Tào Tuyết Cần với tác phẩm Hồng lâu mộng
Tác giả

Tác phẩm:


Nhân vật


Ngôn ngữ

Tác phẩm Hồng lâu mộng gồm 120 hồi do 2 tác giả sáng tác. Tào Tuyết Cần 80 hồi đầu và Cao Ngạc 40 hồi sau.
Tào Tuyết Cần (1716 – 1763?) xuất thân dòng dõi người Hán nhưng nhập
tịch Mãn. Gia đình ông từ đời xưa đã làm quan cho nhà Mãn, vua Khang Hy 5
lần đi kinh lý phương Nam thì đã 4 lần trú tại nhà
ông. Qua đó có thể thấy được cuộc sống hào hoa và mối quan hệ mất
thiết giữa gia đình họ Tào với hoàng thất.
Không những vậy, gia đình ông còn có truyền thống về văn học. Ông nội ông là Tào Dần - là nhà thơ, từ, soạn sách.
Thời niên thiếu, ông sống một cuộc sống sung sướng, nhưng sau đó cha
ông bị cách chức, tịch biên tài sản, cuộc sống khốn khổ bắt đầu, nhà họ
Tào suy tàn nhanh chóng. Ảnh hưởng của giai cấp quý tộc
trong con người ông rất rõ: một mặt ông quyến luyến với những kỷ niệm
và hào quang quá khứ, vì vậy thế giới quan của ông nhuốm màu sắc hư vô
và bi quan. Mặc khác, từ chỗ cực thịnh đến chỗ cực suy,
ông nhận thức được bản chất xấu xa, tội ác của giai cấp thống trị,
chiêm nghiệm sâu sắc hơn về những gì đã trải qua trong quá khứ. Đáng chú
ý là gia đình ông là một hào môn vọng tộc có quan hệ mật
thiết với cung đình nên càng bộc lộ bản chất hủ bại của giai cấp bốc
lột, phản ánh tập trung hơn mâu thuẫn xã hội đương thời. Ông dễ dàng
nhận nhận thấy hoặc cảm nhận sự khúc xạ của những hiện
tượng lịch sử. Tất cả những điều này chuẩn bị sẵn vốn sống dồi dào cho
sáng tác của ông sau này.
Về con người Tào Tuyết Cần, chúng ta chỉ biết rất sơ lược: giỏi thơ,
khéo vẽ, thích rượu, cao ngạo. Lúc viết xong tám mươi mấy hồi, vì ốm đau
không tiện chạy chữa, lại thêm đau khổ vì đứa con yêu
chết yểu, ông từ trần.
Cao Ngạc là người giữ nhiều chức quan lớn trong triều đình Càn Long,
Gia Khánh. Hoàn cảnh khác nhau đó khiến cho tác phẩm tuy về cơ bản không
có dấu vết chắp vá nhưng khuynh hướng tư tưởng có khác.
Cao Ngạc để nhân vật chính là Bảo Ngọc đi thi, đỗ đạt, lấy vợ, có con
trai nối dõi rồi mới đi tu chứ không như dự thảo của Tào Tuyết Cần là bỏ
đi mất tích sau khi tình yêu tan vỡ. Cao Ngạc cũng để
gia đình họ Giả được minh oan, phục chức, cố gắng tô điểm cho bức
tranh xế chiều của hai phủ Vinh, Ninh một màu sắc tươi sáng. Sự đổi thay
này thể hiện kỳ vọng của họ Cao đối với một gia đình vọng
tộc, ý muốn đầy lùi kết thúc bi kịch đang ám ảnh những đứa con trung
thành của chế độ phong kiến

Hồng lâu mộng (giấc mộng lầu son) còn có tên là Thạch đầu ký (Câu chuyện hòn đá), Kim Lăng thập nhị kim thoa
(Mười hai chiếc trâm vàng đất Kim Lăng) là bộ tiểu thuyết
hiện thực vĩ đại xuất hiện vào thời Càn Long (cuối thế kỷ 18). Đây là
tác phẩm có ý nghĩa cắm mốc một giai đoạn văn học vì dung lượng đồ sộ,
sự thành thục trong phương pháp sáng tác, sự âm vang của
những chuyển mình lịch sử mà nó mang đến cho người đọc.
Đầu niên hiệu Gia Khánh, Hồng lâu mộng đa trở nên nổi tiếng khắp cả nước, người ta tranh nhau mua đọc, thậm chí còn có câu “Khai đàm bất thuyết Hồng lâu mộng, độc tận thi thư diệc
uổng nhiên” (Mở đầu câu chuyện mà không nói Hồng lâu mộng thì đọc hết thi thư cũng uổng công).
Hồng lâu mộng không chỉ có giá trị ở văn hay, ở cốt truyện
tình éo le, gay cấn, ở lối miêu tả tinh vi mà còn ở việc đã phản ánh
được một cách trung thực xã hội Trung Hoa hồi thế kỷ 17 –
18, đã nói lên được tiếng nói đau thương của một lớp thanh niên nam nữ
đương thời và vạch ra được chiều hướng tan rã tất yếu của chế độ gia
đình khắc nghiệt của xã hội mục nát đời Mãn Thanh.

TÌM HIỂU VÀI NÉT VỀ TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG
Kết cấu, cốt truyện
Theo sách Lý luận văn học đã định nghĩa: “Kết cấu là sự
tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục tác phẩm, là sự tổ chức,
sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của
tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư
tưởng nhất định”.
Như vậy kết cấu là một phương diện hết sức quan trọng của tác phẩm văn
học, là nhân tố liên kết các nhân vật, các sự kiện, các tình huống. Sự
sắp xếp hợp lí sẽ tạo cho tác phẩm có được sự gắn bó tự
nhiên, nhuần nhị và chứa đựng nội dung tư tưởng theo ý đồ tác giả. Với
tiểu thuyết, một thể loại văn xuôi tự sự, kết cấu có ý nghĩa then chốt
trong sự thành công của nó. Đánh giá về kết cấu của
tiểu thuyết, người đọc sẽ được cung cấp cái nhìn toàn diện hơn khi xem
xét nó.
Hồng lâu mộngcủa Tào Tuyết Cần được viết theo kết cấu chương
hồi, một kết cấu truyền thống phát triển khá rầm rộ dưới thời
Minh-Thanh với các tác phẩm như Tây du ký
của Ngô Thừa Ân, Thủy Hử của Thi Nại Am…
Hồng lâu mộng gồm 120 hồi, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết,
40 hồi sau do Cao Ngạc viết. Mỗi một chương hồi là một sự việc, một hành
động xảy ra trọn vẹn, và tiếp tục các chương hồi sau
là các sự việc, hành động khác. Ví dụ: Hồi thứ 41 là: “Am Lũng Thúy, Bảo Ngọc thưởng trà ngon, Viện Di Hồng, già Lưu say rượu ngủ”,
kể về câu chuyện Bảo Ngọc cùng mọi người ra Am
Lũng Thúy nơi Diệu Ngọc xuất gia để uống trà ngon, và già Lưu say rượu
nên ngủ trên giường của Bảo Ngọc. Tiếp đến hồi 42 với những sự kiện
khác: “Giải mối ngờ, Bảo Thoa ngỏ lời thân thiết, thêm
vui chuyện, Đại Ngọc nói ý xa xôi”. Ta dễ dàng nhận thấy rằng ở
mỗi chương hồi bao giờ cũng có mấy câu đề dẫn mang tính chất tóm tắt nội
dung của chương đó. Lấy hồi thứ 41 làm ví dụ, những sự
kiện nhỏ chủ yếu xoay quanh hai nhân vật Bảo Ngọc và già Lưu. Kết cấu
của Hồng lâu mộng diễn ra theo trình tự phát triển tự nhiên của thời gian, sự việc xảy ra tuần tự từ đầu đến cuối và
không bị đứt quãng như một đường thẳng. Đó cũng là điểm mạnh của tiểu thuyết chương hồi nói chung.
Kết cấu có mối quan hệ đặc biệt với cốt truyện và nhân vật. Ở trong tác phẩm Hồng lâu mộng,
kết cấu là sợi chỉ nối liền các hành động và các nhân vật với nhau.
Hành động của Bảo Ngọc chống
lại chế độ phong kiến được diễn ra theo trình tự và trong mối quan hệ
với các nhân vật khác như Giả Chính, Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa… Ngay từ
đầu chàng đã không chọn công danh sự nghiệp làm mục tiêu
phấn đấu, cho nên xuyên suốt trong tác phẩm ta thường thấy chàng hay
bỏ học, yêu Đại Ngọc xa rời Bảo Thoa . . . chính sự liền mạch trong suy
nghĩ và hành động tạo nên tư tưởng của chàng: căm ghét
chế độ phong kiến, khát vọng tự do.
Một điều đặc biệt của Hồng lâu mộng cũng như các tiểu thuyết
chương hồi khác là sự xuất hiện của chương đầu và chương cuối như một
kiến giải riêng cho tác phẩm, đứng tách riêng ra trong
mạch truyện. Hồi thứ nhất trong tác phẩm là: “Chân Sĩ Ẩn trong mộng ảo biết đá thiêng, Gỉa Vũ Thôn lúc phong trần mơ người đẹp”. Hồi này nêu tóm tắt nguyên nội dung cuốn truyện và dụng ý
của tác giả. Đây là một lối văn ký thác, ẩn ẩn, hiện hiện, một nghệ thuật đặc biệt : “Hồi thứ nhất này là hồi mở đầu cuốn sách. Người làm sách xin nói . . . trong sách chép việc gì? Người
nào?”. Như thế chương đầu thường là lời giới thiệu, thể hiện
nhân sinh quan và đặc điểm nghệ thuật của nhà văn. Chương cuối thứ 120
cũng là lời kết thúc tác phẩm : “Chân Sĩ Ẩn kể rõ
cảnh thái hư, Gỉa Vũ Thôn kết thúc Hồng lâu mộng” tưởng như chẳng ăn nhập gì với toàn bộ cốt truyện nhưng kì thực là sự tổng kết lại toàn bộ tác phẩm: “Téra
toàn là chuyện bày đặt viễn
vông cả. Không những người làm không biết, người chép không biết mà cả
người đọc cũng không biết nữa. Chẳng qua chỉ là thứ văn chương du hý,
để cho thích thú tính tình mà thôi”. Nói như
vậy để chứng tỏ rằng kết cấu còn là cách bố trí, sắp xếp sự xuất hiện
một cách hợp lí các yếu tố ngoài cốt truyện. Người ta còn gọi kết cấu
này là kết cấu đầu cuối tương ứng.
Một điều đáng bàn trong kết cấu tiểu thuyết này là ở phần kết thúc tác
phẩm. Nếu tiểu thuyết chương hồi nói riêng và tiểu thuyết cổ điển Trung
Quốc nói chung thường chuộng kết thúc có hậu, cái
thiện sẽ luôn chiến thắng, cái ác bị trừng phạt, tài tử giai nhân
tương phùng sau bao sóng gió thì đến Hồng lâu mộng, Tào Tuyết
Cần lựa chọn một kết thúc không có hậu: Lâm Đại Ngọc uất ức
quá thổ huyết mà chết, Giả Bảo Ngọc đi tu. Phá vỡ kết cấu truyền
thống, tiểu thuyết đã mở ra hướng giải quyết mới cũng như cách nhìn khác
về cuộc sống của nhà văn.


Kết cấu, cốt truyện của Hồng lâu mộng còn có đặc điểm khác
biệt riêng so với các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Nếu các tiểu
thuyết chương hồi khác bàn về anh hùng hay những câu chuyện
hoang đường kì lạ, hay những chuyện tình yêu lâm li bi đát… thì Hồng lâu mộng
nghiêng về cuộc sống thường nhật. Do một văn nhân sáng tác, tác phẩm đề
cập đến vấn đề hết sức trọng đại, đó
là tư tưởng dân chủ ban đầu, sự hưng vong của một gia tộc điển hình
cho sự hưng vong của một giai cấp. Một truyện của đời nay, của cuộc sống
hằng ngày, không còn sự phân tuyến thiện ác, chính tà rõ
ràng nữa mà là những con người thục với đầy đủ tính cách và cung bậc
cảm xúc. Cuộc sống hàng ngày luôn hiện ra là nguyên nhân cho những mâu
thuẫn, xung đột tồn tại và phát triển, câu chuyện đang
diễn biến, tính cách nhân vật đang lộ dần. Những sự kiện tựa như những
cơn sóng lớn: trích đoạn Giả Bảo Ngọc bị đòn, đoạn Nguyên Xuân về thăm
nhà… đến những suy nghĩ rất mơ hồ của Bảo Ngọc : “Ở
gần cô chị thì quên mất cô em” là kết quả của sự phát triển tự
nhiên trong cuộc sống hằng ngày, là biểu hiện tập trung của mâu thuẫn và
ý nghĩa cuộc sống. Mỗi tình tiết, chương hồi thay đổi,
phát triển là một dòng nước chảy xuôi khó thấy sự đứt gãy, chắp vá.
Cuộc sống là một chỉnh thể không tách rời được. Đằng sau những sự việc
rối rắm, đan xen, chồng chéo nhau đều có ngọn nguồn và
những mạch ngầm riêng. Suy nghĩ và dẫn đến hành động, hành động sau là
kết quả của hành động trước… Tào Tuyết Cần có tài thâu tóm được đời
sống bao la, muôn vẻ, rồi triển khai tuần tự, hài hòa mà
chẳng hề làm gián đoạn, mất mát. Ta hầu như khó có thể rút được
chương, đoạn nào của cuốn sách mà không làm tổn hại đến toàn bộ tác
phẩm. Dưới ngòi bút của ông, các tình tiết, các mẩu chuyện đều
được biến thành những bộ phận phức tạp của một chỉnh thể, chúng đan
cài vào nhau, ẩn hiện trong tác phẩm. Đồng thời những tình tiết và nhân
vật đó không ngừng được mở rộng ra, làm phong phú thêm và
vận động theo một xu hướng chung.
Lấy cuộc sống hằng ngày làm đối tượng miêu tả, các nhân vật, tình tiết
được Tào Tuyết Cần xây dựng nên như những gì có thực ngoài đời. Trong
thế giới ấy, nhân vật vừa là một cá thể độc lập rất
riêng biệt nhưng cũng mang nét chung cho kiểu người. Tính chương hồi
trong kết cấu không còn là một trở lực, mà mang một điểm nhấn riêng.
Tiểu thuyết vừa có tính cổ điển trong tiểu thuyết chương
hồi, đồng thời xuất hiện sự phá vỡ kết cấu truyền thống bằng việc viết
lại câu chuyện đời thường.

Cũng giống như các tác phẩm có cốt truyện thuộc dòng văn xuôi tự sự
(theo quan niệm truyền thống) như truyện vừa, truyện ngắn, nhân vật
trong tiểu thuyết có một vai trò, vị trí, và ý nghĩa đặc biệt
quan trọng. Đó là hạt nhân của sự sáng tác, là trọng điểm để nhà văn
lý giải tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội. Nhân vật tiểu thuyết có
thể chỉ là sự hóa thân là hình bóng, là mộng tưởng của
chính tác giả như trong tiểu thuyết lãng mạn; cũng có thể được xây
dựng từ những nguyên mẫu của đời sống kết hợp với những năng lực tổng
hợp và sáng tạo của nhà văn như trong tiểu thuyết hiên thực.
Nhân vật có thể là nạn nhân của một bối cảnh xã hội, cũng có thể được
coi là chủ nhân của lịch sử đủ khả năng làm chủ vận mệnh của mình… Điều
quan trọng là nhân vật ấy phải là điểm xuất phát và
trung tâm của sự mô tả nghệ thuật.
Như nhà văn Tô Hoài đã từng cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trunghết thảy trong một sáng tác”.
Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác
phẩm mà còn
là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Thành bại của
một đời văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân
vật. Và với tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần,
một tác phẩm được xếp vào hạng một trong Tứ đại kì thư của
Trung Hoa thì nghệ thuật xây dựng nhân vật của nó đạt đến đỉnh điểm mà
hiếm có tác phẩm nào đạt được trong giai đoạn văn học thời
Minh-Thanh và cả trước đây. Thế giới nhân vật của Hồng lâu mộng phong phú về tính cách, ngoại hình, cũng như phản ánh chân thực thế giới nội tâm của nhân vật.
Tiểu thuyết Hồng lâu mộng có một khối lượng nhân vật khổng
lồ. Nhân vật nam là 235, nhân vật nữ là 213, tổng cộng là 448 nhân vật,
đủ mọi tầng lớp, từ vương phi cung cấm đến những kẻ quyền
thế, công tử tiểu thư khuê các, cho đến cả những người thuộc tầng lớp
hạ lưu đều xoay quanh gia đình họ Giả.
Và Hồng lâu mộng không những đã đưa lại một nội dung mang ý
nghĩa thời đại mà nó còn làm được một việc vĩ đại đó là đổi mới thi pháp
tiểu thuyết Trung Quốc. Lỗ Tấn nói: “Từ khi
Hồng lâu mộngra đời, tư tưởng và cách viết truyền thống đã bị phá vỡ”. Nếu như trước đây thể loại tiểu thuyết chương hồi từng gặp trong Thủy Hử hay Tây Du Ký chỉ tập
trung vào hành động, hoạt động bề ngoài hay lối nói của nhân vật thì chuyển sang Hồng lâu mộng, vẫn là tiểu thuyết chương hồi, nhưng đã phản ánh được những cái nhìn mới về con người, đã
miêu tả được tâm lý nhân vật với xúc cảm đầy tính nhân văn của tác giả.
Xét ở góc độ kết cấu-cốt truyện trong Hồng lâu mộng thì ta có thể nhận thấy 3 loại nhân vật đó là nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm.
Nhân vật giữ vai trò then chốt, xuất hiện nhiều trong tác phẩm, là
nhân vật chính, hành động chính của tác phẩm. Nhân vật chính thường được
khắc họa tương đối đầy đủ trên các mặt ngoại hình, nội
tâm, tính cách, quá trình phát triển. Với những đặc điểm này thì trong
tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng có 3 nhân vật chính là Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại
Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Trong đó, Bảo Ngọc và Đại Ngọc
là hai nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Trong Hồng lâu mộng, tác giả đã xây dựng được rất thành công
hình tượng của ba nhân vật chính là Gỉa Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và, đối
lập với họ, tác giả còn sáng tạo một hình tượng nhân vật
có ý nghĩa điển hình rất cao là Tiết Bảo Thoa. Qua việc khắc họa tính
cách ba nhân vật này, cùng quan hệ yêu đương phức tạp của họ, Tào Tuyết
Cần còn phơi bày ra những mối xung đột, mâu thuẫn mang
nhiều ý nghĩa xã hội.
Giả Bảo Ngọc là nhân vật được tác giả tập trung bút lực và gửi gắm vào
đó nhiều tâm huyết nhất và cũng là nhân vật xuyên suốt cuốn tiểu
thuyết. Điểm nổi bật nhất ở nhân vật này là trước sau anh ta
vẫn hành động ngoài vòng quy định của đạo đức tinh thần phong kiến.
Anh ta chống lại khoa cử, không muốn đi con đường “ra làm quan trị nước” theo lối sống phong kiến. Cái gọi là “hành
vi lạđời, tính tình ngang bướng” trở thành đặc trưng tính cách
của Bảo Ngọc. Nhưng chính vì thế mà tính cách của anh ta càng nổi bật và
khó lòng lẫn lộn với những nhân vật khác.
Xuất thân từ một gia đình “chung minh đích thực, thế phiệt trâm anh”,
Giả Bảo Ngọc cũng sống cuộc đời sung túc của giai cấp bóc lột như tất
cả các ông chủ phong kiến trong phủ Vinh quốc.
Do đó con người anh ta hằn sâu những dấu ấn giai cấp không xóa nhòa
được. Tuy nhiên trong con người của Bảo Ngọc luôn muốn thoát ra khỏi
cuộc sống hiên tại, thoát ra khỏi bờ tường vây quanh phủ
Vinh quốc, đó cũng chính là hàng rào sắt bao bọc lấy anh ta. Bởi vậy,
Bảo Ngọc thường oán than về cảnh sống của mình: “Ta chỉ hận cả ngày
bị nhốt trong nhà, không được một chút tự chủ, làm gì
người ta cũng biết hết, không người này khuyên thì kẻ khác ngăn. Chỉ
được nói chứ chẳng được làm, tuy có tiền, nhưng chẳng được tiêu”. Anh ta còn tự giận mình “sinh ra ở chốn công hầu mà
không sinh vào nhà nho quan kiết”.
Giả Bảo Ngọc được sự cưng chiều của gia đình mà nhất là Gỉa Mẫu hết
mực yêu thương và chiều chuộng, vì thế mà phần nào lơi lỏng sự đè nén
đối với Bảo Ngọc, đồng thời cũng tạo cho Bảo Ngọc một thói
quen sinh hoạt đặc biệt “chung lộn trong chốn màn the”.
Vì “chung lộn trong chốn màn the” nên Giả Bảo có cơ
hội “trốn học”, không buộc phải ngoan ngoãn tiếp thu nền giáo dục phong
kiến nghiêm khắc và mặc dù là con trai vẫn được sống
ngoại lệ trong vườn Đại Quan, là nơi toàn đàn bà con gái.
Trong phủ Vinh quốc thối tha bẩn thỉu, khu vườn này tương đối sạch sẽ.
Bảo Ngọc ngày lại qua ngày sống ở đây, nên anh ta thấy
những cô thiếu nữ bị thế lực phong kiến đè nén đó càng đẹp và càng
đáng yêu. Nói như Bảo Ngọc thì: “Xương thịt con gái là nước kết thành, xương thịt con trai là bùn kết thành. Ta trông thấy con
gái thì thoải mái, thanh thản, thấy con trai như nhiễm hơi dơ bẩn kinh người”.

Giả Bảo Ngọc vừa là nhân vật chính vừa là nhân vật trung tâm trong tác
phẩm chính vì thế nhân vật này đã được tác giả miêu tả số phận và tính
cách không đơn giản. Do hạn chế của thời đại và giai
cấp lúc bấy giờ mà Giả Bảo Ngọc chưa thực sự thoát ra khỏi tư tưởng
thống trị phong kiến, trong con người chàng còn chịu nhiều ảnh hưởng của
ý thức tư tưởng và xã hội cũ.
Số phận và tính cách không đơn giản của Giả Bảo Ngọc còn thể hiện ở
mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và
xã hội phong kiến. Đó là tình yêu chân thành và quý báu
dành cho Đại Ngọc như chính sinh mệnh của Bảo Ngọc nhưng Bảo Ngọc đã
không vượt qua được rào cản của gia đình cũng chính là rào cản của xã
hội phong kiến đã ngăn cản tình yêu của mình.
Sau cái chết của Lâm Đại Ngọc lại vấp phải những mâu thuẫn nghiệt ngã của thời đại, Bảo Ngọc sinh ra mắc chứng “ngây”, cứ cười hì hì suốt ngày. Điều đó càng đẩy sâu anh ta vào bi
kịch. Cuối cùng giải pháp “đi tu” đã được Bảo Ngọc
chọn lựa. Đi thi và thi đỗ cao để an ủi gia đình, rồi bỏ trốn đi tu. Giả
Bảo Ngọc đã đi hết sự phát triển tính cách một
cách hợp lí và đó cũng chính là số phận của anh ta.
Bên cạnh Giả Bảo Ngọc thì Lâm Đại Ngọc cũng là nhân vật chính và là nhân vật trung tâm trong tác phẩm.
Lâm Đại Ngọc cũng là một hình tượng phản nghịch của chế độ phong kiến. Nàng xuất thân trong một gia đình “hư hương mônđệ”, “đời đời tước hầu”.
Vì cha mẹ mất sớm, nàng đến ở nhờ trong phủ
Giả lâu dài với tư cách là người thân. Cuộc sống “ăn nhờ ở đậu” ở nhà
người đã để lại nỗi đau xót trong sâu thẳm tâm hồn nàng. Nàng không chịu
tuân theo số mệnh nhưng không làm sao thoát ra khỏi số
mệnh. Vì thế, nàng thường than thân trách phận, cám cảnh cho thân
mình.“Đa sầu, đa cảm” đã trở thành nét đặc trưng trong tích cách và khóc lóc cũng trở thành chuyện thường nhật trong cuộc
sống của nàng.
Vì Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc sống với nhau từ nhỏ, “vai kề má áp” nên tình cảm ngày càng sâu nặng và họ đã trở thành đôi tình nhân sống chết có nhau. Nàng yêu Giả Bảo Ngọc nhưng do thân
phận của nàng, mỗi khi Giả Bảo Ngọc ngỏ lời là nàng lại giận hờn, buồn tủi, làm ra vẻ cự tuyệt… “ Bảo Ngọc cườinói: - Tôi là người nhiều sầu, nhiều bệnh, cô là trang nghiêng nước,
nghiêngthành”. Lâm Đại Ngọc nghe thấy câu ấy, mặt và tai đỏ bừng
lên, lập tức dựng ngược lông mày, như cau lại nhưng không phải là cau,
trố hai con mắt, như trợn mà không phải trợn. Má đào nổi
giận, mặt phấn ngậm hờn, trỏ vào mặt Gỉa Bảo Ngọc: “- Anh nói bậy, muốn chết đấy! Dám đem những lới lẳng lơ suồng sã lăng nhăng để khinh nhờn tôi! Tôi về mách cậu mợ đấy”. Không một nét
giả dối, nàng là một nhân vật đã hiện ra với chiều sâu tâm lí đa dạng, được bộc lộ qua tình yêu, qua những quan hệ khác.
Điều đặc biệt quan trọng làm cho tình cảm của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại
Ngọc càng gắn bó và trở thành một đôi không thể xa nhau vì ở họ có cùng
tư tưởng, họ đều là những con người chống lại những qui
định khắt khe và cổ hủ của lễ giáo phong kiến. Lâm Đại Ngọc không bao
giờ khuyên Giả Bảo ngọc đi thi để lập công danh như Tiết Bảo thoa. Họ
thích và khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc trong tình
yêu nhưng chính xã hội phong kiến đã không cho họ cái quyền giản đơn
đó.
Khi nghe nói Giả Bảo Ngọc sắp lấy vợ và người được chọn sẽ là người
trong phủ thì Lâm Đại Ngọc nghĩ chắc người đó sẽ là mình. Chứa chan hi
vọng, từ đau buồn và tuyệt vọng trong ốm đau, nàng
trở lại sống linh hoạt, tươi đẹp… Ai ngờ đó lại là giây phút nàng cận
kề cái chết nhất. Vào thời điểm cuối cùng quyết định nhân duyên của Bảo
Ngọc, thì Giả Mẫu và Vương phu nhân bèn theo cái
“kì mưu” của Phượng Thư, dùng quỷ kế “đánh tráo”,
cưới vụng Tiết Bảo Thoa cho Bảo Ngọc. Chính những thế lực phong kiến ấy
là nguyên nhân phá hoại tình yêu của Lâm Đại Ngọc và cũng
hủy hoại luôn sinh mệnh của nàng.
Tiết Bảo Thoa cũng là một nhân vật chính được Tào Tuyết Cần sáng tạo nên bằng những đường nét gọt đẽo tinh vi.
Nhân vật Tiết Bảo Thoa là một tính cách gần như đối nghịch với Lâm Đại
Ngọc, Giả Bảo Ngọc. Tiết Bảo Thoa không bộc lộ những tình cảm chân thực
của mình một cách hoàn toàn như Lâm Đại Ngọc, mà tất
cả thường được nàng cân nhắc đắn đo. Nàng lúc nào cũng “an phận tùy thời”, “giả ngu giả dại”,
nhất cử nhất động đều tỏ ra rất mực đoan trang hiền thục. Nói cách
khác, Tiết Bảo Thoa là một
nhân vật nữ lí tính. Nàng còn ít tuổi mà đầy bản lĩnh, ở nàng tất cả
đều đúng mực, hợp lí, nàng là hiện thân của nguyên lí đạo đức phong
kiến. Bao giờ nàng cũng là một người con gái sống cho gia
đình, sống cho ý định của người khác và ý định đó luôn được nàng chấn
nhận vì đó cũng chính là ý của nàng. Sự hòa hợp của nàng và gia pháp
phong kiến là điều hoàn toàn tự nguyện. Với Giả Bảo Ngọc,
một người không yêu nàng, nhưng theo sự sắp đặt của bề trên, nàng đã
lấy Giả Bảo Ngọc không một chút tự ái và đã làm tròn bổn phận của người
vợ. Nếu nói “bản chất” và “bản lĩnh”
giai cấp thì quả nàng là hiện thân của giai cấp. Khi con hầu Kim Xuyến
nhảy xuống giếng tự tử, Vương phu nhân cảm thấy lương tâm cắn rứt,
nhưng nàng thì không, nàng tươi cười, an ủi đổ lỗi cho Kim
Xuyến và nói: “Dì cũng chẳng nên lo lắng buồn bã làm gì, chỉ cần cho vài lạng bạc làm ma cho nó là trọn tình chủ tớ rồi”.
Suy cho cùng, Tiết Bảo Thoa là một thiếu nữ còn chưa ra khỏi chốn
phòng khuê, cho nên ở nàng cũng vẫn giữ được một vài điểm chưa bị tiêm
nhiễm “nộc độc” của chủ nghĩa phong kiến. Sống chung, tiếp
xúc mãi với Giả Bảo Ngọc, rốt cuộc ở nàng cũng nảy nở một tình yêu
trái với lễ giáo phong kiến. Nhưng tình yêu của nàng không dám phá vỡ sự
ràng buộc kiên cố của quan niệm phong kiến và cũng không
bộc lộ ra như Lâm Đại Ngọc, nó luôn bị che giấu, kìm nén trong lòng.
Điều quan trọng là thái độ căm ghét của Gỉa Bảo Ngọc đối với lối sống
phong kiến “làm quan trị nước” không thể không
xung đột với nàng về mặt tư tưởng. Điều đó đưa đến mâu thuẫn trong
tình yêu của nàng đối với Giả Bảo Ngọc, quan hệ của nàng với Giả Bảo
Ngọc “như gần như xa”. Rốt cuộc tuy nàng và Bảo Ngọc
thành vợ chồng nhưng không được hưởng hạnh phúc của tình yêu, cuối
cùng nàng cũng trở thành một nhân vật bi kịch. Bi kịch của nàng là bi
kịch của một người trung thành với đạo đức phong kiến.
Bên cạnh việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật chính và nhân
vật trung tâm trong Hồng Lâu Mộng thì Tào Tuyết Cần cũng thành công
trong việc xây dựng hình tượng các nhân vật phụ. Gọi là nhân
vật phụ là vì nhân vật giữ “vaitrò phụ”. Nó là nhân vật phụ trợ, có tính chất bổ sung nhưng không thể thiếu. Điều đáng chú ý ở đây là trong Hồng Lâu Mộng,
tác giả miêu tả nhiều
nhất là phụ nữ. Họ giống nhau hoặc na ná như nhau về độ tuổi, hoàn
cảnh sống, cách sống… Những nhân vật đó được tác giả dựng nên thật sinh
động, có máu thịt, có cá tính rõ nét. Tào Tuyết Cần không
những có thể miêu tả được hết sức rõ ràng cá tính của từng người, mà
đến cả những tích cách gần giống nhau, chỉ khác ở những nét đặc trưng
hết sức tinh tế, cũng được ông khắc họa rõ ràng tỉ mỉ. Ví
dụ tính ôn hòa, nhân hậu, dịu dàng của Bình Nhi khác với tính ôn hòa,
nhân hậu, dịu dàng của Tập Nhân; tính phóng khoáng bộc trực của Sử Tương
Vân khác với tính phóng khoáng bộc trực của chị ba
Vưu… Quả là “ mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”! Chính vì vậy, Hồng lâu mộng còn có lúc được người ta gọi là Thập nhị kim thoa!
Và bên cạnh đó còn là một thế giới nhân vật phụ đại diện cho tầng lớp
phong kiến như Giả mẫu, Giả Kiến, Giả Chính, Hình Phu nhân… mỗi người là
một tính cách nhưng đều đại diện cho giai cấp phong
kiến với những chế độ cổ hủ, lạc hậu và lúc nào cũng lo cho địa vị của
mình.
Tóm lại, Hồng lâu mộng nhìn nhận con người trong sự phát
triển đầy mâu thuẫn với những sự phát triển đầy tính biện chứng, có
chiều sâu và có kịch tính. Chỉ cần soi vào hai nhân vât chính
và trung tâm của tác phẩm: Bảo Ngọc và Đại Ngọc cũng đủ thấy tấn bi
kịch của họ được thể hiện với những nút thắt, mở có cao trào và có điểm
dừng. Riêng về mặt tâm lí nhân vật thì Hồng Lâu Mộng có
thể sánh ngang với những tiểu thuyết hiện đại mà thậm chí nhiều tiểu
thuyết ngày nay khó lòng đạt được.

Không phải tự dưng những người Trung Quốc đời sau lại suy tôn Hồng lâu mộng như là khởi đầu của một tư tưởng và cách viết mới. Có thể nói những gì mà Tào Tuyết Cần thể hiện trong tác phẩm
của mình xứng đáng để đưa Hồng lâu mộng lên ngang tầm những tiểu thuyết vĩ đại của Trung Quốc và của cả thế giới.
Tác phẩm Hồng lâu mộng mang những đặc trưng của tiểu thuyết
chương hồi cổ điển Trung Quốc, thế nhưng không chỉ dừng lại ở mức kế
thừa, Tào Tuyết Cần còn đưa vào trang văn mình những cái
mới, những nét sáng tạo hay và đặc sắc. Đó là về cách xây dựng nhân
vật, về kết cấu tác phẩm… và một phần quan trọng không thể không kể đến
đó chính là ngôn ngữ trong tác phẩm.
Ngôn ngữ chính là chất liệu để nhà văn sản sinh ra những đứa con tinh
thần của mình. Người đọc tiếp xúc với trang văn đồng nghĩa với việc họ
đang tiếp xúc với những con chữ trên trang văn đó. Và
các nhà văn, các nhà viết tiểu thuyết bằng tài năng của mình có thể
làm cho những con chữ đó là những “xác ép khô”, bị bụi thời gian phủ mờ
hay là những con chữ biết “ngọ nguậy”, đồng hành với bạn
đọc đi qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Tào Tuyết Cần có thể nói là nhà văn nằm trong nhóm thứ hai, ông đã
khẳng định được tên tuổi của mình qua những đặc sắc về ngôn ngữ thể hiện
trong tác phẩm Hồng lâu mộng.
Tiểu thuyết Hồng lâu mộng được viết bằng tiếng Bắc Kinh thuần
túy. Tác giả đã bỏ nhiều công sức lưạ chọn, trau chuốt nên nó không
nặng về thổ âm mà là những ngôn ngữ phổ thông lưu loát,
uyển chuyển và đẹp đẽ. Ngôn ngữ trong tác phẩm Hồng lâu mộng điêu luyện, giàu sức biểu hiện và cũng rất tự nhiên, bình dị, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, rất “đẹp” và cũng rất
“thật”.
Trong Hồng lâu mộng những lời thuyết lý, dẫn giải của người
kể chuyện rất ít xuất hiện mà tràn ngập tác phẩm là ngôn ngữ nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật đa dạng, phong phú, thay đổi luôn luôn.
Những lời lẽ hoặc dài hoặc ngắn, hoặc thanh hoặc thô đều phù hợp với
địa vị, trình độ học vấn, tính tình, tâm trạng… của từng nhân vật, qua
đó mà người đọc có thể tưởng tượng ra từng nhân vật với
lời nói, nét mặt, cử chỉ và hành động riêng khác nhau.
Có thể nói rằng tài năng đáng khâm phục của Tào Tuyết Cần không phải
chỉ là ở cách biết viết nên những con chữ giàu sức gợi, cũng không chỉ
là khả năng biết tái hiện một cách khách quan lời nói của
nhân vật độc đáo về cả tính tình, mà quan trọng nữa, một trong những
điều làm nên thành công của Hồng lâu mộng, chính là cách tác
giả sắp xếp một cách hợp lý những mẫu đối thoại của nhân
vật, làm sao qua đó nhân vật có thể bộc lộ được tính cách và từ đó làm
trái tim người đọc rung lên những tiếng nói ca thán, phẫn nộ hay xót
thương sâu sắc.
Đối thoại chính là sự giao thoa, cộng hưởng hay là sự xen lẫn giữa các
câu đối đáp của các nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại chính là điều kiện cần
có tạo nên sự “kết dính” của các nhân vật. Bởi có tâm
sự, có nói chuyện họ mới hiểu nhau, mới biết về nhau được.
Tác giả Tào Tuyết Cần có thể nói rất giỏi “cá tính hóa” ngôn ngữ nhân
vật. Cùng một chất liệu ngôn ngữ nhưng bằng các cách diễn đạt khác nhau,
bằng những cách “nhào nặn” khác nhau ông đã làm cho
lời nói từng người khác nhau, làm toát lên được tính cách bề ngoài của
họ.
Lâm Đại Ngọc, một thiếu nữ thông minh, có tính tình thẳng thắn, bộ
trực; nàng thường nghĩ sao nói vậy, không suy nghĩ trước sau. Những lời
nàng thốt lên nhiều lúc chua cay, sắc lạnh nên có lúc
không tránh khỏi việc làm mất lòng người khác và làm Giả Bảo Ngọc phải
buồn bã, nghĩ suy. Theo như lời nhận xét của Tiết Bảo Thoa thì Lâm Đại
Ngọc là một người có miệng lưỡi quỷ quái: “ Nó dùng
lối bút pháp kinh Xuân Thu, nhặt những tiếng tục ở nơi đầu đường xó
chợ, rút ra những lời chủ chốt, bớt chỗ rườm rà, rồi tô điểm thêm lên,
nên nói câu nào ra câu đấy”. Tiết Bảo Thoa lại được
Tào Tuyết Cần xây dựng khác với Đại Ngọc không chỉ đơn giản về ngoại
hình mà cả về cách suy nghĩ và lối ăn nói hàng ngày. Nàng giao thiệp,
ứng xử với mọi người xung quanh rất khôn khéo, hầu như
không mất lòng ai. Còn Bảo Ngọc, nhân vật chính của truyện, cũng được
Tào Tuyết Cần xây dựng không kém phần độc đáo. Bảo Ngọc không phải là
kiểu người đàn ông oai nghiêm, đường vệ, thích hô hào,
ham công danh… Chàng có những triết lý, quan niệm sống của riêng mình,
không giống với bất kỳ người nào. Nghe những lời dạy dỗ của chàng với
Giả Hoàn ta sẽ thấy điều đó: “Chỗ này không thích
thì mày đi chơi chỗ khác. Cái này mày không thích thì đã có cái kia.
Tội gì mày cứ khư khư giữ mãi cái ấy? Khóc liệu ăn thua gì? Chơi cốt lấy
vui mà lại hóa ra chuốc lấy cái buồn?”. Và Phượng
Thư, có thể nói là nhân vật “đời nhất” qua ngòi bút xây dựng của Tào
Tuyết Cần. Trong con người nàng dường như là sự hỗn hợp, hội tụ giữa
“chính” và “tà”. Lúc thì nàng dùng lời lẽ ngon ngọt để dỗ
dành người khác, khi thì nàng hết sức yêu chiều chồng, kể cho chồng
nghe những vất vả, lo toan của mình. Nhưng bên cạnh đó, có lúc nàng lại
coi trời bằng vung, hiếp đáp những kẻ yếu đuối, thực hiện
mọi cách nhằm thỏa mãn ý đồ của mình.
Qua ngôn ngữ đối thoại của Tào Tuyết Cần, dường như tất cả các nhân vật đều hiện lên rất sinh động và có hồn.
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, có thể nói rằng, ngôn ngữ độc thoại nội
tâm của nhân vật cũng đóng một vai trò không nhỏ vào sự thành công về
mặt ngôn ngữ trong tác phẩm Hồng lâu mộng.
Nếu như ngôn ngữ đối thoại là những gì biểu hiện ra bề ngoài thì ngôn
ngữ độc thoại chính là ngôn ngữ mà nhân vật tự nói bằng lời của mình với
mình, những gì sâu kín bộc lộ bên trong tâm hồn nhân
vật. Có những khi cái “bên ngoài” và cái “bên trong” biểu hiện nhất
quán với nhau nhưng cũng có lúc chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Mạnh mẽ
hay yếu đuối, gian ngoa, xảo quyệt hay hiền lành, đoan
chính, xấu hay tốt, thiện hay ác… Mọi thứ dường như lúc nào cũng nhập
nhằng, khó phân định ranh giới.
Chính những dòng độc thoại nội tâm đã góp phần bổ sung không thể thiếu
được trong việc đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện, chân thực và
sâu sắc nhất về tính cách của từng nhân vật.
Theo dòng độc thoại nội tâm, người đọc như bị cuốn vào những mưu mô,
toan tính, những suy nghĩ, tâm sự thầm kín của từng nhân vật.
Tiết Bảo Thoa, một thiếu nữ thông minh, khôn khéo, biết cách “tùy thời
ứng xử”. Nàng biết cách xử lý mọi chuyện sao cho không liên lụy gì đến
mình. Tính cách này chắc hẳn không phải do tự nhiên,
bẩm sinh mà mà để được lòng tất cả mọi người rõ ràng trong tâm trí
của nàng luôn phải suy nghĩ, toan tính cho hợp lý mọi chuyện. Như lúc vô
tình nghe được cuộc nói chuyện giữa Hồng Ngọc và
Trụy Nhi, không tiện ra mặt, Bảo Thoa nghĩ ra kế “ve sầu thoát xác”
nhưng trước sau vẫn cân nhắc kỹ càng: “Xưa nay những đứa gian dâm,
trộm cướp, bụng dạ đều ra trò cả! Nếu mở cửa thấy ta ở
đấy, lẽ nào chúng không hổ thẹn? Vả lại nghe tiếng hệt như tiếng con
Hồng ở phòng Bảo Ngọc, nó xưa nay vẫn to gan, không coi ai ra gì, nó là
đứa a hoàn điêu ngoa, quỷ quái bậc nhất. “Người cùng làm
phản, chó cũng nhảy qua tường”. Nay ta biết được sự xấu xa của nó, nếu
không cẩn thận, không những thêm chuyện mà ta cũng chẳng hay ho gì. Bây
giờ lánh đi không kịp, chi bằng dùng lối “kim thiền
thoát xác” mới được”. Bảo Thoa không những khôn ngoan mà còn rất
tinh mắt trong việc nhìn người. Như khi bắt chuyện lần đầu với Tập Nhân,
nàng đã có ý dè chừng: “ Đừng nên coi thường con
bé này. Nghe nó nói xem ra cũng có chút kiến thức”. Những dòng độc thoại nội tâm còn cho ta đi vào suy nghĩ của nhân vật Phượng Thư, một người “ rất phong nhã, ăn nói rất linh lợi, tâm cơ
lại rất kín đáo, sâu sắc, bọn đàn ông mấy ai bì kịp”. Đơn giản như lúc Giả Thụy giở trò ong bướm với nàng, nàng đã có suy nghĩ: “Thế mới là: Biết người biết mặt, biết lòng làm sao? Đâu lại
có hạng người chó má như thế! Nói vậy sẽ có lúc nó phải chết với ta!”.
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm nhân vật của Tào Tuyết Cần có lúc dẫn dắt
người đọc đi vào những mưu toan cá nhân nhân vật, có khi lại để cho độc
giả trôi dạt theo những dòng suy nghĩ nội tâm miên man
vô định của nhân vật.
Lâm Đại Ngọc bề ngoài mạnh mẽ, cứng cỏi nhưng thực ra bên trong nàng
là một cô gái yếu đuối, đa sầu đa cảm, hay tủi phận. Nàng có tâm hồn
lãng mạn, thích làm thơ. Chính bản tính đó của Đại Ngọc của
nên Tào Tuyết Cần đã ưu ái giành ra nhiều trang văn để mô tả những
dòng độc thoại nội tâm nàng.
Lâm Đại Ngọc thường hay ở trong tình trạng ngổn ngang, chồng chéo của
nhiều trạng thái tình cảm khác nhau. Đoạn văn miêu tả tâm lý rất hay sau
đây của Tào Tuyết Cần sẽ bộc lộ một cách rõ nét điều
đó: “Đại Ngọc nghe vậy mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương.
Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là người tri
kỷ, giờ quả thực như vậy. Sợ là: trước mắt người khác, anh
ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn
không hề e ngại tí gì. Tủi là: anh đã là người tri kỷ của tôi thì tất
nhiên tôi cũng là tri kỷ của anh. Anh với tôi đã là một đôi
tru kỷ, thì tại sao lại có chuyện “vàng với ngọc”. Mà dù có chuyện
“vàng ngọc” thì vàng ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi, chứ tại sao
lại còn có Bảo Thoa nữa? Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có
ghi lòng tạc dạ, nhưng không có ai tác thành cho ta”.
Lâm Đại Ngọc yêu một người nhưng cô phải băn khoăn, thấp thỏm, lo âu
về những tình cảm thật sự mà người ấy đã giành cho mình. Tơ lòng rối
ren, cảm xúc đan xen lẫn lộn. Thật đáng thương cho người
con gái yếu đuối Lâm Đại Ngọc.
Rõ ràng chỉ dựa vào những lời đối thoại bề ngoài thì không thể thấy
hết được tính cách và suy nghĩ của nhân vật, phải thông qua những dòng
độc thoại nội tâm thì con người nhân vật mới được bộc lộ
một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Ngòi bút của Tào Tuyết Cần khi đi vào miêu tả những dòng độc thoại nội
tâm của nhân vật rất uyển chuyển và gây ấn tượng với người đọc. Chính
ngôn ngữ này đã thổi một hơi thở mới, làm cho nhân vật
của ông không còn trơ lỳ trên trang giấy mà dường như nó cũng biết cử
động và hiện lên một cách chân thực, sống động hơn bao giờ hết trước mắt
người đọc.
Mỗi nhân vật, một cách nói chuyện, một lối suy nghĩ riêng, một sắc
thái cảm xúc khác nhau không thể lẫn vào đâu được. Họ không hoàn toàn
tốt cũng không hoàn toàn xấu, họ không phải là “ác quỷ” cũng
không hẳn là một “thiên thần”, bởi họ là những nhân vật được lấy từ
đời sống thực đưa vào trang văn. Đây chính là nét độc đáo, sáng tạo của
ngòi bút Tào Tuyết Cần so với các tác phẩm tiểu thuyết
thời bấy giờ.
Như vậy, xuyên suốt tác phẩm Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần
là ngôn ngữ nhân vật, gồm ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.
Những cuộc đối thoại biểu hiện bên ngoài gắn bó chặt
chẽ với những dòng độc thoại nội tâm. Chúng thâm nhập vào nhau, chồng
chất lên nhau theo các gốc độ khác nhau, từ đó làm toát lên cuộc đối
thoại lớn bao trùm trong toàn bộ tác phẩm.
Ngoài ngôn ngữ nhân vật thì trong tác phẩm Hồng lâu mộng ta còn bắt gặp ngôn ngữ trần thuật của tác giả. Tuy nhiên, chúng xuất hiện rất ít. Trong tác phẩm, tác giả chỉ mô tả hay thuật
chuyện hết sức gọn ghẽ với một lối văn thành thục, mang màu sắc hiện đại, gọn gãy và cũng rất trang nhã.
Qua ngôn ngữ kể đó tác giả đã làm nổi bật lên bức tranh thế sự qua lớp màn huyền thoại xen lẫn với hiện thực.
Về mặt ngôn ngữ cũng như thơ từ của các nhân vật giữa 80 hồi đầu và 40
hồi sau có khác nhau chút ít, một bên mượt mà, chải chuốt và uyển
chuyển hơn, nhưng nhìn chung phong cách ngôn ngữ toàn tác
phẩm là thống nhất, không để lại dấu vết của sự chắp vá.
Có thể ví Tào Tuyết Cần như một người thợ rèn, ông rèn đúc những con
chữ của mình một cách điêu luyện, làm chúng không hề nằm bẹp trên trang
giấy mà mỗi dòng, mỗi chữ đều có sức nóng hổi toát ra từ
cái “tâm” của tác giả. Còn nếu như ví Tào Tuyết Cần là một nghệ nhân
nghề gốm thì có thể nói ông là một người thợ tài ba bởi ông đã biết lấy
những nguyên liệu sẵn có từ mảnh đất màu mỡ của
cuộc sống để nhào nặn nên những con người đời thường rất thực, nhào
nặn ra những con chữ biết động đậy.
Thời gian – Không gian
Hồng lâu mộng là hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến
Trung Quốc đương thời, một xã hội mục ruỗng, rỗng tuếch mang dấu hiệu
của sự suy sụp và tàn lụi không xa trong tương lai.
Trong tác phẩm Hồng lâu mộng” Tào Tuyết Cần đã xây dựng nhiều cặp không gian đối lập, tương phản nhau.
Cặp không gian rộng và hẹp:
Thông qua hình ảnh ở vườn Đại Quan, trong phủ Vinh quốc và sự thăng
trầm, thịnh suy của gia tộc họ Gỉa tác giả ngầm phản ánh khoảng không
gian rộng lớn hơn đó là khung cảnh lịch sự của thời đại, sự
suy tàn của chế độ phong kiến cổ hủ, khắt khe, giáo điều.
Bên trong- bên ngoài:
Khung cảnh bên trong dãy tường bao chiếm mất nửa phố của phủ Vinh quốc
là những bữa tiệc linh đình, sa hoa của những con người giàu sang quyền
quý với gấm vóc lụa là, với vàng bạc châu báu
dựa vào sự bóc lột địa tô còn bên ngoài là tầng lớp dân đen với sự khổ
cực trên thân xác và tinh thần, cuộc sống của họ luôn phải đối mặt với
thiên nhiên khắc nghiệt với lũ lụt, với hạn hán, với
trôm cướp . . .
Khung cảnh náo nức, ồn ào với sự tĩnh lặng, cô đơn:
Đó là hình ảnh những người trong phủ tham gia tiệc tùng nơi vườn Đại
Quan với sự ồn ào, náo nhiệt, còn Lâm Đại Ngọc ở Quán Tiêu Tương mang
tâm trạng buồn man mác và những dòng suy nghĩ miên man.
Khung cảnh của sự thịnh vượng và lúc tàn lụi:
Nếu như ở phần đầu và phần giữa của tác phẩm là sự hưng thịnh của gia
tộc họ Giả với những cảnh đẹp, những bữa tiệc ồn ào, náo nhiệt thì về
cuối là một khung cảnh của sự chia li, tang thương,
hoang vắng,trầm tư.
Việc tạo ra nhiều cặp không gian mang hình ảnh trái ngược nhau chính
là một thành công trong thủ pháp nghệ thuật của tác giả, cuộc sống muôn
màu muôn vẻ, và nó là một vòng tuần hoàn nhân quả, hợp
rồi tan,có thịnh ắt sẽ có lúc suy, có tiếng cười tất sẽ có nước mắt,
có hạnh phúc tất phải có niềm đau, mọi sự vật, sự việc đều vận động và
biến đổi theo quy luật đó, không có gì là mãi mãi, không
có gì là bất biến.
Thời gian trong “Hồng lâu mộng” chủ yếu là thời gian trực
tiếp, các nhân vật được tác giả miêu tả qua cuộc sống và những sinh hoạt
hằng ngày. Hầu hết những nhân vật xuất hiện trong tác
phẩm đều chưa đi hết một vòng tuần hoàn của đời người là
“sinh-lão-bệnh-tử” nhưng thời gian thì đã đi hết vòng xoay tuần hoàn
của nó, sự hưng thịnh rồi tàn lụi của gia tộc họ Giả chính là
minh chứng rõ ràng cho điều đó. Hầu như thời gian không bị xáo trộn mà
tuôn chảy một mạch từ đầu tới cuối tác phẩm như một dòng sông phẳng
lặng tuôn ra biển Đông.
Nhìn tổng quát cả tác phẩm chúng ta thấy rằng thời gian và không gian
trong tác phẩm khá đồng điệu với nhau. Gắn với khoảng không gian hẹp
trong phủ Vinh quốc và sự thăng trầm của gia tộc họ Giả
thì có thể nói thời gian hẹp chính là cuộc đời của mỗi con người, mỗi
cá thể nhưng xét trong khoảng không gian rộng với hình ảnh xã hội phong
kiến Trung Quốc đang suy tàn thì đó lại là một
khoảng thời gian, một quá trình lâu dài, một vòng tuần hoàn đầy đủ
theo trình tự và quy luật của thời gian.
KẾT LUẬN
Tào Tuyết Cần là người đã đưa nghệ thuật sáng tác tiểu thuyết cổ điển lên đỉnh cao nhất. Tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng
có thể nói là tác phẩm mẫu mực nhất trong tiểu thuyết cổ điển Trung
Quốc.
Điều đó được thể hiện qua biệt tài xây dựng nhân vật, qua kết cấu, cốt
truyện, ngôn ngữ và cách mô tả thời gian, không gian trong truyện...
Chính vì những đóng góp to lớn đó mà ngay từ khi ra đời, Hồng Lâu Mộng
đã lôi cuốn sự chú ý của độc giả và nhà nghiên cứu. Có một thời gian,
nó bị cấm lưu hành, cho là loại
sách dâm thư, đem đốt đi... thế nhưng dù bị nguyền rủa và cấm đoán đến
đâu, tác phẩm vẫn được người ta lưu truyền rộng rãi và cho đến này đã
trở thành một trong những kiệt tác của dân tộc Trung
Quốc nói riêng và của cả thế giới nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét