âm thầm dịu ngọt.
- Xin cảm ơn anh và chúc anh một năm mới nhiều sự như ý!

  H.T.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét