Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

LÊ KHANH


Mọi tất tả của một ngày thường đầy ồn ào bụi bặm đã lùi lại phía sau, Lê Khanh trở về nhà, lúi húi quét dọn trong căn phòng khách bé bỏng và ấm cúng của gia đình chị, ở một ngõ nhỏ trên con phố lớn Phan Đình Phùng.
Dễ cũng đến 3 năm, sau khi tung váy kiêu hãnh trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ trong vóc hình Minpho phu nhân của vở kịch kinh điển "Âm mưu và tình yêu", Lê Khanh tạm lắng đi, chưa hề tiếp cận thêm với một vai diễn đầy đặn nào nữa. Chị, như muôn vàn người đàn bà đảm đương hai đứa trẻ đang bước vào tuổi "ương ương dở dở", đã tự sắp đặt chuỗi thời gian của mình, chỉ để xoay vòng quanh cái trục ngàn đời, chồng và con và tổ ấm…
1. Hà Nội đắm chìm giữa cái rét lộc tháng 2 âm lịch, phố phường dìu dịu và giăng giăng trong màn mưa bụi mỏng tang kỳ ảo, hỏi thăm nhà Lê Khanh, đã thấy bà Lê Mai chạy ra, đon đả cười và xởi lởi chỉ dẫn. Cô út Lê Vy theo chồng sang Pháp, bà Lê Mai buồn, cho thuê căn nhà xinh xắn trên Phú Thượng, về Phan Đình Phùng sống gần con gái thứ Lê Khanh.
Đại gia đình nổi tiếng giờ mỗi người một nơi, Lê Khanh mủm mỉm, bố Tiến đang một mình bên phố Nguyễn Thái Học cùng con cháu đằng họ Trần. Nói rồi mắt lại nheo nheo, bố Trần Tiến ngoài 70 mới bắt đầu tự lập, ra ở riêng, cũng lúc vui lúc buồn và lúc rảnh chân còn đi đóng phim, vừa xuất hiện trong bộ phim truyện nhựa "Bi, đừng sợ" đang xôn xao dư luận.
Chỉ Lê Khanh là bình thản, gác qua bên nhiều dự án, tạm ngơi đi những ước mơ, thường ngày đi học, đi dạy, đón con chở con, lâu lâu lại tham dự các "event", sự kiện thời thượng thuần PR, giải trí, nơi mà các nhà tổ chức câu kéo sự góp mặt của người nổi tiếng để làm sang và thu hút ống kính máy ảnh của phóng viên báo mạng.
Cách đây mấy ngày, chị, hết sức tình cờ, sải chân trên sàn catwalk của một nhãn hiệu thời trang quốc tế đang chào hàng ở Việt Nam. Đèn phụt tắt, bỗng nhiên bừng sáng, trong quầng lung linh hư ảo của một sân khấu khác lạ, khác rất xa với sân khấu cả đời gắn bó, Lê Khanh hiện ra, xúng xính người mẫu, vẫn đài các, kiêu sa, vẫn gây bất ngờ cùng những trầm trồ thú vị cho cả những người dự khán.

Con gái 16, con trai 14, Lê Khanh nhíu mày, chị và chồng, đạo diễn Phạm Việt Thanh, đành như mặt trăng và trái đất, chịu chung lực hút của mặt trời, không sao cưỡng ra ngoài cái trục ly tâm ấy. Nhà chị nhiều khi hối hả như thời chiến, liên tục phải nối mạch điện thoại, "chim sẻ gọi đại bàng" giữ cho liên lạc thông suốt.
"Bố đón con chưa, mẹ đón con chưa? Bố về chưa, mẹ về chưa?", hai vợ chồng, bận cách mấy, cũng gắng sắp xếp để (ít nhất) có một người ở nhà trông chừng bọn trẻ. Sự phối hợp vợ chồng lúc nào cũng nhịp nhàng để con cái không bao giờ rơi vào cảnh phải vắng cha hoặc vắng mẹ. Đưa con tới trường, Lê Khanh lại sấp ngửa tự đánh xe đi học.
Vượt qua được hết những bộn bề vụn vặt đó, chị thấy nhẹ lòng, thấy mình cũng đảm đang không kém người đàn bà đảm đang nào khác. Hỏi con gái, con giai có thừa hưởng được nhiều trong những đường nét Hà Nội chẳng thể trộn lẫn của mẹ, Lê Khanh lắc đầu, bọn trẻ toàn giống bố.
Lũ trẻ, chả hiểu hãnh diện đến đâu vì được là con của người mẹ ai cũng biết tên biết mặt, nhưng Lê Khanh chỉ cảm nhận một điều, hình như các con thấy phiền, rất ngại cùng mẹ tới những chỗ đông người. Là con của người nổi tiếng, hay bị săm soi để ý, rủi mẹ có việc đến trường, thể nào các bạn cũng ngắm nhìn chỉ trỏ, có khi còn chạy tới xin chữ ký. Những hệ lụy ấy, Lê Khanh bảo, các con chị không thích, bị chuốc vào áp lực của sự mất tự do và nói chung, chúng chả lấy gì làm tự nhiên, thoải mái.
Nhìn các con, nghĩ lại tuổi thơ mình, Lê Khanh quay quắt lòng, đúng như câu các cụ thường nói: Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Hến và Thóc, thông minh nhưng lơ đãng, lắm nỗi mẹ Khanh bực mình, rồi bình thản nghĩ, đành ngậm ngùi mà rằng, cái lơ đãng đấy nghe cũng quen quen, chung quy là chuyện "giỏ nhà ai quai nhà nấy".
Con gái Lam Khê, con trai Gia Khanh, tên Gia Khanh thầy Nguyễn Đình Nghi gợi ý, chắc cũng muốn cậu quý tử có được thiên hướng của mẹ. Các con chớm tuổi teen, ham chơi ham vui như mọi đứa trẻ đang dần lớn, Lê Khanh, dẫu là Nghệ sỹ nhân dân lừng danh thiên hạ, cũng chả thể thoát ra khỏi những tâm tư, những nỗi niềm canh cánh rất đàn bà.
Lo con vượt rào, sợ con trườn dần khỏi vòng tay mẹ, chị lụi cụi, bỏ bớt đi những viên gạch đắp xây sự nghiệp, để chắt chiu từng giây từng phút, ở bên các con nhiều hơn, quan tâm đến các con nhiều hơn, và bao bọc chúng trong tầm mắt luôn luôn chuyển động của người mẹ.
Lê Khanh tạm thời không còn là Lê Khanh của những vai diễn để đời, tạm quên đi những day dứt cho số phận đàn bà trên sân khấu, mà chấp nhận lui lại sau, ẩn mình, làm một người đàn bà đích thực đời thường, sao cho gia đình mãi bình yên và êm ấm.
2. Vừa trông con, vừa học (cao học) vừa kiêm thêm công việc giảng dạy (đại học), một lớp chính quy ngay trong Trường Sân khấu điện ảnh, ngày thường của Lê Khanh luôn không còn những khoảng trắng. Làm chủ nhiệm lớp đào tạo diễn viên, nhiều khi hưng phấn, và cũng do thời gian bó buộc, Lê Khanh thả cửa, rèn vai cho học trò tận đến 12 giờ đêm.
Ngẫu hứng thế, nhưng lạ một điều, sinh viên lại rất chịu cách bắt tay bắt chân truyền nghề vừa sát sao mà lại vừa chi tiết, kỹ lưỡng ấy. Là nữ nghệ sỹ tài năng, và cũng may mắn bậc nhất của sân khấu kịch những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Lê Khanh có trong tay bộ sưu tập vai diễn đáng ao ước.
Chị tự thấy mình là người quá hạnh phúc, vì lúc được trở thành nữ vương cao quý như Lý Chiêu Hoàng, lúc là Nôra sống kiếp đàn bà buồn tẻ trong căn nhà búp bê khô héo, rồi lập tức lại biến hình thành Đan Thiềm cung nữ đau đáu tác phẩm vĩnh hằng…
Những số phận đàn bà đầy ma mị đeo đẳng Lê Khanh, thúc bách chị, khiến ngay cả trong từng phút giây sống, chị cũng khôn nguôi ám ảnh. Lê Khanh chỉ dẫn cho học trò biết cách để, luôn hài lòng với những gì mình có. Nhưng, là nghệ sỹ, chị cũng ý thức, phải tuyệt đối hết mình và chuyên nghiệp, cốt xứng đáng được tận hưởng vị trí tốt nhất trong đời.
Chỉ một vai quần chúng đi ra sân khấu rồi lại đi vào, một vai mà Lê Khanh tự trào, tầm thường hơn cả những vai diễn tầm thường, ai làm cũng được, ai đóng cũng xong, Lê Khanh vẫn quyết tâm biến nó thành nhân vật không thể thiếu trong cả đường dây kịch.
Chị ngẫm nghĩ, thu vén, đầu tư, từ cái quần phíp đen rộng huếch rộng hoác, đến cái áo bà ba thùng thình trùm mông, hay đôi dép rọ nuốt cả bàn chân "gót sen ba tấc", để cuối cùng, chỉ một bà già nhà quê bước ra sân khấu, trong tích tắc, cũng khiến khán giả cười, vỗ tay, nhận ra Lê Khanh và nhớ, và lập tức, cứ phải có sự đi ra giây lát ấy, kịch mới hoàn chỉnh là kịch.
Chị chỉn chu rồi ngấm ngầm vui sướng, tự tán thưởng cho sự nghiệt ngã đến cực đoan trong nghệ thuật của chính mình, và hài lòng vì những chi ly tính toán ấy, đã được ghi nhận, được tưởng thưởng, làm thành những cái gạch đầu dòng nối tiếp nhau, để xác định vị thế và đẳng cấp cho cá nhân nghệ sỹ.    
Vài năm tháng qua, Lê Khanh trầm lắng hơn, lặng lẽ hơn. Chị không sợ gì, chỉ e một sớm mai tỉnh dậy rơi vào trạng thái không còn gì để mơ ước nữa trong đời. Chị lo lắng ngày mình mở mắt ra, hoang mang không biết sẽ phải làm gì, mình liệu có rơi vào thảm cảnh tồn tại một cách vô nghĩa, và chìm dần đi trong sự lãng quên.
Lê Khanh quá tài năng, được tổ sân khấu cho lộc, được nghề khoản đãi hậu hĩnh, nhưng chị, chưa giây phút nào hoang tưởng vào sự không thể đụng đến (cái) vị thế của mình. Chị vẫn mong, Nhà hát Tuổi trẻ qua cơn mê mải với hài, với những giật gấu vá vai làm kế sinh nhai bán vé, sẽ trở về dàn dựng kịch cổ điển, dù rằng, chị hoàn toàn có thể, không còn cơ hội trong các kịch mục nghệ thuật đích thực.
Khanh tiếc hùi hụi, vì Nhà hát kịch Tuổi trẻ, có được vài cô diễn viên đủ đầy thanh sắc, đang hối hả leo lên con dốc gập ghềnh của nghề, bỗng chùn chân, dừng bước, quay đi hướng khác. Mai Huê, người được kỳ vọng để thay thế Lê Khanh, cũng mặt trái xoan và khuôn hình thanh tú, đã cương quyết nói lời giã biệt với sân khấu chọn một con đường khác trong đời.
Chưa khuây khỏa, Lê Khanh lại ngậm ngùi lần nữa, khi Quách Thu Phương, cô gái Mường xinh đẹp, cũng vì những ràng buộc từ phía gia đình, đành rời xa nghệ thuật. Tuổi tác, những vết níu kéo của thời gian khiến Lê Khanh, có đắng lòng quay quắt, cũng chỉ nghĩ về vai nhũ mẫu mà chả bao giờ tơ hào, được (một lần) trở lại làm nàng Juliet ngây thơ, dẫu đấy chính là giấc mộng ngày nào cũng ẩn hiện trong tâm trí chị.
Lê Khanh khó lòng giải thích, tại sao chị lại yêu đến thế nàng Juliet, đắm đuối đến thế cho một nhân vật, một bi kịch tình yêu thời trung cổ, tận thế kỷ XXI này, các thiếu nữ vẫn thổn thức, xốn xang. Chị, trong thân phận người đàn bà đẹp, ý thức được sức mạnh chinh phục, lại thủ một vai diễn đoan trang giữa cuộc đời, chừng mực với mọi điều, chỉ riêng có hết mình với gia đình, với những bổn phận, để tác thành vị thế của một quý bà sang trọng và bí ẩn


  Ngô Hương Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét